TÌNH SỬ hay TÌNH YÊU?
Lạy Chúa , xin nhận lấy tình yêu
của con , con xin dốc đổ
dưới chân Ngài những báu vật
mà nó chất chứa .

Mỗi người trong chúng ta đều có một dung lượng tình yêu chất chứa trong lòng như chiếc chai bằng bạch ngọc đựng dầu thơm. Chúng ta nên giữ kỹ nó cho riêng mình, giấu kín nó để bí mật sử dụng, hay đổ nó ra cách rời rộng cho xã hội loài người được thơm nức mùi dầu đó? (xin xem GiGa 12:3). Vật quí báu đó chúng ta sẽ dùng để làm gì, chúng ta sẽ sử dụng lòng khao khát yêu và được yêu đó vào việc gì? Nếu dùng một lối loại suy kém thi vị và gần gũi hơn, chúng ta có thể nói là trong cái khả năng lớn lao đó của tình yêu nơi con người, có một số phước hạnh và năng lượng đang chờ đợi để được giải toả; nhưng chúng sẽ được sử dụng như thế nào? Nguyên tử năng là một năng lượng linh động có thể được dùng vào các mục tiêu hoặc thiện hoặc ác như thế nào, thì cũng vậy, phần khả năng lớn lao trong chúng ta đó có một sức mạnh quan trọng để ứng dụng cho cả điều thiện lẫn điều ác. Làm sao có thể kiểm soát nó và hướng việc sử dụng nó vào những nẻo đường đầy vui vẻ, phước hạnh? Tình yêu là một cái gì mà tất cả mọi người – nam cũng như nữ – đều có thể ban ra, cũng như là điều mà mọi người, ở bất cứ giai đoạn nào của đời sống, cũng cần nhận lãnh. Trẻ con cần nó, mà người trưởng thành cũng vậy, nhưng chính những người thật cao tuổi mới thường cảm thấy là mình thiếu nó. Vấn đề nan giải là, vì mọi người đều có thể ban ra, và mọi người cũng cần nhận lại, vậy tại sao nó lại trở thành hiếm hoi.
Khi chúng ta nói đến từ ngữ “yêu” là chúng ta muốn nói gì? Nếu muốn mô tả bản tính của Đức Chú Trời hay từng trải của người tín đồ Đấng Christ thì dường như chúng ta không có đủ chữ, đủ lời, và thường trong một bản văn, chữ “tình yêu” đó trở thành rất mờ mịt, mơ hồ. Nó đã được dùng diễn tả cái không thể diễn tả được, và đã thất bại trong nhiệm vụ của mình. Chữ ấy đã được dùng theo rất nhiều nghĩa: lòng ái kỷ, tình yêu cha mẹ, tình yêu nam nữ, tình huynh đệ, tình đồng loại và, vân vân…

Tình yêu của người tín đồ Đấng Christ
Dường như Kinh Thánh xem tình yêu là một cái gì đặc biệt, độc đáo phải có nơi người tín đồ Đấng Christ. Dường như khi trở thành tín đồ Đấng Christ thì cả trong văn phạm của mấy chữ “thay đổi tâm trí” cũng bao hàm một cuộc cách mạng. Vì theo lẽ tự nhiên chúng ta nói “tôi” một cách vị kỷ theo ngôi thứ nhất số ít, và dường như không thấy có gì khó khăn khi kết hợp phần văn phạm đó vào kinh nghiệm sống. Người khác bị liệt vào địa vị của ngôi thứ hai, trong khi người thứ ba là nó (chàng, nàng, hay vật ấy v.v.). Nhưng trong văn phạm Hi Bá Lai chúng ta gặp một điều trái ngược rất lý thú, ấy là ngôi thứ nhất chỉ về “nó”, ngôi thứ hai ám chỉ “anh”, còn chính tôi lại rơi vào tận ngôi thứ ba. Chúng ta thường nghĩ về chính mình trước nhất, đó là lẽ tự nhiên; và Đức Chúa Trời là một nhân vật thứ ba nào đó, nếu chúng ta thỉnh thoảng có nghĩ đến Ngài. Nhưng một khi chúng ta đã thay đổi tâm trí, thì có một cuộc cách mạng, và bây giờ chúng ta nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời là ngôi thứ nhất trong đời sống chúng ta. Cho nên điều răn thứ nhất đã được Đấng Christ tóm tắt – là hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta (Mac Mc 12:30). Điều răn liên hệ đến ngôi thứ hai và dạy rằng tôi phải yêu người lân cận như mình (Mac Mc 12:31), cho nên từ nay trở đi, thay vì chú ý đến tôi, đặt quyền lợi của chính tôi trên hết, tôi phải đặt quyền lợi kẻ khác trước nhất cũng ngang hàng với chính tôi (lẽ dĩ nhiên là viết hay nói là dễ dàng hơn khi phải thật sự thực hiện theo điều này trong thực tế).
Thế là Kinh Thánh đã đặt một loạt những quyền ưu tiên nói cho tình yêu của chúng ta. Từ ngữ đó xuất hiện rất nhiều lần, thí dụ như nó đã được dùng không ít hơn mười bảy lần, cả dưới dạng động từ lẫn danh từ, trong thư tín gởi cho người Ê-phê-sô. Trong những chỗ khác người ta gặp nó trong những chữ kép có sức hấp dẫn rất lạ lùng, như: philadelphia , “tình yêu thương anh em” (IPhi 1Pr 1:22) hay “yêu nhau như anh em” (RoRm 12:10) philostorgos , tình yêu gia đình, hay “yêu thương mềm mại” (12:10) philoxenos , tình yêu đối với khách lạ hay sự “hiếu khách” (12:13) còn trong Tit Tt 2:4 người ta gặp mấy chữ philandros hay philoteknos , là yêu chồng con. Tín đồ Đấng Christ phải yêu nhau như anh em, như người cùng một gia đình.
