THÀNH KIẾN hay TIN CHẮC?

Xin hãy nhận lấy trí khôn con , và dùng
mọi khả năng nào mà Ngài muốn chọn .

Khi có người hỏi trong luật pháp, điều răn nào là quan trọng hơn hết, thì Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (chữ Hi Lạp là dianoia ), hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mac Mc 12:30). Khi thầy thông giáo trả lời (câu 33) “kính mến Chúa hết lòng, hết trí” thì người ấy đã dùng một chữ khác để giải thích lòng vòng (chữ Hi Lạp là sunesis ). Đó là một chữ có nghĩa là “khả năng lãnh hội, trí khôn, sự minh mẫn, lanh lợi” và là chữ đã được dùng khi con trẻ Giê-xu đang ngồi trong Đền thờ, vừa nghe vừa hỏi các thầy thông thái tại đó, khiến họ nghe Ngài đều kinh ngạc về “sự khôn ngoan” của Ngài (LuLc 2:47).
Chúng ta phải lấy hết trí khôn mà yêu mến Đức Chúa Trời. Chỉ có một ngăn dành cho tôn giáo trong tư tưởng chúng ta thì chưa đủ. Chúng ta phải dâng cả tâm trí chúng ta cho sự phục vụ Ngài. Chúng ta phải suy nghĩ về đức tin của chúng ta và về cách thức áp dụng nó. Cho nên không có lý do nào để bênh vực được cho sự lười biếng trí thức. Chúng ta phải suy nghĩ để tận dụng sự khôn khéo của mình đối phó với những suy tư người khác, kể cả những người chống đối đức tin Cơ Đốc giáo. Thiết tưởng cần nên nói rõ rằng đức tin không phải là một cái tên có vẻ tôn kính hơn trong tôn giáo để ám chỉ thành kiến hay sự mê tín. Chúng ta phải là những người quan tâm sâu xa đến chân lý, không phải chỉ là loại chân lý đã được Đức Chúa Trời mặc khải, mà cả đến phần chân lý Ngài để cho loài người tự khám phá lấy. Trên khung cửa bước vào Phòng Thí Nghiệm thuốc lá tại trường Đại học Cambridge, chúng ta thấy có tấm bảng viết mấy chữ này: “Công việc Đức Chúa Trời đều lớn lao; phàm ai ưa thích, ắt sẽ tra xét đến” (Thi Tv 111:2). Chúng ta nên biết hoan hỉ với những chân lý của vũ trụ.
Chúng ta phải dâng tâm trí chúng ta cho Ngài dùng để có thể hiểu và cắt nghĩa chân lý Cơ Đốc giáo cho người khác, để chống lại lối suy nghĩ vô giá trị và vô lý giữa vòng các tín đồ, và như thế sẽ có vui mừng trong chân lý. Bảo rằng trở thành tín đồ Đấng Christ có nghĩa là phải bỏ hẳn khả năng phê bình của mình là một điều hết sức vô lý.
Khi đề cập đến sự sụp đổ của loại tôn giáo tổ chức, và việc quét sạch hoàn toàn những nghi thức lủng củng, hỗn tạp của thứ tôn giáo theo định chế, Monica Furlong đã hăng hái viết: “Điều dường như rất rõ ràng, ấy là trong tất cả giáo phái đều có một sự biến dạng mới của người tín đồ (nhưng rất khó phân biệt nếu chúng ta ở trong cái khối bất động đó). Họ cố ý và hăng say đặt vấn đề mọi khía cạnh liên hệ đến đức tin của mình, buồn đến chết được để chống lại những khuôn mẫu cũ kỹ, những trò phỉnh phờ lỗi thời và bầy bò cái linh thiêng rất đông đảo, cũng như tin rằng huỷ hoại tâm trí, hoặc giác quan thì đều làm nhục Đấng Christ”.
Thật lý thú khi chú ý đến chữ “biến dạng” và câu gợi ý rằng cả đến những lúc gần đây, các tín đồ Đấng Christ vẫn còn bằng lòng trở thành những kẻ chăn bò tự xưng là thánh và sẵn sàng chịu huỷ hoại cả tâm trí mình. Như chúng ta sẽ thấy, điều vẫn được luôn luôn đòi hỏi nơi người tín đồ Đấng Christ nếu không phải là một sự thay đổi hẳn, thì ít ra cũng là một sự biến hoá của tư tưởng.
Dĩ nhiên là chúng ta phải biết suy tư. Điều rất phi lý ấy là bảo rằng chỉ có những người theo “Cơ Đốc giáo vô tôn giáo” hay có tư tưởng bị trần tục hoá mới được khuyến giục suy tư. Vì theo điều Harry Blamires viết, thì cái chúng ta có lại chính là một quan điểm ngược lại. “Ngoại trừ một lãnh vực rất hẹp hòi của tư tưởng, nhất là liên hệ đến các vấn đề hoàn toàn thuộc về cách ăn nết ở của từng cá nhân chúng ta, những tín đồ Đấng Christ ngày nay, vì mục đích khuyến khích phần hoạt động tinh thần, đã chấp nhận một hệ thống tư tưởng do trí khôn con người xây dựng lên và một số các tiêu chuẩn phản ảnh cách thẩm định giá trị của người đời mà không hề có một tâm trí Cơ Đốc giáo…”. Lẽ dĩ nhiên là người tín đồ Đấng Christ phải suy tư; nhưng họ phải suy tư bằng tâm trí của một tín đồ Đấng Christ.

Tâm trí của giới phi Cơ Đốc
Dường như có một ít các tác giả bình dân trong khối Cơ Đốc giáo và v.v… đã chịu khó tìm hiểu hay đặt đúng mức vấn đề Kinh Thánh đã nói gì về tâm trí của những người ngoài Cơ Đốc giáo. Kinh Thánh đã nhấn mạnh đến một cuộc cách mạng tư tưởng bởi vì nó có một quan điểm rất u ám về tình trạng đen tối của một con người xem thường Đức Chúa Trời. Cho nên “Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa, song cứ lầm lạc trong ý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (RoRm 1:21) rồi “Đức Chúa Trời đã phó họ theo tâm trí hư xấu” (theo bản Anh văn, nguyên văn là: một tâm trí dành cho sự đoán phạt 1:28) rồi “sự (tâm trí) chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời” (8:7) rồi “còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài trong tâm trí” (CoCl 1:21) và “những kẻ chẳng tin mà chúa đời này đã làm mù tâm trí họ” (IICo 2Cr 4:4) và “bởi sự ngu muội ở trong họ (tâm trí hay sự hiểu biết), và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống Đức Chúa Trời” (Eph Ep 4:18).

