Giô-đanh – Jordan – có nghĩa là “đi xuống – go down.” Dòng sông “Jordan đổ dốc” là tên gọi quen thuộc đối với người Trung Ðông. Có sông nào đi lên? “Jordan đi xuống” vì độ nghiêng đổ dồn nhanh chóng như thác lũ – từ hồ Huleh xuống hồ Galilee, cũng như từ hồ Galile xuống Biển Chết.

Jordan khởi điểm từ bốn nguồn trong núi Hermon (Hẹt-môn), vùng Bắc Xứ Thánh. Ðó là các sông Nahr Banias (chảy qua Caesarea Philippi, một địa bàn sinh động của bốn sách Phúc-âm, Ma-thi-ơ 16:13; Mác 8:27); Leddan chảy qua thành Ðan, Nahr Hasbani và Nahr Bareighit.
Thượng nguồn Jordan không có chỗ nào sâu quá 15 feet, chảy vào hồ Huleh. Gần đây chính quyền Israel dẫn nước ra cho cạn hồ để thành lập vùng bảo vệ cầm thú. Từ hồ Huleh xuôi Nam, Jordan chảy êm ả được vài dặm rồi đổ xuống một đèo cao, mang theo ít nhiều phù sa, dẫn vào Hồ Galilee (10 dặm Nam của hồ Huleh).
Lưu lượng Jordan chảy vào Hồ Galilee không nhiều so với khối lượng gia tăng đáng kể từ hồ Galilee xuôi Nam. Lý do mâu thuẫn? Hồ Galilee nhận rất nhiều mạch nước ngầm. Du lịch Xứ Thánh, thử bơi lội hồ Galilee một hồi, quý vị khám phá ngay nhiều dòng nước ấm, lạnh khác nhau – chảy quanh trong hồ.
Hồ Galilee tuyệt đẹp một phần nhờ nước trong xanh sâu thẳm (150 feet) và đồi núi hùng vĩ bao quanh – một mầu nâu lạ – chấm phá những đóm cỏ cây, đậm một màu xanh hấp dẫn.
Hồ Galilee có vài nét độc đáo. Trước hết, độ “cao” của hồ – 690 feet dưới mặt nước biển. Kế đến, địa thế lạ thường của đồi núi chung quanh – gió bão kết tụ nhanh chóng, bất thần và mức độ tàn phá có thể rất hung hãn – mặc dù hồ chỉ dài 12 dặm và ngang 8 dặm.
Từ Hồ Galilee đến Biển Chết, 65 dặm về hướng Nam, Jordan không gặp hồ nào khác, nhưng có nhiều sông con nhập vào. Gần nhất và lớn nhất là sông Yarmuk, năm dặm Ðông Nam của Hồ Galilee, tăng đôi khối lượng nước. Người Jordan chuyển một phần lớn khối nước nầy cho nhà máy điện nước và chương trình dẫn thủy nhập điền của họ. Bờ Nam sông Yarmuk là thành Ga-đa-ra (Gadara) của vùng Decapolis (Mười Thành trong bốn sách Phúc-âm).
Bốn dặm về phía Nam của Yarmuk, sông Wadi Bira đổ thêm nước vào Jordan, mà nguồn chính là núi Tabor. Kế đến là Nahal Harod, phía Tây Jordan, nổi tiếng vì Gideon và đoàn quân đông đảo uống nước (Các Quan Xét 7).
Bốn mươi dặm về phía Nam của Hồ Galilee là rạch Jabbok, địa danh quen thuộc trong Thánh Kinh, gần thành Ađam, nơi phép lạ sông Giô-đanh ngừng chảy để Giô-suê và dân Israel vượt sông tiến về Ðất Hứa (Giô-suê 3:16).
Giô-đanh uốn dài 250 dặm từ Bắc xuống Nam và chấm dứt hành trình ở cửa Biển Chết (chỉ dài 120 dặm nếu đi thẳng). Ðây là điểm thấp nhất của Jordan, 1290 feet dưới mặt nước biển. Biển Chết là một trong những hồ có độ “cao” thấp nhất trên thế giới.