Sở dĩ như vậy là vì Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta trước (IGi1Ga 4:10). Tình yêu của chúng ta được kêu gọi đáp lại tình yêu của Ngài, Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi (GaGl 2:20). “Vậy, anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài, hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm” (Eph Ep 5:1, 2). Ở đây chúng ta gặp quan niệm về hương thơm của tình yêu Đấng Christ tỏ ra, và chính là để đáp lại tình yêu đó của Đấng Christ và đáp lại sự kiện chúng ta là những kẻ “rất yêu dấu” của Đức Chúa Trời, nên tình yêu đó là một cái gì rất hợp lý đi sau lệnh truyền chúng ta phải bước đi trong tình yêu. Có lẽ khúc sách lạ lùng nhất liên hệ đến vấn đề ấy là Rô-ma đoạn 5, trong đó chúng ta được cho biết rằng “sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (RoRm 5:5). Trong mấy câu tiếp theo, chúng ta thấy rằng nếu loài người chỉ yêu những cái gì đáng yêu hay đẹp đẽ, hoặc yêu những người có thể yêu lại mình, thì tình yêu của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác hẳn khiến mọi người phải ngạc nhiên bởi tình yêu ấy đã được tỏ ra đối với các tội nhân (câu 8) vốn không có năng lực đạo đức và là những kẻ vô đạo (câu 6), họ thậm chí còn là những cừu địch của Ngài nữa (câu 10). Tình yêu của Đức Chúa Trời đã mở rộng đến cả những người hoàn toàn không xứng đáng nhận lãnh nó, những kẻ vốn ô uế, hư hoại, vô đạo đức trước mặt Ngài, cũng ghen ghét và thù nghịch với Ngài nữa. Như thế, tình yêu của người tín đồ Đấng Christ là sự đáp lại của một tấm lòng tràn ngập một ý thức về sự vô giá trị của mình, một tấm lòng bị tội lỗi và những động cơ ích kỷ làm nhiễm độc; tuy nhiên, đó cũng là một tấm lòng đã tìm ra rằng dầu Đức Chúa Trời biết hết mọi sự về chúng ta, Ngài vẫn yêu chúng ta và Đức Chúa Giê-xu đã chịu chết vì chúng ta.
Tình yêu được đặt vào quỹ đạo
Như chúng ta đã thấy trong một chương trước đây (xin xem lại chương 1, phần cuối mục “Quân bình”), chúng ta yêu Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được bằng cách yêu những kẻ chúng ta thấy được (xem IGi1Ga 4:20). Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức yêu mến Đức Chúa Trời thì không được miễn trừ việc phải yêu những người khác ngoài ra Chúa, nhưng đúng hơn, nó là một bằng cớ chứng minh rằng chúng ta thành thật yêu Ngài. Yêu Ngài như thế là phần nền tảng để yêu kẻ lân cận không đáng yêu giống như chính bản thân mình, cũng như ngược lại, Đức Chúa Trời đã yêu mến tôi dầu tôi không có gì đáng yêu.
Trong diễn tiến tự nhiên của nó, tình yêu của con người thường bị ngăn chận ở một vài điểm nào đó. Đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ để yêu mến, muốn tìm người khác để thay vào đó. Đức Chúa Trời không hề muốn cho tất cả mọi người phải kết hôn, và phần tình yêu đáng lẽ phải đổ ra trên người chồng hay người vợ, có thể không được sử dụng như thế. Phao-lô đã thấy rằng đó là điểm đã khiến cho người không lập gia đình được tự do, không bị ngăn chận, để yêu mến Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn (ICo1Cr 7:32-34). Thay vì phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách yêu chồng, yêu vợ và yêu thương con cái, còn có một cách bày tỏ tình yêu Chúa trực tiếp hơn, được diễn tả trong tình yêu đồng bào đồng loại nói chung. Hay một cặp vợ chồng có thể sẽ không con, và như thế mục đích của cuộc hôn nhân mà cả hai người mong ước không thành tựu được. Điều đó có nghĩa là họ có cơ hội để mở rộng tình yêu, mở rộng túi tiền và sự chú ý đáng lẽ dành cho chính con cái họ để đổ trên những kẻ đang cần một mái nhà, để tiếp nhận người lạc loài, cô đơn, hay có lẽ là đã nhận nuôi những đứa trẻ đang cần một mái gia đình mà không ai chịu tiếp.
Tuy nhiên dầu chúng ta giả định rằng không có gì cấm đoán tình yêu vợ chồng càng nảy nở thêm khi hai người sanh thêm con cái, không có gì cấm đoán trong tình yêu đối với gia đình, chúng ta phải đặt vấn đề là tại sao tình yêu lại ngưng ở đó mà không tiếp tục tuôn tràn ra để lan rộng đến những người khác nữa? Nếu tình yêu là một cái gì có sức bành trướng vô hạn mà không hề giảm sút phẩm tính, thì niềm vui của nó không phải là chỉ an hưởng nó một cách dễ dãi, ích kỷ, cũng không phải chỉ giới hạn nó trong phạm vi người bạn đời, hay chỉ trong vòng bà con thân thích mà thôi. Đúng ra thì tình yêu trong hôn nhân và trong gia đình phải cung ứng một thứ giàn phóng, một loại hoả tiễn tầng thứ nhất và thứ hai để phóng tình yêu của chúng ta vào quỹ đạo thích ứng của nó. Bởi vì chúng ta đã hưởng được dồi dào tình yêu trong hôn nhân và trong gia đình, cho nên chúng ta cũng nên luôn luôn sẵn sàng bày tỏ tình yêu trong mọi lãnh vực càng mở rộng hơn. Mỗi một cặp vợ chồng mới, mỗi một gia đình mới, đều có một tiềm lực linh động bên trong để đem phước hạnh và điều tốt lành cho những người chung quanh. Thay vì cảm thấy mình bị thoát ly, chúng ta sẽ nhập cuộc. Có lẽ mấy lời sau đây của Chúa Giê-xu đã gợi ý cho những điểm vừa nêu ra ở trên, khi Ngài bảo rằng trên thiên đàng “người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy” (Mat Mt 20:20). Chẳng những khi không còn sự chết thì cũng không còn cần sự sinh sản nữa, mà trước mặt Đức Chúa Trời, mỗi người đều chia sẻ cho nhau niềm vui gia đình.
Tình yêu nam nữ
Rõ ràng đây là điểm phải bắt đầu, bởi vì từ tình yêu chồng vợ sẽ xuất phát tình yêu đối với con cái, cũng như tình yêu và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ; và để tránh lối lý luận lẩn quẩn, chúng ta có thể nói đó cũng là khởi điểm trong Kinh Thánh khi chỉ có độc một cặp vợ chồng. Trong tình yêu chồng vợ, có một tiềm lực linh động hướng về điều thiện. Mỗi người nam, người nữ đều cảm thấy nguồn tiềm lực vận hành bên trong để bắt đầu xây dựng một gia đình. Đó là chai dầu bằng bạch ngọc đựng cam tòng hương, đang chờ đợi được mở nút để dốc đổ số dầu bên trong ra. Nhưng chính đó cũng là nguồn năng lực tiềm tàng hướng về điều ác và đau buồn, bởi vì nếu chúng ta muốn đùa giỡn với nó, muốn dùng nó làm vật thí nghiệm mà thôi, thì nó có thể gây tai hại cho chúng ta. Biết bao lần người ta đã bán rẻ nó để phiêu lưu đi tìm kinh nghiệm: chúng ta phải sử dụng ngay bây giờ, hay ít ra, chúng ta phải chắc chắn rằng mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp.
