KHÁN GIẢ hay DIỄN VIÊN?
Xin lấy hai bàn tay con , khiến chúng cử động ,
Tuỳ sức thúc đẩy của tình yêu Ngài .
Xin lấy đôi bàn chân con , khiến chúng
Trở nên nhanh nhẹn và đẹp đẽ cho Ngài .
Có lần một người bạn của tôi là sĩ quan thuỷ quân thuật cho tôi nghe một câu chuyện về thể nào trong khi cả đoàn thuỷ thủ trên tàu tập họp, và mỗi người đều đang thi hành một vài phận sự nào đó, chỉ có riêng ông ta là còn đứng để đợi lịnh, thì từ trên đài chỉ huy có tiếng hét vang xuống: “Trời ơi, hãy làm một cái gì đi chớ!” Tốt hơn là nên bận rộn đầu tắt mặt tối, chớ đừng đứng đó một cách nhàn hạ, không làm gì cả. “Vì danh Chúa” chúng ta là tín đồ Đấng Christ, được kêu gọi phải hành động. Người tín đồ Đấng Christ phải “làm một cái gì” cho chủ mình.
Một quyển sách hoạt động
Kinh Thánh là lịch sử những hành động của Đức Chúa Trời giữa vòng loài người, những điều Đức Chúa Trời hành động, dường như Ngài thường kêu gọi các cá nhân giữa vòng loài người hãy cùng Ngài và vì Ngài mà hành động, vì danh Ngài mà “làm một cái gì”. Kinh Thánh dường như là lịch sử của những hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng, của sự thất bại và bất lực của loài người. Nhưng rồi Đức Chúa Trời dấy lên một người nào đó để dẫn dắt dân sự khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng ấy. Khi dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ tại Ai Cập, phải xây những thành phố lớn cho Pha-ra-ôn, Đức Chúa Trời đã sai Môi-se đến tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: “Hãy để cho dân ta đi.” Sau khi Môi-se qua đời, Giô-suê – một con người hành động khác – lại sẵn sàng kế vị ông và được huấn luyện để làm việc ấy. Trong giai đoạn tiếp theo sau đó, nhiều lần dân Y-sơ-ra-ên đã bị các dân ngoại đạo khác chinh phục (thường thường là do Đức Chúa Trời cho phép để hình phạt vì họ bất trung với Đấng vốn là Chân Thần Duy Nhất), và Đức Chúa Trời cũng dấy lên hàng loạt những người nam cũng như nữ (như Đê-bô-ra), trước hết là Các quan xét: Ốt-ni-ên, Ê-hút, Sam-ga, Ba-lác, Ghê-đê-ôn, Giép-thê, Sam-sôn, Sa-mu-ên, sau đó là các vua Sau-lơ, Đa-vít… và cuối cùng là các tiên tri Ê-li, Ê-li-sê, Ê-sai, Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên. Sau hết, tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời nhờ tiên tri Ê-xê-chi-ên tuyên bố là: “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không huỷ diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai” (Exe Ed 22:30).
Trước đó, có những nhà vua như Giô-si-a và Ê-xê-chia đã kêu gọi dân sự ăn năn và trở lại thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va mà thôi; nhưng bấy giờ thì không còn ai nữa. Cả phần ký thuật của Cựu Ước dường như chép lại việc Đức Chúa Trời luôn luôn mong đợi những người đã sửa soạn sẵn sàng để dâng trọn mình phục vụ Ngài.
Con người hoạt động
Chính Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã đi từ chỗ nọ qua chỗ kia để “làm phước” (Cong Cv 10:38) là con người hoạt động siêu đẳng, con người đã đứng tại chỗ sứt mẻ vì biết rằng không phải Đức Chúa Trời cần những con thú làm sinh tế, nhưng cần một Đấng sẵn sàng dâng “thân thể” đã chuẩn bị sẵn sàng cho Ngài “để làm theo ý chỉ Ngài” (HeDt 10:5-7). Chính con người đã đến để hoàn tất công tác Cha Ngài giao phó, và đã hoàn thành nó trên thập tự giá, cũng là Đấng dạy cho các môn đệ tính cách cần thiết của việc hành động.
Đó không phải là điểm chính yếu của đa số các thí dụ hay sao? Trong những ví dụ về các ta-lâng và các nén bạc mà chúng ta đã xét qua, chính người không làm gì hết là người bị lên án, con người đã không chịu hành động như đáng ra phải hành động. Trong ví dụ về chiên và dê, án lệnh kinh khiếp đã được dành cho những người không chịu làm gì cả khi trước mặt mình là cả một nhân loại đang thiếu thốn, khổ đau. “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta, đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó. Vì ta đói, các ngươi không cho ăn, ta khát, các ngươi không cho uống; ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng” (Mat Mt 25:41-43). Ta đã đói, nhưng các ngươi đã làm gì? Không làm gì cả. Ta đã bị cầm tù, các ngươi đã làm gì? Không làm gì cả. Ta đã bị trần truồng, các ngươi đã làm gì? Không làm gì cả.