Điểm này có lẽ đã được nhấn mạnh bằng chữ dùng trong Tân Ước, theo nguyên văn có nghĩa là một sự thay đổi tâm trí, thay đổi tư tưởng (chữ Hi Lạp là metanoia ), thấy mọi sự bằng một cách khác. Đó cũng là chữ chúng ta dịch là “ăn năn”. Muốn làm tín đồ Đấng Christ, bạn phải thay đổi tâm trí, phải suy nghĩ một cách mới. Tất cả những câu trên đều nhấn mạnh rằng trở thành người tín đồ thật của Đấng Christ có nghĩa là phải yêu mến Đức Chúa Trời hết tâm trí hay hết trí khôn.
Tâm trí không theo đường lối cũ
Trong Cựu Ước (Gie Gr 31:31-34) Đức Chúa Trời hứa rằng dưới giao ước mới, Ngài sẽ đặt các luật lệ Ngài trong tâm trí họ (HeDt 8:10) hay viết chúng trên tâm trí họ (10:16). Trong cùng một khúc sách đã đề cập đến những tâm trí bị lánh xa hay bị làm cho tối tăm, người tín đồ Đấng Christ cũng được khuyến giục “làm nên mới trong tâm thần của tâm trí mình” (Eph Ep 4:23). Ở một chỗ khác, Phao-lô cũng viết: “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hoá bởi sự đổi mới của tâm thần mình để thử cho biết ý muốn của Đức Chúa Trời…” (RoRm 12:2). Chữ “biến hoá” trong Hi văn là metamorphoơ . Phải có một sự thay đổi, một sự biến hoá, hay biến hình (chữ đã được dùng cho việc biến hình của Đấng Christ).
Sự biến hoá này tương phản với việc rập mẫu, làm theo đời này. Thật là khó nhận thấy trong phần tương phản nhau này một sự hậu thuẫn nào có thể bênh vực cho quan niệm muốn thế tục hoá Cơ Đốc giáo. Dường như Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát với thế gian. Điều mà người tín đồ không nên làm bao giờ là rập mẫu xã hội thế tục. Phải có một cuộc cách mạng tư tưởng. Chúng ta phải “tự ý và hăng hái đặt vấn đề đối với mọi sự, mọi chủ đề” của phần tư tưởng cũ; có thể là có hạng người phàm tục được miễn chỉ trích cũng như hạng người thần thánh cùng địa vị đó. Chữ “làm theo, rập mẫu” gợi ý về việc bắt chước một kiểu, một cách thức nào đó, của một cái gì đó. Không ai nghi ngờ gì được về việc thế gian nói chung rất hay bắt chước lẫn nhau, và trong thời đại vô tuyến truyền hình này, áp lực của vô số cách thức quảng cáo dường như chứng minh rằng người ta càng mặc quần áo giống nhau, trang hoàng nhà cửa của mình hầu như in hệt nhau, và vân vân. Tín đồ Đấng Christ là người đặt vấn đề về thời trang và không chịu bắt chước theo những khuôn mẫu của thế gian vì người ấy có một chuẩn mực khác. Mẫu mực đó không bắt buộc phải khác hẳn với tất cả những gì người khác làm. Tư tưởng của người ấy không phải là điều mà những người khác nghĩ. Mẫu mực của người ấy cũng không phải rập khuôn sự bắt chước một cách vô ý thức cách ăn nết ở của những người trong Hội Thánh. Thỉnh thoảng người ấy có thể làm khác họ nếu nhất định làm theo các mẫu mực của Kinh Thánh.
Người tín đồ không phải là người không chịu tuân theo những lề thói chung vì quyền lợi cá nhân mình hay vì một điều gì khác, ngoài lý do vì Đấng Christ cũng không có thái độ đó (xin xem lại chương 1 phần “Chúa Giê-xu có ôn hoà, chừng mực không?”). Luôn luôn có những người nghệ sĩ lang thang (Bohemians) nhất định tỏ ra mình khác hẳn thiên hạ, là kẻ chống đối cái đơn điệu đáng chán của việc rập mẫu xã hội. Người tín đồ Đấng Christ có thiện cảm với những kẻ như thế; họ cũng được kêu gọi tỏ ra khác biệt, hay đặt vấn đề về thái độ ngoan ngoãn như trừu non của đám đông vốn vì những lý do khác hẳn. Họ không nổi loạn chống lại xã hội mà chỉ tìm cách sống theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, là Đấng mà xã hội đang chống nghịch lại. Họ không muốn làm cho mình nổi bật hẳn lên hay tỏ ra lập dị vì chính mình; trong trường hợp nếu có những mẫu thời trang thật dị hợm đang thịnh hành, thì việc thiên về thứ thời trang của một thế hệ xa xưa cũng là điều ngu ngốc như thường. Cái nhìn của con người ngày nay chỉ khác hơn thời xưa, chớ không nhất thiết là xấu hay tốt hơn. Tâm trí của người tín đồ Đấng Christ phải luôn luôn luyện tập để biết lúc nào nên phản đối và lúc nào không nên. Người ấy không thể trở thành một kẻ thường xuyên xét nét để cho rằng không có gì là đúng cả. Bạn không thể nào cho rằng mọi sự đều không đáng làm, nhưng phải biết lúc nào ta nên phản đối. Người ấy phải đồng thời nhìn nhận là lúc mình có khuynh hướng tự nhiên muốn bắt chước, cũng như có tính hay nhút nhát, muốn tránh việc tỏ ra khác người.