Người Nhật có câu chuyện về một chiếc hộp không bao giờ được phép mở ra. Một ngư phủ kia nhờ đối xử tử tế với một con rùa biển, đã được phép đến viếng Cung Điện Long Vương dưới đáy biển. Sau khi được dạo chơi và đãi ngộ nồng hậu mấy ngày, chàng xin phép trở về và được tặng một chiếc hộp với lời dặn là không bao giờ được phép mở ra. Khi trở về làng cũ chàng nhận ra nhà cửa mình đã biến mất, tất cả những người quen biết với mình đều đã chết từ lâu. Cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, chàng quên mất lời dặn và mở chiếc hộp ra. Một làn khói trắng xông lên và chàng trai lập tức trở thành một cụ già, lẩm cẩm đến không còn đi đứng vững vàng được nữa. Chàng thanh niên chỉ còn lại cái ý thức của một cụ già sống cô đơn, xa lạ trên bờ biển để chờ chết. Tuổi thanh xuân của chàng đã qua đi vĩnh viễn, chẳng bao giờ tìm lại được.
Câu chuyện trên không nhằm ám chỉ trực tiếp một việc gì, nhưng tình yêu nam nữ cũng có một cái hơi giống như chiếc hộp niêm kín kia với lời dặn dò: “Đừng mở ra trước ngày đám cưới”. Nhưng trong những lúc cô đơn, hiu quạnh, chúng ta bị cám dỗ mở chiếc hộp ra. Cách thức tôi mở chiếc hộp, tặng phẩm kỳ diệu của Đức Chúa Trời là tình yêu nam nữ, có đẹp ý Ngài không? Tôi có sẵn sàng giao nó cho Ngài, cho đến thì giờ nào Ngài chọn chăng? Người tín đồ Đấng Christ phải nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời có một ý muốn tốt nhất dành cho mình. Ngài muốn ban cho tôi điều tốt nhất, và tôi sẵn sàng tin cậy Ngài. Luật của Đức Chúa Trời không phải là một cái gì phải kiềm chế hay giấu kín, không được phép bộc lộ tự do, nhưng “Giềng mối của Đức Giê-hô-va ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng. Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời” (Thi Tv 19:8, 9). Ý chỉ của Đức Chúa Trời đối cùng chúng ta vốn lành mạnh, trong sạch, tự nhiên về mọi mặt, gồm cả khía cạnh này.

Sự bộc lộ quá sớm
Có những thúc bách sinh lý ngày càng gia tăng. Dầu vấn đề chưa phải là hiển nhiên, nhưng một số người cho rằng các bản thống kê cho biết là ít nhất tại Anh quốc, thời kỳ kinh nguyệt xuất phát trung bình cứ càng ngày càng sớm hơn một cách có ý nghĩa. Đồng thời, tuổi thực sự để kết hôn dường như càng ngày càng trễ hơn đối với số người có học thức khá. Thêm vào sự thúc bách sinh lý còn có những áp lực tâm lý, hậu quả của việc dùng hàng loạt người đẹp của cả hai phái vào mục tiêu quảng cáo, và từ mọi phía, chúng ta được nghe nói đến mức độ sụp đổ nhanh chóng của xã hội đang vây quanh chúng ta. Chúng ta phải nhìn nhận những thúc bách, những áp lực đó, đồng thời cũng nên ý thức rằng tình trạng của thế giới ngoại đạo mà những người tín đồ Đấng Christ đầu tiên phải bước vào với đạo Tin Lành không phải là không giống như vậy.
Kinh Thánh đã tỏ ra rất thực tế và hợp thời lạ lùng đối với vấn đề thanh thiếu niên ngày nay. Kinh Thánh không đề cập đến vấn đề nam nữ một cách mập mờ hay e lệ tối thiểu mà thôi, nhưng đã nêu lên một bức tranh trung thực về cả phước hạnh lẫn những tấn thảm kịch có thể xảy ra do việc sử dụng đứng đắn hoặc sai lầm nam hay nữ tính của mình. Đối với những ai không chịu chờ đợi thì có vô số những truyện tích rất rõ ràng, đầy đủ. Sách đầu tiên trong Kinh Thánh đã thuật lại câu chuyện của Si-chem, một hoàng tử trẻ tuổi thật lòng yêu nàng Đi-na, nhưng vì không chịu kiên nhẫn chờ đợi làm xong những việc phải làm, do đó, đã gây căm thù với gia đình đàng gái (SaSt 34:1-31). Đây là trường hợp của một người có tình yêu chân thành: tâm hồn chàng vương vấn với Đi-na. Chàng yêu nàng và ngỏ lời nàng thật tha thiết. Cha của Si-chem và chính Si-chem đã chính thức hỏi nàng, nhưng gia đình nàng biết rằng chàng ta đã ăn nằm với nàng nên “giận lắm… vì đó là việc chẳng bao giờ nên làm”. Chàng thanh niên đã không chịu chờ đợi để chấp nhận điều kiện phải chịu cắt bì, vì “con gái của Gia-cốp đẹp lòng chàng”, nhưng nó đã tạo cơ hội cho các anh em nàng đang bất mãn gây nên tội phản bội và sát nhân. Tình yêu của chàng rất chân thật, nhưng đường lối đi đến hôn nhân của chàng đã sai lầm.
Nhưng thỉnh thoảng, có những trường hợp tình yêu gồm nhiều dục vọng giả dối hơn. Đã có nhiều người cho rằng truyện tích của Am-môn và Ta-ma không nên đem ra đọc trước công chúng (IISa 2Sm 13:1-39). Tuy nhiên, câu chuyện buồn đó rất khó thúc giục ai phạm tội, vì chúng ta đã đọc thấy rõ ràng những lời cảnh cáo khủng khiếp cho các thanh thiếu niên của bất cứ một thế hệ nào. Am-môn đã bị người con gái đẹp đẽ kia giày vò đến nỗi sanh bệnh. Vì là bà con ruột thịt với nhau, dường như không thể nào chàng lấy nàng được. Cho nên chàng đã nghĩ ra một kế tồi bại, khiến nàng đến tận giường bệnh để nuôi mình. Chính sự thiếu thành thật và âm mưu đen tối trong cả việc làm đó đã lên án chàng ta ngay. Cô gái đã khuyên chàng là: “Người ta chẳng làm như vầy” (“đó là việc chẳng nên làm” – một tiếng dội của câu chuyện giữa Si-chem và Đi-na); đó là một “ô hạnh”. Nếu chàng ngỏ ý với nhà vua là cha nàng, có lẽ chàng sẽ được phép bởi vì đây không phải là một việc không thể nào xảy ra. Và dường như nếu mọi việc xảy ra phải phép, nàng sẽ không cự tuyệt chàng. Nhưng chàng đã không chịu nghe lời, và ngay khi đã được mãn nguyện, chàng lại ghen ghét nàng, “tình người ghen ghét lại lớn hơn tình thương yêu nàng khi trước”.
