PHẦN 25

NHỮNG THÀNH QUẢ VÀ THẤT BẠI CỦA MIỀN ĐÔNG

Nestorius là một Linh Mục ở Syria, nổi tiếng là sống thanh đạm khắc khổ và có tài hùng biện. Ông trở thành Giáo Phụ Constantinople năm 428. Hồi đó những người tin kính gọi Mary Mẹ Chúa Giê-xu là ‘Mẹ Đức Chúa Trời’. Nestorius khi giảng chống lại cách gọi như thế vì nó làm cho sự phân biệt nhân tính và thần tính của Chúa Christ không được rõ ràng. Do đó có một cuộc tranh cãi thần học cam go về việc định nghĩa chính xác nhân vị của Chúa Christ. Và ông Cyril, Giáo phụ tại Alexandria, nắm lấy cơ hội để làm mất mặt một Giáo Phụ trổi hơn bèn lên án Nestorius là muốn tách đôi nhân vị của Chúa Christ. Tuy thế, Nestorius chỉ có nói : ‘Khi nói danh Đấng Christ, chúng ta đồng thời hàm ý hai bản chất’. Dầu vậy, lòng ganh tỵ, hiếu danh, óc bè đảng đã thổi phồng sự ‘khác biệt’ giữa hai chủ thuyết của Hai Giáo Phụ đến nỗi kéo luôn cả hai Hoàng Đế Đông và Tây vào sự chia rẽ. Thế là sự hợp nhất của Cơ-Đốc Giáo không còn nữa. Hội đồng Ê-phê-sô năm 431 lên án và cất chức Nestorius mà không cho ông phần trần, ông bèn rút về tu viện cũ của ông tại An-ti-ốt, nhưng rồi cũng bị Hoàng Đế lưu đày sang xứ Arabia. Sau đó Hội Thánh Đông Phương dưới quyền của Hoàng Gia, làm khó cho những người theo Nestorius khiến cho họ phải trốn sang Ba Tư, ở đây họ thành lập những Hội Thánh Nestorian rất mạnh mẽ.
Sự sốt sắng của các Hội thánh này lên cao độ đến nỗi họ đã sai các giáo sĩ của họ tới tận bờ biển Malabar tại An độ vào thế kỷ thứ 6. Tại đây, họ khởi lập, hoặc tái lập Hội Thánh Mar Thoma là cộng đồng Cơ-Đốc địa phương lâu đời nhất, còn duy trì ở Ấn Độ ngày nay. Đến thế kỷ thứ 7, những người Cơ-Đốc theo thuyết của Nestorius vào trung bộ Trung Hoa và nhờ họ có một số người tin Chúa tại tỉnh Shensi (Giang Tây). Tại Sian (Tây An) trung tâm hoạt động của giáo phái này còn thấy một bia đá dựng lên năm 781 để kỷ niệm sự thành lập một Hội Thánh và trên tảng đá có khắc bằng chữ Trung Hoa và Syriac nội dung nói Tân Ước có 27 sách. Sau khi cộng đồng Cơ-Đốc Trung Hoa ấy bị tiêu diệt, những giáo sĩ Nestoran còn trở lại Trung Hoa lần nữa vào thế kỷ 13, và thuyết phục được nhiều người trong các bộ lạc Tartar và Thổ tin nhận Chúa. Một bà công chúa gốc thổ Nhĩ Kỳ theo giáo phái này là bà mẹ của Kublai Khan (Hốt-tất-liệt) vị thủ lãnh Mông Cổ đã cai quản cả đế quốc Trung Hoa rộng lớn. Marco Polo, một thuyền trưởng từ Venice (Y Đại Lợi) đã đến thăm triều đình tai Bắc Kinh, ở đó các tín đồ Nestorian được Hoàng đế Kublai Khan che chở, và một tòa nhà Tổng giám mục được thành lập tại Kinh đô vào năm 1275.
Những điều mà giáo phái này tin nhận cũng gây nên một phản ứng lớn. Vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6 xuất hiện một chủ thuyết tên là Monophysitism, do một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘một bản chất’, ‘một tính’. Mặc dầu chủ thuyết này nói rằng Chúa Christ chỉ có một bản chất vừa nhân tính, vừa thần tính không phân chia nhưng hậu quả vẫn là đặt nặng phần thần tính.
Hội Thánh Chính Thống không đồng ý, nhưng có điều Hội Thánh miền Đông đã theo chủ thuyết ‘nhất tính’ này. Những người Ai Cập theo có lẽ chẳng phải vì thật tin, nhưng vì không ưa người Hy Lạp chế ngự trong các Hội Thánh Chính Thống. Họ lập ra Hội Thánh Coptic độc lập, có tính cách quốc gia của riêng họ, nay hãy còn và Hội Thánh Ê-thi-ô-bi (Ethiopia) là con đẻ của Hội thánh Coptic Ai Cập hiện cũng còn. Ban đầu, giữa thế kỷ thứ 4, có Frumentius được Giáo Phụ Athanasius ở Alexandria phong cho làm Giám Mục tại Axum là người đã t hành lập Hội thánh Ethiopia. Các nước Palestine, Syria và Armenia đều theo gương Ai Cập lập các Hội Thánh độc lập, có tính cách quốc gia. Hội Thánh Syria này gọi là Hội Thánh Jacobite của Syria nay còn sinh hoạt tại thung lũng sông Tigris và có tín đồ ở Nam Ấn.
Những vụ cãi nhau về lý thuyết ấy không có lợi cho Giáo Hội Cơ-Đốc miền Đông, nên khi những đoàn quân Hồi Giáo cuồng tín tiến đánh những nơi đã có tín đồ Cơ-Đốc vào thế kỷ thứ 7, Đế Quốc không còn sức chống lại xâm lăng : Syria, Palestine, Ai Cập, và vùng Bắc Phi, đảo Sicily đều bị chiếm trong danh Allah! Một ‘nước’ Hồi giáo được lập nên, biên giới lan đến tận Tây Ban Nha. Nhưng năm 732 ông của Charlemagne là Charles Martel thắng trận tại Tours, đánh đuổi được những người theo Mohammed ra khỏi đất Pháp.
Giáo Hội miền Đông thất lợi phía Nam vì sự bành trước của Hồi Giáo thì lại được bù trừ nhờ sự phát triển về phương Bắc vào những lãnh thổ dân Slavic trong vùng Balkans và Nga. Được lời mời của công tước xứ Moravia, Hoàng Đế miền Đông sai hai đặc sứ, Cyril và Methodius đi truyền giáo cho người Slavic vào năm 864. Để chuẩn bị cho công tác, tục truyền tằng Cyril đặt ra một loại chữ viết Slavic gọi là Cyrillic, làm căn bản cho mẫu tự chữ Nga. Còn Methodius thì dịch Kinh Thánh ra tiếng Slavic khi đã cao niên.