“Vậy thì chúng ta phải làm gì? Vì một mặt, chắc chắn là khi chúng ta ít nhiều có thái độ không phản đối với một câu chuyện rõ ràng là xấu, chúng ta đang tiếp tay cho kẻ thù. Chúng ta đã khuyến khích những người xung quanh tin rằng ‘bọn Tin Lành kia’ khi ngồi chung quanh bàn ăn cách không thận trọng thì chắc cũng suy nghĩ và cảm giác như mình đó thôi. Chúng ta đã mặc nhiên chối Chúa, tỏ ra như ‘ta chẳng hề biết Người đó’. Mặt khác, cũng như nữ hoàng Victoria, chúng ta có thể tỏ ra là mình ‘không thích’ một câu chuyện như thế không? Hay chúng ta tỏ ra thích gây sự bằng cách luôn luôn ngắt ngang câu chuyện bằng những câu như: Tôi không đồng ý! Tôi không đồng ý! Hay là đứng dậy và bỏ đi chỗ khác? Nhưng bằng những thái độ đó, chúng ta có thể chỉ giúp khẳng định thêm một vài điểm nghi ngờ rất tai hại về ‘đám Tin lành đó’. Chúng ta chính là hạng người ‘tự phụ’ bất nhã theo như cách mà họ vẫn thường gọi”.
Trở thành một con người không a dua, không bắt chước, không rập mẫu kẻ khác không phải là dễ. Chắc chắn là thỉnh thoảng chúng ta không thể nào tránh được đụng chạm, làm mất lòng người khác. Lạy Chúa, xin cho chúng con thấy được lúc nào chúng con đừng nên bắt chước một thói quen đã được mọi người thừa nhận, lúc nào chúng con phải đặt vấn đề với những quan niệm tai hại được mọi người đồng ý mà khỏi trở thành một kẻ tự phụ, kiêu căng.
Nguồn mạch của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời
Có lẽ phần nhập đề tốt nhất cho mục này là đoạn trích dẫn rất đặc sắc sau đây của Blamires: “Một khía cạnh bi đát của vấn đề này, ấy là những người ngoài cho rằng phần tiêu biểu của giáo hội là những tiếng cãi cọ ồn ào của những kẻ phản đạo. Dân chúng nghe theo những điều giả dối, sai lạc so với giáo lý chính thống do hàng giáo phẩm nói ra trên báo chí hay trên diễn đàn, và tưởng rằng những điều dạy dỗ của họ chính là những lời giáo huấn của Hội Thánh. Hàng giáo phẩm ly khai vẫn thường đạt đến các kỹ thuật quỉ quyệt rất chính xác và tỏ ra mình cũng hiểu biết như ai bằng những lời lẽ như : ‘Lẽ dĩ nhiên là các học giả lỗi lạc nhất của Anh quốc giáo cũng chủ trương rằng…’ hay ‘Chắc chắn là các nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo theo kịp trào lưu nhất cũng đồng ý với quan điểm là….’. Hậu quả của những lối lý luận quanh quẩn như trên, dầu có thể bị những người sáng suốt cho là thiếu tế nhị, vẫn tỏ ra rất hữu hiệu đối với những người thiếu hiểu biết. Một số ẩn ý thâm hiểm của họ đáng được phân tích. Một trong số đó là khái niệm độc hại cho rằng trong thần học, sự cải tiến luôn luôn do một loại phương thức dân chủ của một uỷ ban gồm nhiều nhà tri thức lập ra (điều mà đối với bạn và tôi thì chắc khó hiểu rồi, nhưng may mắn thay, đối với diễn giả lại là những khái niệm rất quen thuộc). Một ẩn ý giả dối khác nữa là cho rằng chân lý nền tảng của Cơ Đốc giáo đều không ít thì nhiều là một cái gì không có thật. Chỉ có một số ý kiến cá nhân nào đó, thỉnh thoảng lại đồng ý với nhau bằng một đa số vừa đủ để tạo ra một đề nghị có thể thành hình”.
Điểm này vạch rõ rằng có rất nhiều người đang phân vân đối với chân lý Cơ Đốc giáo, rằng dầu sao thì đó cũng chỉ là một vài truyền thống cổ xưa nào đó rất có thể bị thay đổi dễ dàng. Người ta cũng nghi ngờ rằng đó chính là điều mà Monica Furlong muốn ám chỉ là đặt lại vấn đề đối với “tất cả các vấn đề liên hệ đến đức tin”
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mặt trời do ánh sáng của chính nó tạo ra. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là điều Ngài đã mặc khải cho chúng ta. Những gì chúng ta biết được về Đức Chúa Trời không phải là một lô những điều dự đoán của một vài nhà tư tưởng tôn giáo nào đó, nhưng là điều Đức Chúa Trời đã chọn lọc để mặc khải cho chúng ta. Chúng ta hầu như không thể biết gì hết về một người lạ, nếu người đó cứ nhất định im lặng. Chỉ khi nào người đó chịu “hé môi” và bắt đầu nói về mình, chúng ta mới biết được về người ấy. Nếu Đức Chúa Trời không nói, thì chúng ta hầu như không biết được gì hết về Ngài. Sở dĩ người tín đồ Đấng Christ có một đức tin thực hữu là vì Đức Chúa Trời đã từng lên tiếng trong lịch sử, đã nhờ Môi-se, các nhà tiên tri, mà nhất là nhờ Đấng Christ mà phán ra. Ngoài phần mặc khải đó, chúng ta không biết gì hết về Đức Chúa Trời, và chúng ta không có uy quyền gì để “cải tiến” nội dung của đức tin Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bảo rằng đức tin là một cái gì như cục bướu thêm vào, một loại khả năng phụ thuộc, hoàn toàn không dính dấp gì với lý trí. Nếu lý trí tự nhiên, không được soi sáng của loài người không thể nào đạt đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời khi Đức Chúa Trời tự tỏ mình ra, thì việc Ngài tự tỏ mình ra đó chứng minh rằng nó hoàn toàn phù hợp với lý trí. Cả hai có một sự “ăn khớp” với nhau. Lẽ dĩ nhiên lý trí là tối cần thiết cho những điều chính nó lãnh hội được. “Chúng ta không thể nào nghĩ rằng điều ích lợi của ánh sáng thiên nhiên đáng phải loại bỏ hay không cần thiết bởi ánh sáng thần thánh đang được nhấn mạnh”.