Chàng bảo nàng đi ra. Nàng xin được phép ở lại. Đuổi nàng đi là một lầm lỗi lớn. Nàng liền ra đi, kêu khóc ầm ỉ và đóng kín cửa, ở trong nhà của anh mình. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì thái độ mới đây của vua cũng là một hành vi tội lỗi nên nhà vua không hành động gì được. Và một lần nữa, chính người anh của cô gái đã báo thù cho em gái mình và giết Am-môn.
Bài học của hai truyện tích tồi bại trên đây thật rõ ràng: tình yêu nam nữ là một cái gì rất quí báu mà chúng ta không nên đem ra để đùa giỡn. Trong cả hai trường hợp, chính vì không chịu làm điều đúng ra phải làm mà các anh em của cô gái là người chịu trách nhiệm vì nàng, phải nổi giận. Chúng ta không thể nào từ chối điều đó mà bảo rằng nó chỉ là một “tập quán”. Tập quán ấy đã được lập ra để bảo vệ các cô gái, để bảo vệ cả cho các thanh niên, và vì cớ trật tự xã hội. Có một chỗ trong sách Ê-xê-chi-ên (Exe Ed 22:11) nhà tiên tri đã liệt tội lỗi về vấn đề nam nữ vào với các hình thức bất công khác của xã hội. Sự ưng thuận không có liên hệ gì đến vấn đề này. Hành động vô luân lý làm sụp đổ trật tự phải có trong xã hội. Nếu chúng ta nổi giận về một vài tội ác xảy ra trong xã hội, mà lại không nổi giận về sự gian ác trong vấn đề nam nữ thì thật là không hợp lý chút nào. Hiện nay ở Hoa Kỳ, hàng năm trung bình có 400.000 cặp vợ chồng ly dị nhau, và hậu quả là có nửa triệu trẻ con, mà hai phần ba dưới mười tuổi, phải chịu cảnh gia đình tan nát; nghĩa là mỗi năm, nửa triệu trẻ con phải chịu cảnh đó. Phân nửa số người ly dị bây giờ là con của những bậc cha mẹ đã ly dị nhau, cho nên, chính sự thiếu an toàn của tuổi trẻ dường như chính là mầm mống của những xáo trộn trong cả đời sống. Sử dụng một cách vô trách nhiệm bản năng tính dục có thể phá hoại xã hội, đó là chưa kể đến vấn đề đặt ra hiện nay là có nên ngăn ngừa thụ thai hay không. Bảo rằng chúng ta có thể nô đùa với cảm xúc của một người khác rồi vứt họ qua một bên, bỏ mặt cho họ bị xao động với cảm xúc ấy cho đến khi họ tìm một người khác sẽ chấm dứt được nó một cách đột ngột, có nghĩa là chúng ta hạ thấp vấn đề nam nữ xuống để biến nó thành một hoạt động máy móc và phá huỷ phần nền tảng trên đó chúng ta có thể xây lên một cuộc hôn nhân hạnh phúc khiến chúng ta được toại nguyện.
Vấn đề làm quen (courtship) với ý thức trách nhiệm giữa thanh niên thiếu nữ
Có hai vấn đề rất nên đặt ra trước khi bàn đến chủ đề bạn trai, bạn gái. Từ ngữ được dùng có vẻ rất đẹp với hương vị thơm tho của nó, có lẽ bởi vì thoạt nghe, nó gần với từ ngữ Anh văn có nghĩa là lịch lãm, lịch duyệt, lịch sự (courteous). Nhưng nếu chúng ta trắng trợn bàn đến khía cạnh sinh lý, bàn đến sự làm quen, tán tỉnh, trong giới động vật, thì đó là một hành động mở đường cho việc chinh phục, mở đường đi đến hôn nhân. Điều đó có nghĩa là trước khi muốn làm quen, muốn tán tỉnh nhau, chúng ta phải tự hỏi: Ta có muốn đi đến hôn nhân với người ấy không? Nếu không, chúng ta đang hành động vô trách nhiệm, rất thiếu tình thương yêu. Chúng ta tỏ ra không đúng đắn với mối tình mà một người khác muốn dâng hiến:
Người nào phỉnh gạt kẻ lân cận mình
Rồi nói rằng : “tôi chơi mà !”
Khác nào kẻ điên cuồng ném than lửa ,
Cây tên và sự chết . (ChCn 26:18, 19)
Nhưng còn có một vấn đề thứ hai nữa. Vì rất có thể là đương sự thành thực muốn đi đến hôn nhân, nhưng tuổi lại còn quá trẻ hay đang theo đuổi một ngành học vấn đòi hỏi người ấy phải sống độc thân nhiều năm nữa. Như thế, câu hỏi xác đáng thứ hai là: Ta có thể nghĩ đến hôn nhân chưa? Nếu chúng ta chưa có thể nghĩ đến một tương lai mà mình có thể kết hôn, thì để tình bạn nẩy nở trong việc làm quen để tán tỉnh là một hành động kém khôn ngoan. Nếu tán tỉnh để không đi đến đâu cả hay phải chờ đợi một thời gian khá lâu, thì điều đó có thể là ích kỷ đối với mình và tàn ác đối với người kia. Lái xe với một cặp thắng bằng cảm xúc năm này sang năm khác như vậy thì tội nghiệp cho sợi thần kinh biết bao.
Chắc chắn là cả trong vấn đề này nữa, nếu chúng ta cần chờ đợi là đẹp ý Chúa, hãy dùng khả năng yêu đương của chúng ta thế nào cho đẹp lòng Ngài nhiều nhất là hơn. Đừng bằng lòng với một thành công tương đối, vừa phải, nhưng chỉ nên toại nguyện với điều gì tuyệt hảo mà thôi.

