NHÀN HẠ hay BỊ THÚC BÁCH?
Xin Chúa hãy nhận lấy cả thì giờ
và ngày tháng của đời sống tôi
Thì giờ là một cái gì rất kỳ cục. Những ngày nghỉ hè, một buổi chiều với vị hôn thê, một cuộc đàm đạo sôi nổi với người bạn cũ – và thời gian trôi đi nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều việc khác như việc trông đợi vị hôn thê đã nói ở trên đến, một giờ tập luyện trong trại lính hay mười phút ngồi trên ghế của ông nha sĩ lại qua đi rất chậm chạp. Nếu thời gian chịu đi chậm khi chúng ta vui thú y như lúc chúng ta buồn bã thì hay biết bao nhiêu…
Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về khái niệm thời gian. Với trẻ con thì một ngày dường như dài quá, và từ Nô-ên này đến Nô-ên sau, hay chờ đợi cho đến ngày sinh nhật, dường như vô tận vậy. Rồi cuộc sống bắt đầu di chuyển tính theo tuần lễ, vì mỗi cuối tuần trẻ con được nghỉ học; sau đó tính từng tháng, rồi từng mùa, từng năm. Mọi sự dường như càng tiến nhanh hơn cùng với tuổi tác. Chúng ta đọc Kinh Thánh, thấy chép rằng ngàn năm trước mặt Chúa như một ngày, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không hề để ý đến cách sử dụng thì giờ của chúng ta vì trong cùng một khúc Kinh Thánh đó (IIPhi 2Pr 3:8) cũng chép rằng đối với Ngài một ngày cũng như ngàn năm.
Tín đồ Đấng Christ hầu như có thói quen nói đến việc “quản trị” thì giờ và tiền bạc. Nghĩa là khi chúng ta tiêu tiền, phung phí tiền bạc, chúng ta cũng dùng cùng một động từ ám chỉ việc phung phí thì giờ. Thì giờ là một phương tiện phổ quát có thể dùng để mua vật này vật nọ. Ta có thể trực tiếp dùng nó để được tiền; nghĩa là chúng ta đi làm thuế. Nó cũng có thể dùng để theo đuổi học thức, để giáo hoá bè bạn, để vui chơi, để thu thập kinh nghiệm – những điều mà tiền bạc không mua được, nhưng chúng ta có thể mua được nếu chịu tận dụng thì giờ. Sự khác nhau giữa người này với người khác thường tuỳ thuộc vào tài khéo léo sử dụng thì giờ của từng người.
Như chúng ta đã thấy, người tín đồ muốn tỏ ra là một nô lệ biết ơn trong sự phục vụ Chúa phải dùng thì giờ của mình thế nào cho Chủ mình đẹp lòng. Thì giờ của người ấy không thuộc riêng về mình, nhưng thuộc về Chúa Giê-xu. Chúng ta là quản gia, là người quản lý thì giờ của chúng ta để dùng nó cho Ngài.