Tâm trí của người tín đồ phải được chuẩn bị để vật lộn với các tư tưởng phi Cơ Đốc. Loại người vô tín càng khôn ngoan thì càng ít chú ý đến loại Tin Lành được trình bày mà không cho người ta chất vấn, chỉ trích, chỉ quanh quẩn với những điều khó khăn rất giới hạn, để sau khi nhấn mạnh rằng người ta không thể nào ăn năn bằng lý trí, lại cố gắng muốn khiến cho người ta ăn năn bằng cách dùng cảm xúc để thay vào! Người chưa tin Chúa phải biết rằng bạn chấp nhận điều dị luận và ít ra là có thể trả lời như thế nào cho chính bạn được toại nguyện; và khi có một lãnh vực nào mà bạn nhìn nhận là một điểm khó hiểu về phương diện đức tin, thì bạn cần bày tỏ rằng đối với người không tin thì còn khó khăn hơn nữa. Đối với người chưa tin Chúa, chúng ta có phận sự phải xử sự một cách thành thật với những khó khăn đích thực của họ, chớ không phải là tỏ ra bất cần một cách lễ phép, hay tìm cách nói lảng sang chuyện khác bằng cách ám chỉ đến một tâm trí còn tối tăm, chưa được soi sáng không thể nào lãnh hội được. Và khi người ta không trả lời được, thì người tín đồ không nên để mình bị cám dỗ mà tìm đủ cách để chiến thắng trong cuộc bàn cãi bằng bất cứ giá nào – vì như thế việc tôi thắng được bằng lý luận sẽ trở thành quan trọng hơn việc Đức Chúa Trời cứu rỗi linh hồn người kia. Người tín đồ phải tập luyện để thành thật, khiêm nhường chấp nhận rằng mình không biết câu trả lời nhưng sẽ cố gắng để lần lần tìm ra câu giải đáp. To tiếng hay giải quyết vấn đề bằng một đường lối mà cả hai người đều biết rằng mình trốn tránh vấn đề thực sự đã được đặt ra thì không ích lợi gì hết.
Chúa Giê-xu đã mở trí cho các môn đệ Ngài “hiểu Kinh Thánh” (LuLc 24:45) thế nào, thì cũng vậy, Đức Thánh Linh sẽ soi sáng tâm trí để loài người hiểu được sự mặc khải. “Nếu không phải là Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời. Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, giải bày những chân lý thuộc linh cho người có Đức Thánh Linh. Người có tánh xác thịt không nhận được những ân tứ của Thánh Linh Đức Chúa Trời, vì người ấy xem những điều đó là sự rồ dại, cũng không thể hiểu được vì phải xem xét cách thiêng liêng” (ICo1Cr 2:11-14). Quan điểm của Kinh Thánh về lý trí không được soi sáng của loài người không thể nào thấu hiểu về Đức Chúa Trời có thể là một quan điểm không phổ biến, nhưng nó rất phù hợp với kinh nghiệm, mà hơn nữa, là với lý trí. “Chúng ta phải nhớ rằng sứ điệp của Kinh Thánh dành cho chúng ta chỉ có thể hiểu được nhờ ‘ánh sáng thiên thượng’. Đức tin Cơ Đốc giáo cung cấp cho chúng ta những thông tin mà nhờ đó, chúng ta có thể giải thích và hiểu được thế giới, lịch sử, sinh hoạt và mối liên hệ giữa nó với Đức Chúa Trời. Rõ ràng quan điểm này đối lập với mọi hình thức duy lý – là quan điểm chủ trương rằng lý trí con người với sự toàn hảo nội tại của nó, là một vị thẩm phán có trách nhiệm và rất vô tư đối với cái chân và cái giả của mọi sự vật, dầu là thuộc phạm vi thế tục hay tôn giáo. Đối với suy nghĩ của đa số mọi người, loại duy lý chủ nghĩa đó vẫn tồn tại. Nó là di sản của thế kỷ thứ mười tám và chính yếu tính của cái ‘ảo giác tự do’: cả đến những tư tưởng gia ‘tiến bộ’ nhất từng quen biết với Marx và Freud vẫn tự tin rằng mình theo duy lý chủ nghĩa và khinh miệt người khác. Ý niệm về một lý trí trừu tượng vô tư là một ảo ảnh, một thí dụ đáng ghi nhận về sự cám dỗ muôn đời của con người muốn tự tôn mình lên ngang hàng với các thần, biết điều thiện và điều ác. Như chúng tôi đã ghi nhận trong những phần trước, lý trí của chúng ta tuỳ thuộc vào rất nhiều điều, như giáo dục, hoàn cảnh xã hội, địa vị giai cấp, và vân vân. Thật ra, nếu nó không bị lệ thuộc, nghĩa là không được ngoại giới cung ứng cho nó những thông tin ấy, thì lý trí không thể nào hoạt động được…”.
Đối với tâm trí, hay lý trí của người tín đồ Đấng Christ, thì phần giáo dục đó là sự giáo dục của Đức Chúa Trời, và bối cảnh xã hội là hoàn cảnh của dân sự Đức Chúa Trời. Đó là “điều kiện cần” mà chúng ta phải có nếu chúng ta muốn đạt đến sự hiểu biết chân lý Cơ Đốc giáo. Đó là điều mà Tân Ước nói: “Cho nên chúng tôi cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa” (CoCl 1:9) “… đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ, mà trong Ngài đã dấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng” (CoCl 2:2, 3).

Tín đồ Đấng Christ phải suy tư
Tân Ước đầy dẫy những lời khuyên tín đồ phải suy nghĩ. Được sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, được Đức Thánh Linh giải thích cho, đã không cất khỏi chúng ta phần trách nhiệm phải suy tư (cũng như việc có một bản nhạc và sự hiện diện của vị nhạc trưởng trên bục gỗ đã không cất đi được phần nhiệm vụ của các nhạc công trong ban nhạc là phải cố gắng hết sức sử dụng nhạc khí của mình cho thật hay). Nếu không, Kinh Thánh đã không đầy dẫy những lời khuyên chúng ta phải suy nghĩ như: “Hỡi anh em về phần tư tưởng, chớ nên như trẻ con, nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về tư tưởng, hãy nên như kẻ thành nhân” (ICo1Cr 14:20) “Hãy suy gẫm về điều ta nói cho con, và chính Chúa sẽ ban cho con sự hiểu biết trong mọi việc” (IICo 2Cr 2:7) “Anh em hãy thắt lưng tâm trí anh em” (IPhi 1Pr 1:13) (Những câu Kinh Thánh này đều dịch theo bản Anh văn tác giả đã dùng). Phải có một sự thức tỉnh về mặt tâm trí, một sự bùng nổ mới mẻ về phương diện hoạt động tinh thần. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã quở trách người Hê-bơ-rơ bởi vì đáng lẽ họ đã trở thành thầy giáo rồi, nhưng vẫn cần được dạy dỗ trở lại những nguyên tắc sơ đẳng về đức tin (HeDt 5:12). Không có lý do gì bênh vực được sự lười biếng tri thức. Chúng ta phải biết chắc rằng những gì chúng ta nắm lấy là những niềm tin hợp lý chớ không phải là những thành kiến mù quáng.