Mạng lệnh quan trọng cuối cùng của Đấng Christ là truyền cho chúng ta phải ra đi, làm một cái gì. “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, làm báp-tem cho họ… dạy họ giữ hết mọi điều ta đã truyền cho ngươi” (28:19, 20). Hãy đi ra và làm một cái gì: khiến họ trở thành môn đồ, dạy các môn đệ ấy đi ra, làm tất cả những gì ta đã truyền cho các ngươi làm , và lẽ dĩ nhiên là cũng gồm việc thu nhận nhiều môn đệ và dạy họ đi ra, hành động … Nói cách khác, thì đó là một lệnh truyền phải hoạt động mãnh liệt. Cũng không kém gì những con người của Cựu Ước, những con người của Tân Ước đều được kêu gọi trở thành những con người hoạt động, cho nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi quyển sách tiếp theo đó của Tân Ước đã được gọi là sách Công Vụ (hay đúng hơn là: Hoạt động của) Các Sứ đồ. Đó là những người đã được Chúa Giê-xu sai đi, để nhờ Thánh Linh Ngài, vì Ngài mà hành động.
Đức Chúa Trời của sự hoạt động
Câu nhấn mạnh này không có gì đáng lấy làm lạ, vì Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời hành động, làm việc. Ý niệm này rất tương phản với quan niệm phổ thông về “nền tảng hiện hữu của chúng ta” cho rằng Đức Chúa Trời chỉ tác động rời rạc hay đúng hơn là một cách vô hiệu trên phần bản thể sâu xa nào đó của ý thức con người. Dường như có người nghĩ rằng Ngài là một thứ “bánh bằng bột trong vũ trụ” (cosmic tapioca pudding), một “hữu thể” vô hại, thoạt biến, thoạt hiện; Ngài dường như không muốn can thiệp dứt khoát vào công việc của loài người, chỉ tác động gián tiếp qua các môi giới nếu không nói là chẳng tác động gì cả, mà cả đến sự hiện hữu cũng bị hoài nghi! Tất cả nhân loại chủ nghĩa quá khích, sơ khai của Kinh Thánh đều phải vứt đi! Thật ra thì những gì người ta đã làm chỉ là thay thế tất cả bằng một ngữ vựng khác. Họ dùng những hình ảnh của khoảng không gian và của chiều sâu để thay thế cho ngôn ngữ của Kinh Thánh, vốn dùng các hình ảnh của chiều cao.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời luôn luôn làm việc này, việc nọ. Ngài là một Đức Chúa Trời hành động. Ngài nói, Ngài sáng tạo, Ngài hành động, Ngài can thiệp, Ngài đánh các dân các nước, Ngài chạm đến núi non khiến chúng bốc cháy, Ngài khiến các núi nhảy lên như dê con, các đồi nhảy lên như chiên con, Ngài cai trị bằng cây gậy sắt, đường đi Ngài ở trong cơn gió trốt, ở trong bão tố, còn những đám mây và bụi bậm dưới chân Ngài. Ngài là một vị Đại Vương. Tất cả đều là một nhân loại chủ nghĩa cực đoan, quá khích, nhưng đã gợi ý rất rõ ràng sự kiện Đức Chúa Trời vẫn còn sống trong vinh quang và đang hành động trong chiến thắng. Ngài hành động cách có quyền, thích hợp, đầy ân huệ và không ai cưỡng lại nổi theo công lý và bằng sự xét đoán. Có ai sợ hãi một “nền tảng hiện hữu”, một linh thể vô định hình và ngoại chất bao giờ? Nhưng khi loài người gặp Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, họ đã sấp mặt xuống đất (như Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên, Giăng) và luôn luôn được trấn an rằng: “Đừng sợ….” Sợ hãi, kinh khiếp là những phản ứng tự nhiên, tự động khi loài người gặp Đức Chúa Trời. Tất cả những danh từ tối thượng, tuyệt đối mà Phao-lô phải dùng đến, vẫn không đủ để diễn tả quyền năng và sức mạnh cũng như lực lượng sinh động của Đức Chúa Trời toàn năng.
Gặp gỡ Đức Chúa Trời của sự hoạt động, có nghĩa là bị kích thích để hành động, để hoạt động, hoạt động ngay tức khắc. Chúng ta sẽ quỳ xuống trước mặt Ngài và thưa: “Lạy Chúa, xin nhận lấy đôi tay, đôi chân của con… hãy dùng con phục vụ Ngài”.
