PHẦN 34

CỘNG ĐỒNG CƠ-ĐỐC NGÀY NAY

Giữa những biến đổi của thế kỷ 19 và 20, Cơ-Đốc Giáo phát triển nhanh tuy phải đương đầu với sự thách đố của các triết lý quá thiên về vật chất và về đời sống hiện tại. Nhiều phong trào truyền giáo đã được tung ra để rao truyền sứ điệp của Chúa đến mọi nơi trên thế giới. Cơ-Đốc Giáo đã thành lập được nhiều Hội Thánh then chốt mới, đã dịch Kinh Thánh ra gần 2000 thứ tiếng và thổ ngữ, đã nghiên cứu lại những tín điều căn bản, đã nhìn sâu hơn vào lời Chúa dã làm cho lễ thờ phượng phong phú hơn, đã cố gắng sửa sai và đi tiên phong trong nhiều dịch vụ nhân đạo. Vô số các thành tựu khác nhau đó của cộng đồng Cơ Đốc là do lòng hiến dâng và sự hi sinh không hề ngưng cuả vô vàn Cơ-Đốc Nhân. Câu chuyện Cơ-Đốc Giáo vẫn ‘mạnh tiến qua giông tố; trongnhững năm này, là câu chuyện của nhiều dân tộc trong nhiều quốc gia, hẳn bao nhiêu pho sách cũng còn chưa đủ chép.
Giáo thuyết Tin Lành đã khuyến khích tự do tín ngưỡng lại vừa là con đường cho sự phát triển, nên tiềm tàng có khuynh hướng thành lập nhiều Hội thánh mới. Ví dụ, những người trong Hội Thánh Hội Chúng (Congregationalist) không tin giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời, đi ra thành lập một nhóm mới, vào khoảng năm 1815 lấy danh hiệu là Unitarian. Trong số người lãnh đạo của nhóm này, có Ralph Waldo Emerson nhà luận thuyết, triết gia và thi sĩ nổi danh. Vào đầu thế kỷ 19, Thomas và Alexander Campbell cùng một số người khác rao truyền một Tin Lành đơn sơ, mộc mạc, họ ước mong tất cả các tín đồ đều trở về sự đơn sơ mộc mạc ấy, để chấm dứt mọi chia rẽ phe phái, nhưng chính những người theo họ sau cùng tách ra khỏi để lập Hội thánh ‘Môn đồ Đấng Christ’ (Disciples of Christ) nay gọi là Giáo Hội Cơ-Đốc (Christian Church).
Còn những tổ chức khác cũng bắt nguồn từ đức tin Cơ-Đốc, dầu không là chính thống, chúng ta cũng nên nhắc đến ở đây: Nhóm Mormon, do Joseph Smith thành lập năm 1830 ; nhóm Christian Scientist, do Mary Baker Eddy thành lập năm 1879, nhóm Nhân Chứng cho Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses) thành lập năm 1931. Những nhóm khác theo đúng tinh thần của Phúc âm là nhóm Ngũ Tuần (Assemblies of God), một nhóm có nhiều tinh thần truyền giáo thành lập năm 1914, và nhiều nhóm khác ảnh hưởng đến đời sống tại Mỹ như Hội Phước Am Liên Hiệp (Christian & Missionary Alliance) Hội Na-xa-rin (Church of the Nazarene)
Vì quá nhiều khối tôn giáo nên nhiều Cơ-Đốc Nhân và những người lãnh đạo lấy làm chán nản không biết tương lai đi về đâu. Nhớ đến lời Chúa dạy Hội Thánh là ‘một bầy chiên, một người chăn’ (GiGa 10:16), những người lãnh đạo bắt đầu tiến từ phân rẽ đến cộng tác và hiệp một. Tại Hoa Kỳ, nước đầu tiên vào năm 1905 có 30 Hội Thánh thỏa thuận lập nên một số cơ quan để phối hợp hoạt động. Đến giữa thế kỷ 20, cơ quan này thành Hội Đồng Quốc Gia các Hội Thánh Đấng Christ tại Hoa Kỳ (National Council of the Churches of Christ in the U.S.A) bao gồm khoảng 33 danh hiệu của Tin Lành vừa chính thống Đông Phương tổng cộng hơn 40 triệu tín đồ. Tại Pháp, Thụy Sĩ , Anh và Gia Nã Đại, người ta cũng tổ chức các cơ quan tương tự. Phong trào hợp nhất cứ tiếp tục, tránh được sự chia rẽ do giáo thuyết dị biệt trong cùng một danh hiệu, và nhiều Hội Thánh đã từng tách rời nay lại hiệp một lại. Từ 1925 đến 1965 trên khắp thế giới có 37 tổ chức liên hiệp mới xuất hiện, bao gồm những 124 Hội Thánh trước đó đứng riêng rẽ.