Lợi dụng thì giờ
Tuy nhiên, thoạt nhìn thì dường như việc quản trị thì giờ không phải là một đề tài mà Kinh Thánh đã trực tiếp đề cập đến. Trong Tân Ước, dường như chỉ có hai chỗ khác nhau trong hai thư tín gởi cho người Ê-phê-sô và người Cô-lô-se (Eph Ep 5:16; CoCl 4:5) là những câu minh hoạ về vấn đề này; nhưng văn mạch và phần liên ý trong hai thư tín dường như lại khác nhau, dầu đều được diễn tả bằng những lời lẽ giống nhau. Đó là câu “Hãy lợi dụng thì giờ” (Bản AV dịch là “cứu vãn (hay cứu chuộc – redeeming- thì giờ”). Dầu vậy, đây không phải là một lời khuyến cáo trực tiếp việc quản trị thì giờ, vì như các nhà chú giải Kinh Thánh luôn luôn mau mắn vạch ra, chữ được dùng không phải chronos có nghĩa là thì giờ tính bằng năm, tháng, tuần lễ hay giờ, mà là chữ kairos , ám chỉ một thì giờ đặc thù hay thuận tiện. Dường như nó có nghĩa là một giai đoạn nghiêm trọng nào đó, một cơ hội đặc biệt chóng qua, và lời khuyên là hãy nắm ngay lấy, lợi dụng ngay lấy trong khi vẫn còn có cơ hội. Từ ngữ Hi Lạp exagorazơ được dịch là “lợi dụng”, thật ra có nghĩa là mua ngoài chợ, do đó, theo Simpson, đúng hơn thì chúng ta nên hiểu là “mua lấy các cơ hội”. Ai thấy một người đàn bà giành giựt một món hàng có thể dùng được nhưng bán với giá thật rẻ nhân dịp một cửa hiệu bán đại hạ giá, đắc thắng chợp lấy vật ấy và nhìn quanh để tìm một “dịp may” khác, sẽ có thể hiểu được một phần ý niệm rất linh động câu này gợi lên. Chúng ta phải tìm những dịp may như những cơ hội đại hạ giá, và giật ngay lấy bất cứ lúc nào có thể, để phục vụ Đấng Christ và mở mang Nước Ngài.
“Vậy hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải rõ ý muốn của Chúa là thế nào. Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhơn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Eph Ep 5:15-20). Cả đoạn văn này dường như chú ý trước nhất đến cách ăn nết ở, phải bước đi (sống) như thế nào, và gợi ý rằng nếu chúng ta có thì giờ rảnh rỗi thì đừng dùng nó để vui chơi phóng túng nhưng hãy dùng nó vào những việc làm thường gọi là “đạo đức” hay muốn cho gần hơn với Cơ Đốc giáo, chúng ta có thể gọi đó là sự thờ phượng, tức là việc ca tụng Chúa và cầu nguyện. Ở thế kỷ thứ nhất, khi đa số tín đồ Đấng Christ đều là nô lệ, họ có rất ít thì giờ rỗi rảnh ngoài thì giờ làm việc, và đây là lời chỉ dẫn họ phải dùng những thì giờ ấy như thế nào. Đừng phí phạm thì giờ trong các quán rượu, nhưng nên tìm gặp các tín đồ khác và lợi dụng những cơ hội để thông công nhau trong khi có dịp tiện. Đồng thời Phao-lô cũng dạy là “thường thường và trong mọi sự” (câu 20), thì giờ của họ cũng phải được đánh dấu bằng một ý thức về sự biết ơn Đức Chúa Trời và sau đó, ông tiếp tục đưa ra những lời chỉ dẫn thực tiễn về sinh hoạt và những mối liên hệ trong gia đình, rồi tiếp theo nữa là thái độ đối với việc làm và đối với chủ (5:21-6:9).
Trong thư Cô-lô-se, sau khi đề cập đến những mối liên hệ trong gia đình và trong việc làm, Phao-lô xin họ cầu nguyện cho việc ông rao giảng Tin Lành và tiếp: “lại hầu cho tôi được tỏ cho biết lẽ thật ấy (một cách rõ ràng) như điều tôi phải nói. Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ. Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (CoCl 4:4-6). Vậy ở đây, cả đoạn dường như đề cập đến việc rao giảng Tin Lành, thái độ mỗi người đối với những kẻ chưa tin Chúa và như thế là hãy nắm lấy mọi dịp tiện để làm chứng và cứu rỗi linh hồn người ta.
Tuy nhiên, như trường hợp luôn xảy ra, đây không phải là một vấn đề có thể nghiên cứu chỉ bằng cách tìm chữ “thì giờ” trong một quyển phù dẫn. Nó vẫn thường được đề cập đến hơn bằng những lời lẽ liên hệ đến sự cần thiết phải chăm chỉ và những lời khuyến cáo phải chống lại sự biếng nhác.