Biển Chết không có lối thoát nào ngoài việc bốc hơi. Một ngàn năm qua, khối lượng các khoáng chất tăng lên 20%. Ðộ mặn rất cao. Người Ả-rập gọi là Biển Lót – the “Sea of Lot” vì muối quá nhiều, trắng xóa cả đáy hồ.
Jordan có những điểm độc đáo ít sông nào so bì. Là sông có độ “cao” thấp nhất. Hai bờ sông thu hút dân cư sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Ðược ba tôn giáo xem là “sông thiêng.” Mặc dầu không lớn lắm nhưng nổi danh, chuyên chở nhiều nét lịch sử lừng lẫy, là nguồn văn thơ trữ trình, được chú tâm, tranh chấp, chụp hình, quay phim…
THỜI CỰU ƯỚC. Sông Jordan là ranh giới thiên nhiên chia cắt Ðông Tây. Mặc dầu sông không lớn và không sâu lắm, vùng đồng bằng Jordan là một ranh giới lợi hại. Khí hậu nóng, nước nhiều, thuận lợi cho thú rừng, kể cả trâu nước và voi.
Sáng Thế Ký 13 ghi lại câu chuyện Lót dành phần đất tốt phía Ðông Jordan vì mầu mỡ, nước chan hòa. Su-cốt nằm ngay trong vùng nầy, nơi vua Solomon cho đúc các bình đất sét để dùng trong Ðền Thờ (2 Sử ký 4:17).
Ðây cũng là nơi Gia-cốp cầu nguyện trên đường trở về quê hương, sau thời gian “tị nạn” nơi nhà cậu La-ban. Gia-cốp cầu nguyện khẩn thiết khi nghe tin Ê-sau, anh mình đang đem một lực lượng 400 người đến đón.
Ðề phòng mọi bất trắc, Gia-cốp chia gia nhân làm hai toán, mỗi toán coi sóc một nửa súc vật. Ông tự bảo: “Nếu anh ta tiến công toán nầy, toán kia có thể chạy thoát.”
Gia-cốp thưa với Chúa: “Chúa bảo con trở về quê hương, sống với bà con thân thích. Ta sẽ hậu đãi con! Thật ra, con chẳng xứng đáng gì nhưng Chúa đã thương xót và giữ đúng tất cả những lời Ngài hứa. Khi con ra đi – ngoài cây gậy – chỉ có hai bàn tay trắng mà nay con có hai đoàn người với bao nhiêu tài sản” (Sáng thế ký 32:10).
Gia-cốp van xin Chúa giải thoát khỏi tay Ê-sau, vì sợ Ê-sau đánh giết mình cùng với vợ con. Tối hôm ấy, Gia-cốp chọn các món quà để biếu Ê-sau: 200 dê cái, 20 dê đực, 200 chiên cái, 20 chiên đực, 30 lạc đà cái và một đàn lạc đà con, 40 bò cái, 10 bò đực, 20 lừa cái và 10 lừa đực.
Giô-đanh đi vào lịch sử ở một thời điểm nổi bật khác của dân Israel – sau 40 năm lưu lạc trong sa mạc và trước khi tiến chiếm Ðất Hứa. Họ đóng trại trong đồng bằng Mô-áp, bên bờ Ðông, đối ngang Jericho (Dân số ký 22:1).
Theo quy định của việc chia đất, Giô-đanh là ranh giới thiên nhiên giữa một số chi tộc. Ma-na-se có ranh giới dài nhất dọc sông Jordan, một nửa Ma-na-se bên bờ Ðông, một nửa Ma-na-se bên bờ Tây – từ Hồ Galilee xuống tận Jericho.
Lãnh thổ Nép-ta-li chạy từ phía Nam của Hồ Galilee lên đến tận nguồn sông Jordan. Bên-gia-min và Giu-đa tiếp cận với Jordan bên bờ Tây. Ru-bên và Gát bên bờ Ðông (Dân số ký 32 và 34; Giô-suê 13–19).
Biến cố lịch sử thiên thượng và hào hùng nhất được ghi trong Giô-suê 3:14-17 – toàn dân Israel vượt Jordan tiến vào Ðất Hứa. Chi tiết nổi bật ở điểm nghịch lý nầy: Giô-suê ra lịnh sang sông đúng lúc bất lợi nhất – ngay giữa mùa gặt, lúc nước sông tràn lên khắp bờ. Có lẽ Giô-suê lầm lẫn trong việc chọn người dẫn đầu: các thầy tế lễ?
