PHẦN 26
HỘI THÁNH CHÍNH THỐNG ĐÔNG PHƯƠNG NGÀY NAY
Sau khi Đế quốc Byzantine bị sụp đổ năm 1553, Hội Thánh miền Đông bước vào 5 thế kỷ liên tiếp thay đổi, nhưng vẫn cố níu lấy lề lối thờ phượng và niềm tin riêng của mình. Ở Phương Đông giáo điều không quan trọng bằng kinh nghiệm tôn giáo. Người ta nhận được kinh nghiệm này khi thờ phượng, vì lòng tôn thờ mà được tiếp xúc một cách thần bí với Đức Chúa Trời. Những bài tín điều đọc lên không phải là những tuyên ngôn của đức tin mà là những hành động thờ phượng. Đến thế kỷ 13, lễ nghi Byzantine đã được phát triển ở Constantinople, và trở thành lề lối chung cho các Hội Thánh Chính Thống và người ta dịch lời Hy Lạp ra mọi ngôn ngữ để dùng trong các Hội Thánh khác nhau. Đến lúc các Hội Thánh tự trị của từng quốc gia xuất hiện thì cộng đồng Hội Thánh Chính Thống Đông Phương thành hình. Họ có được sự hiệp nhất trong chủ thuyết là vì tất cả đều thừa nhận các quyết định của 7 Giáo hội Nghị họp trong khoảng thời gian từ năm 325 đến năm 787 (462 năm)
Mặc dầu ngày nay cộng đồng này tự coi như là thừa kế đích thực của Hội Thánh Cơ-Đốc đầu tiên, họ cũng tạo được tình thân hữu với các khối Cơ-Đốc khác và nhiều Hội Thánh miền Đông là thành viên của Hội Đồng các Hội Thánh Hoàn Cầu (World Council of Church). Hội Thánh miền Đông gồm có 4 giáo phận dưói sự trông coi của Thượng Giáo Phụ Constantinople, Alexandria, An-ti-ốt, Giê-ru-sa-lem và các Hôi Thánh Chính Thống của các nước sau đây: Đảo Chíp rơ (Cyprus), nước Nga, Rumania, Nam Tư, Hy Lạp, Bulgaria, Georgia, Albania, Phần Lan và Tiệp. Giáo Phụ Constantinople lãnh đạo cộng đồng Chính Thống Miền Đông, nhưng quyền của ông tại đây không sánh được với quyền của Giáo Hoàng ở miền Tây, vì Giáo Phụ chỉ là người có địa vị cao hơn trong các người ngang hàng và ông chỉ trực tiếp kiểm soát Hội Thánh của ông mà thôi. Nhiều thuộc viên của Hội Thánh này sống tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Âu Châu.
Bởi được nuôi dưỡng qua các bí tích và cảm hứng qua nghi lễ, sự học hỏi Kinh Thánh, gương cao của đời sống tu sĩ, Cơ-Đốc Giáo vẫn đứng vững mặc dầu bị công kích nhiều trận và tiếp tục là một lực lượng tiềm tàng ở phương Đông. Ngày nay, nhiều Hội Thánh và tu viện phương Đông còn những tấm kính màu hoặc hình trang trí trên tường, khi ngắm xem tưởng như dĩ vãng và tương lai vô tận vẫn hòa hợp cùng nhau, những dấu tích ấy quả đã chứng tỏ về những truyền thống linh động của Cơ-Đốc Giáo tại Đông Phương.