CẦN KIỆM hay RỜI RỘNG?
Xin lấy cả vàng bạc của con ,
Con không giữ lại dầu chỉ một đồng nhỏ .
“Không có gì để thử nghiệm tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ hay đối với kẻ khác một cách thực tiễn hơn là thái độ chúng ta đối với tiền bạc và của cải chúng ta. Cũng không có gì thử nghiệm những lời rêu rao được giải thoát khỏi cái thế giới gian ác này tốt hơn chúng. Thái độ của người chưa tin Chúa đối với tiền bạc thật quá phổ biến nên ai cũng biết rõ. Thế gian hỏi chúng ta có bao nhiêu tiền; Đấng Christ hỏi chúng ta sử dụng nó như thế nào. Thế gian nghĩ nhiều hơn đến việc làm cho ra tiền; Đấng Christ nghĩ nhiều hơn đến cách ban phát nó. Thế gian hỏi chúng ta cho gì; Đấng Christ hỏi chúng ta cho như thế nào. Thế gian nghĩ đến số tiền; Đấng Christ nghĩ đến động cơ thúc đẩy chúng ta ban cho. Người ta hỏi chúng ta cho bao nhiêu; Kinh Thánh hỏi chúng ta giữ lại bao nhiêu. Đối với người chưa tin Chúa, tiền bạc là một phương tiện được thoả mãn; đối với người tín đồ, nó là một phương tiện để an ủi; đối với người thứ nhất, nó là một cơ hội để mua sắm tiện nghi, đối với người thứ hai, nó là một cơ hội để cung hiến”. Mấy lời nói đầu thẳng thắng của Fred Mitchell, nhà hoá học của Bradford và là một cấp lãnh đạo Cơ Đốc giáo trong quyển sách nhỏ rất đầy đủ và đặc sắc của ông nhan đề “Việc quản lý tiền bạc” là một bài nhập đề rất thích hợp cho chương này. Tác giả quyển sách này nhìn nhận rằng mình đã chịu ơn quyển sách nhỏ kể trên và những người mà tấm gương ban tặng rời rộng và đẹp đẽ sẽ được dùng làm thí dụ soi sáng thực tiễn cho cùng những nguyên tắc được kể ra dưới đây.
Tiền bạc của bạn thuộc về ai? Khi ra đời, bạn đã mang theo bao nhiêu tiền, và khi qua đời, bạn sẽ mang đi được bao nhiêu? Giữa khoảng thời gian đó, các sổ sách kế toán phải được quân bình hoá, nhưng tất cả số chi đã được dùng vào việc gì? Chỉ có một điều chắc chắn, ấy là nếu chúng ta gặp gỡ Đấng Chist thì thái độ của chúng ta đối với tiền bạc và của cải bắt buộc phải thay đổi, hay ít ra cũng phải đặt thành vấn đề. Các đoạn từ 16 đến 21 của Phúc Âm Lu-ca hầu như là một bài “Khảo luận về cách sử dụng tiền bạc của người tín đồ Đấng Christ”, phần lớn vì nó chứa đựng những lời dạy dỗ thực tiễn về cách sử dụng tiền bạc bằng những lời giáo huấn trực tiếp, những thí dụ khuyến khích chúng ta suy gẫm và những tấm gương sống động. Chúng ta gặp nhà phú hộ mặc áo tía và vải gai mịn, tiệc tùng linh đình mỗi ngày; và hầu như thản nhiên không bận tâm gì đến gã ăn mày ngồi trước cửa nhà mình. Chúng ta gặp chàng trẻ tuổi giàu có làm quan được truyền dạy phải bán hết gia tài để phân phát cho kẻ nghèo hầu được một cơ nghiệp trên trời, rồi theo Chúa Giê-xu; nhưng chàng ta đã từ chối cuộc thử thách. Rồi chúng ta lại gặp một trong số những con người khốn khổ, một người ăn mày khác, lần này lại mù nữa, ngồi trên con đường xuống thành Giê-ri-cô và Đức Chúa Giê-xu đã chữa lành bằng cách mở mắt cho. Chúng ta lại gặp một người giàu có khác từ trên cây tụt xuống để mời Đức Chúa Giê-xu vào nhà mình. Vị trưởng phòng thâu thuế này đã trích phân nửa gia tài mình để phân phát cho kẻ nghèo và bồi thường gấp tư những kẻ đã bị mình làm thiệt hại. Chắc chắn là người ăn mày đui mù vừa nói trước, hôm đó đã được hưởng ân huệ đó, và thế là Đức Chúa Giê-xu đã làm cho kẻ nghèo được giàu hơn và kẻ giàu trở thành nghèo hơn. Tuy nhiên, khi làm việc ấy, Ngài đã khiến cho cả hai đều vui lòng. Điều mà người nhà giàu không thấy để làm cho người nghèo khó ngồi trước cửa nhà mình, điều mà chàng thanh niên giàu có, làm quan kia không chịu thi hành khi được lưu ý, thì Xa-chê, người thâu thuế, đã tình nguyện làm trong ngày vui mừng chẳng bao giờ quên được, khi Chúa Giê-xu bằng lòng ở lại trong nhà Xa-chê, khiến ông hối hả tụt xuống khỏi ngọn cây để vui vẻ tiếp rước Ngài. Tất cả những điều đó đều ở trong toàn thể bản văn khi bạn đọc nhiều đoạn Kinh Thánh đồng thời, chớ không phải chỉ mỗi lần đọc vài câu mà thôi. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào toàn thể các khúc sách ấy.
