PHẦN 33
CƠ-ĐỐC GIÁO VÀ MỸ CHÂU
Trưóc hết Cơ-Đốc Giáo đến Tân Thế Giới vào thế kỷ 16 do những người Tây ban Nha đi chinh phục Trung Mỹ và Nam Mỹ Châu. Theo đó có rất nhièu giáo sĩ Franciscan, Dominican và Jesuit đến thành lập những hệ thống truyền giáo để kêu gọi dân địa phương. Năm 1551 và 1553 những giáo sĩ này mở hai trường lớn nhất tại Tân Thế Giới : Đại học San Marcos thành phố Lima, thuộc Peru và Đại học Mexico.
Năm 1604, Pierre de Monts, người Pháp thành lập nhóm Tin Lành Huguenot đầu tiên tại Gia Nã Đại. Sau đó những người Công Giáo Pháp đến dưói sự hướng dẫn của Giám Mục đầu tiên, Francis de Laval, ở Québec, Hội Thánh Công giáo La Mã trở nên một sinh lực trong khối dân định cư này. Hồi đó, tiểu thuyết gia Willa Cather viết chuyện Bóng Người Trên Đá (Shadows on the Rock) và trong truyện đó Giám mục De Laval là nhân vật chính.
Các nhóm dân khác từ Au Châu đến Mỹ Châu định cư phần lớn là vì họ bị bắt bớ bởi đức tin của họ. Dĩ nhiên cũng có nhiều người đến vì lý do chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng hầu như mỗi giáo phái đã xuất hiện sau phong trào Cải Chánh đều có gửi tín đồ sang Tân Thế Giới. Bốn khối lớn nhất định cư trong thời gian này : Anh Giáo (Anglican), Hội chúng (Congregational), Trưởng Lão (Presbyterian) và Báp tít (Baptist).
Năm 1607, khi các người Anh đến định cư tại Jamestown họ thành lập ngay tiểu bang Virginia với ý định lập một nơi cư ngụ vĩnh viễn và họ ra một đạo luật công nhận Hội Thánh Anh là Hội Thánh chính thức tại đây, dưói sự cai quản của Giám Mục Luân Đôn (London). Rồi lần lượt Hội Thánh Anh được gọi là Hội Thánh chính thức tại Tiểu bang Maryland, Bắc và Nam Carolina, Nữu Ước và Georgia nhưng tại các tiểu bang này, cũng có chỗ Hội Thánh Anh yếu thế là vì có nhiều Hội thánh khác không đồng ý.
Tại Virginia năm 1693 đại diện của Giám Mục London là giáo sĩ James Blair, thành lập đại học William & Mary tại thành phố Williamsburg. Đây là ngôi trường cổ thứ hai tại Bắc Mỹ. Ngôi trường thứ nhất là Harvard do những giáo sĩ Hội Chúng (Congretionalist) thành lập năm 1636. Hai trường trên mở đường cho một danh sách dài những trường đại học nổi tiếng do các Hội thánh tổ chức. Trong số này có trường King’s College nay là đại học Columbia thành lập tại Nữu Ước năm 1754 do Hoàng Gia trợ cấp. Lúc đầu các lớp được dạy học tại Hội Thánh Trinity.
Đến lúc phong trào định cư chấm dứt và nền độc lập của Hoa Kỳ được công nhận vào năm 1783, thì những Hội Thánh Anh bấy lâu vẫn do Giám mục London cai quản, bây giờ tự tổ chức lại trong hoàn cảnh mới. Những người Anh này lấy tên là Giám Nhiệm (Episcopalian) và các Hội Thánh của họ trở thành Giáo Hội Giám Nhiệm (Episcopal Church) để bày tỏ lòng trung thành của họ đối với công việc các Giám Mục đã làm từ thời các Sứ Đồ, cho tới lúc đó chưa có người Mỹ nào làm Giám Mục. Năm 1783 một vị Giám Mục đã được bầu lên ở Connecticut là Samuel Seabury không được Hoàng Gia Anh chấp thuận là vì có luật định rằng các Giám Mục phải tuyên thệ trung thành với Hoàng Gia, ông Seabury bèn đi Tô Cách Lan. Tại đó các vị Giám Mục có thể phong chức cho ông Seabury mà không cần buộc phải tuyên thệ. Cho nên ngày 14 tháng 11 năm 1784, ba vị Giám Mục của Hội Thánh Episcopal Tô Cách Lan đã phong chức cho ông Seabury làm Giám Mục đầu tiên của Hội Thánh Giám Nhiệm (Episcopal ). Đây là bưóc đầu tiên mở đường cho sự bành trướng của Hội thánh Anh Giáo ra hải ngoại và khắp thế giới.