Tâm trí người tín đồ Đấng Christ phải vật lộn với những điều khiến cho đức tin bị hoài nghi. Chúng ta phải không nên làm ngơ đối với những điểm khó khăn, nhưng phải thành thật đối đầu với chúng và tìm câu trả lời. Chúng ta có thể nhờ các tín đồ khác giải đáp giúp, nhưng trước hết, chúng ta phải suy gẫm về chúng. Điều đó nằm trong vấn đề phải hết trí khôn mà yêu mến Chúa. Thường thường câu trả lời cho một số những lời chỉ trích không phải là đả phá hay quyết liệt chối bỏ. Chúng ta không cần gì phải bênh vực Hội Thánh Đấng Christ hay các giáo hữu của nó là đúng hay sai. Vấn đề ở đây là chúng ta có quyền đặt vấn đề về định chế của giáo hội và những món đồ cũ thời trung cổ mà một số các nhà thờ đã thu góp được quá nhiều đến nỗi có thể biến các nhà thờ ấy trở nên giống như các bảo tàng viện chớ không thể là một cái gì khác nữa được.
Thí dụ như giả sử là chúng ta bị tấn công về các phương pháp phổ biến Tin Lành. Người ta bảo rằng việc giảng đạo của chúng ta chẳng qua là một thứ tẩy não bằng cảm xúc, rằng chúng ta đã lợi dụng sự thắc mắc, bất an của tuổi thiếu niên để thúc đẩy họ đến với Hội Thánh Đấng Christ trong một cơn khủng hoảng về cảm xúc. Việc trở về đạo chỉ là một kỹ thuật tâm lý. Phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là bênh vực cho phương pháp truyền giảng của Hội Thánh. Nhưng chúng ta phải nhận rằng có một vài trường hợp, lời chỉ trích kia rất đúng, và có một số phương thức phổ biến Tin Lành gần với lối mô tả đó một cách lạ lùng. Thậm chí có những trường hợp trở về đạo cũng “chẳng có gì” ngoài lối miêu tả trên. Nhưng điều đó không đánh đổ được giá trị của những việc trở về đạo thành thật đúng nghĩa, cũng không phải tất cả những cơ hội “trở về đạo” đều nhằm vào những người trẻ tuổi hay chỉ giới hạn trong những buổi họp mặt mà họ mô tả. Cũng không phải việc giảng Tin Lành nhất thiết phải theo phương pháp đó mới có kết quả. Dĩ nhiên là khi đã biết trước cái hiểm hoạ đó, chúng ta sẽ thận trọng để cố gắng hết sức tránh loại xưng nhận đức tin một cách giả tạo như thế, một lối nhận đạo do sự thuyết phục của loài người hay do một kỹ thuật cưỡng ép, chớ không phải là do tác động của Đức Thánh Linh. Chúng ta không có huấn lệnh nào để bênh vực những điều trong giáo hội mà chúng ta biết là đi ra ngoài những gì Đức Chúa Trời đã mặc khải trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên có những vấn đề mà chính chúng ta cũng phải xét lại.
Có nhiều khi cách thức tuân theo các lệnh truyền phải suy tư của một số tín đồ đã khiến chúng ta giật mình. Họ dám chống lại một số chủ trương mà mọi người đều chấp nhận bởi vì dường như chúng không phù hợp với phần còn lại của Kinh Thánh. Chàng thanh niên William Carey, sống trong một thế hệ không có những buổi họp mặt do các giáo sĩ tổ chức, đã treo một tấm bản đồ thế giới trong xưởng làm việc bên trên chiếc bàn đóng giày của mình, và tìm cách vạch ra những gì mình có thể làm được đối với thế giới ngoại đạo kia. Trong thời của ông, mọi người đều hiểu rằng lệnh truyền phải đi khắp thế gian, khiến muôn dân trở nên tín đồ Đấng Christ, chỉ đặc biệt áp dụng cho các sứ đồ mà thôi. Calvin, Luther và lẽ dĩ nhiên là dường như tất cả các nhà cải chánh khác, cũng đều giữ cùng một lập trường đó. Carey nhận định rằng nếu lời hứa trong câu Kinh Thánh tiếp theo đó được duy trì cho đến thời kỳ cuối cùng, tại sao lệnh truyền lại không được duy trì y như vậy? “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mat Mt 28:19, 20). Khi ông dám gợi ý rằng có lệnh truyền đó cũng được ứng dụng cho đến thời kỳ cuối cùng, có người đã bảo ông rằng: “Cậu ơi, ngồi xuống đây đi. Nếu Đức Chúa Trời muốn cho những người ngoại đạo ăn năn, chắc Ngài sẽ làm việc đó mà không cần gì đến tôi với cậu giúp đỡ Ngài đâu”. Đó là quan điểm thịnh hành của thời ấy; nhưng Carey vẫn duy trì chỉ bảo rằng dạy người khác vâng giữ hết cả mọi điều Đấng Christ dạy, ít ra cũng gồm luôn chính lệnh truyền phải đi khiến muôn dân trở thành môn đệ Ngài. Cả đến các nhà cải chánh cũng có thể sai lầm! Họ cũng chỉ là những người có thể lầm lẫn, và Carey đã chứng minh được chủ trương của mình bằng cách dùng lối lý luận của người tín đồ Đấng Christ được soi sáng về chính những lời chép trong Kinh Thánh.