Tiền bạc dành để làm gì
LuLc 16:1-9 chép một truyện tích thú vị về người quản lý bất trung, khi biết mình bị sa thải, đã lợi dụng cơ hội đang có để bảo đảm cho tương lai của mình. Bằng một giọng văn phớt tỉnh, Dorothy Sayers đã mô tả con người vốn hành nghề thâu thuế là Ma-thi-ơ chắc phải biết tất cả các mánh khoé liên hệ đến vấn đề sổ sách tiền bạc cũng như cách bôi sửa sổ sách để mỉm cười mai mỉa về việc làm thiếu thận trọng đó. Chúa Giê-xu khen người quản gia bất trung kia đã khôn khéo và biết lo xa, tức là đã biết lợi dụng số tiền mình hiện có quyền kiểm soát để lo cho sự an vui tương lai. Ông ta là một con cái của đời này và hoàn toàn bất lương, đã vi phạm một cách trắng trợn cả hai điều răn thứ tám và thứ chín cùng một lúc. Nhưng dầu là một tên lưu manh, ông ta đã được khen là khôn ngoan, khéo léo. Vì hiện giờ và ở đây tiền bạc phải được dùng để thu phục nhân tâm, để kết bạn với những kẻ sẽ chào đón chúng ta trên thiên đàng sau này; nghĩa là chúng ta phải dùng “của bất nghĩa” (tức là tiền bạc) để làm việc cho Đức Chúa Trời và mở rộng Nước Ngài.
Nếu dùng ngôn ngữ con buôn, thì chúng ta phải biết chắc là khi đến thiên đàng, sẽ có nhiều bạn bè tiếp đón ta ở đó! Khi chúng ta bước vào cửa thiên đàng đồng thời với một tiếng kêu lớn, thì sẽ có một đám đông người reo mừng chào đón chúng ta – những người lạ, số đông trong vòng họ, những kẻ phung xưa kia, người thượng du, trẻ con, người từ muôn nước dưới trời – những người được lên thiên đàng nhờ chúng ta đã sử dụng tiền bạc của mình cách khôn ngoan. Tiền bạc chúng ta quyên trợ lúc còn ở thế gian sẽ là cuộc tiếp đón có thể có lúc mình ở thiên đàng. Lối giải thích này có vẻ không thuộc linh chút nào! Nhưng chắc chắn đó là ý nghĩa của câu 9. Đó là phương pháp gởi tiền bạc trần gian vào ngân hàng thiên thượng, nghĩa là bằng cách quyên trợ một cách khôn ngoan và có ý thức cho những kẻ đang thiếu thốn. Không có những chiếc túi nào trong vải liệm xác chết, nhưng vẫn có phương pháp gởi tiền đi, đó là quyên tặng, bố thí, tung tiền ra! Lẽ dĩ nhiên không phải là tung ra bất cứ cách nào, nhưng là tung ra một cách khéo léo, khôn ngoan như người quản gia bất trung đã làm. Có người nói về John Sargent, bạn thân và là người viết tiểu sử Henry Martyn rằng dường như ông ta không hề biết niềm vui của vật thuộc về mình trừ ra có thể tặng nó cho kẻ khác.
Đấng Christ đã tiếp tục dạy thêm những bài học sâu xa hơn liên hệ đến tiền bạc, đến sự trung tín trong việc nhỏ là dấu hiệu chứng tỏ sẽ đáng tin cậy hơn trong việc lớn (đồng thời, cũng làm sáng tỏ vấn đề là người quản gia bất trung đã không hề được khen vì sự bất lương của mình). Đấng Christ cũng vạch rõ rằng nếu chúng ta không thể tin cậy được trong vấn đề tiền bạc, thì ai là người dám giao cho chúng ta những của cải đích thực của thiên đàng? Tác giả sách Phúc Âm ghi lại rằng những người Pha-ri-si nghe mấy lời đó vốn “ham tiền tài” (câu 14), nên Đức Chúa Giê-xu đã nghiêm nghị quở trách họ khi họ chê cười Ngài vì Ngài dạy rằng sự tôn trọng trước mặt người ta – nghĩa là việc người thế gian coi trọng sự giàu có, của cải – là gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta cần ghi nhớ luôn rằng những thái độ đối với tiền bạc mà chúng ta đã chịu ảnh hưởng từ khi còn trẻ, cũng như việc theo đuổi những địa vị xã hội mà mọi người đều chấp nhận như một thước đo mức độ thành công của chúng ta, đều có thể là những điều gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời.
Những bài quảng cáo ngày nay đã lạm dụng điểm đó, gợi ý rằng bất cứ người nào không mua nổi vật mà họ muốn bán, đều là những người không ra gì, và như thế, ý thức tranh đua với người xung quanh đã được “tôn trọng giữa vòng loài người” (cả nữ giới nữa!). Các nước giàu mạnh của Tây phương thường tự hào một cách sai lầm rằng mình hơn các nước kém phát triển về phương diện vật chất, thỉnh thoảng chế giễu những người có một mơ ước tầm thường đã sướng như điên khi mua được một vật gì mới, chẳng hạn một đôi giày, một cặp kính đeo mắt hay một chiếc xe máy nhỏ, nhưng lại mù quáng không chịu lưu ý rằng phần lớn những cuộc viếng thăm người khác để so sánh các hệ thống nấu nướng, máy điều hoà không khí, vật dụng trong nhà cũng chỉ là một lời nguỵ biện nông cạn cho cùng một hình thức bắt chước, nô lệ người khác, của mình.
Lối sống rập khuôn, nô lệ người khác một cách kỳ cục đó cũng không giới hạn nơi người lớn, mà cả đến những người quả quyết rằng mình là hạng dè dặt cực đoan dường như vẫn bị nô lệ đối với những thời trang thông thường, cũng như những kẻ vẫn tự xưng là chống quy ước, chống sự rập khuôn theo người khác. Những sinh viên bảo là muốn nôn mửa vì cái xã hội giả hình và cứng nhắc này, thấy rõ những cái nông cạn của xã hội mà họ chống lại, rồi cũng bị bắt buộc phải bước xuôi theo những ngông cuồng trong khoảnh khắc. Về phe với nhóm này hay nhóm nọ vẫn là thái độ giống hệt nhau của mọi người thuộc mọi hạng tuổi trong xã hội.