Hai năm sau, Quốc Hội Anh ra một đạo luật miễn cho các Giám Mục được phong chức để hầu việc tại các Hội Thánh ngoài các lãnh thổ thuộc Anh, khỏi tuyên thệ trung thành với Hoàng Gia. Và Tổng Giám Mục tại Canterbury năm 1787 đã phong chức cho những vị Giám Mục được bầu là ông William White ở Pennsylvania và ông Samuel Provost ở Nữu Ước. Buổi lễ được tổ chức tại ngôi nhà nguyện cổ đẹp trong lâu đài Lambeth nơi Matthew Parker (chương 32) đã được phong chức Tổng Giám Mục tại Canterbury hơn hai trăm năm trước và cũng là nơi Wycliffe (xem cuối chương 21) bị xử tội tà giáo vào thế kỷ 14.
Quyển sách cầu nguyện chính thức đầu tiên tại Mỹ, được nhuận chánh lại cho thích hợp với nhu cầu tín đồ Mỹ được xuất bản năm 1789 sau đại hội đồng Hội Thánh nhóm họp tại Philadelphia. Từ đó Hội Thánh Tin Lành Giám nhiệm (Episcopal) tại Hoa Kỳ được thiết lập, có Sách Cầu Nguyện Chung, có Giám Mục và tổ chức Hội Thánh theo lối dân chủ. Từ Tiểu bang Maine đến tiểu bang Georgia, đâu cũng có những Hội thánh Episcopal, nhưng ít hơn các Hội Thánh Hội Chúng. (congregationalist), Trưởng lão (Presbyterian), và Báp-tít (Baptist). Tuy nhiên trong số người đã ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập, thì những người Tin Lành Giám Nhiệm (Episcopalian) nhiều hơn các Hội Thánh khác. Khởi đầu từ ngày các tín đồ Thanh Giáo (Puritan – Pilgrim Fathers) đặt chân lên Plymouth năm 1620, rất nhiều người Thanh Giáo (Puritan) Anh đã vượt qua Đại Tây Dương để lánh nạn và tránh bắt bớ tại quê hương, họ đến Tân Thế Giới lập những cộng đồng khả dĩ thể hiện những lý tưởng Cơ-Đốc của họ. Do đó tại Plymouth, Massachusetts Bay, Connecticut (Hartford) và New Haven các nhóm Hội Chúng (Congragationalist) đã tổ chức thành những khối ‘thịnh vượng chung’ theo lời Kinh Thánh, đặt dưới quyền Đức Chúa Trời, được những lãnh đạo như John Winthrop và John Cotton ở Boston, Richard Mather ở Dorchester, Thomas Hooker ở Hartford và John Davenport ở New Haven. Họ theo hình thức Hội chúng (Congregational) về tổ chức Hội Thánh và mỗi Hội Thánh đều tự do giải quyết công việc nội bộ. Mỗi khối đều phải có hình thức tôn giáo thống nhất. Những người không đồng ý phải bị loại ra ngoài khối, quyển sách kỷ luật của nhóm Hội Chúng, ghi những điểm chính yếu của Calvin, trong bản xưng nhận niềm tin Westminster làm năm 1647. Đại học Harvard được thành lập năm 1636 bằng trợ cấp của nhóm Hội Chúng (Congragational) định cư tại vùng Vịnh Massachusetts và tài sản của John Harvard để lại cho. Ông tốt nghiệp trường Emmanuel ở đại học Cambridge và Đại học mang tên ông có mục đích để huấn luyện Mục Sư cho các Hội Thánh Hội Chúng (Congragational) nhiều hơn những Hội Thánh mang ba danh hiệu kia.