Sự thất bại
Đối với một số người thì câu cuối cùng trên đây có thể khiến họ thất vọng: đã đành là chúng ta phải nhằm vào cái tuyệt hảo, nhưng nếu chúng ta thất bại thì sao? Như chúng ta đọc thấy trong Gia Gc 3:2 “Vì chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều lần…” hay theo bản dịch cũ “Chúng ta thảy đều lầm lỗi nhiều cách lắm”, …. Và dầu mục tiêu nhằm vào hay lý tưởng của chúng ta có là gì đi nữa, rất ít người có thể tránh khỏi những hối tiếc vì thất bại. Cả sau khi đã lầm lỗi, có lẽ chúng ta cũng phải nhằm vào cái tuyệt hảo là tìm cách quay lại với con đường chánh. Dầu khi chúng ta bị thất bại ê chề hơn hết và cảm thấy là mình đang xa cách với cái tuyệt hảo hơn hết, chính Chúa vẫn có thể gặp gỡ chúng ta tại điểm chúng ta cần đến Ngài một cách sâu xa nhất, tại chỗ chúng ta bằng lòng ăn năn, để chỉ cho chúng ta tìm lại con đường chính đáng như thế nào.
Lắm lúc, dường như hậu quả của sự thất bại đặt chúng ta trước một ngõ bí. Cũng như Đa-vít dầu đã sống trọn đời với Bát-sê-ba và luôn luôn nhớ lại tên đầy tớ dũng cảm, tận tuỵ mà vì nàng mình đã đưa vào chỗ chết, nàng Bát-sê-ba vẫn là mẹ của vị hoàng tử sẽ được nối ngôi (IISa 2Sm 11:1-12:31). Kinh Thánh vẫn không chùn bước trước những sự kiện đau thương của trường hợp ấy. Chúng ta cần đến ân điển của Đức Chúa Trời, chẳng những khi thất bại, mà cũng còn cần đến ân điển ấy để sống với những hậu quả của sự thất bại đó. Sự kiện Đa-vít chắc chắn đã được tha tội, và chúng ta có hai Thi Tv 51:1-932:1-11 để chứng minh thái độ của ông lúc ấy, đã không có nghĩa là ông có thể hoàn toàn phủi tay đối với toàn thể vấn đề. Điều ông đã làm thì ông đã làm rồi, cho nên ông vẫn phải hứng chịu các hậu quả của nó: sự đố kỵ của vị cố vấn là A-hi-tô-phe, ông (nội hay ngoại) của người nữ đã biết rõ hết sự việc; hột giống của gương xấu ông làm cũng ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của các con trai đã lớn khôn của chính ông là Am-môn với Áp-sa-lôm. Tất cả đã tạo nên những điều đọc lên nghe thật đáng buồn. Dầu vậy, Kinh Thánh vẫn nói về cùng một người đó, con người đã thống nhất được xứ sở và đưa nó lên đài vinh quang vật chất để chiếm được địa vị cao trọng, rằng trước mặt Đức Chúa Trời ấy là “người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta” và là người “lúc còn sống, đã làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời” (Cong Cv 13:22, 36). Chính Chúa Giê-xu là Thiết Hữu của tội nhân. Ngài kêu gọi họ trở thành thánh đồ, và Tin Lành của chúng ta là tin mừng cho những người phạm tội.
Từ những nẻo đường tối tăm của tội lỗi , vẫn còn có một
con đường để trở về cùng Đức Chúa Trời .
Có một cánh cửa vẫn mở để bạn có thể bước vào ,
Cây thập tự tại Gô-gô-tha là chỗ bạn nên bắt đầu
Quay về với Chúa Giê-xu , với tư cách một tội nhân .

Vấn đề chung thuỷ theo Cơ Đốc giáo
Lời giáo huấn của Cơ Đốc giáo về chủ nghĩa độc thê rất khe khắt, luôn luôn bị một số người đả phá, dầu thường thường, rõ ràng là họ đã viện lẽ để bào chữa cho chính họ như Shelley đã viết:
“Tôi không hề gia nhập cái giáo phái lớn kia ,
Mà giáo lý thì dạy là mỗi người phải chọn
Giữa đám đông một người tình hay người bạn
Còn số còn lại , dầu đẹp dầu ngoan , thì
Đều phải tỏ ra lạnh lùng để quên đi …”
Giáo lý của Shelley thật rõ ràng là hoàn toàn khác hẳn, cho nên người ta có thể đặt vấn đề là “không biết có đời sống của nhà thi sĩ nào lại lưu những dấu vết tàn hại cho bằng ‘vị thiên thần đẹp đẽ nhưng vô tích sự’ đã để lại phía sau mình từ 1811 đến 1816, để làm chứng rõ ràng, đầy đủ về sự ngay thẳng và tầm quan trọng của ông ta để tái tạo thế giới”. Hậu quả chủ trương của Shelley là sự bỏ bê gia đình, tự tử, trẻ con vô thừa nhận, sự ghen tuông, và nói tóm tắt lại trong một lời, là khác xa với vẻ thiên thần, và sự đẹp đẽ đến nỗi người ta không thể nào tưởng tượng ra. Tóm lại, đó chính là điều Kinh Thánh đã cảnh cáo về hậu quả của sự không trung thành giữa vợ chồng trong ChCn 5:9-11
“…E con trao danh dự mình cho kẻ khác ,
Và năm tuổi con cho kẻ hung bạo ;
E người lạ được no nê hoá tài con ,
Và công lao con về nhà kẻ ngoại ;
Kẻo đến cuối cùng con phải rên siết ,
Vì thịt và thân thể con đã bị hao mòn …”
Chủ trương của Shelley bênh vực cho những người đồng ý với quan điểm của ông ta chỉ có thể dẫn đến sự mất bình an, mất vui vẻ cho vợ con, mất danh dự, mất lòng kính trọng đối với người chồng, việc phung phí năm tháng, tiền bạc và phung phí cả cuộc đời. Tác giả sách Châm Ngôn đã tiếp tục đặt những câu hỏi văn hoa như sau: “Há có người nào để lửa trong mình, mà áo người lại chẳng bị cháy sao?” Câu ấy gợi ý rằng tất cả những ai phạm tội ngoại tình đều là những kẻ hoàn toàn điên dại, vì hậu quả là sự tự huỷ mình, làm tổn thương, làm nhục, gây oán ghét, căm hờn không nguôi cho kẻ lầm lỗi (ChCn 6:23-35).
Kinh Thánh minh định rằng, tóm lại, đường lối của Đức Chúa Trời là con đường phước hạnh, và trung thành giữ lời hứa, con đường lành mạnh, con đường vui vẻ và bình an cho tâm trí:
“Hãy uống nước hồ con chứa ,
Và nước chảy trong giếng con ,
Các nguồn của con há nên tràn ra ngoài đường ,
Và các suối của con tuôn nơi phố chợ sao ?