Các ta-lâng và các nén bạc
Trong những thí dụ về các ta-lâng và các nén bạc, có một người đã được một số vốn và “một thời gian dài”, nhưng đã không lợi dụng cơ hội ấy để làm gì hết. Điều khiến người ấy bị quở trách: “Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia!” không phải là việc người ấy được một ta-lâng mà là việc người ấy có thì giờ dùng để làm lợi thêm. Dầu chúng ta muốn hiểu là các ta-lâng hay các nén bạc tiêu biểu cho tài năng thiên phú, sự cứu rỗi hay bất cứ điều gì đi nữa, những người đầy tớ kia đều được mong đợi phải làm một cái gì với điều mình đang có, dầu điều họ có ít hơn người khác. Và họ được ban cho thì giờ để làm việc. Nếu ông chủ đã trở về ngay ngày hôm sau chắc không ai có thì giờ để làm lợi được gì, cũng không một người nào đáng khen hay đáng trách. Cho nên chính việc sử dụng thì giờ đã trở thành có ý nghĩa trong cả hai thí dụ kể trên. Dầu có nhiều chỗ khác nhau, điểm vừa nêu ra vốn giống nhau trong cả hai thí dụ, tức là cả hai phải được hiểu là có ý đề cập đến việc quản trị thì giờ. Mục đích các thí dụ đó dường như muốn nhắc nhở chúng ta rằng có một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ phải khai trình, phải tính sổ về công tác quản lý của chúng ta, về cách chúng ta đã lợi dụng thì giờ và những cơ hội, và liệu chúng ta là những đầy tớ siêng năng của Chủ hay chỉ là những người thụ động, vô kỷ luật.
Tính cách bấp bênh của sự sống
Một điểm nhấn mạnh thường dùng để khích lệ các tín đồ Đấng Christ tận dụng thì giờ là tính cách bấp bênh của đời sống. Điều đó có nghĩa là chẳng những mỗi người có thể có tài năng hay số lượng tài năng khác nhau, mà thì giờ dài ngắn của cơ hội cũng có thể khác nhau. Bản NEB dịch câu “lợi dụng thì giờ” là “tận dụng triệt để cơ hội hiện tại”. Có một số người như David Brainerd, Henry Martyn hay Borden of Yale đã phải qua đời rất sớm, nhưng họ đã hoàn toàn tận dụng thì giờ của mình.
“Hỡi anh em là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm buôn bán và phát tài – song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ, việc kia. Kìa, anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu. Cho nên, kẻ biết điều lành mà chẳng làm thì phạm tội”. Chẳng những chúng ta được nhắc nhở rằng các chương trình ngày mai của chúng ta đều luôn luôn tuỳ thuộc vào sự cho phép của Đức Chúa Trời mà đời sống chúng ta cũng chỉ như hơi nước, một làn khói, và ngày mai, chúng ta rất có thể chết đi. Như thế, phần ứng dụng là nếu chúng ta biết việc phải làm mà không làm thì đó là tội. Câu đó ngụ ý rằng chúng ta không nên để lại ngày mai việc phải lẽ, công nghĩa mà chúng ta phải làm hôm nay.
Người Chủ trở về
Một điểm nhấn mạnh tương tự thường thấy nhắc đi nhắc lại trong Tân Ước là việc trở về của ông Chủ. Không phải cái chết bất ngờ, nhưng rất có thể là sự tái lâm của Chúa sẽ thử nghiệm giá trị của những điều chúng ta đang làm. Phải chăng cách thức làm việc của tôi sẽ đẹp lòng Chúa? Hay vấn đề quan trọng là cách thức nghỉ ngơi, giải trí của tôi?
“Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến, thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình. Nếu trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó sẽ là nơi có khóc lóc và nghiến răng” (Mat Mt 24:45-51). Người đầy tớ ở đây là một quản gia, có trách nhiệm đối với một số người khác, và đã được chủ cung cấp vật thực để phân phát lại cho số người kia. Nếu người ấy lạm quyền, bỏ qua cơ hội phục vụ những người kia và dùng cho mình những gì đúng ra phải dành cho họ, thì Chủ sẽ trở về thình lình và hình phạt anh ta.