Chiếc túi đầy với con mắt mù
Nguyên tắc về việc sử dụng tiền bạc để bảo đảm rằng chúng ta sẽ được tiếp đón vào các nơi ở trên trời sau đó đã được minh thị (một cách tiêu cực) bằng truyện tích của người nhà giàu và La-xa-rơ (LuLc 16:19-31). Lẽ dĩ nhiên đây không phải là một loại thí dụ có tính cách chính trị chứng minh rằng tất cả những tên tư bản gian ác đều sẽ sa xuống địa ngục và những người vô sản bị chà đạp sẽ được lên thiên đàng, bởi vì cả hai vấn đề đức tin (Áp-ra-ham là ông tổ của những kẻ tin GaGl 3:7; RoRm 4:16) và sự ăn năn (câu 30) hoặc thiếu đức tin và không ăn năn, đều được ngụ ý. Điểm thí dụ này muốn nhấn mạnh không phải là so sánh tiền bạc nhưng là đề cập đến vấn đề cứu cánh của sự chết bằng cách xác định những kết quả đời đời của thái độ chúng ta trong đời sống. Cũng vậy, rõ ràng là tội của người nhà giàu được nhấn mạnh ở đây là sự ngạo mạn và quá dễ dãi đối với chính mình, cùng với thái độ lạnh nhạt đối với những sự thiếu thốn của người chung quanh. Ông ta có chiếc túi đầy tiền để tiêu pha riêng cho mình được sung sướng, với một con mắt đui, đến nỗi không hề nhìn thấy những kẻ mình phải dùng tiền đang có để giúp đỡ cho.
Phần đông chúng ta đều bằng lòng với một chính sách kinh tế giữ được mức sinh hoạt của chúng ta cứ càng ngày càng tăng gia, trong khi biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới (và ngay cả nhiều khu vực kém may mắn hơn ở ngay trong xứ chúng ta) nhiều người phải sống rất chật vật. Hãy làm phước cho các dân tộc ngoại quốc và nuôi sống họ tại đó là thái độ phải có. Bảo rằng những người không hề biết đến lối sống khá hơn không thể thiếu những gì chúng ta đã được dạy bảo là tối cần thiết có thể cũng đúng phần nào, nhưng phải chăng thí dụ trên đây đã thách thức chúng ta về điểm đó? Lẽ dĩ nhiên chúng ta nhìn nhận rằng trên phương diện tài năng trí thức và khả năng làm ra tiền, con người không ngang nhau, nhưng sự bất đồng đó xảy ra phần nhiều là do sự may rủi, quốc tịch và cơ hội hơn là do các nguyên nhân khác. Đối với một số người, dường như đó là những hậu quả xã hội chớ không phải tôn giáo, nhưng ông nhà giàu đã không thuyết phục được Áp-ra-ham về điểm đó, và trong ánh sáng của một viễn tượng đời đời (khi ông ta đến một chỗ từ đó có thể nhìn thấy một cái gì khác tốt hơn) dường như người ấy đã nhìn nhận tội lỗi mình và muốn được thấy mặt anh em mình (lẽ dĩ nhiên là lúc đó đang vui hưởng gia tài của người ấy để lại; bởi vì không thể nào người ấy lại để nó cho người nghèo!) thì cũng do cùng một sự đoán phạt ấy mà có.
Tiền bạc rất khó dứt
LuLc 18:18-25. Chàng thanh niên nhà giàu và làm quan có lưu tâm đến những giá trị thuộc linh; chàng ta muốn hưởng sự sống đời đời. Chàng đã nhấn mạnh rằng mình vẫn cẩn thận tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc là Chúa rất mến chàng ta (Mac Mc 10:21) mời chàng ta theo mình để làm môn đệ, và đưa ra điều kiện là trước hết hãy bố thí tất cả những gì mình có cho kẻ nghèo, và như thế, sẽ được một gia tài trên thiên đàng. Vậy là trước mặt chúng ta có một con người được thúc giục một cách thuộc linh, có một đời sống thánh khiết được một lời khuyên mời của chính Đấng Christ, nhưng đến cuối cùng, lại coi trọng những của cải vật chất hơn phần gia tài thuộc linh, và buồn bã bỏ đi. Chúng ta đừng vội căn cứ vào đó để bảo rằng Đấng Christ truyền cho mọi người phải cho hết những của cải mình có. Chúng ta biết rằng có lần Ngài và các môn đệ Ngài đã phải nhờ vào lòng rộng rãi của một số dân chúng, trong đó có Gian-nơ và Su-xan-nơ, “giúp của cải cho Ngài” (LuLc 8:3). Cho nên, dường như những người này đã không phải đương đầu với một lời thách thức như vậy. Thật ra thì đối với Ngài, của cải đã trở thành một thần tượng mà mọi người phải dứt bỏ. Đây là một lời cảnh cáo kẻ giàu, bảo rằng một đời sống được mọi người kính trọng chưa phải là đủ nếu của cải đã trở thành một hình tượng, ngăn cản chúng ta hết lòng bước theo Chúa.
Sau khúc sách này là những lời rất nổi danh bảo rằng xỏ một sợi dây thừng to (chữ Hi Lạp là kamilos , rất giống với chữ kamçlos là con lạc đà) qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu vào được nước thiên đàng. Chàng thanh niên giàu có và làm quan kia đã có cơ hội. Ông phú hộ cũng có gã ăn mày nghèo trước cửa nhà mình như một cơ hội để xỏ sợi chỉ quá to của đời sống mình qua lỗ kim của sự cứu chuộc. Nhưng chàng thanh niên đã từ chối lời mời đặc biệt là theo Chúa. Sự chú ý của chàng đã kéo chàng đến chỗ mình phải hành động, nhưng chàng từ chối, không chịu làm. Cho nên không có gì đáng lấy làm lạ, khi trong số những vật làm nghẹt ngòi hột giống là đạo Chúa, ngăn trở không cho nó kết quả, cũng có “sự mê đắm về giàu sang” (Mac Mc 4:19).