Hành động để mở đường cho hành động
Người của Đức Chúa Trời bắt đầu mọi sự. Dầu Phi-li-tin có một đạo quân đông đảo và một cấm lệnh rất hữu hiệu về vấn đề độc quyền sản xuất sắt. Họ có quân đội trấn đóng tại vị trí chọn lọc, khiến nước Y-sơ-ra-ên trở thành một xứ bị chiếm đóng dưới quyền kiểm soát của những đồn luỹ kiên cố. Nhưng Giô-na-than tấn công một trong những đồn luỹ đó bằng cách leo núi với chỉ một người vác binh khí duy nhất theo mình, thì toàn thể lực lượng chiếm đóng phải chạy trốn. Hành động của Giô-na-than là một hành động dũng cảm, nhưng chỉ nằm trong một phạm vi nhỏ hẹp mà thôi. Chỉ trong độ nửa công đất, ông đã giết được hai mươi người, hơn một cuộc đụng độ nhỏ chút ít mà thôi. Nhưng hành vi táo bạo đó đã khiến cho quả bóng chuyển động, và mở đầu cho một hành động đưa đến một chiến thắng lớn.
Khi quân Phi-li-tin trở lại với một lực lượng hùng hậu, họ mang theo một thứ khí giới mới dưới hình thức một người khổng lồ hay khoe khoang tên là Gô-li-át. Các chiến binh Y-sơ-ra-ên đứng phía bên kia thung lũng trong bốn mươi ngày, giương mắt nhìn tên khổng lồ kia mà run rẩy. Rồi con người hành động của Đức Chúa Trời đến, hoàn toàn không trang bị vũ khí, một con người thiếu kinh nghiệm nhưng đầy phẫn nộ vì có kẻ dám chống lại Đức Chúa Trời như vậy. Người đó tấn công tên khổng lồ và giết hắn đi trước sự kinh ngạc của mọi người. Chàng ta chỉ giết một người, nhưng việc làm đó là khởi điểm của một hành động vĩ đại, cho nên toàn thể lực lượng Phi-li-tin bị đánh đuổi.
Cả Giô-na-than lẫn Đa-vít đều mở đường cho một hành động tại một trận nhỏ – ngay chỗ họ đang đứng – nhưng điều họ làm đã mở đường cho những chiến thắng lớn. Chúng ta cũng cần gia nhập chiến trường tại địa phương. Chúng ta không thể hy vọng rằng mình sẽ đánh tan toàn thể lực lượng quân thù, nhưng chúng ta cũng không cần phải làm thế. Như có một bài thánh ca đã nói, “có một việc dưới tầm tay bạn để làm cho Chúa Giê-xu, và chúng ta được kêu gọi phải bạo dạn bắt đầu ngay tại chỗ mình đang đứng. Đức Chúa Trời sẽ lo liệu phần còn lại, bằng kết quả của hành động chúng ta sẽ mở rộng cuộc chiến đấu đến khắp các mặt trận”.
Có hai người đã bị thiêu sống trên một trụ hình mà nay là đường Broad Street, tại Oxford. Chắc họ chỉ là những người ý thức được sự yếu đuối và vô nghĩa của mình trước mặt kẻ thù. Nhưng Latimer đã nói: “Thầy Ridley ơi: hãy vui lên… nhờ ơn Chúa, hôm nay chúng ta sẽ được thắp sáng tại Anh quốc như một ngọn đuốc mà (tôi tin là) sẽ chẳng bao giờ tắt đi…” và dầu có nhiều người cố gắng để dập tắt ngọn lửa Tin Lành đó trong giáo hội Anh quốc, nó vẫn còn cháy sáng cho đến ngày nay.
Có thể là một Luther đã treo các đề án của mình lên một cánh cửa tại Wittenberg, một Raikes đã khai giảng trường Chúa Nhật đầu tiên, một William Booth đã nghĩ ra việc giảng đạo trong các xóm nghèo, Hudson Taylor cầu nguyện tại bãi biển ở Brighton, Josiah Spiers đã viết ra một bài cho trẻ con trên bãi biển tại Llandudno… tất cả những tín đồ của Đấng Christ đó dầu là những con người của hành động mà ý chí chủ động, thực hiện trong sự run rẩy đầu phục Đức Chúa Trời, đã dẫn dắt nhiều người khác vào việc phục vụ hữu hiệu cho Đấng Christ. Họ đã bắt đầu một việc, và Đức Chúa Trời đã ban phước cho họ khiến họ thắng trận lớn lao.
Chúng ta cũng cần có cùng một ý chí đó để bắt đầu một việc gì ngay hôm nay, hoặc là bắt đầu tổ chức một ban chứng đạo trong xưởng thợ, mời các bà hàng xóm đến uống cà phê và học Kinh Thánh chung với nhau, một buổi hội thảo trong văn phòng chúng ta làm việc hay một hội Kinh Thánh cho các thanh niên, một Trường Chúa Nhật cho trẻ con. Có thể chúng ta sẽ sáng lập một chi nhánh của Hiệp hội Thánh Kinh hay một thư viện Tin Lành. Chính một cô gái mười sáu tuổi người Mỹ đã bắt đầu phong trào Hiệp hội Kinh Thánh cho người trưởng thành tại Nhật, vào một thời mà các hội viên trong những nước khác, kể cả Anh quốc, đa số vẫn còn là trẻ con. Một giáo viên người Nhật đã mở được ba Hội Thánh rồi cứ duy trì cho đến khi có một số gia đình tin Chúa để có thể mời một mục sư. Chúng ta có bằng lòng dâng đôi bàn tay và bàn chân của chúng ta cho Chúa để trở thành những người bắt đầu một công tác nào đó ngay trong xóm chúng ta ở không?