Nó khá về một mình con ,
Chớ thông dụng nó với người ngoại ,
Nguyện nguồn mạch con được phước ;
Con hãy lấy làm vui thích với vợ con cưới hỏi đang thì ,
Như nai cái đáng thương và hoàng dương có duyên tốt ,
Nguyện tình thương của nàng làm thoả lòng con luôn luôn ,
Và ái tình nàng khiến cho con say sưa mãi mãi ”
(5:15-19)
Trong lời dạy dỗ này của Kinh Thánh, không có gì là e lệ hay thẹn thuồng giả dối. Cả hai đàng chồng cũng như vợ đều phải yêu nhau thành thật và sâu đậm. Quan điểm của người thế gian có thể đặt vấn đề đối với chữ “luôn luôn”, vì họ cảm thấy là chất rượu hôn nhân có thể mất mùi và trở thành lạt lẽo với thời gian. Nhưng người tín đồ Đấng Christ biết rằng khi đã được mời đến dự tiệc cưới, thì dầu rượu dọn lên trước là loại rượu mong đợi, và nhờ phép lạ của Ngài, rượu cứ càng về sau lại càng ngon! (GiGa 2:10).
Thi sĩ Shelley dường như đã lầm lẫn về mọi phương diện. Người ta chỉ có thể ghi nhận thái độ tự kỷ trung tâm cực đoan của ông khi ông bảo rằng số phận của bất cứ người đàn bà nào không có dan díu với ông là bị hờ hững bỏ quên. Nó minh thị rất rõ ràng cái tâm trạng tự kỷ trung tâm căn bản của quan niệm chống lại Cơ Đốc giáo, chủ trương rằng để thoả mãn dục vọng cá nhân của mình, người ta phải bóc lột và làm hại kẻ khác, phải chọn người này và bỏ người kia vì ghen tuông và phiền muộn. Nhưng như chúng ta đã thấy, ông ta lại sai lầm một lần nữa, bởi vì giáo lý Cơ Đốc giáo không phải là một giáo lý vị kỷ khi khen ngợi sự lạnh lùng quên đi của kẻ khác. “Quên đi tất cả những người” chắc chắn có nghĩa là trở thành một người vợ, một người có gia đình, và sự phong phú của đời sống gia đình xuất phát từ mối độc quyền đó thì vô tận và sự ấm cúng ấy sẽ vượt khỏi phạm vi gia đình để chào đón và đem phước hạnh đến cho kẻ khác. Những cặp vợ chồng là tín đồ Đấng Christ đã tìm được hạnh phúc gia đình mong rằng bạn bè họ cũng hưởng được hạnh phúc y như vậy, chớ không hề tạo rắc rối cho các cuộc hôn nhân của người khác như Shelley đã làm.
Chính tính cách an toàn của mối liên hệ độc quyền mà Kinh Thánh nhấn mạnh là nền tảng của sự an toàn trong gia đình, và nó có thể bành trướng để phước hạnh ấy có thể tràn lan ra mãi cho người chung quanh.
Thế thì, đời sống là nam giới hay nữ giới của tôi, cuộc hôn nhân của tôi có đẹp lòng Đức Chúa Trời không? “Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi như là đồ dùng gian ác, nhưng phải phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công nghĩa” (RoRm 6:13). Như Frances Havergal đã viết là xin dâng cả đời sống, thì giờ, tiền bạc; trí khôn, tấm lòng, ý chí, tay chân, thì chắc chắn là các “chi thể” chúng ta cũng gồm cả đôi mắt, các giác quan và nam nữ tính của chúng ta nữa: tất cả những điều đó đều phải dâng cho Đức Chúa Trời như các khí cụ của sự công nghĩa. Tình yêu là một tặng phẩm Ngài đã ban cho chúng ta, một điều tôi có thể sử dụng mà Ngài đã ban cho tôi. Nguyện tôi dốc đổ tình yêu đựng trong chiếc chai bạch ngọc thành một thức hương thơm trong đời sống hôn nhân, đẹp lòng Đức Chúa Trời, trở thành một nguồn phước hạnh cho người bạn đời mà Ngài đã chọn cho tôi.

Sự bình đẳng giữa vợ chồng
Trong bức thư gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê, chúng ta đọc thấy rằng Chúa không bằng lòng về thái độ hâm hẩm (KhKh 3:16). Nhưng nếu một tín đồ hoạt động, khéo léo, luôn luôn là một người sốt sắng, kết hôn với một tín đồ nguội lạnh, không sốt sắng, thì hai người ăn ở với nhau, dầu người nguội lạnh có hơi sốt sắng đi được một ít, kết quả vẫn là cả hai đều trở thành những tín đồ hâm hẩm! Điều rất quan trọng là khi kết hôn với một người, chúng ta phải biết rằng người ấy cũng sốt sắng phục vụ Chúa y như chúng ta, hay một người mà ta vẫn kính trọng xem như một tín đồ trưởng thành, già dặn hơn cả chúng ta. Sự tự hạ mình đó có nghĩa là cả hai phải coi trọng lẫn nhau, chớ không phải như khi chúng ta nói với một người chơi quần vợt rằng nếu muốn tiến bộ thì luôn luôn nên gia nhập với một người đánh giỏi hơn mình! Tóm lại, lẽ dĩ nhiên là có một người khá hơn người kia, nhưng cả hai phải coi trọng lẫn nhau y như nhau. Nghĩa là một trong những điều chúng ta mong đợi nơi người bạn đời của chúng ta là sự dâng trọn mình cho Chúa, thêm vào với những đặc tính thể chất có sức hấp dẫn cũng như sự phù hợp về phương diện tri thức. Nếu người đó chỉ là tín đồ của một Hội Thánh nào đó, hay tự tạo cho mình một phù hiệu gì đó để tự đeo lấy cho mình thì chưa đủ. Rất có thể là điều vừa kể chỉ có rất ít ý nghĩa, cũng như chiếc bảng hiệu của một tiệm kim hoàn treo bên trên vài sợi dây chuyền có những chiếc thánh giá bằng bạc làm rất khéo tay: “Hãy tỏ ra mình là tín đồ Đấng Christ một cách khiêm nhượng!” Chúng ta phải biết chắc chắn rằng đức tin của người kia không phải chỉ là phần thêm vào cho bảng thời dụng biểu quá bận rộn, nhưng là một người đã dâng cả đời sống mình cho Chúa.