Tân Ước hoàn toàn được giao phó nhiệm vụ đề cập đến tầm quan trọng của báu vật thiên đàng. Ở đây, chàng thanh niên giàu có làm quan được nói cho biết rằng nếu anh ta bán gia tài mình và phân phát cho kẻ nghèo, thì sẽ được của cải trên trời. Trong LuLc 12:1-59, có một trại chủ giàu có cũng xây lại các kho lẫm của mình để có thể chứa nhiều của cải trần gian hơn; và chúng ta được cho biết rằng con người “dại” đó đại diện cho những kẻ “không giàu có nơi Đức Chúa Trời” (LuLc 12:21). Rồi một lần nữa, khi Đức Chúa Giê-xu dùng bữa với một người Pha-ri-si nhằm ngày Sa-bát. Ngài đã bảo ông ta hãy dọn tiệc và mời những kẻ nghèo, những người không thể mời trở lại mình, và như thế sẽ được ban thưởng khi những người công bình được sống lại (LuLc 14:12-14). Đây là vấn đề rất xưa cũ phải giải quyết: Chúng ta có thành thật tin vào cõi siêu nhiên chăng? Chúng ta có tin là có một thiên đàng, nơi sẽ có việc tính sổ và là nơi chúng ta có thể dự trữ của báu chăng? Sự ngần ngại dứt bỏ của báu trần gian của chúng ta là thước đo niềm tin thực sự của chúng ta liên hệ đến điểm đó. Nếu chúng ta thật lòng tin Đức Chúa Trời, tin có thiên đàng và tin vào lời Đức Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ nhìn nhận rằng của cải thiên đàng có giá trị của một số vốn đầu tư chắc chắn và được bảo đảm.
Điều lạ lùng là chẳng những nó làm một bản trắc nghiệm cho đức tin của chúng ta, mà còn là một bằng cớ chứng minh cho niềm tin ấy, vì trong kinh nghiệm bản thân của sinh hoạt gia đình, chúng ta chẳng bao giờ dâng một số tiền lớn hơn theo lẽ thường mà không được trả lại càng nhiều hơn từ một nguồn mạch nào khác, và thường thường là được gấp bội để trở thành một dịp may cho chúng ta. Cho nên, dầu đang ở dưới đất này, chúng ta cũng được phần của mình trên thiên đàng nữa. Đức Chúa Trời không bao giờ mắc nợ ai. Những điều Ngài ban cho chúng ta (không phải chỉ đo lường bằng tiêu chuẩn tiền bạc mà thôi) luôn luôn và hiển nhiên là theo một mức độ khiến cho những của dâng của chúng ta so với Ngài thì dường như quá nhỏ bé. Có lẽ điểm này có thể được tóm tắt bằng mấy lời rất lạ lùng và rất quen thuộc là “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi Pl 4:19), mà khi đề cập đến, một nhà chú giải Kinh Thánh đã viết: “Phần thưởng sẽ không phải từ sự giàu có của Ngài đến mà thôi, nhưng cũng theo một cách thức phù hợp với sự giàu có của Ngài – theo một mức độ xứng đáng với sự giàu có của Ngài”.
Đức tin yếu đuối và nghi ngờ của chúng ta liên hệ đến của báu trên trời được mạnh mẽ hơn bằng việc được ban cho dư dật vô cùng mà thỉnh thoảng chúng ta kinh nghiệm được. Kinh nghiệm của những người như Hudson Taylor và George Müller trong quá khứ, được tiếp tục trong kinh nghiệm hiện tại của những công tác họ đã sáng lập, cùng với kinh nghiệm của vô số tín đồ Đấng Christ khác nữa, chắc đều giúp đỡ để thúc đẩy những niềm tin về cõi siêu nhiên của chúng ta.
Dâng phần mười có phù hợp Kinh Thánh không?
Một số đông tín đồ Đấng Christ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta dâng phần mười, nhưng sự kiện được nhận biết là trong Tân Ước, tín đồ Đấng Christ không hề được khuyến giục dâng phần mười. Chúng ta là tín dồ Đấng Christ có phải dâng phần mười không? Dường như chúng ta có thể đối phó với vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Ông Mitchell liệt kê những đóng góp bắt buộc mà dân sự Đức Chúa Trời phải tuân hành theo giao ước cũ:
1. Một phần mười hoa lợi để trợ cấp cho người Lê-vi.
2. Một phần mười hoa lợi dành cho các ngày lễ.
3. Một phần mười hoa lợi cho kẻ nghèo.
4. Những bó lúa đầu mùa.
5. Trái đầu mùa.
6. Mùa màng không thu gặt dành cho kẻ nghèo.
7. Phần mười trong số súc vật và trái nho gia tăng.
8. Trị giá các lễ vật và số thì giờ phải để ra cho việc thờ phượng Giê-ru-sa-lem mỗi ba năm một lần.
Rồi ông tiếp tục gợi ý rằng của lễ lạc hiến chỉ bắt đầu sau đó, nghĩa là sau khi họ đã dâng ít nhất là một phần ba hoa lợi của họ; thí dụ như những của lễ tình nguyện dâng cho việc xây cất Đền Tạm và Đền Thờ, nếu chỉ kể hai vụ “lạc quyên” rõ rệt nhất mà câu trả lời cho hai lần lạc quyên đó đã khiến cho chúng ta giật mình kinh sợ.