Tín đồ Đấng Christ có thể khác nhau
Chúng ta vừa thấy rằng nếu Kinh Thánh vô ngộ thì tín đồ có thể ngộ nhận là điều chắc chắn. Cho nên chúng ta phải thận trọng và đừng bao giờ bảo rằng quyển Kinh Thánh vô ngộ thì những lời giải thích Kinh Thánh của chúng ta cũng không thể nào lầm lẫn. Phải chăng mỗi tín đồ Đấng Christ đều phải khác hẳn nhau, và chúng ta đừng bao giờ nên trông đợi một sự đồng tâm, hiệp ý? Nhiều người đã trích dẫn câu này: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (ICo1Cr 1:10) và tôi từng nghe có người dùng cả câu đó như một chiếc đòn bẩy để nhấn mạnh rằng nếu thế thì bạn phải đồng ý với cách giải nghĩa Kinh Thánh của tôi. Kinh Thánh dạy bạn phải đồng ý với tôi!
Nhưng chúng ta cũng phải hiểu khúc sách này trong ánh sáng của nhiều khúc sách khác nữa. Thí dụ như: “Ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (RoRm 14:5) nằm trong khúc sách nói rằng người tín đồ Đấng Christ có nhiều quan điểm khác nhau liên hệ đến việc giữ các ngày lễ, hay trong vấn đề phải ăn loại thực phẩm nào. Nhờ những chỗ khác, chúng ta biết rằng chính Phao-lô đã có lòng tin rất vững chắc liên hệ đến cả hai vấn đề ấy (GaGl 4:10; ICo1Cr 8:13), nhưng ở đây ông nói mọi người hãy tin ở trí mình và đừng lấy đó làm một lý do để phê bình, chỉ trích, gây chia rẽ hay làm tan vỡ tình bè bạn.
Hơn nữa, trong thư tín gởi cho các tín hữu Ga-la-ti, chúng ta thấy thế nào khi bị những người do Gia-cơ sai đến bắt gặp, Phi-e-rơ cũng như tất cả những người Do Thái và cả Ba-na-ba, đều rút lui và không ngồi ăn chung với người ngoại nữa (GaGl 2:12-14). Chỉ trong trường hợp đó, Phao-lô mới chống lại và chứng minh rằng làm như thế là sai lầm. Cả đến các sứ đồ tiền phong cũng có thể lầm lẫn và hiểu sai các vấn đề căn bản. Cũng y như ngay lúc mới tin Chúa, người tín đồ vẫn chưa được giải thoát hoàn toàn khỏi những tội lỗi trong lòng chỉ vì chúng hãy còn lảng vảng đâu đó, cho nên họ cũng chưa hoàn toàn thoát được sự sai lầm nội tâm. Cả về phương diện đạo đức lẫn tri thức, họ vẫn còn có thể bị sai lầm. Đức Chúa Trời cho phép việc đó xảy ra. Lẽ dĩ nhiên, phương pháp để chúng ta trưởng thành là phải chiến đấu với tội lỗi, chiến đấu với lầm lẫn: dường như lắm lúc chúng ta được phép phân vân về một số vấn đề nào đó đều là nhằm vào một mục tiêu – có lẽ là để bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ. Nếu đó là ý Chúa, chắc Ngài đã cho vào Kinh Thánh một số những lời chỉ dạy liên hệ đến các vấn đề và cách thức làm lễ báp-tem hoặc về phẩm trật trong Hội Thánh; những lời chỉ dạy đó sẽ loại bỏ được ngay những quan niệm đang mâu thuẫn nhau. Nhưng Đức Chúa Trời đã không muốn làm như vậy. Cho nên chúng ta bị bắt buộc phải suy nghĩ, phải lý luận về ý nghĩa của một vài khúc sách. Chúng ta phải phân biệt điều Kinh Thánh thật sự nói với điều chúng ta nghĩ là Kinh Thánh dạy, và có lẽ như thế, chúng ta mới khỏi hiểu lầm một vài quan niệm được căn cứ trên điều người ta nói mà có lần chúng ta được nghe. Chúng ta phải chú ý đến văn mạch của những câu Kinh Thánh để biết lúc nào lý luận bằng im lặng là có giá trị và khi nào thì nó không có giá trị gì cả. Luôn luôn chúng ta gặp cái hiểm hoạ là chúng ta chỉ khăng khăng giữ vững một quan điểm là vì thiên kiến chớ không phải là vì thật sự tin tưởng.

Giới hạn của tâm trí người tín đồ
Theo cùng một phương diện như trên thì dường như điều cũng tối quan trọng là chúng ta phải hoàn toàn thành thật trong những việc chúng ta không biết. Trong Tân Ước có rất nhiều điều dạy dỗ liên hệ đến những giới hạn hiểu biết của người tín đồ Đấng Christ. Chúng ta được cho biết rằng Đức Chúa Trời “có thể làm trổi hơn vô cùng mọi sự việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Eph Ep 3:20), rằng sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết (Phi Pl 4:7), trong khi ngay trong đoạn Kinh Thánh rất nổi tiếng đề cập đến tình thương yêu, sự hiểu biết hiện tại của chúng ta được đồng nhất hoá với sự hiểu biết của kẻ thành nhân mà một ngày kia chúng ta sẽ trở thành, khi chúng ta không còn nhìn xem như qua một chiếc gương cách mập mờ (ICo1Cr 13:9-12). Phao-lô đã đặc biệt bảo rằng sự hiểu biết của chúng ta rất bất toàn, và chúng ta chỉ biết được một phần nào mà thôi. Điều đó phải nên giúp chúng ta khỏi độc đoán quá mức đối với những vấn đề không được rõ rệt trong Kinh Thánh. Có một số các vấn đề chúng ta phải nhìn nhận là mình không biết và đang bị bối rối vì chúng. Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ ở chung với một nhóm người rất có giá trị, bởi vì sau khi đề cập đến những mối liên hệ giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời với trách nhiệm con người, Phao-lô chỉ có thể thốt lên những lời tán tụng sau đây: “Ôi, sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng A-men” (RoRm 11:33-36).
Hết thảy chúng ta phải nhìn nhận rằng sự hiểu biết của loài người có giới hạn. Cũng như Phao-lô, chúng ta chỉ có thể nghiêng mình và ca tụng trước tâm trí cao cả, vĩ đại của Đức Chúa Trời. Chắc điều đó sẽ giúp cho phần tư tưởng nhỏ bé của chính chúng ta được mở rộng, được thấy xa hơn.