Roger William được coi như là ông tổ của những người Báp-tít Mỹ. Ông bị truất khỏi cộng đồng VỊnh Massachusets vì chống đối sự gò bó tôn giáo, và ông lánh đến Rhode Island. Năm 1639, tại thành phố Providence ông và nhiều đồng bạn muốn tìm tự do tín ngưỡng đã thành lập Hội Thánh Báp-tít đầu tiên tại Mỹ.
Những người Báp-tít chủ trương những nguyên tắc sau đây :
– Hội Thánh và chính quyền phân biệt
– Phép Báp Têm nhận chìm xuống nước
– Tin Chúa là được làm thành viên Hội Thánh
– Mỗi Hội Thánh đều độc lập
– Cá nhân chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời .
Trong những thời kỳ phấn hưng ở thế kỷ 18 và những chuyến di cư lớn về phía Tây số tín đồ Báp-tít tăng nhanh là vì tổ c hức Hội Thánh dân chủ, và các Mục Sư không cần đưọc huấn luyện, không lãnh lương đặc biệt của dân chúng sống trong các vùng biên giới.
Giáo sĩ Francis Makemie, người ÁI Nhĩ Lan gốc Tô Cách Lan được gọi là ông tổ của nhóm Trưởng Lão (Presbyterian) Mỹ vì ông có công tổ chức hội trưởng lão đầu tiên tại Philadelphia năm 1706. Từ 1720 đến 1740 có hơn 100.000 người Trưởng Lão ở ái Nhĩ Lan, nhưng gốc Tô Cách Lan, họ không chịu được những điều kiện kinh tế, tôn giáo do chính quyền Anh ép buộc họ, nên họ đã đến Mỹ. Vì họ đến muộn nên những người Trưởng Lão (Presbyterian) sùng đạo này tiến xa về phía Tây, định cư tại West Virginia, phía Tây North Carolina, Kentucky, Tennessee và các tiểu bang phía Nam. Để huấn luyện Mục Sư cho số Hội Thánh tăng trưởng nhanh, năm 1746 những người Trưởng Lão (Presbyterian) lập trường Đại học New Jersey nay là Đại học Princeton. Ông John Wetherspoon, Viện trưởng Đại học này là Mục Sư duy nhất đã ký vào bản tuyên ngôn độc lập. Khi cuộc chiến tranh cách mạng bắt đầu (1775 – 1783) các lãnh thổ Anh tại Mỹ dứt ra khỏi quyền kiểm soát của nước Anh. Các hội thánh Trưởng lão (Presbyterian) chỉ thua các Hội Thánh Hội Chúng (Congragational) về con số mà thôi.
Ngoài bốn tổ chức tôn giáo lớn nhất kể trên, còn một số những giáo phái nhỏ hơn nhưng có ảnh hưởng rải rác trong các khối định cư tại Mỹ. Nhóm lâu dài nhất là nhóm Hội Thánh Cải Cách Hòa Lan, lập tại New Amsterdam, bây giờ là thành phố Nữu Ước, năm 1628. Ông Jonas Michaelius từ Hòa Lan đến làm Mục Sư đầu tiên cho Hội Thánh này. Hội Thánh này và các Hội Thánh Cải Cách khác theo giáo thuyết Calvin nhưng hình thức tổ chức quản trị thì theo Trưởng Lão (Presbyterian). Có nhiều nhà thờ của người di dân định cư ở Hudson Valley, Long Island , New York và New Jersey đã dựng lên cho Hội Thánh Cải Cách Hòa Lan. Năm 1766, Hội Đồng Trưởng Lão của họ đã thành lập Queens College nay là Đại học Rutgers ở New Jersey.
