Không một khách hành hương nào đến xứ Thánh mà không được các hướng dẫn viên hướng dẫn đi qua Con Đường Khổ Nạn (Via Dolorosa) vì hầu hết các tín hữu Tin Lành, Công Giáo, Chính Thống đều biết những chặng đường Chúa Giê-su phải đi qua trước khi Ngài chịu chết.
Hầu hết các Hội Thánh còn tổ chức các hoạt cảnh trong dịp Phục Sanh để nhớ đến những khổ nạn mà Chúa Giê-su phải chịu. Thường tại các nhà thờ Con Đường Khổ Nạn (Via Dolorosa) được mô tả như Các Chặng Đường của Thập Tự Giá (Stations of the Cross), Con Đường Thập Tự (Way of the Cross), hoặc Đường Thương Đau (Way of Sorrows) hoặc đơn giản là Con Đường (The Way). Đây là cách Giáo Hội tưởng nhớ đến những giờ cuối của đời Chúa Giê-su. Có 14 chặng đường và mỗi chặng đường được ghi lại bởi một bảng khắc hoặc mô tả sự đau khổ của Chúa Giê-su:
Theo truyền thuyết có 14 chặng đường sau:
Chúa Giê-su bị lên án tử hình.
Chúa Giê-su được giao mang thập tự.
Chúa Giê-su vấp lần thứ nhất.
Chúa Giê-su đối diện với mẹ mình.
Si-môn người Cy-rên mang thập tự thay Chúa.
Veronica lau mặt Chúa.
Chúa Giê-su vấp lần thứ hai
Chúa Giê-su gặp các con gái của Thành Giê-ru-sa-lem.
Chúa Giê-su vấp lần thứ ba.
Lính canh cởi áo của Chúa.
Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá.
Chúa Giê-su chết trên thập tự giá.
Thân thể Chúa Giê-su được đem xuống từ thập tự giá (deposition or lamentation).
Xác Chúa Giê-su được đặt trong mộ.
Dầu không có trong truyền thống của các chặng đường, song sự Phục Sanh của Chúa Giê-su được kể như là chặng đường thứ 15.
Trừ 5 chặng đường 3, 4, 6, 7 và 9, những chặng đường khác được các sách Phúc Âm xác nhận là thật.
Trong chặng đường thứ 13, thân thể Chúa Giê-su được đem xuống từ thập tự giá có ghi lại trong sách Phúc Âm. Phúc Âm Giăng 19:38-42 ghi lại là Giô-sép người làng A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem đã xin xác Chúa Giê-su về và tẩm liệm rồi chôn. Trong thời Trung Cổ còn có truyền thuyết là Ma-ri mẹ Chúa Giê-su xỉu khi thấy Chúa Giê-xu chết. Ba bà Ma-ri khác được nhắc trong Kinh Thánh là Ma-ri Ma-đa-lê-na và Ma-ri Sa-lôm (Mary Salome) mẹ của Gia-cơ và Giăng, và Ma-ri Cô-lê-ô-ba (Cleopas). Truyền thuyết còn ghi lại là bà Ma-ri bồng xác Chúa Giê-su và truyền thuyết này được mô tả trong bức tượng nổi tiếng của Micheangelo, St. Peter’s Pietà (1499) và nhiều bức tranh và tượng khác.
Con Đường Khổ Nạn tại Jerusalem bắt đầu tại Cổng Sư Tử (Lion’s Gate) còn gọi cổng Ê-tiên (St. Stephen’s gate) gần trường Tiểu Học Umariya, và Antonia Fortress và dần về hướng Tây cho đến Giáo Đường Mộ Thánh (The Church of the Holy Sepulchre).
Gần đây để có thể giúp cho các tín hữu Công Giáo có một kinh nghiệm qua Con Đường Khổ Nạn theo đúng Kinh Thánh. Giáo Hoàng John Paul II đã đưa ra 14 chặng đường mới gọi là Con Đường Thập Tự Theo Thánh Kinh (Scriptural Way of the Cross) vào ngày Lễ Thương Khó năm 1991. Ngài cử hành lễ theo 14 chặng đường này tại Colosseum tại La Mã, và Giáo Hoàng Benedict VXI đã ấn định các chặng đường này cho các buổi lễ công cộng.
Chúa Giê-su tại vườn Ghết-sê-ma-nê.
Giu-đa phản Chúa và Chúa bị bắt.
Giáo Hội Nghị (Sandedrin) lên án Chúa.
Phi-e-rơ chối Chúa.
Phi-lát kết án Chúa.
Chúa Giê-su bị đánh và đội mũ gai.
Chúa Giê-su mang thập tự
Si-mon giúp Chúa mang thập tự.
Chúa Giê-su gặp các đàn bà của Thành Giê-ru-sa-lem.
Chúa Giê-su bị đóng đinh.
Chúa Giê-su hứa thiên đàng cho người ăn cướp.
Chúa Giê-su ký thác bà Ma-ry cho Giăng.
Chúa Giê-su chết trên thập tự.
Chúa Giê-su được chôn trong mộ.
Tại Giê-ru-sa-lem mỗi chiều thứ Sáu đều có các cuộc diễn hành mô tả sự đau khổ của Chúa Giê-su qua các chặng đường của Via Dolorosa do các cha Dòng Phan-xi-cô tổ chức.
Hầu hết tại các nước Cơ Đốc các cuộc diễn hành hay trình diễn về các chặng đường khổ nạn của Chúa Giê-su cũng được tổ chức vào ngày thứ Sáu Thương Khó (Good Friday) trong mùa Phục Sanh.
Cũng nên nhớ là tại Giê-ru-sa-lem các chặng đường được đánh dấu bởi các nhà thờ như:
– Church of the Condemnation (Nhà Thờ lên án)
– Church of the Flagellation (Nhà thờ đánh đập)
– Church of Ecco Homo (Nhà thờ Ecco Homo (Hãy nhìn người này)
– Church of the Holy Sepulchre (Giáo Đường Mộ Thánh)
Điều đặc biệt của Giáo Đường Mộ Thánh một nơi Thánh được quản trị bởi 6 Giáo Hội:
Công Giáo La Mã (Roman Catholic)
Chính Thống Hy Lạp (Greek Orthodox)
Chính Thống Armenia (Armenian Orthodox)
Chính Thống Syria (Syrian Orthodox)
Chính Thống Cóp-tíc Ai Cập (Coptic Orthodox)
Chính Thống Ê-thi-ô-pi (Ethiopian Orthodox).
Nhưng Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Armenia có nhiều quyền lợi hơn. Dầu vậy từ năm 1192 nhà lãnh đạo Hồi Giáo Saladin đã trao quyền kiểm soát cửa ra vào Giáo Đường cho hai gia đình Hồi Giáo. Gia đình Joudeh được giao cho chìa khóa mở cửa, và gia đình Nusseibeh được giao cho nhiệm vụ giữ cửa. Mỗi ngày hai lần nhân viên của gia đình Joudeh đem chìa khóa ra cho nhân viên gia đình Nusseibeh, người này chịu trách nhiệm mở khóa và đóng khóa cửa ra vào của Giáo Đường này.
Mục sư Nguyễn Xuân Đức