PHẦN 22

CÁC CUỘC THÁNH CHIẾN

Ngay từ trước khi Hoàng đế Constantine xây cất nhà thờ tại ‘Mộ Thánh’ vào thế kỷ thứ tư, thành Giê-ru-sa-lem đã là nơi chiêm bái của vô số người hành hương. Đến thời Trung Cổ, thành này lại càng quan trọng hơn vì tín đồ Cơ-Đốc rất tôn trọng các cuộc hành hương cũng như các thánh tích. Ngay cả sau khi quân Hồi Giáo đã chiếm Giê-ru-sa-lem khỏi tay Đế quốc Byzantine vào năm 638, những đoàn hành hương vẫn tiếp tục không bị trở ngại vì người Ả Rập cũng đồng tâm với người Cơ-Đốc tôn kính những nơi có liên hệ đến đời sống của Chúa Cứu Thế. Dầu vậy, khi quân Thổ Nhĩ Kỳ (Seljuk Turk) chiếm Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ 11, chúng làm khó cho các đoàn hành hương và phá phách nhà thờ “Mộ Thánh”. Những khiêu khích ấy là môt trong những nguyên nhân đưa đến cuộc thánh chiến.
Năm 1005, Giáo hoàng Urban II (1042 – 1099) một vị Giáo Hoàng học thức và hùng biện , cũng là bạn của Gregory VII, nhận được lời yêu cầu giúp đỡ của Hoàng Đế Byzantine, Alexis, khi quân Thổ đang đe dọa thành Constantinople. Năm ấy Giáo Hoàng tuyên bố mở cuộc thánh chiến thứ nhất qua m ột bài diễn văn đầy nhiệt tình và rất kết quả đọc tại Hội Đồng Clermont miền Đông nước Pháp, ông kêu gọi tất cả tín đồ đi giúp Hoàng Đế Alexis đang lâm nạn và giải cứu những nơi Thánh khỏi tay người Hồi Giáo. Giáo Hoàng kêu gọi các hiệp sĩ và lính ngưng chém giết các anh em tín đồ Cơ-Đốc của họ để đi giúp các thân hữu Cơ-Đốc miền Đông. Ông khuyến khích họ ‘hãy lên đường đến Mộ Thánh; hãy giựt lại đất đai trong tay những kẻ vô tín độc ác và chinh phục lại những xứ ấy. Cả hội chúng hăng say đồng thanh đáp lại. Đây là ý Chúa. Cuộc thánh c hiến đầu tiên bắt đầu với khẩu hiệu đoàn kết ấy.
Lòng hăng say ban đầu được một tu sĩ ở Amiens là Peter vị ẩn tu cổ võ qua những bài giảng cảm động, khiến cho hết thảy người nghe đủ mọi hạng từ dân chúng cho đến hàng vua chúa đều được giục lòng lo lắng cho Đất Thánh. Nhưng người ta gia nhập cuộc thánh chiến này do nhiều lý do khác nhau. Có người vì thích phiêu lưu mạo hiểm, danh vọng hay của cải cướp được. Cũng có người lên đường vì cảm động với lòng tin nhiệt thành, họ tin rằng họ chiến đấu cho Đấng Christ và để linh hồn họ được cứu. Họ mang một thập tự trước ngực khi đi, và đeo sau lưng khi về.
Ba đạo quân lớn do hàng quý tộc Au Châu chiêu mộ lên đường tiến về phương Đông tháng 8 năm 1096, nhưng đến tháng 6 năm 1099 mới chiếm lại được Giêrusalem, sau khi tàn sát những người dân Hồi giáo ở trong thành, những chiến sĩ lập nên một chế độ phong kiến tại đó, gọi là Vương quốc Giê-ru-sa-lem. Lãnh tụ Godfrey ở Bouillon tự xưng tước tại xứ Giê-ru-sa-lem với danh hiệu là ‘người bảo vệ Mộ Thánh’ nhưng sau khi ông qua đời năm 1100 em ông nối ngôi làm vua lấy danh hiệu là vua Baldwin I (1100 – 1118)
Đất Thánh được chia ra làm 4 vùng, mỗi vùng có một Tổng Giám Mục và 10 giáo phận nhỏ, mỗi giáo phận có một giam Mục, tất cả đều thuộc dưới quyền một Giáo Trưởng La Tinh ở tại Giê-ru-sa-lem. Nhiều tu viện được thành lập. Các thương gia Ý đã tiếp tế cho quân sĩ định cư ở những thành phố lớn. Nhiều dòng tu sĩ đồng thời là binh sĩ, trong số đó quan trọng nhất là dòng hiệp sĩ Templar và hiệp sĩ Hospitaler, giữ trọng trách trấn thủ vương quốc.