Những nhân viên của Hội Thân Hữu (Society of Friends) tức là Quaker từ Anh đến Massachusetts năm 1656 như là giáo sĩ để rao truyền giáo thuyết của người sáng lập ra hội này là ông George Fox. Ông là một tín đồ có đời sống nội tâm đăc biệt, gần như thần bí. Ông tin ở ‘ánh sáng nội tâm’ trong mỗi người và ông giảng rằng Cơ-Đốc Giáo chân thật thể hiện ở đời sống dâng hiến và biến đổi. Ông không ưa hình thức, ghét chế độ nô lệ và tuyên bố rằng đối với người Cơ-Đốc, chiến tranh là bất hợp pháp. Cũng vì tư cách của họ, những người Quaker chống đối quyền hành Hội Thánh của người Thanh Giáo (Puritan) tại Masschusetts nên bốn người trong bọn họ đã bị treo cổ ở công viên Boston. Ong George Fox du hành qua các vùng định cư từ New England đến North Carolina, lấy lời giảng mạnh mẽ củng cố đức tin của những người theo ông. Trước khi ông tạ thế năm 1691, ông đã gây dựng được nếp sống kỷ luật và tiết độ làm thơm danh những người Quaker từ đó.
Năm 1681 ông Willian Penn, một giáo sĩ Quaker tài giỏi, đã xin được vua Charles II cấp cho một vùng đất lớn rộng để định cư, nay là tiểu ban Pennsylvania, ông quyết tâm đến Mỹ là để tìm ra tự do mà người Quaker không có được ở nơi khác, ông luôn luôn nhấn mạnh vào nguyên tắc tự do tôn giáo. Điều này trở thành một nguyên tắc căn bản cho hệ thống chính trị Mỹ. Ông Penn thành lập thành phố Philadelphia và mở rộng vùng định cư cho những người Quaker. Với 100 bảng Anh, một người có thể mua được 5000 mẫu đất và một khu đất trống tại thành phố Philadelphia. Khoảng năm 1775, có số người Quaker đến tập trung ở Pennsylvania, nhưng cũng có những cuộc nhóm họp của họ tổ chức từ Maine đến Georgia. Chính sách tự do tôn giáo của Willian Penn thu hút đến Pennsylvania nhiều người có tín ngưỡng khác nhau. Nhóm Tin Lành Mennonite từ Đức và thụy sĩ đến nương náu ở Germantown vào năm 1683. Nhóm nay sống đơn giản và mặc áo xềnh xoàng. Những nhóm từ Đức đến gồm những người Báp-tít Đức gọi là Dunker. Những người thuộc Hội Thánh Cải Cách Đức, và những người Lutheran. Khoảng năm 1748, khi ông Henry M. Muhlenberg tổ chức Hội Đồng đầu tiên các Hội Thánh Lutheran (Có tính cách trường cửu) thì nhóm Lutheran là tôn giáo lớn nhất ở Pennsylvania.
Hội thánh Moravian là sự hồi phục lại của nhóm Bohemian Brothers thành lập năm 1457 do những người theo John Huss, bị tử đạo (xin xem cuối chương 21). Nhờ sự lãnh đạo của Bá tước Von Zinzendorf, Hội thánh Moravian nổi danh vào thế kỷ 18 không những về sinh hoạt thuộc linh mà cũng vì lòng sốt sắng truyền giáo nữa. Năm 1741 Zinzendorf đặt tên vùng định cư của người Moravian tại Pennsylvania là Bethlehem thành phố này trở thành trung tâm của phong trào do ông khởi xướng tại Mỹ và sau này có nhiều cơ xưởng đúc thép. Tính tất cả những giáo phái nhỏ kể trên, có 95 Hội Thánh Quaker, 251 Hội Thánh Cải Cách Hòa Lan và Đức, khoảng 20 Hội t hánh Mennonite, 20 nhóm Dunker và độ 8 Hội thánh Moravian.