Hành động để sửa lại những sai lầm
Khi Na-hách người Am-môn hăm he làm nhục dân Gia-be, họ sai sứ giả đến cùng Sau-lơ, thì ông được Đức Thánh Linh cảm động, liền nổi giận phừng phừng, và dân Y-sơ-ra-ên đã đồng lòng hiệp ý với ông như chỉ một người mà thôi. Ông hứa sẽ giải cứu họ trước khi mặt trời mọc, và điều đó có nghĩa là họ phải vượt một đoạn đường dọc theo thung lũng A-ra-ba, một rặng núi lửa hiểm trở, bên trong là con sông Giô-đanh. Đó là một con người của hành động đã kết hợp được dân sự mình để sửa lại một việc làm sai lầm.
Những lời tuyên bố về sự phán xét của các tiên tri thường nhằm vào những sai lầm dân sự. Na-than đã trách cứ Đa-vít về tội ác của vua đã phạm đối với U-ri, Ê-li đã quở trách A-háp khi vị vua này chiếm đoạt vườn nho của Na-bốt, và Giăng Báp-tít đã không hề sợ hãi khi chỉ trích cách sống vô đạo đức của Hê-rốt. Khi luật lệ La Mã bị vi phạm tại Phi-líp, Phao-lô đòi những kẻ phạm pháp phải xin lỗi và không chịu ra đi trước khi họ làm y như vậy (Cong Cv 16:37 và tt). Các bậc tiền bối theo đạo Tin Lành tại Anh quốc như Wilberforce, Shaftesbury là những người đã có một lập trường chính trị vững chắc chống lại tội ác xã hội của thời đại và đã có thể thắng hơn những phản ứng mạnh mẽ vì tư lợi đòi hỏi. Thật đáng tiếc cho những người có cái gọi là “Tin Lành cho xã hội” ngày nay mà không hề có một Tin Lành cứu rỗi, đã bảo rằng người giảng Tin Lành hiện đại muốn im lặng đối với các vấn đề xã hội. Ta có thể đặt vấn đề là không biết những biểu quyết của các thuộc viên trong Hội Thánh có cần thiết hay hữu hiệu không, nhưng thật ra thì ít lắm cũng có một phạm vi để cho các cá nhân tín đồ hoạt động, và lời kêu gọi của họ là cần phải có một lập trường Cơ Đốc giáo rõ rệt trong chính trường.
Trong một quốc gia độc đảng, vấn đề nan giải là khi một chính phủ đã rõ ràng đánh mất thiên chức cai trị của mình, không còn hoàn tất được nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho các bậc cầm quyền. Nếu vậy thì người tín đồ Đấng Christ có quyền tìm cách lật đổ chính quyền ấy không, và bằng phương pháp nào? Đó là nan đề của các tín đồ Đức quốc khi rõ ràng là chế độ Quốc xã không phải là một chính phủ có thể chấp nhận được. Những người Do Thái dòng dõi gia đình cách mạng Ma-ca-bê chắc không thấy khó khăn gì để biện minh cho hành động đó hơn người Bắc Mỹ năm 1775! May thay, trong nước dân chủ, có những biện pháp hoàn toàn hợp pháp để lật đổ các chính phủ không còn khả năng cầm quyền nữa. Người tín đồ quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội sẽ phải làm chính trị để sửa lại những sai lầm.
Trên khắp thế giới dường như đang có một phong trào của những người trẻ đứng lên lo lắng cho vấn đề công bằng xã hội. Một người Mỹ trong nhóm sinh viên Tin Lành Thông Công mới đây có thuật lại kinh nghiệm của mình trong một buổi họp mặt mà anh ta bị chất vấn: “Cá nhân bạn đã góp phần gì cho nền công bằng xã hội ngày nay?” Họ muốn biết rằng điều anh ta đang nói với họ không phải chỉ là những lời lẽ rườm rà, đừng tự xưng là đã dâng mình cho Chúa nếu không được chứng minh bằng cách hành động. Họ không có thì giờ dành cho một người chỉ biết nói suông. Sự quan tâm đến đồng bào đồng loại phải được chứng minh bằng một bằng cớ thực tiễn.