Ở cấp bậc cao hơn, phong trào Cơ-Đốc nói chung đã tới một khúc quanh khi 150 tổ chức Tin Lành, Anh giáo, Và Chính thống từ 44 nước đã họp tại Amsterdam năm 1948 để chính thức thành lập Hội Đồng Các Hội Thánh thế giới (World Council of Churches). Ba mươi năm sau số hội viên gia nhập đã gia tăng lên đến hơn 200. Hội thánh Công Giáo La Mã đã bắt đầu nối liên lạc với các Hội Thánh khác sau khi Hội Đồng Vatican II (1962 – 1965) ban hành sắc lệnh khuyến khích người Công Giáo cộng tác với những ‘Hội thánh và cộng đồng phân cách’ đứng ngoài Hội Thánh La Mã’. Giáo hoàng John 23 (1958 – 1963) tuy chỉ giữ chức vụ có 5 năm nhưng đã mở lòng nghênh đón những Hôi Thánh Chính Thống Miền Đông từ lâu đời phân cách. Giáo Hoàng John nhớ đến chuyện Giô sép và những người anh đã trở nên xa lạ của Giô sép, đón chào vị thủ lãnh của Hội Thánh chính thống Hy Lạp bằng mấy tiếng đầy ý nghĩa ‘Tôi là John, người em của các anh’.
Trải qua 20 thế kỷ, như chúng ta đã thấy, Hội Thánh đã từng tiến bước trong giông tố cũng như dưới ánh nắng quang đãng. Cộng đồng thánh của dân Chúa mỗi thời đại vẫn lớn mạnh nhờ đức tin và đời sống thuộc linh sâu đậm của mỗi tín dồ, những người này dù có lúc đã thất bại có lúc đã xử sự như kẻ thù, và dù bản chất con người nhiều lúc yếu đuối, nhưng họ vẫn tiêp tục tiến tới đúng như lời Cyrill F. Garbett vị Tổng Giám Mục tại York mới đây đã viết : ‘Hội Thánh là một đoàn quân tiến giữa lòng đất địch, không phải là nơi nghỉ cho người mệt mỏi’
Tại mặt trận nào Hội thánh cũng phải đương đầu với các mẫu mực vật chất và những giá trị mau t hay đổi. Dần dần những chân lý Cơ-Đốc cũng bị nghi ngờ khiến cho sự hầu việc của Hội Thánh để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân loại càng khó khăn. Dầu vậy sứ điệp của Cơ-Đốc Giáo vẫn mãi là một sinh lực thâm nhập và thắng hơn trong nền văn minh của chúng ta. Mỗi thế hệ mới, phấn đấu với những khốn khó của đời người, bất mãn với tình trạng sống chỉ là hiện hữu mà thôi, khao khát nhân đạo, tự do, hòa bình và niềm vui. Con người vẫn tự hỏi: ‘Tại sao tôi sống? Ý nghĩa đời sống của tôi là g? Từ xưa đã có lời “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi’ (PhuDnl 8:3; Mat Mt 4:4). Ngày nay cộng đồng dân Chúa rải khắp thế giới, cộng đồng của tình thương rao truyền một Phúc Am, một sứ điệp đã liên tiếp giải phóng mọi người nam nữ khỏi ràng buộc nô lệ của tội lỗi và đem họ vào sự sống hoàn toàn đổi mới. Lời hứa của Chúa vẫn vững bền: ‘Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta ‘(GiGa 12:32)
Chuyển ngữ
Xong ngày 14 tháng 1, 1986
10 giờ tối
Fountain Valley, CA 92708
Nguyễn Xuân Cảnh