Muốn vạch rõ những điểm kể trên, thiết tưởng phải đối chiếu thật chi tiết nhiều câu Kinh Thánh với nhau, vì nếu rõ ràng là dân Y-sơ-ra-ên phải dâng nhiều hơn là chỉ một phần mười thì điều không được rõ rệt, ấy là không rõ có phải cùng một phần mười đó đã được mô tả là dùng cho nhiều việc hay không, bởi vì dầu sao thì trong trường hợp nào nó cũng được dùng cho rất nhiều mục đích. Thí dụ chúng ta có thể dễ dàng đưa ra một khúc sách rất hay như PhuDnl 14:22-28 “Mỗi năm, ngươi chớ quên đóng thuế một phần mười về huê lợi của giống mình đã gieo, mà đồng ruộng mình sanh sản. Tại trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trong nơi Ngài đã chọn đặt để danh Ngài ở, ngươi phải ăn vật thuế một phần mười về ngũ cốc, rượu, dầu và con đầu lòng của bầy bò hay chiên của ngươi, hầu cho ngươi tập hằng kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã ban phước cho; nếu đường đi lấy làm xa quá cho ngươi, đến đổi không thể đem nộp của thuế một phần mười ấy được – vì chỗ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi chọn để đặt danh Ngài cách xa ngươi – thì bấy giờ ngươi hãy đổi thuế một phần mười đó ra bạc, cầm bạc này trong tay, đi đến nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chọn, rồi đưa bạc ấy đổi lấy mọi thứ chi mình ước ao, hoặc bò hay chiên, hoặc rượu hay là đồ uống say, tức là mọi món chi mình muốn. Ngươi phải ăn nó tại đó, trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vui vẻ với gia quyến mình. Chớ bỏ bê người Lê-vi ở trong thành ngươi, vì người không có phần, cũng không hưởng cơ nghiệp chi chung với ngươi. Cuối hạn ba năm, ngươi phải lấy một phần mười của huê lợi năm ấy ra, chứa tại trong thành mình. Bấy giờ, người Lê-vi vốn không có phần chi, cũng chẳng hưởng cơ nghiệp chi chung với ngươi, luôn với người khác, kẻ mồ côi và người goá bụa ở trong thành ngươi, sẽ đều đến ăn no nê, hầu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho mọi công việc tay ngươi đã làm”.
Khúc sách này dường như chứng tỏ rằng phần mười đã đồng thời được sử dụng cho cả người dâng, lẫn người Lê-vi và người nghèo thiếu. Câu 26 gợi ý về một loại đại tiệc trong Đền thờ mà cả đến việc uống rượu mạnh cũng được cho phép. Rất ít người trong chúng ta nghĩ rằng mình có thể dùng phần mười theo cách thức đó! Cũng có thể lý luận rằng một số trong phần mười đó đã được nộp như những sắc thuế nhà nước, bởi vì các thầy tế lễ và người Lê-vi đã giữ một vài chức vụ không khác gì các chức thanh tra về sức khoẻ dân chúng, một tổ chức y tế, và vân vân. Ngày nay, chúng ta không hề kể rằng việc nộp thuế cho một chánh phủ thế tục là phần quyên trợ mà người tín đồ Đấng Christ phải đóng góp, như điều người Y-sơ-ra-ên đời xưa đã làm dưới chế độ thần quyền. Cho nên chắc chắn là nguyên tắc dâng phần mười rút ra từ Cựu Ước dường như rất khó áp dụng trực tiếp được.
Một lý luận thứ hai là bảo rằng điều luật pháp dạy chỉ là bóng mà hình thật là dưới ân điển, và kỳ kèo về tỷ lệ, chỉ dâng cho Chúa một phần mười chứng tỏ rằng chúng ta không hiểu điều Tân Ước muốn dạy chúng ta phải dâng. Thật ra thì trong Cựu Ước, người ta đã dâng từ khả năng của mình. “Mỗi người sẽ dâng tuỳ theo của mình có, tuỳ theo phước mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi” (PhuDnl 16:17). “Tuỳ theo sức mình, chúng dâng vào kho” (Exo Er 2:69) và dường như nguyên tắc ấy cũng được tiếp tục sang thời Tân Ước: “Các môn đồ bèn định, mỗi người tuỳ sức riêng mình, gởi một món tiền bố thí cho anh em ở trong xứ Giu-đê; và họ làm như vậy…” (Cong Cv 11:29) “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tuỳ sức mình dành dụm được bao nhiêu thì để tại nhà mình” (hoặc “tuỳ theo sự thịnh vượng Đức Chúa Trời ban cho mình mà để dành” ICo1Cr 16:2).
Thật ra thì dầu có ám chỉ đến việc dâng phần mười một vài lần, Tân Ước dường như đại ý không bênh vực việc làm ấy. Như người Pha-ri-si đã cậy công nghĩa riêng để tự so sánh mình với kẻ khác: “Tôi nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi” (LuLc 18:12) và dường như đã xem đó như một lý do để mình được xưng nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời. Một lời ám chỉ khác nữa trong các sách Phúc Âm là chỗ Đức Chúa Giê-xu nói: “Song khốn cho các ngươi, người Pha-ri-si, vì các ngươi nộp phần mười về bạc hà, hồi hương cùng mọi thứ rau, còn sự công nghĩa và kính mến Đức Chúa Trời thì các ngươi bỏ qua! Ấy là các việc phải làm, mà cũng không nên bỏ qua các việc khác!” (LuLc 11:42).
Người Pha-ri-si đã tỏ ra rất chú ý đến các vấn đề nhỏ nhặt, chắc chắn rằng mình đã dâng đúng một phần mười, trong khi lại bỏ qua một số các vấn đề chính yếu. Lẽ dĩ nhiên là trong các thư tín, người tín đồ đã không có lần nào được khuyên phải dâng phần mười, dầu họ có được khuyên dâng tiền. Đấng Christ đã khen ngợi người đàn bà biết dâng tất cả những gì mình có (21:1-4). Trong khúc sách đó, không thấy nói gì đến phần mười cả. Phao-lô viết về lòng rộng rãi quyên tặng của người Ma-xê-đoan như sau: “… lòng quá vui mừng và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình, hoặc cũng quá sức nữa… họ lại làm quá lòng trông cậy của chúng tôi, vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa, và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời” (IICo 2Cr 8:2-5). Dường như thái độ ấy không hề bao hàm một ý niệm về sự kỳ kèo tỷ lệ, và điều có lẽ rất có ý nghĩa, ấy là ở đây (trong đoạn 8 và 9) và nhiều chỗ khác nữa, khi đề cập đến việc dâng tiền, ông chẳng bao giờ nói đến một phần mười hay xác định một tỷ lệ nào. Có người luận về bài diễn thuyết của ông Temple Gairdner về đề tài “Dâng tiền” đã nói: “Tôi không nghĩ là có người nào được nghe nói mà lại không dâng thêm ít nữa là một phần mười. Tôi tình nguyện trở lại Oxford không phải là chỉ để trả món nợ của tôi, nhưng là để sống chỉ phân nửa theo mức sinh hoạt lúc trước”.