Cuộc thánh chiến thứ hai do Bernard người sáng lập tu viện Clairvaux, dòng Cistercian (xem chương 17) lãnh đạo. Cuộc thánh chiến này thất bại. Tin thua trận Giê-ru-sa-lem và phần lớn Đất Thánh đã lọt vào tay người Hồi Giáo, khiến Hoàng đế Frederick Barbarosa, vua Philip Augustus của Pháp và vua Richard the Lion Hearted của Anh, hợp nhau tổ chức cuộc thánh chiến thứ ba. Sau khi Hoàng Đế chết đuối trong một tai nạn, hai vua con lại bất đồng ý kiến, nên chuyện này lại thất bại nữa. Đến cuộc thánh chiến thứ tư, do dân chúng Venice yêu cầu, họ cung cấp ngựa xe chuyên chở nên chiếm lại được Constantinople. Điều khôi hài nhất là trong cuộc thánh chiến đó chính những chiến sĩ Cơ-Đốc đã cướp phá nhà thờ lớn Hagia Sophia (xem chương 12) .
Cuộc thánh chiến cho con trẻ tham gia vào năm 1212 là một giai đọan lỗi lầm thê thảm. Còn vài cuộc viễn chinh khác tiếp theo, lần thứ 9 là lần chót vào năm 1271 do Hoàng Thân Edward của Anh Quốc lãnh đạo, sau này là vua Edward I.
Mặc dầu, tốn rất nhiều sinh mạng và tiền của trong gần 200 năm, nhưng cuộc thánh chiến không đạt được mục tiêu đề ra. Giê-ru-sa-lem thất thủ năm 1244. Thành trì Cơ-Đốc cuối cùng là Acre cũng mất năm 1291, thế là chấm dứt việc chiếm đóng Đất Thánh của người Cơ-Đốc. Dầu vậy, hậu quả gián tiếp của những chiến trận này thật là vô số. Thương mại được phấn hưng, những đường giao thông dọc sông Rhine và qua dãy núi Alps đem lại thịnh vượng lớn cho những thương gia ở Genoa, Venice, Pisa và nhiều thành phố khác. Nhu cầu cần quyên tiền tiếp tế cho những đoàn quân tham chiến đã khiến quan lại phong kiến chia xẻ đất đai tài sản của họ. Từ đó thành thị phát triển, các ngành thủ công chuyên nghiệp lập thành hiệp hội và những thương gia củng cố nghiệp đoàn. Quan trọng hơn nữa, các cuộc thánh chiến đã phổ biến giáo dục tự do và mở rộng tầm quan sát cho những ai chưa hề ra khỏi làng xã hay lâu đài của họ…. khi được mắt thấy tai nghe về những nền văn minh ở phương Đông. Hơn nữa sự tiếp xúc với người Ả Rập là một chủng tộc rất thông minh, cũng thức tỉnh nhiều trí óc còn mê ngủ.
Không lâu sau đó, Au Châu được chứng kiến một cuộc phục hưng về trí thức nhờ phong trào hành hương liên tiếp thăm viếng những cổ tích danh tiếng như Giê-ru-sa-lem, La Mã, Compostella ở Tây Ban Nha và Canterbury ở Anh. Như đã nói ở các chương trước, nhờ các phong trào tín ngưỡng nói trên, Hội thánh nâng đỡ việc thành lập các đại học, thần học và triết học thời Trung Cổ (gọi là hệ thống tư tưởng Cơ-Đốc, xem chương 18) các nhà thờ Gothic được xây cất, và những tác giả như Chaucer khởi sự dùng ngôn ngữ địa phương để viết văn. Kết quả tột đỉnh của thời kỳ Trung Cổ là nhà học giả John Wycliffe. Ông xuất thân từ Đại học Oxford và hoàn thành dịch t oàn bộ Kinh Thánh ra chữ Anh.