Vì chúng ta không biết được ngày nào Chúa chúng ta sẽ trở lại, chúng ta phải luôn luôn hăng hái làm điều đẹp lòng Ngài. Rõ ràng là ý niệm về việc bị “bắt được quả tang” như một cậu bé xấu bị bà mẹ trở về bắt được đang ăn vụng, chỉ là một phần nằm trong chân lý này. Người tín đồ phải nhớ rằng Đức Chúa Trời thấy hết mọi điều mình làm; đây không phải là vấn đề bị một ông chủ từ trước đến giờ không biết gì hết bắt gặp quả tang. Cả hai khúc sách liên hệ đến việc làm trong Ê-phê-sô và Cô-lô-se đều nhấn mạnh điểm là tất cả chúng ta đều biết rằng Chủ Toàn Tri chúng ta ở trên trời là Đấng chẳng bao giờ bị chúng ta lừa dối. Chúng ta có thể làm việc khi người cai nhìn vào chúng ta và nghỉ tay khi ông ta đi chỗ khác; nhưng Đức Chúa Trời không chịu để chúng ta khinh dể Ngài như vậy.
Tai hại của kẻ lười biếng
Điểm dị biệt quan trọng giữa một người chậm chạp và một kẻ lười biếng có thể được nhận thấy ngay khi loại người thứ hai làm một việc gì. Trong sách Châm Ngôn, chính người vợ ở trong nhà là gương mẫu của sự chăm chỉ. “Người vợ đảm đang” của đoạn 31 chính là người trọn đời làm cho chồng được ích lợi. Nàng “thức dậy khi trời còn tối”, và “ban đêm, đèn nàng chẳng tắt”. Nàng “không hề ăn bánh của sự biếng nhác”, và chúng ta đã thấy nàng siêng năng, chú ý đến việc nâng cao địa vị cho chồng (câu 23) như thế nào, chú ý đến phước hạnh của kẻ nghèo khó và thiếu thốn (câu 20), đến sức khoẻ và thịnh vượng chung cho cả nhà, cho con cái, và tất cả đều chổi dậy, chúc phước cho nàng. Bí quyết của nàng ấy là “Kính sợ Đức Giê-hô-va” (câu 30) và nàng đã thật sự tận dụng thì giờ mình có. Chúng ta không thấy có một đoạn sách nào tương ứng đề cập đến người chồng lý tưởng!
Tuy nhiên, ngay trong các Châm Ngôn đầu tiên, chúng ta đã thấy nhiều đoạn mô tả rõ rệt về nhược điểm của kẻ lười biếng, mà ngược lại họ thường được mô tả là người thuộc phái nam. Chúng tôi xin ghi ra đây những đặc điểm của con người đó:
1. Người ấy không hề đặt kế hoạch trước . Anh ta “không cày vào mùa thu; trông đợi mùa gặt, nhưng chẳng được gì hết” (ChCn 20:4 theo bản Anh văn). Loài kiến ra sức làm việc trong mùa hè (6:6 và tt) dự trữ thức ăn cho những ngày khó khăn sắp đến, trong khi kẻ biếng nhác cứ nằm ngủ cả ngày. Anh ta quá buồn ngủ đến nỗi không hề chịu bắt tay vào việc mà chính anh ta biết là mình phải làm. Anh ta không biết lo xa, không có sự khôn ngoan thông thường để biết chuẩn bị cho tương lai. Đây là người đầy tớ không hề biết chuẩn bị gì hết. Ngày nay, chúng ta thường gặp loại người ấy trong những câu nói như: “Tôi không ngờ là thời gian qua nhanh thế”, và “Tôi không biết tại sao lúc này thì giờ lại qua mau như vậy!”