Một tên nô lệ hoàn toàn không có của riêng; những gì người nô lệ có, thật ra đều là của chủ. Nếu chúng ta tỏ ra thái độ bảo rằng tất cả những gì chúng ta có đều thuộc quyền sử dụng của Đấng Christ thì nó sẽ đúng hơn cái thái độ “Tôi dâng một phần mười, và phần còn lại là của tôi” biết bao! Thật ra thì chính chúng ta cũng không thuộc riêng về ta, chúng ta đã được mua bằng một giá chuộc, và tất cả của cải ta cũng vậy. Thật là dễ cho chúng ta dâng một phần nào đó trong số hoa lợi của ta cho Đức Chúa Trời, hoặc bằng cách để riêng ra một số trích trong tiền lương của chúng ta và xem như nhiệm vụ của chúng ta đã xong rồi, và phần còn lại là thuộc riêng về chúng ta, chúng ta có thể tiêu pha tuỳ ý. Lẽ dĩ nhiên là khi bắt đầu, biết để dành một số tiền đều đều, và nếu có thể được cứ càng ngày càng tăng thêm, thì rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải sử dụng tất cả tiền bạc của chúng ta thế nào cho đẹp ý Chúa. Cũng như những kẻ dâng phần mười đời xưa được dạy là hãy mua những gì mình thích về thức ăn vật uống để ăn chung với người Lê-vi và nghèo thiếu trước mặt Đức Giê-hô-va, họ được dạy là hãy vui mừng và hưởng thụ tất cả trước hiện diện Ngài, thì cũng vậy, chúng ta có quyền tiêu tiền, hưởng thụ những gì nó có thể đem đến nếu chúng ta làm điều đó trước mặt Chúa. Trong tất cả các khoản tiêu pha, mua sắm chúng ta phải tự hỏi: Tôi mua món này có đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Rất có thể không phải món chúng ta mua bắt buộc là món rẻ nhất, vì có thể đó không phải là món tốt nhất cho chúng ta mua bằng tiền. Cũng không phải đó là món đắt nhất, vì những vật dụng xa xỉ thường là những vật chúng ta không cần. Chúng ta phải thận trọng tránh tánh quá dễ dãi với chính mình hay sự tự kiêu trong lối ăn mặc cũng như về những gì mình có. Một trắc nghiệm rất hay, ấy là hãy xét xem đó là vật mình cần, hay là để khoe khoang với người khác, hoặc nhìn vào nó một cách thèm thuồng! Trong Cựu Ước thì một chi phái trong mười hai chi phái, một ngày trong bảy ngày và một phần mười hoa lợi đã được xem là đặc biệt thuộc về Đức Chúa Trời. Còn trong giao ước mới, chúng ta thấy rằng tất cả mọi người phải nên thánh, mỗi ngày đều phải là những ngày đẹp lòng Đức Chúa Trời, và tất cả hoa lợi của chúng ta phải được sử dụng cho Ngài.
Kiêng khem hay hoang phí?
Ngày kia, trong vườn Bách thú Whipsnade, có một đám thanh niên đang bàn chuyện giải khát, và họ quyết định sẽ mua kem. Nhưng có một cậu không bằng lòng. Theo điều cậu ta giải thích về sau, thì cậu nghĩ rằng chúng ta phải quản trị tiền bạc và chi tiêu càng ít cho chúng ta càng tốt, ăn kem là tỏ ra quá dễ dãi với mình và chính là một xa xỉ. “Tôi là một tín đồ tốt hơn tất cả những người kia, những người vẫn còn nghĩ đến việc sử dụng tiền bạc vào một mục đích trần gian. Thật là xấu hổ vì họ không thấy là những nhu cầu của mình trong các vấn đề như thế cũng phải theo kỷ luật”. Có lẽ đối với phần đông chúng ta thì điều đó đúng, nhưng đi chung với họ có một ông thánh cao tuổi, một giáo sĩ hồi hương, một giáo sư dạy Kinh Thánh khả kính; ông già đã đứng đó với chiếc nón rộng vành của các tu sĩ lật ngược ra phía sau, đang liếm phần kem còn lại trên mảnh giấy, dầu có vẻ không mấy đứng đắn, nhưng rõ ràng là rất thích thú. Phải chăng ông cũng là một tín đồ phàm tục, vô kỷ luật? Chúng ta biết là không phải vậy, cũng biết là ở nhà, ông đã sống thanh đạm và để dành được một ít tiền mỗi ngày. Nhưng ông đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã cho chúng ta hưởng thụ rất nhiều điều (ITi1Tm 6:17) và cũng như các sứ đồ đầu tiên, ông đang ăn với một tấm lòng vui mừng, hoan hỉ.
Thật là khó xác định thế nào là vừa phải, quân bình. Quyết định tự khép mình vào kỷ luật của chúng ta có thể đưa chúng ta đến chỗ bủn xỉn, hằn học với người khác khi phải mở túi tiền, đếm từng cắc bạc, nắm bàn tay lại, keo kiệt, không rộng rãi bố thí. Mặt khác, khi ý thức về sự tự do của người tín đồ Đấng Christ, ý thức về sự giàu có của Chúa trên trời hay nhu cầu phải rộng rãi đãi khách, chúng ta có thể phung phí quá đáng, khoe khoang, hay âm thầm quá dễ dãi với mình khi làm ra vẻ rộng rãi. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những động cơ thúc đẩy thuần khiết, những tấm lòng vui mừng, tự do nhưng biết thận trọng để chúng ta ban phát và tiếp tục ban phát, vì “ban cho thì có phuớc hơn là nhận lãnh” (Cong Cv 20:35).
Người quản lý
Ý niệm về công việc quản trị này giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Oikonomos là người điều khiển trong nhà hay mọi việc nhà, là người được chủ giao phó quyền điều khiển mọi công việc làm ăn, lo lắng mọi khoản chi thu và có nhiệm vụ cắt đặt phần việc thích ứng của tất cả những người trong nhà.