Thật khó sử dụng nhà mình cho Chúa, nếu luôn luôn có một người trong hai vợ chồng đứng phía sau kéo lại, còn khó khăn hơn là tự mình tiến tới và dùng mọi sự cho Chúa. Những gì quyển sách này đã nói về một cá nhân tận tuỵ, rõ ràng cũng có thể áp dụng cho một cặp vợ chồng hết lòng vì Chúa, và một cuộc hôn nhân không cân xứng có thể là một trở lực kinh khủng. Nhưng tai hại thay, một tín đồ dâng trọn mình cho Chúa lại kết hôn với một “tín đồ” không dâng mình y như vậy, không phải là hiếm thấy; Rồi với thời gian, phần đức tin nhập một của họ cứ nguội dần để trở thành một truyền thống hâm hẩm – là chỉ còn hờ hững đi đến nhà thờ mà thôi. Người đáng ra phải sốt sắng, hữu ích đã bị người chồng hay vợ có đời sống thuộc linh kém cỏi lôi kéo để trở thành dửng dưng, trung hoà. Cả trong phạm vi truyền giáo cũng vậy, nếu có một số giáo sĩ được sự hậu thuẫn đắc lực của vợ giữ lại trong chức vụ (vì chính người đàn bà vẫn giữ người đàn ông cho khỏi thối lui), thì trong nhiều trường hợp khác, người đàn ông chỉ có ích lợi nửa phần mà đáng ra họ có thể có ích nếu họ đã cưới được một người vợ sốt sắng dâng mình cho Chúa hơn một chút. Trong một nhóm người nhỏ trong xã hội, nhưng nhất là trong các ban thanh niên nhỏ của Hội Thánh, người ta hay bị lôi cuốn bởi một người có vẻ khá nhất trong nhóm, và có thể liều lĩnh kết hôn với người ấy để rồi sau này phải hối tiếc, bởi vì nếu phải mở rộng phạm vi sinh hoạt trong đó chúng ta phải tranh đấu nhiều hơn, thì những người đó không còn hấp dẫn gì nữa.
Nhiều sinh viên tưởng rằng đại học là môi trường tốt nhất để tìm được người bạn đời, là khu chợ phong phú nhất cho hôn nhân, và nghĩ rằng nếu mình không thành công ở đó thì sau này phải chọn lựa eo hẹp hơn giữa vòng các nhóm nhỏ hơn của xã hội. Tuy nhiên, thời gian vẫn có thể làm gia tăng các cơ hội cho chúng ta gặp gỡ những người tốt, và sự già dặn cứ gia tăng dường như vẫn khiến chúng ta phê phán đúng hơn điều mình thật sự có cần trong đời sống lứa đôi, dầu nó cũng khiến cho chúng ta khó quyết định hơn. 46% những cuộc ly dị đã xảy ra khi người con gái kết hôn lúc chưa được hai mươi tuổi, và trái lại, những người kết hôn sau hai mươi tuổi vẫn ăn ở với nhau đến 85%. Chính việc tảo hôn thường đưa đến đổ vỡ (dầu lẽ dĩ nhiên không phải là tất cả những người kết hôn sớm), và thường thường thì những người lập gia đình muộn có đời sống lứa đôi vững chắc hơn.
Cho nên điều quan trọng là nên tránh sự vội vàng và phải có sự trông mong sâu xa cho cả chính mình lẫn người khác. Tôi không bao giờ quên một giáo sĩ kỳ cựu với mái tóc bạc đã vui vẻ và tỏ lòng cảm ơn Chúa mà bảo rằng: “Tôi đã cưới được một người đàn bà có tâm hồn của một giáo sĩ từ đỉnh đầu đến móng chân!” Họ đã vui sống bên nhau nhiều năm, cùng hợp tác phục vụ Chúa rất hữu hiệu trong các làng mạc xứ Ấn Độ, và đã làm gương tốt cho nhiều thế hệ sinh viên trẻ. Chúng ta không cần lo sợ là mình có thể mất đi một cơ hội tốt. Chính Chúa đã lo liệu cho chúng ta điều tốt nhất, và chúng ta sẽ được vui mừng khi tin cậy Ngài, vì Ngài là Đấng đáng cho chúng ta tin cậy. Tin cậy Ngài trong hôn nhân, để Ngài “sắp đặt” việc đó cho mình thì không lo trục trặc gì hết.

Cuộc sống thành thật
Chúng ta thường có cái khuynh hướng tai hại là khinh thường, hay nghĩ rằng những người sống đơn giản, dầu là do họ tự chọn hay bị bắt buộc, đã chọn những nẻo đường không mấy xứng đáng. Trái lại, có nhiều chỗ trong Kinh Thánh (thí dụ như Mat Mt 19:12; ICo1Cr 7:32 và tt) đã vạch rõ rằng tình trạng đó có lợi và giữ người ta được tự do, thành thật để tiếp tục hiến dâng mình vào những mục tiêu thuộc linh. Những người độc thân có nhiều thì giờ để học hỏi và dành cho kẻ khác hơn là những người phải nuôi nấng và chăm sóc bầy con của mình. Thí dụ như một bà giáo sĩ, nếu đông con, sẽ có thể bị bận rộn để hoàn thành chức vụ Chúa giao cho đối với con cái mình, nên rất ít có thì giờ trực tiếp lo cho công tác truyền giáo và cả đến người chồng cũng bị hạn chế hoạt động trừ phi con cái họ đều ngoan ngoãn dễ dạy. Bất cứ người nào đã từng thử ngồi học trong một phòng có trẻ con nhỏ tuổi chắc sẽ nhận ra ngay vấn đề ấy. Chúng ta không nói là chức vụ của họ cao hơn hay thấp hơn nhau, mà chỉ nói rằng người độc thân có thì giờ dành cho kẻ khác trong khi người có gia đình thường không có.
Chúng tôi cũng thấy là kéo dài cuộc sống độc thân lâu hơn một số đông người hiện nay để phục vụ Chúa theo cách chúng ta có thể làm được vẫn có lợi hơn. Một người có gia đình không thể mà cũng không nên vắng nhà đêm này qua đêm khác nhưng một người độc thân có thể dâng mình tự do hơn để hoạt động tình nguyện cho Hội Thánh, cho các ban thanh niên trong Chúa và những công tác tương tự. Chúng ta có thể nói rất nhiều điều để bênh vực cho những người tự ý chấp nhận cuộc sống đơn giản thành thật vì cớ Nước Trời. Đối với các tín đồ Đấng Christ mà trước hai mươi tuổi đã xem việc lập gia đình như mục đích chính của cuộc đời, thì dường như họ đã phung phí điều mà nếu hành động khác hơn, họ có thể sử dụng nó một cách khôn ngoan để tham gia công tác phục vụ Chúa.