Giô-suê lại bảo họ khiêng Rương Giao-Ước. Thật là liều lĩnh, thiếu khôn ngoan. Nhưng xin quý vị đừng kết luận quá sớm! Bước chân các thầy tế lễ khiêng Rương Giao-Ước vừa giẫm vào nước, nước từ nguồn đổ xuống ngưng lại, dồn lên cao! Khúc sông bị nước dồn lên như thế trải dài về phía mạn ngược đến tận Adam. Nước sông phía biển cứ tiếp tục chảy xuống Biển Chết, lòng sông bắt đầu cạn ráo. Toàn dân đi qua, và trước mặt họ sừng sững thành Jericho.
Phép lạ sông Giô-đanh được ghi lại vắn tắt trong Thi Thiên 114:3: “Dòng sông Giô-đanh rút lui.” Tạ ơn Chúa về những bước chân đức tin vững chắc của các thầy tế lễ, của Giô-suê và toàn dân. Tạ ơn Chúa về đức thành tín đời đời vững chắc của Ngài.
Sông Giô-Ðanh Lịch Sử! Ngoài lần vượt sông lịch sử ngoạn mục nầy, còn có những lần vượt sông khác. Thời Các Quan Xét, khoảng 42,000 người Ép-ra-im vượt sông, bị dân Ga-la-át, dưới sự lãnh đạo của Giép-thê, giết chết (Các Quan Xét 12:6).
Áp-sa-lôm kéo đại quân Israel qua sông Giô-đanh vượt đuổi vua cha David (2 Sa-mu-ên 17:24). Nhưng sau đó quân David đánh bại quân Israel. Áp-sa-lôm cỡi một con la. Con la đâm đầu chạy dưới những cành chằng chịt của một cây sồi lớn, tóc Áp-sa-lôm vướng vào cành; con la tiếp tục chạy và ông bị treo chơi vơi giữa đất trời. Áp-sa-lôm bị đâm ba mũi giáo và bị đánh chết ngay tại đó.
Tiên tri Ê-li vượt sông Jordan chạy về hướng Ðông, trốn vua A-háp (1 Các Vua 17:3, 5). Ông ẩn mình tại suối Kê-rít, uống nước suối, ăn bánh và thịt do chim quạ Chúa sai đến.
Sông Giô-đanh là nơi tiên tri Ê-li-sê làm phép lạ, chữa lành bịnh phung cho tướng Na-a-man của Sy-ri. Ê-li-sê không tiếp tướng Na-a-man, chỉ cho người ra cổng bảo Na-a-man: “Xuống sông Giô-đanh tắm bảy lần thì các vết phung sẽ lành” (2 Các Vua 5:10).
THỜI TÂN ƯỚC. Sông Giô-đanh là một địa điểm Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ. Giăng Báp-tít làm phép báp-tem cho Chúa tại đây và Chúa Thánh Linh đến với Ngài như bồ câu (Mác 3:13-17).
Vì để tránh đi ngang vùng Sa-ma-ri, Chúa Giê-xu cũng như dân Na-xa-rét và dân Ga-li-lê thường vượt sông Giô-đanh, qua bờ Ðông, đi bộ xuống miền Nam rồi vượt sông Giô-đanh, trở lại bờ Tây, đi ngang Jericho để lên Jerusalem.
Chúa Giê-xu và các môn đồ ở gần nguồn sông Giô-đanh, vùng Sê-xa-rê Phi-líp khi Phi-e-rơ xưng nhận Ngài là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời hằng sống (Ma-thi-ơ 16:13).
THỜI CẬN ÐẠI. Sau thế chiến thứ I, sông Giô-đanh trở thành một biên giới chính trị. Theo quyết định của Anh Quốc và Liên Hiệp Quốc năm 1947 và 1948, sông Jordan trở thành biên giới quốc tế giữa Israel và Jordan.