Tạp chí đó cũng có lời giải thích rất lý thú của một tín đồ từng tham dự nhiều cuộc biểu tình của sinh viên: “Cơ Đốc giáo dường như rất hững hờ và làm ngơ sau khi phong trào tự do ngôn luận thành hình. Chủ nghĩa lý tưởng của Cơ Đốc giáo liên hệ đến một người nào đó, đã sống gần hai ngàn năm trước đây dường như không còn hợp thời nữa so với thế giới hiện tại của người sinh viên, những con người thực sự quan tâm đến việc tự do đi tìm chân lý và hành động trên chân lý ấy. Người trong giáo hội dường như hững hờ và bảo thủ so với các cuộc biểu tình của sinh viên”. Trong lúc chúng ta có thể đặt vấn đề là bầu không khí của một cuộc biểu tình có hoàn toàn được xem là đáng có trong một cuộc gặp gỡ thông công giữa vòng anh em tín hữu hay không, phần trích dẫn trên đây dường như ngụ ý rằng chúng ta đã đánh mất hay đã thất bại trong mọi việc chuyển giao tinh thần cách mạng của sách Công Vụ Các Sứ Đồ, của cuộc cải chánh, hay của giai đoạn những tín đồ Thanh giáo không chịu tuân theo nghi thức cũ đã bị giáo hội quốc gia Anh đàn áp năm 1660-1668, hoặc giai đoạn phục hưng Tin Lành. Trong những giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt của lịch sử ngày nay người tín đồ Đấng Christ được xem là những con người trang nghiêm, được kính nể và cũng không ai muốn họ làm khác hơn thế.
Khi giáo hội đóng vai trò khán giả mà không nhận vai trò diễn xuất, thì nó không còn là một giáo hội chủ động mà trở thành một giáo hội thụ động. Thế nên, chúng ta cũng không có gì lấy làm lạ khi thấy nó dường như lạnh nhạt, hững hờ. Nó đang nguội lạnh. Nó cần được phục hưng và quay về với Lời Đức Chúa Trời. Lương tâm nó cần được khích động và sự bất mãn thánh khiết phải nổ bùng lên. Dường như giáo hội vẫn thường nằm giữa những việc xảy ra với thái độ bảo thủ bất động, giữa cái đúng và cái sai. Chúng ta không cần phải sửa đổi sứ điệp của Kinh Thánh để thoả mãn hoàn cảnh hiện đại. Tất cả những gì cần thiết là phải trở về với nội dung chính yếu của Kinh Thánh liên hệ đến sứ mạng ấy.
Hành động để thắng hơn sự ghen ghét và hiểu lầm
Đa số các hoạt động trần gian đều bao hàm việc gây căm thù về phía “đối phương”. Những “buổi họp hận thù” năm 1984 của Orwell nhắc cho mọi người nhớ lại nhiều cuộc “va chạm” và việc cố ý gây căm thù giữa các quốc gia hay các giai cấp với nhau, dường như phần lớn đều có liên hệ với phương pháp làm chính trị của thế kỷ hai mươi. Cay đắng và ác cảm đã được xây lên giữa hai phe; hai bên thách đố nhau. Người ta chờ đợi để đối xử bất công, hay thiên vị; thái độ nghi kỵ nhau, chỉ trích lẫn nhau, đều được đáp lại bằng một thái độ tương ứng. Cũng như Đa-vít trong vụ đối phó với tên Na-banh ti tiện (ISa1Sm 25:1-44), đang đeo gươm bên hông và muốn sử dụng nó. Na-banh đã mắng nhiếc họ và tỏ ra bội bạc đối với sự trợ giúp tử tế mình đã nhận được. Nhưng nàng A-bi-ga-in khôn ngoan, xinh đẹp, ý thức được điều điên dại của chồng mình đã làm, đã hành động mau mắn để hoà giải, xin lỗi và lời giải thích của nàng chẳng những cứu được mạng sống của chồng và cả nhà, mà còn ngăn được Đa-vít trả thù, hay tự làm ô danh mình.
Trong mấy đoạn tiếp theo đó, Sau-lơ đã cùng với ba ngàn người đến tìm cách bắt Đa-vít. Là một thủ lãnh tài ba về du kích chiến, lại được A-bi-sai trợ giúp, Đa-vít đã đột nhập trại quân và đến gần Sau-lơ, lúc ấy đang ngủ mê. Ông đoạt mất cây giáo và bầu nước – nhưng vẫn không làm hại Sau-lơ trước sự bất mãn của A-bi-sai, vì ông này cho rằng đó là một cơ hội rất tốt mà Đức Chúa Trời sắp xếp để trừ diệt Sau-lơ đi. Mục đích của Đa-vít là gì, khi ông muốn cho kẻ thù lưu ý đến cuộc xâm nhập rất thành công và rất yên ổn của ông? Phải chăng chỉ là để chế diễu Áp-ne không canh phòng cẩn mật? Kết quả là lương tâm của Sau-lơ đã bị cắn rứt: đáng lẽ vua đã chết rồi, nhưng chính con người mà nhà vua săn đuổi từ mấy tháng nay và tìm cách giết đi lại tha mạng cho vua. Do hành động khoan dung đối với kẻ thù một cách dứt khoát đó, Đa-vít đã khiến cho Sau-lơ khó lòng thù ghét mình. Đa-vít đã làm nguôi lòng thù hận của Sau-lơ bằng cách lấy thiện trả ác. Theo một ý nghĩa sâu xa của từ ngữ ấy, thì chỉ cần tước mất ngọn giáo, ông đã “tước hết binh khí” của Sau-lơ.
“Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì có chép rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng. Vậy, nếu kẻ thù mình có đói hãy cho ăn; có khát hãy cho uống… Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (RoRm 12:19-21). Nói cách khác, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải khám phá xem người không thích ta muốn gì, cần gì; và bằng cách giúp đỡ họ, chúng ta có thể bày tỏ tình thương cho họ thấy để tiêu diệt lòng đố kỵ nơi họ. Tín đồ Đấng Christ cũng phải là một con người hoạt động theo ý nghĩa đó nữa. Đừng tìm cách tiêu diệt kẻ thù, nhưng hãy tiêu diệt hận thù bằng cách bước trước đến với họ và làm một cái gì để giúp đỡ họ.
“Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi…” (Mat Mt 5:44). Và “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (5:9). Đây là một lãnh vực dứt khoát của hành động người tín đồ, tức là nên tìm cách xoá tan sự hận thù bằng cách tích cực tỏ ra thân thiện, tử tế với kẻ mang lòng thù hận chúng ta.
Những hành động để cản trở sự thất bại
Dân Y-sơ-ra-ên đã qua sông Giô-đanh, tiến vào lãnh thổ người Ca-na-an và chiếm được thành Giê-ri-cô. Nhưng họ bị đánh bại và phải chạy trốn dân thành A-hi, là một lãnh thổ nhỏ. Do đó, dân chúng đều hoảng sợ. Giô-suê cầu nguyện, nhưng Đức Chúa Trời hỏi ông cầu nguyện để làm gì. Hãy đứng lên đi ra làm một điều. Hãy đứng dậy, sửa lại điều tội lỗi mà dân sự đã phạm (Gios Gs 7:1-26). Có những lúc chúng ta không nên cầu nguyện mà phải hành động. Phải sửa lại điều lầm lỗi trước khi muốn đắc thắng. Đó là thì giờ để ăn năn thật lòng. Không thể nào thay thế hành động bằng lời cầu nguyện được. Lời cầu nguyện không thể đi sau một thái độ bất động, nhưng phải hướng dẫn và hậu thuẫn cho hành động.
Ê-li đã thắng các tiên tri Ba-anh một trận kinh thiên động địa, và quyền năng của Đức Chúa Trời được minh chứng trước mắt mọi người. Cuộc chiến đấu dai dẳng dường như đã chấm dứt. Rồi ông nhận ra rằng Giê-sa-bên vẫn còn sống và đang đòi uống máu ông (IVua 1V 19:1-21). Ê-li chạy trốn để cứu lấy mạng mình, và cuối cùng, vì quá kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, ông cầu xin được chết. Ông muốn bỏ cuộc. Cuộc chiến đấu và tranh chấp dường như không có hồi chấm dứt, mà ông thì cảm thấy là mình không thể chịu đựng thêm nổi nữa. Thiên sứ của Đức Chúa Trời lo cho ông có chỗ nghỉ ngơi và được ăn uống, đó là phần chính yếu để chữa trị chứng mất tinh thần của ông. Rồi có lời Đức Giê-hô-va phán với ông: “Hỡi Ê-li, ngươi ở đây làm chi?” Ê-li được trấn an, được bảo đảm sẽ chiến thắng và được sai trở về xức dầu cho ba người sẽ trừng phạt việc thờ phượng Ba-anh; một tân vương cho xứ Sy-ri, một tân vương cho Sa-ma-ri, và Ê-li-sê, người sẽ kế vị cho chính ông. Nhưng không phải chỉ chỉ định những người sẽ tiếp tục cuộc chiến là đủ, chính Ê-li còn phải làm nhiều việc quan trọng, nhất là việc đương đầu với A-háp trong vườn nho của Na-bốt, người đã bị hạ sát cách tàn ác. Ông còn phải nói tiên tri về cái chết của A-háp và việc cả nhà A-háp sẽ bị huỷ diệt, cũng như phần chung cuộc kinh khiếp của chính Giê-sa-bên (21:1-29). Ông lại còn phải nói tiên tri về cái chết của A-cha-xia, người nối ngôi A-háp, vị vua sau này cầu vấn các thần giả thay vì cầu hỏi Đức Giê-hô-va (IIVua 2V 1:1-18). Ê-li nghĩ rằng mình đã thất bại và đã hết nhiệm vụ, nhưng Đức Giê-hô-va lại truyền thêm các mạng lệnh khác cho ông, sai ông ra đi một lần nữa để hành động, và như thế, ông đã đặt nền tảng cho việc lật đổ dứt khoát các bạo quân.