Các học sinh sinh viên vẫn thường bị áp lực mạnh của lối sống ngoại đạo chung quanh, và ngay cả trong một số các ban thanh niên, những người trẻ tuổi cũng bị thúc đẩy cặp đôi với nhau. Vì người sinh viên có số thì giờ rất giới hạn để hoạt động ngoài chương trình, ma quỉ chắc phải mỉm cười khi thay vì thấy họ dùng những cơ hội đáng ra có thể kết bạn hay làm chứng đạo cho các bạn đồng học cùng phái với mình, thì trái lại, họ lại bận rộn với những cuộc đấu hót, tán tỉnh quá sớm. Khi tất cả mọi người đã có đôi, chúng ta phải tự chủ, tự kềm chế và thành thật lắm mới khỏi bị lôi cuốn tham gia vào hội này, nhóm nọ của họ đang mọc lên như nấm. Nhìn thấy những người khác cùng lứa dấn thân vào các nghi thức ve vãn, tán tỉnh, những người chưa có đôi rất dễ bị kích thích và chịu ảnh hưởng xấu.
Lẽ dĩ nhiên là sự đòi hỏi sinh lý có mạnh thật, và khi thấy những người khác ve vãn, tán tỉnh nhau, nó lại càng được tăng cường. Người tín đồ phải cầu nguyện cho tâm trí được thảnh thơi, tự chủ và biết phân biệt đâu là sự dẫn dắt đích thực của Chúa với những cuộc gặp gỡ tình cờ do dục vọng thúc đẩy vốn thường được viện ra làm lý do chống chế khi bị lôi cuốn bắt chước kẻ khác để cặp đôi cặp bạn. Cũng như Sam-sôn, thì giờ và sức lực của người thanh niên có thể bị phung phí vào những tính mê thích tạm thời đó, rồi người ấy sẽ có thể nhìn lại và lấy làm ngạc nhiên là tại sao những năm đầy sinh lực đó, mình lại làm được quá ít công việc.
Chữ tín chia hai?
“Ai không cưới vợ thì chăm lo công việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo công việc đời này, tìm cách cho vợ mình thoả dạ. Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời này, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình. Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho anh em, chớ chẳng phải để gài bẫy, song để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân tâm mà hầu việc Chúa” (ICo1Cr 7:32-35).
Thoạt nhìn thì đoạn sách trên đây có vẻ như mâu thuẫn. Theo một ý nghĩa thì thật ra có xung khắc, vì dầu một người đàn bà có thể phục vụ và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng việc chăm sóc cho chồng, cho con, rõ ràng là theo một ý nghĩa, nàng sẽ có thì giờ ít hơn để theo đuổi cách trực tiếp vào các hoạt động rao giảng Tin Lành. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên nhớ rằng đoạn sách này là câu trả lời của Phao-lô cho vấn đề lợi ích của cuộc sống độc thân, và ở đây, ông đang đề cập đến những điều lợi: ưu điểm là người không lập gia đình có thể yêu Chúa trực tiếp hơn, không bị phân tâm, và thường có thể hoạt động cho Đấng Christ trong một phạm vi rộng rãi hơn. Đồng thời, như chúng ta đã thấy là đối với người đã có gia đình thì không có gì mâu thuẫn nếu họ hết lòng yêu Chúa, mà cũng yêu chồng, yêu vợ con, yêu người lân cận. Chúng ta làm cho họ y như làm cho Chúa. Chúng ta phục vụ Chúa bằng cách phục vụ họ.
Một thí dụ tươi sáng về nét quân bình của Kinh Thánh là khúc sách Đức Chúa Giê-xu nói về những kẻ sống độc thân có thể là do luật thiên nhiên, bị bắt buộc hay tình nguyện. Đó là “những người tự mình làm nên hoạn vì cớ nước thiên đàng ” (Mat Mt 19:12). Nhưng hãy đừng vội cưỡng ép mà đẩy những lời trên đây của Chúa đến chỗ cực đoan để bảo rằng đó là điều kiện cần thiết của một sự kêu gọi cao cả hơn, vì biến cố xảy ra ngay sau đó là việc các bà mẹ đem con trẻ đến để Ngài chúc phước cho chúng. Nghĩa là những người đàn bà không sống độc thân đã đem con cái họ đến cho Ngài, mà lời lẽ Ngài vẫn ở trong văn mạch (như trong mọi trường hợp khác ) và đã có ý nghĩa rất sâu xa: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở, vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (19:14). Không phải chỉ những kẻ sống độc thân vì cớ Nước Trời mới được chúc phước, mà cả những người đã nhờ hôn nhân, sanh con cái cũng vì cớ Nước Trời ấy, vẫn được chúc phước. Cả hai đàng đều được Chúa chúc phước.
Cho nên thư Ê-phê-sô (Eph Ep 6:2 và tt) Phao-lô không thấy có gì là không thích hợp khi ông khuyên người chồng phải yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh. Tình yêu giữa các tín đồ có gia đình có thể được dùng để mô tả tình yêu của Đấng Christ. Vậy nên, chúng ta hãy dâng tình yêu của chúng ta cho Ngài, là mối tình vẫn tiềm tàng trong lòng loài người: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tình yêu của con, chúc phước cho và dùng nó làm sáng danh Ngài, đem phước hạnh đến cho nhiều người”

Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
Tôi có những nghi ngờ nào còn giấu kín liên hệ đến lời dạy dỗ của Cơ Đốc giáo về vấn đề nam nữ và hôn nhân chăng?
Đấng đã tạo nên chúng ta là “người nam , người nữ ”, không đáng cho chúng ta tin cậy sao ?
Chúng ta có quyết định tìm cách tận dụng các nguồn năng lực của phái tính để sử dụng cách vui mừng không?
Tôi có sẵn sàng chờ đợi ý chỉ Ngài bày tỏ rõ ràng về đời sống tôi , và không vội vả đâm đầu vào hôn nhân quá sớm mà không suy nghĩ thích đáng không ?
Tôi có muốn chứng minh cho thế giới ngoại đạo nói chung thấy tính cách lành mạnh, vẻ đẹp đẽ và nét quân bình của lời dạy dỗ từ Đức Chúa Giê-xu liên hệ đến vấn đề nam nữ và hôn nhân không ?
Tôi đã dâng “các chi thể ” của tôi – gồm luôn nam hay nữ tính của tôi – cho Chúa chưa ?

Lạy Chúa , xin giúp con tôn vinh Ngài bằng cách dùng sức mạnh đó của tình yêu . Nếu Chúa muốn cho con một người bạn đời và con cái , xin cho con biết vì cớ Ngài mà hết lòng yêu họ ; và nếu ý Ngài muốn cho con sống độc thân , xin cho con biết sẵn lòng chấp nhận nó một cách vui mừng , và dốc đổ tình yêu của con ra cho Ngài để rải mùi thơm ra cho mọi người chung quanh . Nhân danh Chúa Giê-xu A-men .