Đây là một bức tranh rất lạ lùng mô tả người tín đồ Đấng Christ và trách nhiệm của người ấy. Chúa đã giao cho chúng ta một số của cải để chúc phước cho cả nhà nói chung, lẽ dĩ nhiên là gồm cả các nhu cầu riêng của chúng ta. Chúng ta phải vì Ngài mà sử dụng nó cho người khác. Họ là tài sản thuộc về Ngài và chúng ta phải trả lời cho Ngài về cách thức chúng ta phân phát của cải ấy. Nếu chúng ta tỏ ra vô lý, phung phí cho riêng chúng ta và keo kiệt với người khác, thì chúng ta sẽ phải tính sổ với Chủ khi Ngài trở lại (LuLc 12:42-48; 16:1, 2). Chúng ta có thể kể ra các nhiệm vụ sau đây của người quản lý:
1. Được Chủ giao của cải cho.
2. Phải dùng của cải đó cho việc nhà.
3. Chính người ấy cũng phải được cung ứng, nhưng không phải do những người kia đài thọ.
4. Phải thận trọng và dự định số chi, đừng tiêu trong một ngày số phải dùng cho cả tháng. Cũng không được giữ lại số tiền phải xuất.
5. Phải tính sổ về cách sử dụng của cải của Chủ.
Chắc ai cũng biết một người tín đồ làm tròn chức vụ quản lý của mình là người như thế nào. Nếu bạn đến thăm viếng họ, bạn sẽ ra đi với một quyển sách mà họ nghĩ rằng bạn rất thích và rất có ích cho bạn. Bạn sẽ được một chi phiếu, bởi vì họ biết rằng trong gia đình bạn đang có nhiều người đau và số tiền ấy sẽ giúp ích được cho bạn. Họ có một ngôi nhà nghỉ mát nhỏ ở bờ biển đang bỏ trống, và họ tính là nếu… (đối với họ, việc họ có thể cho một người nào đó thuê với một số tiền lớn là điều họ không hề nghĩ đến). Nếu họ có rỗi rảnh một buổi chiều, họ liền nghĩ rằng chắc bạn sẽ cần họ giúp bạn trông chừng con cái để vợ chồng bạn có thể đi dạo một vòng. Họ nghĩ không biết con trai bạn có muốn đi cắm trại chung để làm bạn với con trai họ không. Họ biết là gần đây bạn rất bận rộn và họ cũng mới làm bánh, có lẽ nó không ngon bao nhiêu (vì người Tây phương cũng thường chỉ thích những món ăn riêng của mình cũng như bất cứ người Đông phương nào khi phải chọn lựa), nhưng họ vui lòng mua bánh của bạn. Có thể là họ có một chiếc xe cho trẻ con, một cái ghế cao, một giường nhỏ, đồ chơi, tủ lạnh, lò nấu ăn cũ mà họ không dùng nữa… Dường như họ không bao giờ nghĩ rằng những món đó vẫn còn tốt và có thể bán đi các món ấy…
Đó là những quản gia trung tín của Chúa mà lòng thương yêu và rộng rãi đã cùng với của cải họ đem sự ngọt ngào và vui mừng đến cho kẻ khác. Dường như họ luôn luôn nghĩ đến người khác cũng như mọi nhu cầu và hoàn cảnh của những người đó: họ có thể làm gì để giúp những người kia? Nhà họ luôn luôn mở rộng cho kẻ không nhà, tai họ luôn luôn mở rộng để nghe những người khốn khó là người muốn có một ai đó sẵn sàng chia sẻ sự khốn khó của mình, bàn ăn của họ luôn luôn sẵn sàng để mời thêm một người, ô-tô của họ luôn luôn khởi hành rất sớm và trên đường đến nhà thờ, vẫn dành chỗ cho người đau yếu hay già cả để sau đó, lại đưa họ trở về nhà. Đó là ý nghĩa về thế nào là một người quản lý. Phải chăng những người láng giềng của người ấy dường như đều sẵn sàng tin Chúa chỉ là một việc rất ngẫu hợp?
Các học sinh, sinh viên thường có ít hơn người khác về của cải trần gian để có thể bố thí rời rộng, và có lẽ thường thường thì vấn đề là vui lòng cho mượn chớ không phải là ban phát rời rộng. “Chớ từ chối làm lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy. Nếu con có vật kẻ lân cận cầu xin, thì chớ nói với người rằng: Hãy đi và trở lại, ngày mai ta sẽ cho” (ChCn 3:27, 28). Đừng nên có thái độ bo bo giữ của, giữ những vật mình có và không chịu cho người khác mượn sách vở hay những vật tương tự. Chúng ta càng không nên giữ của vì sợ rằng người mượn sẽ không trả lại sớm hay những đồ đạc cho mượn sẽ không còn nguyên. Ở vị trí của mình, người học sinh, sinh viên vẫn có thể có nhiều cách để bày tỏ lòng rộng rãi. Tác giả quyển sách này không bao giờ quên được lần đi thăm viếng một vùng quê rất nghèo nàn về phương diện vật chất, đã cảm động đến ứa nước mắt vì lòng rộng rãi của một số học sinh, sinh viên khi họ tặng mình những quà tiễn đưa dành cho du khách, có thể là một tấm thiệp nhỏ để kỷ niệm tự tay họ vẽ ra, tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng đã chứng tỏ được tình thương yêu và huynh đệ trong Đấng Christ.