2. Người ấy không hề chịu làm việc . “Lòng kẻ biếng nhác mong ước mà chẳng có gì hết; còn lòng người siêng năng sẽ được no nê” (13:4). Người làm biếng nhìn nhận rằng mình có những nhu cầu. Anh ta biết rằng muốn cho linh hồn mình được ích lợi, mình cần đọc Kinh Thánh, cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho. Nhưng dầu muốn làm, nhưng vì biếng nhác, anh ta chẳng bao giờ làm được. Người chăm chỉ là người biết lo lắng hơn, biết hành động ngay, do đó, sẽ được dư dật.
3. Người ấy chú ý đến các vấn đề nhiều hơn là giải quyết chúng . “Đường kẻ biếng nhác như một hàng rào gai; còn nẻo người ngay thẳng được ban bằng” (15:19). Con người khốn khổ ấy cứ bị những khó khăn ám ảnh, đến nỗi chỉ ngồi đó mà rầu rĩ, cũng như bạn bè của anh ta (26:13) không chịu bước ra khỏi cửa vì sợ có con sư tử ở ngoài đường. Những người như thế tự làm khó cho chính họ. Họ lý luận để bênh vực sự ù lì bất động của mình. Người tín đồ Đấng Christ sẽ gặp khó khăn, nhưng luôn luôn lo giải quyết chúng; lẽ dĩ nhiên, đó là điểm chính yếu của sự trưởng thành và già dặn. Con người rất thích khi giải quyết các vấn đề. Nhưng kẻ biếng nhác, ở đây được đặt tương phản với người ngay thẳng (như thế là câu này cũng nhìn nhận rằng lười biếng là tội), đã tự tạo ra cho mình nhiều vấn đề. Vì thiếu ngay thẳng, liêm chính, nên người ấy trở thành con người biếng nhác.
4. Người ấy làm trở ngại cho kẻ khác và gây ảnh hưởng tổn hại . “Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hoại (18:9). Chúng ta biết rằng ngày nay có lối làm việc không có giá trị trong các xưởng chế tạo ô-tô, máy bay, xây cất hay những việc làm tương tự. Lối làm việc này thường gây ra nhiều tai nạn khủng khiếp. Điều này cũng đúng cho một số các công tác và vấn đề lãnh đạo trong giáo hội. Buông trôi trách nhiệm của mình có thể gây đổ vỡ cho mối tương giao. Giáo hội có thể bị tan rã do sự buông trôi trách nhiệm hay lười biếng cũng như phải chống lại những cuộc tấn công của Sa-tan.
Ở đây, các cấp lãnh đạo của Ban Thanh Niên phải thực sự chịu trách nhiệm. Phải chăng các bạn chỉ cần giữ cho chiếc bánh xe chạy đều bằng một chương trình đúng y đường lối cũ, thí dụ như phải có người giảng tuần sau, tôi sẽ xin ông ta giảng đề mục gì, và càng ít phải làm việc càng hay? Hay các bạn thực sự phân tích những nhược điểm hiện có và thiết lập một chương trình để giải quyết các nhu cầu thực sự của tình hình hiện tại. Có một số các cấp lãnh đạo chỉ biết hưởng thụ ưu thế của mình, điềm nhiên ăn trên ngồi trước – địa vị mà những người đi trước đã phải khổ công làm việc để tạo ra – thay vì vạch ra một con đường trống, nỗ lực góp thêm phần hoạt động tích cực của mình để đạt đến những mục tiêu đặc biệt. Phần lớn các công tác lãnh đạo đã vướng vào phần tổ chức suông, thậm chí chỉ với một tổ chức rất nhỏ cũng vậy mà thôi.
Kẻ lười biếng là người không quản trị thì giờ của mình để làm rạng danh Đức Chúa Trời. Rất có thể là người ấy chẳng bao giờ nghĩ rằng thời gian là một phương tiện quí báu có thể dùng vào việc ấy. Vậy chúng ta hãy chổi dậy và làm việc trong lúc còn có thì giờ, trước khi bóng tối của mùa đông kéo đến.