Phi-e-rơ cũng đã thất bại, nhưng trong bữa điểm tâm yên tịnh khi họ quây quần bên nhau trên bờ biển, con người từng chối Chúa ba lần đã tuyên bố ba lần là mình yêu Ngài. Và ông được sai đi để hoạt động, để chăn chiên con và chiên của Đấng Christ (GiGa 21:1-25).
Cả đến những lúc chúng ta thất bại trong hành động, người tín đồ Đấng Christ vẫn được kêu gọi trở về chỗ mình đã thất bại để lại thực hiện những công trình vĩ đại cho Chúa là Đức Chúa Trời mình.
Hành động thận trọng
Tuy nhiên, cũng có những lúc mà tốt hơn hết, chúng ta nên thận trọng, tránh những hành động hấp tấp, vội vàng. Nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp cái hiểm hoạ là không làm gì hết vì tin rằng một thái độ như thế là thuộc linh: chúng ta đang chờ đợi Đức Chúa Trời hành động. Chúng ta giao nó cho Ngài! Chúng ta đã thấy là trong vấn đề trả thù, chúng ta để lại cho Đức Chúa Trời, dầu rằng chúng ta đã được truyền dạy phải đi bước trước để tỏ lòng thương yêu kẻ thù nghịch. Đức Chúa Trời đã truyền cho ta nhiều mạng lệnh rất rõ ràng liên hệ đến một vài vấn đề. Chúng ta không cần những lời dặn bảo mới để cho kẻ thù mình ăn, để cầu nguyện cho những kẻ triệt để sỉ nhục chúng ta, vân vân… Chúng ta không cần những khải tượng đặc biệt mới chịu đi ra giảng đạo, làm báp-tem và dạy dỗ. Những điều đó đã được thiết đặt dứt khoát như trách nhiệm của chúng ta “cho đến tận thế”. Chúng ta không cần những lệnh truyền mới trước khi làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những người trong Hội Thánh. Có lẽ có người chủ trương một “yên lặng chủ nghĩa”, mà thật ra, chỉ là một hình thức không vâng lời. “Tôi đang chờ được kêu gọi” không phải là một thái độ thuộc linh khi Kinh Thánh đã dạy chúng ta rõ ràng những gì chúng ta phải làm.
Chỉ khi nào vấn đề không được rõ rệt, chúng ta mới cần được Đức Chúa Trời cho mình biết ý chỉ Ngài. “Hãy giao việc ấy cho Chúa” có thể là cách che giấu sự lười biếng hay hèn nhát. Nhiệm vụ tổng quát của chúng ta thật là rõ ràng, không cần phải có lời dặn bảo gì thêm. Trong quân đội, nếu chúng ta không chịu đọc các mệnh lệnh đã có từ lâu, thì không có lý do gì để chữa mình được. Mọi người phải hiểu biết, mà nếu không chịu biết thì không viện lý lẽ gì được cả. Kinh Thánh dạy chúng ta phải hoạt động, và chúng ta phải chắc chắn rằng chẳng những mình biết điều Chúa đã truyền dạy, mà cũng biết chắc rằng mình đang tìm cách vâng theo những gì mình đã biết.
Nhưng có nhiều trường hợp khác, trong đó có những vấn đề liên hệ đến trách nhiệm cá nhân nhiều hơn. Kinh Thánh đã chứng minh rằng người ta thường không chịu hành động, không chịu thi hành các công tác Đức Chúa Trời giao phó. Một thí dụ rất hay là trường hợp của Sa-mu-ên (ISa-mu-ên 16) sau khi Sau-lơ sa ngã. Người duy nhất có thể hành động bây giờ thì ít muốn làm. Chúng ta có thể hiểu được sự cự tuyệt của ông vì bốn lý do sau đây: (1) ông đã chống lại việc đặt một nhà vua trên hết; (2) người ông xức dầu đã sa ngã; (3) có lẽ người tiếp theo đó cũng sa ngã luôn; và (4) dầu sao thì bất cứ hành động nào để xức dầu cho người kế vị cho kẻ khác cũng là một việc làm vô cùng liều lĩnh. Rất có thể là Sau-lơ đã cho người canh chừng ông về một trường hợp ông sẽ di chuyển như vậy, vì Sa-mu-ên đã tuyên bố rằng Đức Giê-hô-va sẽ xé nước khỏi Sau-lơ và ban cho một kẻ lân cận, xứng đáng hơn vua. Thật là một trường hợp rất rõ ràng khiến ông nên ngồi yên mà chờ đợi các biến cố sẽ xảy ra. Chúng ta hãy chờ xem Đức Chúa Trời sẽ làm gì. Sa-mu-ên đã rõ ràng chính là con người phải hành động; ông có trách nhiệm lớn đối với Sau-lơ, việc tuyển chọn Sau-lơ và sự sa ngã của nhà vua. Ai là người có thể chọn một kẻ kế vị? Nhưng có lời Đức Giê-hô-va phán với ông: “Ngươi buồn bực vì cớ Sau-lơ cho đến chừng nào?” Hãy chổi dậy và hành động đi; hãy lấy một cái sừng dầu và đi. Sa-mu-ên đã phản đối hành động nguy hiểm ấy, nhưng trách nhiệm của ông thật là rõ ràng: đó là công tác của Sa-mu-ên, và không một ai khác có thể làm được.