Lẽ dĩ nhiên là còn có nhiều thái độ khác nữa. Một số trong chúng ta đáng phải run sợ chỉ vì mình luôn luôn là kẻ nhận lãnh mà rất ít khi ban cho. Chúng ta dường như không nghĩ về điều đó trước khi đã quá muộn. Chúng ta ít nghĩ đến những người khác trong nhà, bởi vì chúng ta thường quá bận rộn với những việc riêng của mình. Có một số người không muốn làm kẻ ban cho, cũng không muốn làm người nhận lãnh. “Chúng tôi không muốn mắc nợ ai hết; chúng tôi không muốn làm phiền ai, cũng không muốn ai làm phiền chúng tôi”. Tiền bạc thì vẫn được gởi vào ngân hàng và không được dùng đến cho tới khi chúng ta muốn mua một chiếc ô-tô lớn. Các ngăn tủ thì đầy của cải, đồ vật mà ít khi ta dùng đến, các phòng ngủ dành tiếp khách thì vẫn đẹp đẽ không chê vào đâu được, đồ vật trang hoàng thì luôn luôn bóng loáng, sạch sẽ bởi vì không có một đứa trẻ con nào hơi mạnh tay mạnh chân lại được phép xáo trộn vẻ đẹp trầm lặng trong nhà! Tiền bạc không được dùng đến thật vô ích biết bao, của cải không đá động đến, thật vô nghĩa biết bao! Xin Chúa ban ơn để chúng ta biết làm những quản gia xứng đáng cho Ngài.
Sự ban tặng có phương pháp
Bởi vì chúng ta rất dễ đổi ý, cho nên thiết tưởng điều quan trọng là phải đặt nền tảng thường, hơn hễ khi thấy có cơ hội tốt mà thôi. Hãy nhất định một tỷ lệ nào đó. Vì đối với người quá nghèo thì dường như một phần mười đã là quá nhiều (mà thường thường thì chính những người đáng thương đó lại dâng nhiều tiền. Các hội truyền giáo thường nhận được tặng phẩm của những người cao tuổi, dường như đó không phải là những số tiền lớn, những tặng vật đắt giá, nhưng thường thường biểu lộ một thái độ dành dụm, tiết kiệm). Nhưng đối với người giàu có thì một phần mười lại là quá ít. Tất cả chúng ta đều nên kiểm điểm lại tiền dâng của mình. Phải chăng nếu tôi dâng số đó thì cũng không thấy thiếu thốn gì hết? Phải chăng nó không hề làm giảm bớt những số tiền chi tiêu khác của tôi chút nào? Nếu thế, xin chúng ta cầu nguyện để nhờ Chúa tăng số tiền dâng lên. Nếu 20% không làm thiệt hại cho chúng ta bao nhiêu, hãy thêm chút nữa để xem mình có thể dâng đến bao nhiêu, nhưng nhớ là đừng nói cho một người nào khác biết.
Rõ ràng là tỷ lệ nhất định đó còn tuỳ thuộc vào số tiền thuế, vào các nhiệm vụ khác và vân vân. Người độc thân, không có gánh nặng gia đình, không phải cấp dưỡng cho thân nhân, thì có thể dâng nhiều. Một học sinh hay sinh viên không làm gì ra tiền, nhưng được học bổng của chính phủ hay được trợ cấp của gia đình, thì đứng vào một địa vị khác hẳn với một người đi làm và có tiền lương. Những số chúng ta dâng cho Chúa có thể là tiền lương, tiền làm công, tiền lời, học bổng, tiền người khác cho, tiền túi…
Như vậy là nên nhất định một số nào đó. Hãy suy nghĩ kỹ và cầu nguyện trước khi sử dụng số đó. Nó có thể là một việc làm tốt đẹp cho Hội Thánh địa phương, cho một hội truyền giáo (quốc nội, quốc ngoại hoặc cả hai), cho một người đang thiếu thốn, hay có lẽ là cho một chương trình phát thanh Tin Lành, cho một công tác văn chương hay y tế nào đó của Cơ Đốc giáo. Nó có thể thay đổi từ tháng này qua tháng khác, mỗi quý hay từng năm một. Một nhu cầu cấp bách, thình lình, có thể rất cần chúng ta quyên dâng thêm; một vật đắt giá mà chúng ta định mua thì nên hoãn lại cũng như một vài vật chúng ta hằng ao ước từ lâu, một vài khoản chi tiêu có tính cách xa xỉ. Vấn đề là chúng ta dâng được nhiều bao nhiêu chớ không phải là ít đến mức nào. Lời khuyên của Wesley vẫn còn sức mạnh của nó: “Hãy thâu góp tất cả những gì mình có thể góp. Hãy tiết kiệm, lợi dụng tất cả những gì có thể làm được. Hãy dâng hết những gì bạn có thể dâng được”. Ông Chủ đã giao cho ta của cải, tiền bạc, đã truyền dạy chúng ta phải sử dụng nó chớ không phải là dồn chứa lại; nhưng chúng ta phải dùng chúng vì sự vinh hiển của Ngài, vì hạnh phúc của đồng bào chúng ta.
Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
Là một đầy tớ của Chúa Giê-xu, tôi có thừa nhận sự đòi hỏi của Ngài liên hệ đến tất cả của cải của tôi không?
Tôi có phải là một quản gia khi dùng của cải tôi cho kẻ khác , hay chỉ dùng nó cho sự vui thú ích kỷ của riêng mình ? Có phương pháp nào để tôi lập tức sửa đổi hay không ?
Phải chăng tôi chỉ bỏ vào hộp tiền dâng một số tiền nào đó khi có người đưa chiếc hộp ấy qua trước mặt tôi, hay tôi đã định trước là phải dâng một số nhất định nào đó, và khi dâng thì suy nghĩ kỹ càng, dâng rất sáng suốt?
Tôi có đang gặp hiểm hoạ là có thể trở thành bần tiện trong việc tự mình sử dụng tiền bạc theo ý riêng của mình không ?
Tôi có thật sự vui mừng khi sống và dâng mọi sự cho Chúa không?
Có những lý do nào khiến tôi phải cam kết dâng tiền đều đặn không ?
“Có ngày đầu tuần lễ, mỗi người trong anh em khá tuỳ sức mình dành dụm được bao nhiêu thì để tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.”
ICo1Cr 16:2
“Vậy thì , như anh em đã trổi hơn về mọi việc , tức là về đức tin , về lời giảng , về sự vâng lời , về mọi sự sốt sắng , về tình yêu chúng tôi , thì cũng hãy chú ý làm cho trổi hơn về việc nhân đức này .”
IICo 2Cr 8:7