Một lời khuyên cần thiết
“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con, Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo đường của con. Chớ khôn ngoan theo mắt mình…” (ChCn 3:5 và tt). Tin cậy vào sự khôn ngoan của chính mình là điều rất nguy hiểm, nếu chúng ta tưởng rằng chính mình có thể giữ lấy mình và tìm được giải đáp cho tất cả vấn đề. Chính tinh thần đó của người vô tín vốn là yếu tính của tội lỗi, và luôn luôn, nó vẫn là cái hiểm hoạ trở thành tội lỗi của người tín đồ tri thức, dầu là một nhà trí thức về thần học. Có lẽ chúng ta đã có một nền thần học tập trung vào Đức Chúa Trời, nhưng nó vẫn tuỳ thuộc vào lý luận của loài người, và mỗi ngày thái độ của chúng ta chưa thực sự tuỳ thuộc vào Chúa hết lòng, cũng như chúng ta vẫn chưa thuận phục Ngài trong tất cả các đường lối chúng ta. Đức tin chúng ta có thể trở thành một cuộc rèn luyện và “mọi sự hay biết… nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì” (ICo1Cr 13:2). Người tự biết rằng mình là bậc tri thức rất dễ gặp nguy hiểm. Đó là cái hiểm hoạ khiến chúng ta không thực sự đặt trí khôn mình đầu phục Chúa, nhưng chỉ suy tư ngoài sự soi sáng của Đức Chúa Trời, tin cậy vào chính sự hiểu biết của chúng ta.
Chính Phao-lô đã viết về cái hiểm hoạ có tri thức mà không có tình thương, và ông lại là người có nhiều khả năng tri thức. Ông đã viết về “sự giảng rồ dại” (ICo1Cr 1:21), về cái hiểm hoạ là đức tin con người chỉ được xây dựng trên “những lời lẽ khéo léo của sự khôn ngoan (loài người)” (2:4) thay vì trên quyền năng Đức Chúa Trời. Chính con người đó cũng đã từng bảo rằng mình có thể tin cậy vào phần xác, nhưng sau đó, đã xem điều đó như sự lỗ và từ bỏ đi “vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu là quí hơn hết” (Phi Pl 3:4-8). Phao-lô muốn khuyên chúng ta hãy nhờ cậy Chúa, đừng cậy vào sự linh mẫn hay hiểu biết của chúng ta.
Frances Havergal cầu nguyện rằng: “Xin Chúa hãy nhận lấy trí khôn của con”. Người tín đồ có thể “tin cậy”, có thể chấp nhận các “giáo lý” một cách chính thống, nhưng thật sự đang gặp cái nguy là không chịu dâng trí khôn của mình cho Chúa dùng. Cả phần trí khôn cũng phải được thánh hoá, được biệt riêng cho sự phục vụ Đức Chúa Trời. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tỏ ra dốt nát, khiêm nhượng bằng một hình thức thiếu thành thật nào đó, nhưng có nghĩa đúng hơn là chúng ta phải tìm cầu sự tự do trọn vẹn trong cách diễn tả tư tưởng bằng cách đầu phục Đức Chúa Trời, là Nguồn Mạch của mọi lý trí, mọi chân lý, chỗ khôn giấu mọi của báu về sự khôn ngoan và thông biết.

Thông minh hay khôn ngoan?
Có một số người trong chúng ta rất khiếm khuyết trong lãnh vực tri thức. Thường chỉ số thông minh của chúng ta không quá mức trung bình. Nhưng không phải chỉ có những người thông minh xuất chúng mới được truyền dạy phải “hết trí khôn” mà yêu mến Chúa. Mỗi người đều có trí khôn. Trí khôn của họ có thể là một, hai, hay năm ta-lâng? Nhưng chúng ta còn được chờ mong đầu tư số vốn trí thức đó vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nếu biết sử dụng, cả đến trí khôn một ta-lâng cũng có thể làm lợi ra được và Kinh Thánh dạy chúng ta phải làm như vậy.
Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rất nhiều lần rằng phải tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Đức Chúa Trời. “Phải, nếu con kêu cầu sự phân biện, và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng: Nếu con tìm nó như tiền bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí. Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan, từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng” (ChCn 2:3-6). Thật là rõ ràng: Đức Chúa Trời vốn là nguồn mạch của mọi khôn ngoan. Chính Sa-lô-môn đã cầu xin sự khôn ngoan đó (IVua 1V 3:9-12) và ông cũng nói rõ ràng cho người khác biết sự khôn ngoan của ông, sự khôn ngoan đã trở thành tục ngữ, cả tâm trí “khôn ngoan và biện biệt” đó, là một ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho mình.
Tân Ước cũng dạy y như vậy. “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia Gc 1:5). Chúng ta được cho biết là mọi của báu về khôn ngoan và thông biết đều được giấu kín trong Đấng Christ (CoCl 2:3), và Đức Chúa Trời là Đấng làm nên sự khôn ngoan cho chúng ta (ICo1Cr 1:30). Trong danh sách các ân tứ thuộc linh, chúng ta được cho biết là Đức Thánh Linh ban cho người này “lời nói khôn ngoan” và kẻ khác “lời nói tri thức, cũng nhờ một Đức Thánh Linh ấy” (ICo1Cr 12:8). Nếu đó là những ân tứ thuộc linh, thì chúng không phải chỉ được phú bẩm cho chúng ta một lần đủ cả khi sanh ra; nhưng những ai thiếu mà muốn được các ân tứ ấy, thì được khuyên là phải tha thiết mong ước chúng (12:31; 14:1), vì cũng như các ân tứ thuộc linh khác, chúng ta phải tìm kiếm chúng nơi Đức Chúa Trời.
Cho nên sự thật là thỉnh thoảng người ta phải ngạc nhiên khi thấy một số người, theo phương diện loài người mà nói, mà nghĩ thì không có gì hứa hẹn hết, nhưng đã thình lình nổi bật hẳn lên nhờ một hay nhiều ân tứ thuộc linh. Việc xảy ra hầu như là Chúa muốn chứng minh cho chúng ta thấy quyền năng Ngài, thấy điều Ngài có thể làm để biện bác về những ý kiến thấp kém chúng ta đã có về một người trong vòng các con cái Ngài. Ngài là Đấng Ban Cho, Đấng Ban Cho Cao Cả, và Ngài ban các ân tứ cho loài người; và dầu chúng ta có quyền cho rằng người khác hơn mình, có tìm cách đánh giá một cách điềm tĩnh những ân tứ nào chúng ta có và những ân tứ nào chúng ta không có. Ngài đã bảo chúng ta là hãy cầu xin sự khôn ngoan và thiết tha mong ước được những ân tứ tốt nhất. Tại sao chúng ta chần chờ?