Một thì giờ dành cho…
Từ sách Châm Ngôn, lẽ tự nhiên chúng ta cũng bước qua sách Truyền Đạo với những lời dạy dỗ về sự khôn ngoan thông thường của trần gian, những lời khuyên nhủ người trẻ tuổi hãy phục vụ Đức Chúa Trời đang khi mình còn có thể làm được (TrGv 12:1) và những lời mô tả đầy thi vị, đẹp đẽ, nhưng cũng bi thảm về tuổi già (tạ ơn Đức Chúa Trời là chúng ta khỏi phải sống đời đời trong thân thể già nua này, nhưng có thể trông mong được một thân thể mới sau khi đã từng trải sự cần thiết sinh lý của cái chết), cũng như sự bi quan phải chịu nếu chúng ta không được mặc khải về cuộc đời hầu đến. Nhưng chúng ta cũng ghi nhận lời nhắc nhở của nhà Truyền Đạo là có một thì giờ, một kỳ cho mọi sự (3:1 và tt) như một câu trong Cựu Ước có thể dịch là hãy lợi dụng thì giờ, hãy lợi dụng những cơ hội “bán đại hạ giá”, hãy sử dụng thì giờ thế nào cho thích hợp để tôn vinh Đức Chúa Trời. Có những thời kỳ thích hợp cho người trẻ và chỉ thích hợp cho họ mà thôi, cũng như có những cơ hội chỉ cho người già (nhất là bên đông phương) mà giới trẻ và thiếu từng trải không thể nào lợi dụng được. Người trẻ không nên phí thì giờ chờ đợi mình già dặn hơn, cũng như người già đừng than tiếc những ngày tươi đẹp hồi còn trẻ và muốn mình được trẻ mãi. Thiết tưởng ở vào cả hai địa vị, chúng ta phải theo một thứ chủ nghĩa hiện sinh Cơ Đốc giáo, nghĩa là phải biết cái gì thích hợp cho hiện tại. Biết bao nhiêu người trong chúng ta đã phung phí năm tháng, thì giờ vào những cơ hội không thích hợp? Thí dụ như có bao nhiêu người vẫn chơi trò nô đùa với ái tình trong khi còn nhiều năm nữa, họ mới có thể lập gia đình? Biết bao nhiêu người cứ cay đắng, mong một chức vị lãnh đạo, trong khi vào tuổi họ thì bước theo sự hướng dẫn của người khác là hợp lý hơn, cho đến khi được từng trải hơn?
Những năm ở đại học với tư cách sinh viên rõ ràng là “kỳ học tập” chớ không phải là thì giờ để dùng trước nhất vào việc nghỉ ngơi hay những việc vô ích. Giữa sự giải trí vừa phải, quân bình với sự buông mình thờ các thần tượng thể thao như cắm trại, bơi thuyền có rất nhiều dị biệt, cũng y như có chỗ khác nhau giữa việc trực tiếp mở rộng kiến thức với những giờ tiêu phí một cách vô ích, hời hợt bên những tách cà phê đắt tiền nối tiếp nhau không dứt.
