Viếng Thăm Đất Thánh với Ms Hồ Xuân Phước
Bết-san (Beit She’an) là địa danh của những thời chiến sôi động trên Ðất Thánh. Vua Sau-lơ bị trọng thương vì trúng tên trên núi Ghinh-bô-a, cạnh thành Bết-san. Ðể khỏi bị quân thù bắt sống, Sau-lơ chọn ngã chết trên gươm mình. Người Phi-li-tin cắt đầu vua, treo xác người và ba con trai người trên tường thành Bết-san. Họ phô trương chiến lợi phẩm trong đền Át-tạt-tê để sỉ nhục dân thánh (I Sa-mu-ên 31).
Thời đế quốc La-mã, Bết-san là một trong Mười Thành (Decapolis) hưng thịnh. Thời Byzantine, Bết-san là thủ đô của người Palestines. Suốt nhiều thế kỷ, Bết-san là cộng đồng của những người nhiệt tình theo Chúa Cứu Thế Jesus – cho đến thế kỷ thứ bảy, khi người Ả-rập càn quét, chiếm giữ. Thế kỷ thứ tám, Bết-san bị chôn vùi trong một trận động đất dữ dội.
Quân đội hoàng gia Anh tiến chiếm Bết-san năm 1918. Thời gian nầy người Do Thái lưu vong từ các quốc gia Ả-rập Hồi giáo trở về xây dựng lại Bết-san. Bết-san Sôi Động lại đổi chủ. Các năm 1936-1939, Bết-san là tổng hành dinh của lực lượng kháng chiến Ả-rập. Dân quân Ả-rập liên tục tấn công các cộng đồng Do Thái. Trong cuộc chiến dành độc lập năm 1948, quân đội Do Thái tiến chiếm Bết-san, khám phá thành đã bị dân quân Ả-rập “di tản chiến thuật” – để lại vườn không, nhà trống.
Ngày nay, tên vua Sau-lơ được đặt cho đường phố chính của Bết-san. Bết-san là một trong những địa điểm khảo cổ nổi bật nhất trên Ðất Thánh. Đây, hý trường La-mã đồ sộ – 8000 chỗ ngồi! Đây, đại lộ lót đá theo kiến trúc Rô-ma, Byzantine hoành tráng, bên cạnh những hàng cột trụ đá ngạo nghễ. Nhà hội, thánh đường, nghĩa trang và chủng viện nằm rải rác Bết-san cổ kính. Bết-san nằm trong đồng bằng sông Giô-đanh, 15 dặm nam của Hồ Ga-li-lê và bốn dặm về phía tây của sông Giô-đanh. Khi quân Phi-li-tin đánh bại người Y-sơ-ra-ên tại núi Ghinh-bô-a, Bết-san là một thành của người Phi-li-tin. Thời Vua Ða-vít, Bết-san đã thành lãnh thổ của vương quốc Israel thống nhất, và nằm trong khu vực hành chánh của vùng Ba-na-a, thời Sa-lô-môn (I Các Vua 4:12).
Gần như bị lãng quên từ thời lưu đày Ba-by-lôn đến lúc La-mã chiếm đóng, Bết-san trở nên một trong Mười Thành huy hoàng, phồn thịnh (Ma-thi-ơ 4:24; Mác 7:31). Bết-san là thành duy nhất của Mười Thành bên bờ tây sông Giô-đanh và là một trung tâm thương mại quốc tế – chuyên sản xuất vải vóc, tơ sợi lừng danh.
Beit She’an có những Kibbutz trù phú – cộng đồng định cư của các tổ hợp nông trại Israel tiền phong. Nông dân già trẻ, nam nữ – tay cầm cày, tay cầm súng chiến đấu và xây dựng – với tinh thần hiệp nhất, dũng cảm, hào hùng, mẫu mực. Họ sống tập thể – gắn bó, bền gan cho một tiếng gọi cao cả – cao hơn chính mình, lớn hơn chính mình. Họ tận hiến, hy sinh, quên mình. Họ tưới đất cát, sỏi đá khô cằn bằng tay chai, lưng còng, bằng mồ hôi và nước mắt. Cá nhân, vợ chồng, gia đình nhiệt tình xây dựng cộng đồng, và quê hương. Họ xây dựng một Đất Hứa đã bị xoá bỏ trên bản đồ thế giới gần 2000 năm.