Trí khôn hành động
Dầu sao thì như chúng ta đã thấy và sẽ thấy, dường như thư Phi-líp đã tóm tắt vấn đề hết lòng vì Chúa và phục vụ Ngài mà chúng tôi muốn viết trong quyển sách này. Cho nên điều quan trọng là tìm ra những điểm mà theo đó, Phao-lô xem việc dâng trọn vẹn trí khôn của mình cho Chúa là điều chính yếu đối với các tín đồ Phi-líp.
Tình yêu mến của họ phải cần tăng thêm càng hơn, nhưng nó phải được dung hoà bởi “sự thông biết và suy hiểu” (và chữ Hi Lạp ở đây là aisthçsis , chắc có liên hệ với chữ aesthetic – thẩm mỹ) “để thử nghiệm (đúng hơn là: tán thưởng) những sự tốt lành…” (Phi Pl 1:9, 10). Đây là một thứ tình yêu thương chan chứa và nồng nàn, không phải do tình cảm hay cuồng dại, nhưng được xem là có giá trị và có đặc tính trí thức của nó. Chúng ta phải thương yêu bằng cả tâm trí của chúng ta.
Họ phải có một tâm trí khiêm nhường vốn là đặc tính của Chúa, Đấng có trí khôn của Đức Chúa Trời, nhưng bằng lòng mặc lấy hình tôi tớ (Phi Pl 2:5-7). Dường như rõ ràng là trong vấn đề thánh hoá và thánh khiết có một chút gì hơi khác nhau. Phao-lô đã nhấn mạnh rằng dầu trong sự trọn vẹn chúng ta có tiến bộ đến mức nào đi nữa, chúng ta cũng phải cố gắng để cứ tiến bộ càng hơn (3:12). Trái với những người bảo rằng mình đã hoàn toàn rồi và có khuynh hướng mãn nguyện với mức độ mình đã đạt đến, có những người suy nghĩ rằng sự toàn hảo không thể nào đạt được trong đời này nên đã dừng lại và không chịu cố gắng nữa. Cả hai đều không có ai tiến tới được. Phao-lô bảo rằng cả hai quan điểm trên đều sai, và họ đã bằng lòng với sự thánh hoá đứng im, với địa vị họ đã đạt được, cho nên ông viết: “Vậy những người trưởng thành trong chúng ta phải có ý tưởng đó, và nếu anh em tưởng đàng khác, Đức Chúa Trời cũng sẽ lấy sự đó soi sáng cho anh em” (3:15). Có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng chúng ta phải chờ đợi Đức Chúa Trời để được hiểu biết càng hơn.
Ông nhắc cho người Phi-líp rằng sự bình an của Đức Chúa Trời, vốn vượt hẳn khả năng của trí khôn loài người, khiến họ không thể nào nắm được nó trọn vẹn, nhưng dầu vậy, sẽ giữ được tấm lòng và tâm trí họ trong Chúa Giê-xu Christ (4:7), và sở dĩ như vậy, chắc là nhờ họ không nên lo âu về bất cứ việc gì (cả đến những vấn đề của trí khôn nữa?), nhưng chỉ cần cầu nguyện về những điều đó. Nghĩa là, dầu Đức Chúa Trời đã hứa ban sự bình an, thì con người trí thức cứ lo âu mà không chịu cầu nguyện sẽ chẳng bao giờ hưởng được sự bình an đó.
Sau hết – có một lời khuyến giục quang vinh được mở đầu bằng chữ “rốt lại” thứ hai của ông: “hỡi anh em, điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (4:8). Có lời khuyên nào hay hơn cho tâm trí người tín đồ Đấng Christ, cho một trí khôn đã dâng trọn cho Chúa? Có việc làm nào tốt hơn, và có lời lẽ nào tốt hơn để kết thúc chương sách này.

Những điểm gợi ý để suy gẫm và cầu nguyện
Tôi có phải là một tín đồ Đấng Christ biết suy tư không? Hay đức tin tôi chỉ là một căn phòng đóng kín, hoàn toàn riêng biệt, tách rời với sinh hoạt trí thức của tôi?
Tôi có mù quáng noi theo những mẫu mực sẵn có , hay luôn luôn căn cứ vào các nguyên tắc của Kinh Thánh để suy nghĩ về cách ăn nết ở của mình ?
Từ ngày tôi tin Chúa đến nay, cuộc cách mạng trí thức của tôi tiến được đến đâu rồi? Hay tôi vẫn còn giữ những mẫu mực tư tưởng trần gian, tập trung vào con người y như trước?
Tôi có suy tư hay rèn luyện cho tâm trí tôi suy tư bằng những quyển sách kích thích tôi suy nghĩ , hay tôi chỉ đọc loại văn chương hời hợt để giải trí mà thôi ?
Tôi chỉ lý luận suông với người chưa tin Chúa, hay đã có thể kích thích tâm trí họ bằng một phương pháp khích động tư tưởng để hướng dẫn họ đến cùng Đấng Christ?
Những giáo lý tôi tin tưởng và những lễ nghi của giáo hội mà tôi làm theo , chỉ là sản phẩm của các thành kiến hay là những niềm tin chân thành ?
Tôi có lâm vào cái hiểm hoạ là kiêu ngạo trí thức, khinh miệt kẻ khác mà lòng thì nguội lạnh và thiếu tình thương yêu là điều tối cần thiết cho người tín đồ Đấng Christ chăng?
Tôi có nghĩ đến những điều chân thật , đáng tôn trọng , công bình , thuần khiết , đáng yêu , đáng chuộng , hoàn hảo và đáng ca ngợi – hay chỉ phí thì giờ vào những điều không phải là những điều vừa kể ?
Tôi có thực sự hết trí khôn phục vụ Chúa không?