Thì giờ và việc nghiên cứu các động tác
Chúng ta đều quen biết với hiệu quả của ngành hướng dẫn chuyên môn, nhằm khám phá ra một sự cố gắng tối thiểu để thu hoạch được những kết quả tốt nhất, tạo ra những con người thời đại với năng suất tối đa. Tất cả những cử động không cần thiết đều bị loại bỏ; những dụng cụ chính yếu phải nằm tại chỗ thuận tiện nhất, những vật liệu chế biến để ở phía bên kia, và vân vân. Cách hướng dẫn để tận dụng thì giờ như thế thật là hay – cũng như có khả năng phá huỷ tâm hồn con người! Không một phút nào bị bỏ phí giữa lúc này với lúc chúng ta đọc Kinh Thánh, với hai mươi hai phút rưỡi chúng ta dùng đọc một quyển sách tiểu sử sau bữa ăn trưa và v.v… Chúng ta tìm những giờ phút bỏ phí, giống như mù-tạt còn lại trên đĩa, và xác định một phương pháp để dùng nó cho có ích lợi. Loại hướng dẫn đó có một giá trị, nhất là cho những kẻ có tính hờ hững thất thường. Nhưng nó cũng có giới hạn. Con người được sinh ra để sống như con người chớ không phải để làm một bộ máy. Chúng ta đồng ý là những người bận rộn có rất ít thì giờ rỗi rảnh, nhưng chúng ta cũng không thích bị đẩy vào một cuộc chen lấn nhau để hiệp với sự sắp đặt chút nào. Sự sắp đặt quá nhiều có thể trở thành một hình tượng nếu chúng ta giận dữ khi có một việc gì đó xảy ra cùng lúc và làm gián đoạn kế hoạch của mình. Chúng ta rất thích gặp những người không hấp tấp vội vàng là kẻ mặc dầu làm rất nhiều công việc nhưng vẫn dành đủ thì giờ để trò chuyện với chúng ta. Có một số người sắp xếp được thời khoá biểu vì tính tình họ thích hợp với việc đó; và lẽ dĩ nhiên, làm được như thế thì tốt hơn là lúc nào cũng bị thúc hối, vội vàng hay sống vô tổ chức, vô trật tự. Đồng thời được thanh thản, thoải mái, vẫn tốt hơn là bị xô đẩy thúc hối luôn.
Phần đông chúng ta đều có thể tổ chức công việc cho có thứ tự hơn, nhưng điều có lẽ còn quan trọng hơn việc tổ chức đó, điều còn cần thiết hơn là lập ra một thứ tự ưu tiên cho mọi sự. Thí dụ như chúng ta phải quyết định nên đọc những tạp chí, nhật báo nào thực sự đáng đọc, và những báo chí nào là không đáng đọc. Chúng ta có thể lãng phí thì giờ vào những giờ đọc báo nhảm nhí, xem vô tuyến truyền hình vô ích, và v.v… Khi nghỉ ngơi thì nghỉ ngơi. Nhưng dường như có một lô những điều đáng sợ mà không nằm về phía nào cả. Chúng ta rất dễ gặp cái tình trạng là ít khi đọc một quyển sách rất hay, và ta có thể suy đoán rằng kẻ phạm lỗi nặng nhất cũng không thèm đọc một tờ lá cải ba xu như sách này!
Giá trị của đời sống
Ngày kia, vì muốn tiết kiệm, hầu như tôi đã phải đi vòng hơi xa thay vì trả tiền một cuốc tắc-xi. Một bạn giáo sĩ thuộc một hội truyền giáo rất nổi tiếng về sự hi sinh có một mức sống rất thấp, đã hỏi tôi rằng có phải thật tình thì giờ của tôi chỉ có giá trị quá ít như vậy không. Ông ta nói: “Hãy tính xem mỗi giờ của một ngày làm việc đáng giá bao nhiêu? Và sau khi làm như thế, tôi nhận ra rằng đúng như lời ông ta nói, đi bộ như vậy là phung phí thì giờ, bởi vì ta có thể đi nhanh hơn; cho nên rốt cuộc, việc tôi đã làm không phải là tiết kiệm tiền bạc mà là phung phí nó! Theo một mức độ thấp nhất, thì giờ của chúng ta có giá trị bằng nguồn lợi nó có thể cung cấp cho chúng ta; còn theo một trình độ cao nhất, giá trị của nó là bất cứ điều gì chúng ta để cho Đức Thánh Linh dùng chúng ta làm. Người tín đồ Đấng Christ không phải nên có óc con buôn, nhưng thì giờ của người ấy rất quí báu bởi vì nó là một tặng phẩm của Đức Chúa Trời. Ngày giờ, năm tháng của tôi là do Ngài ban cho.