Đêm đen và quân thù hung hãn rình rập chung quanh từng ngày. Nhưng sau đêm đen, trời lại sáng. Hy vọng vươn lên với ánh mặt trời rạng rỡ. Thiên Chúa là Mặt Trời Công Nghĩa, đời đời thành tín. Niềm tin nơi Thiên Chúa thành tín không thể chuyển lay – dù cảnh đời ngang trái, nghiệt ngã. Họ nằm xuống – để con cháu vùng lên. Họ chết để tuyển dân sống còn, hưng thịnh. Họ hy sinh để mồ hôi, xương máu bồi đắp Đất Hứa. Họ chịu khổ để con cháu sống còn. Họ còng lưng để dẫn nước vào nông trại, để sa mạc trổ bông hồng, để thế hệ trẻ thẳng người đứng lên – như rừng thông xanh hò reo giữa trời hạnh phúc.
Họ sống để con cháu sống còn. Họ sống, để lót nền – xây dựng một ngày mai tươi sáng. Họ chết – thấy rõ ánh sáng ở cuối đường hầm. Hy vọng thật sự đã vươn lên rạng rỡ trên Bết-san của một thời sôi động. Các kibbutz tuyến đầu và các tháp canh chiến lược Beit She’an được xem là những cộng đồng và tháp canh lịch sử, kiểu mẫu, oai hùng từ thập niên 1930. Đất Hứa là đây. Đất Thánh là đây.
Dân số ước chừng 18,200 người mà 99% là người Israel (năm 2018). Kỹ nghệ chính của Bết-san là bông gòn, vải và quần áo. Bết-san hiện nay có mười trường tiểu học với 2008 học sinh và mười trường trung học với 1801 học sinh. Beit She’an là một trung tâm du lịch lịch sử, thu hút – bên cạnh bài học tâm linh giá trị tuyệt vời.
Người Phi-li-tin có tiếng dã man trong việc hành hại tù binh. Làm sao Sau-lơ quên được việc Sam-sôn bị móc mắt, xiềng bằng xích đồng, xay cối trong ngục tối (Các Quan Xét 16)? Vì người lính hầu cận không chịu đâm Sau-lơ chết theo lịnh vua, Sau-lơ tự kết liễu đời mình trên gươm của mình. Sau-lơ cao lớn, đẹp trai, mạnh mẽ, giàu có và quyền thế, nhưng không phải là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Trong mắt Chúa, ông là người nhỏ bé, tầm thường và yếu đuối trong đức tin.
Người vác binh khí của Sau-lơ đứng trước một tình thế “tiến thoái lưỡng nan.” Không giết vua, anh nghịch lịnh vua mà mình có bổn phận triệt để tuân hành. Nhưng đâm vua chết, lại mang tội giết người – anh quyết định “án binh bất động.”
Anh, Chị và tôi hành động thế nào khi phải chọn lựa trong những hoàn cảnh khó xử? Sau-lơ đối diện với cái chết và cuộc sống như nhau – tự quyết định theo đường lối mình mà không cầu hỏi ý Chúa. Sau-lơ theo Chúa như thế nào? “Tiền hậu bất nhất,” theo ý riêng thay vì theo lòng Chúa. Anh, Chị và tôi chọn đường nào?
“Con nguyện theo ý Cha, vâng phục luôn luôn. Cha là Thợ Gốm Thiêng, đất sét là con.
Con nguyện theo ý Cha, xin Ngài nung đúc. Con chỉ biết yên lặng, đợi chờ, vâng phục. Con nguyện theo ý Cha, vâng phục luôn luôn. Xin Ngài tra xét con, thử con, rèn con.
Tâm nầy xin tẩy thanh, tinh sạch hơn tuyết. Con cúi dưới chân Ngài, khiêm nhường chân thật.” Amen. “Theo Ý Cha”
Mục sư Hồ Xuân Phước