Môi-se cũng viện ra lý này lẽ nọ để tránh lời sai phái rõ ràng mà Đức Giê-hô-va đã truyền cho ông (XuXh 3:1-4:31). “Tôi là ai mà dám đến cùng Pha-ra-ôn…”; “Tôi không biết giải thích về Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên như thế nào…”; “Họ sẽ không tin tôi…”; “Tôi không có tài hùng biện…”; và sau cùng: “Ôi lạy Chúa, xin Chúa sai một người khác”. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh chép rằng Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Môi-se, vì là một người gọi Đức Chúa Trời là “Chúa” mà không chịu vâng lời Ngài. Ông đã được Đức Chúa Trời hứa là sẽ ở cùng, giúp đỡ, nhưng vẫn viện lẽ để không chịu đi, không chịu làm.
Loài người thường chùn bước, từ chối hành động. Họ còn dám đòi hỏi cả đến những dấu hiệu đặc biệt, hiển nhiên, để chứng minh rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ. Như Ghê-đê-ôn đã được truyền lệnh: “Hãy dùng sức ngươi đang có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay Ma-đi-an” (Cac Tl 6:14). Ông viện ra sự hèn mọn của gia đình ông, sự hèn mọn của chính ông. Ông cầu xin một dấu hiệu và được ban bố dấu hiệu ấy. Bấy giờ ông biết rằng dấu hiệu đó là của Đức Chúa Trời. Ông đã run rẩy tiến một bước đầu tiên và phá huỷ chiếc bàn thờ Ba-anh trong nhà mình. Rồi ông xin một dấu hiệu khác và một dấu hiệu khác nữa. Chính chúng ta cũng được kêu gọi hành động, nhưng tất cả chúng ta đều muốn đẩy nó sang cho người khác hơn: … “Chúa muốn sai ai thì sai”. Kinh Thánh là một lời kêu gọi hành động, kêu gọi chúng ta dâng cả đôi tay và đôi chân cho sự phục vụ Chúa:
“Cả Tay , Chân và quả Tim Ngài ,
Đều vì tôi mà bị đâm thủng tại Gô-gô-tha ,
Cho nên tại đây , giờ này , tôi dâng lên Ngài
Đôi tay , đôi chân và tấm lòng tôi làm một của lễ ”.
Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
Tôi có bằng lòng làm một loại tín đồ bàng quan thụ động mà thôi không?
Tôi có chủ động , khởi xướng một công tác nào vì Chúa chưa ?
Tôi có chờ đợi thêm sự chỉ dẫn sau khi các lời dặn bảo đã được ban ra đầy đủ rồi không?
Tôi hiện đang thực sự làm gì cho Chúa ? Tôi còn có thể làm gì nhiều hơn không ?
Có người nào tôi quen biết ghen ghét tôi không? Tôi có thể làm gì cho họ không?
Tôi có bỏ cuộc không cố gắng nữa sau khi đã thất bại trong một việc mình bắt đầu không ?
Tại sao tôi không liệt kê ra tất cả những gì mình có thể làm cho Đấng Christ, trong xóm mình ở? Trong sở mình làm? Trong Hội Thánh nhà? Ngay trong gia đình? Hãy thường xuyên cầu nguyện cho các vấn đề ấy và tìm cơ hội để thực hiện chúng.
Có người bệnh , người già cả cô đơn nào cần được thăm viếng chăng ? Một nhà tù địa phương , một trại giam ? Có chỗ nào cần mở một hiệu sách Tin Lành không ? Một chi nhánh Hiệp hội Thánh Kinh ? Một lớp học Kinh Thánh ? Nhà tôi có thể được dùng để làm gì không ? Cho các binh sĩ , sinh viên , học sinh hay các nữ y tá phải sống xa gia đình ? Có người nào trong vùng dường như đều bị mọi người xa lánh , ghen ghét không ? Tôi có tài khéo léo nào có thể làm cho người ấy vì danh Chúa không ? Ông mục sự sở tại có buộc đi thăm viếng từng nhà một những người chưa tin Chúa trong vùng không ? Làm việc đó sẽ phải mất bao lâu nếu ông ấy không có người sẵn lòng cộng tác để bắt tay vào một chức vụ như vậy ?
Đó thật là những việc rất rõ ràng mà tay và chân tôi có thể làm. Nguyện tôi sốt sắng dâng cả tay chân tôi cho Chúa một cách mới mẻ.
“Đây là đôi tay tôi để làm việc ;
Chân tôi sẽ rảo bước vì Ngài ;
Môi tôi sẽ rao vang Tin Lành vinh hiển :
Lạy Chúa , có tôi đây , xin hãy sai tôi …”