Tuy trong thời gian định cư, người Công giáo La Mã chỉ có độ 50 Hội Thánh, phần lớn tại Maryland và Pennsylvania, nhưng nhân số họ đã tăng mau do những chuyến di cư lớn từ Ái Nhĩ Lan và Nam Au Châu vào thế kỷ 19 và 20. Hiện nay họ có khoảng 50 triêu tín đồ và là nhóm tôn giáo lớn nhất tại Hoa Kỳ. Mặc dầu có nhiều Hội Thánh sinh hoạt trong các vùng định cư, có nhiều hình thức thờ phượng phong phú, về đức tin cũng như nghi lễ, đa số dân chúng Mỹ vẫn lãnh đạm với tôn giáo cho đến ngày Phong Trào Phấn Hưng (Great Awakening) xuất hiện và đời sống Cơ-Đốc được dứt dấy, họ mới bắt đầu đến các nhà thờ. Bắt đầu từ 1726 từ các Hôi Thánh Cải Cách Hòa Lan tại New Jersey, sự phấn hưng này gây xúc động mạnh lan tràn qua tất cả các vùng định cư và kéo dài hơn nửa thế kỷ. Các Mục Sư giảng khuyên mọi người sống một đời sống đạo đức, và phải có lòng tin kính nghiêm trang, đồng thời nêu cao tính chất biến đổi đời sống của sự ‘tin Chúa’. Phong trào bắt đầu từ Anh với John Wesley. Khi ông còn là sinh viên tại Oxford, ông có thành lập một nhóm tôn giáo nhỏ trong đó có em ông là Charles sáng tác thánh ca và ông George Whitefield, có tài giảng ngoài trời cho công chúng. Các sinh viên khác chế riễu và gọi họ là ‘Methodists’ vì họ chăm nghiên cứu và dự những buổi nhóm đều đặn, nhưng họ cứ vững lòng tiến bước. Ông John Wesley trở thành một Mục Sư của Hội Thánh Anh. Ông nỗ lực rao truyền đạo Chúa khắp nơi. Ngoài đồng ruộng, trong xưởng máy, và trong Hội Thánh du hành tại Anh, Tô Cách Lan và Ai nhĩ Lan. Sứ điệp của ông là ‘sự cứu rỗi chỉ đến từ Chúa Christ’ và khi ông đề cao sự tái sanh và đời sống thánh thiện, có hàng nghìn người tin theo. Năm 1791 ông tạ thế thọ 88 tuổi. Ông có thể thỏa lòng là đã cùng các bạn đồng công cách mạng đời sống đức tin của từng lớp hạ lưu và trung lưu tại Anh. Nhờ một người trong số các bạn của Wesley là ông Georga Whitefield, nhà truyền giảng phấn hưng danh tiếng dã du hành nhiều lần qua các vùng định cư từ 1740 đến 1770 giáo phái Giám Lý (Methodist) được thành lập tại Mỹ.
Năm 1764 ông Thomas Coke được John Wesley ủy thác, thành lập Hội thánh Methodist Epicopal tại Mỹ. Ông Coke và ông Francis Asbury, một nhà truyền giảng du hành nổi tiếng, trở thành hai Giám Mục đầu tiên. Sự sốt sắng của các Giám Mục du hành và lòng tin kính cao độ tại các trại nhóm họp đã khiến các hội thánh Giám Lý (Methodist) mọc lên nhan nhản. Hơn nữa, người Giám Lý (Methodist) nhấn mạnh vào điểm ‘An điển được ban nhưng không’ và cá nhân phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời nên thích hợp với dân chúng sống trong một xã hội dân chủ. Ba nhánh của những người Giám lý (Methodist) họp nhau lại để thành lập Hội Thánh Giám Lý (methodist) vào năm 1939. Đến 1968 Hội Thánh này lại hiệp một với Hội Thánh Evangelical United Brethren Church (chính Hội Thánh này cũng là kết quả của một cuộc liên kết) để lập nên Hội thánh Giám lý Tổng hợp (United Methodist Church) một trong những Hội Thánh lớn mạnh có uy thế nhất tại Hoa Kỳ và trên thế giới.