PHẦN 31

CUỘC CẢI CÁCH TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO LA MÃ

Ngay cả trước khi phong trào Cải Chánh bắt đầu, đã có nhiều người trong Hội Thánh Công Giáo muốn có một công cuộc cải cách. Một thế hệ trước Erasmus, Nữ hoàng xứ Castile là Isabella, cùng trị vì với chồng là Ferdinand, vua nước Tây Ban Nha thống nhất, hai người đã cố gắng tìm cách cải tổ Hội Thánh. Là một phụ nữ tin kính trí thức cao và có đức tin mạnh, bà Isabella cắt đặt những người đức độ, có lòng tin kính vào những chức vụ cao trong Hội Thánh Tây Ban Nha. Bà sốt sắng đến nỗi đã tìm cách diệt trừ tà giáo và đuổi người Do Thái ra khỏi Tây Ban Nha. Bà là mẹ của Catherine, vợ thứ nhất của Vua Henry VIII, và ai nấy đều biết bà đã đem nữ trang của bà ra cầm để có tiền giúp đỡ chuyến đi Columbus tìm ra Tân Thế Giới.
Bà cũng nhờ ông Francisco Ximenes (Ximenes là linh mục của bà) cùng tìm cách sửa lại những quá độ trong giới tu sĩ và dạy dỗ họ thêm. Do đó Hồng Y Ximenes mới mở một trường đại học tại Alcala. Chính tại đây, suốt 15 năm kế tiếp, ông Ximenes đã tài trợ và trông nom một chương trình in, ấy là sưu tầm và in bộ Kinh Thánh đa ngữ gồm nhiều quyển tên là Complutensian (Alcala) Polyglot Bible. Đây không phải là bộ Kinh Thánh cho thường nhân, nhưng là cho giới học thức, vì không phải là văn bình dân thông dụng mà là bản văn Do Thái và Hy Lạp, La Tinh và các tài liệu phụ khác. Thật ra bản Tân Ước Hy Lạp của bô sách nói trên in năm 1514 là bản Hy Lạp đầu tiên. Nhưng vì bản này chỉ được mọi người biết đến khi toàn bộ Kinh Thánh đa ngữ được xuất bản năm 1522, do đó bản văn Hy Lạp của Erasmus in năm 1516 được ra mắt công chúng trước.
Khi Giáo Hoàng Paul III được bầu vào năm 1534, thì phong trào Cải Chánh đã gây tai hại nhiều cho uy tín Hội Thánh Công giáo. Người ta bắt đầu tìm cách chữa chạy. Giáo Hoàng mới viết một thư cho Erasmus nhờ ông giúp đỡ giải quyết những trận xâu xé gây chia rẽ trong Hội Thánh, nhưng Erasmus đã cao tuổi, lại ốm yếu nên không làm gì được. Bấy giờ việc đầu tiên Giáo Hoàng làm là đòi hỏi chính sách lựa chọn người để giao phó trách nhiệm, từ nay sẽ căn cứ trên lòng hăng say phục vụ và học thức chứ không căn cứ trên dòng dõi gia đình hay tài sản nữa. Vì vậy, Giáo hoàng Paul III đã mở đường cho nhiều vị kế tiếp ông, khôn ngoan và ngay thẳng khiến Hội Thánh Công Giáo có được một tinh thần tin kính mới.
Việc thứ hai là ông triệu tập Hội nghị Trent và ủy quyền cho hội nghị làm những cải cách cần thiết và giải quyết những vấn đề còn giằng co về đức tin. Từ 1546 đến 1563, hội họp 3 lần, bác bỏ những giáo thuyết của Tin Lành, xác nhận lại những điểm chính trong thần học Công Giáo, công nhận quyền tối aco của Giáo Hoàng, ban bố sắc lệnh nhằm đưa đời sống các tu sĩ vào kỷ luật, xuất bản một sách đối đáp tín điều đồng nhất và một quyển Kinh Thánh La Tinh thông dụng, theo bản Vulgate. Giáo hoàng cũng rất quan tâm đến nghệ thuật nên thuê họa sĩ Michelangelo vẽ tranh ‘Phiên Tòa Đoán Xét Cuối Cùng’ trên bàn thờ trong nhà thờ Sistine Chapel. Năm 1541, lễ cắt băng khánh thành bức tranh, thật là một xác minh mạnh mẽ uy quyền Hội Thánh và là lời cảnh cáo về số phận những ai theo tà giáo. Năm 1546 Giáo Hoàng Paul III lại cử Michelangelo trông coi v iệc xây cất lại nhà thờ St. Peter tại La Mã, một công trình kiến trúc lớn nhất của Cơ-Đốc Giáo. Michelangelo làm việc vì vinh hiển Đức Chúa Trời nên đã khéo phối hợp công trình của các kiến trúc sư trước đó làm thành một hệ thống nguy nga sau trở nên trung tâm của Hội Thánh Công Giáo La Mã và cũng là một biểu tượng về sức mạnh và quyền tối thượng của Hội Thánh này nữa.
Để đối lại với phong trào Cải Chánh Hội Thánh La Mã biểu lộ một tinh thần tin kính cao hơn khi lập thêm những dòng khổ tu và cải cách những dòng cũ. Đứng đầu trong các dòng mới lập có ‘Dòng Tên’ Jesus, cũng gọi là ‘Dòng Jesuit’. Dòng này do Ignatius Loyola thành lập. Ông là một quân nhân Tây Ban Nha. Ông quyết định thay vì hầu việc vua thế gian, thà làm lính cho Chúa Christ để chiến đấu cho vinh hiển lớn của Đức Chúa Trời. Có sáu bạn học của ông ở Đại học Ba Lê (Paris) theo ông. Năm 1540 Giáo hoàng Paul III công nhận dòng Jesuit. Dòng này thu hút nhiều người tài giỏi đến hầu việc hết lòng và giữ kỷ luật cao, tuyệt đối vâng lệnh vị lãnh đạo của họ cư ngụ tại la Mã.
Trong thời kỳ xung đột gay go trong nội bộ Hội Thánh La Mã, dòng Jesuit đã góp phần làm sâu đậm thêm đời sống thuộc linh của Hội Thánh và củng cố quyền của Giáo Hoàng. Các trường và các đại học họ lập ra được nổi danh bởi vì những người Jesuit là những người học giả giỏi về khoa học và nhân văn, họ là những thầy dạy giỏi nhất Au Châu. Công việc truyền giáo đem họ đi khắp nơi, sang cả Viễn Đông, vị giáo sĩ nổi tiếng nhất tại đây là Francis Xavier.
Bên Tân thế Giới, họ truyền giáo cho những bộ lạc Huron và Iroquois ở Bắc Mỹ. Một giáo sĩ Jesuit là Jacques Marquette đã tìm ra sống Mississipi, tại Nam Mỹ họ làm việc giữa những thổ dân Brazil và Paraguay. Cho đến nay Dòng Jesuit là dòng lớn nhất trong Hội Thánh Công Giáo La Mã, nhờ công khó của họ nên Hội Thánh đã phấn hưng và trở thành một lực lượng thuộc linh lớn mạnh.