Sau cuộc chiến sáu ngày năm 1967, sông Jordan trở thành lằn ranh ngưng chiến giữa Israel và Jordan – từ Hồ Galilee xuống Biển Chết. Mặc dầu nhỏ về kích thước, sông Jordan chiếm một tầm vóc lớn trên bình diện chính trị quốc tế.
Người ta thường nói, sông Jordan là hình ảnh của một đời người. Bắt đầu nhỏ bé, trẻ trung nơi nguồn núi Hẹt-môn phương Bắc. Jordan đến tuổi trưởng thành về tầm vóc và sức mạnh tại Hồ Galilee. Cuối cùng Biển Chết là nấm mồ thiên nhiên chôn vùi tất cả.
Trên bờ sông Giô-đanh nầy, tiên tri Ê-li-sê và đám học trò đốn cây để xây cất một trường Kinh Thánh lớn hơn (2 Các Vua 6:1-7). Ðang đốn, lưỡi rìu của một sinh viên sút cán văng xuống nước. Anh ta hoảng hồn la lên, “Thầy ơi, rìu nầy con mượn!” Rìu mượn! Người phục vụ Chúa nghèo quá, không sắm nổi đồ nghề!
Thách thức, khó khăn có đấy nhưng Ðức Chúa Trời ở đó, và Ngài làm phép lạ. Chúa can thiệp hết sức nhiệm mầu. Ê-li-sê chặt một khúc cây, ném xuống nước, lưỡi rìu nổi lên. Ha-lê-lu-gia, tạ ơn Chúa! Nhưng xin Anh, Chị đừng ném đồng hồ vàng, nhẫn hột xoàn xuống sông Giô-đanh – thử làm phép lạ trong chuyến hành hương tháng 10, 2009 nầy! Xin đem dâng hiến cho một trường Kinh Thánh, hoặc giúp một vài sinh viên Thần Học.
Không thách thức nào quá lớn cho Ðức Chúa Trời toàn năng. Không sông Giô-đanh nào quá sâu, quá rộng, quá khó cho Ngài. Cần người, Chúa sẽ đưa người đến. Cần tiền, Chúa sẽ ban cho. Hết lòng phục vụ là công việc của chúng ta, phép lạ là công việc của Ðức Chúa Trời.
Các ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa luôn nỗ lực vận động tranh cử để làm dân biểu, nghị sĩ. Mỗi lần thắng cử, họ cầm quyền được mấy năm? Bốn năm, 6 năm! Chúng ta có đang hăng say vận động người Việt cho Chúa? Khi một người tiếp nhận Chúa Cứu Thế, họ được cứu bao lâu? Ðời đời!
Họ là đối tượng yêu thương của Cứu Chúa chúng ta. Ngài đến để tìm và cứu mọi dân tộc. Chúng ta có hết lòng cùng nhau làm việc với Chúa? Ngài sẽ biến cộng đồng Việt nam thành Hội thánh của Ðức Chúa Trời.
Khi mất chìa khóa xe, tôi đi tìm liền, lục lạo phòng khách, phòng ngủ, tủ áo quần. Nhưng khi mất một chiếc vớ cũ, tôi không bận tâm. Giá trị của cái gì mình mất xác định mức độ nghiêm trọng của công tác tìm kiếm, phải không?
Chúa nói gì trong Lu-ca 15:7? “Giá trị của một người Việt nam lạc mất cao quý lắm. Chính Ta xả thân trên cây thập tự vì họ. Ta tha thiết với linh hồn họ. Ta đến để tìm và cứu họ.”
Mười Ngày Bước Theo Chân Chúa Jesus TRÊN ÐẤT THÁNH tháng Mười, năm 2010 nầy – xin Chúa giúp chúng ta hâm nóng quyết tâm tôn thờ, phục vụ Chúa và làm nhân chứng cho Chúa – mạnh mẽ, vững tin như tuyển dân năm xưa.
Sông Giô-đanh Lịch Sử để lại Quý Vị và tôi một lời thách thức. Dấn thân, bước chân xuống nước – cho dầu sông Giô-đanh cuồng sôi như thác lũ. Chúa sẽ làm phép lạ. Phép lạ là việc của Chúa. Phục vụ là việc của Anh, Chị và tôi. Amen.
[email protected]