Thì giờ có thể là một đồ dùng có giá trị. Lấy thí dụ thông thường về việc họp mặt của một uỷ ban, một hội đồng. Có một câu nói đùa rất xưa, bảo rằng người ta hay tiết kiệm từng phút nhưng lại phung phí hàng giờ, và thật ra, họp hội đồng làm mất rất nhiều thì giờ, và do đó cũng là mất nhiều tiền bạc. Sự tốn kém của nó là tổng số giá trị việc làm của tất cả những người tham dự, cộng thêm lộ phí của những hội viên. Thường thường, tất cả những điều vừa kể, xuất hiện dưới hình thức bị giấu kín là tiền trợ cấp, bởi vì mỗi người trả tiền xe cho riêng mình và dùng chính thì giờ của mình. Nhưng điều đó có nghĩa là việc tới trễ cũng làm hao tốn rất nhiều thì giờ, vì khi đó người đến trước phải lặp lại những điểm không cần thiết hay những điều đã được trình bày cho người mới đến. Trò chơi đó rất tốn tiền và hao phí thì giờ. Khi hội nghị ấy trở thành một hội nghị quốc tế, và các hội viên đến dự phải đi đường từ những nơi rất xa, thì mỗi năm phút là một số tiền kếch sù vứt đi, và khốn thay cho người nào không đi sát đề hay đưa vào những vấn đề hoàn toàn không cần thiết có thể bàn cãi vào những dịp khác. Các hội nghị của học sinh, sinh viên thường gặp cái cảnh chủ toạ lừng khừng vì thiếu kinh nghiệm, mà hội viên thì nông nổi, trẻ con, chỉ bàn bạc trong những chiếc vòng lẩn quẩn và kết thúc mà không biểu quyết gì cả. Nói tào lao hàng giờ về những điều bất hợp thời cho đến khuya làm cho các hội viên được nghỉ ngơi, giải trí, nhưng đó không phải là vấn đề cần thiết cho một cuộc hội nghị!
Nếu thì giờ có giá trị như vậy thì chúng ta cần thận trọng, xét nét trong những giờ làm việc để trả đúng cho chủ giá trị của thì giờ. Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến việc mình đang làm nếu muốn cho thì giờ của mình hoàn toàn có giá trị. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc ăn cắp tiền của chủ, dầu vậy, nếu chỉ làm việc lấy lệ dầu chỉ trong một ngày thôi, chúng ta đã phạm vào lỗi đó, bởi vì chúng ta đã được trả tiền mà không làm điều mình phải làm!
Phần đông học sinh, sinh viên ngày nay đều do dân chúng đài thọ. Một người đi nộp thuế trở về sau một ngày mệt nhọc, khổ sở, lại bị bắt buộc nghe những lời cãi cọ sôi bọt mồm của một số các sinh viên từ một đại học nọ trở về nhà trên chiếc xe buýt của thành phố, rất có lý do để liếc mắt nhìn một cách hằn học bọn sinh viên có vẻ ăn không ngồi rồi, chỉ bàn bạc về các trò chơi và trò thể thao, còn những hoạt động xã hội thì lại bắt chính ông ta phải trả! Trong cách sử dụng thì giờ của sinh viên, rõ ràng là chúng ta phải thấy rõ phần bó buộc đạo đức đối với xã hội.
Những phương pháp cấp tốc
Ngày nay, các phương pháp cấp tốc, dễ dàng rất thịnh hành. Thời kỳ của các phương pháp nghỉ ngơi do bà Beeton khởi xướng đã mở đường cho lối “đánh kem cấp tốc” và “thử bánh ngọt hỗn hợp”. Lối bán trả góp khiến một số người có thể mua sắm và sử dụng nhiều đồ đạc trước khi trả xong số tiền phải trả. Tất cả cố gắng đều nhằm vào việc “tiết kiệm thì giờ”, và những bài quảng cáo máy giặt đều hăng say vạch rõ rằng chiếc máy đặc biệt của chúng sẽ giúp các bà nội trợ được nghỉ ngơi sớm khi các bà không có nó trong những ngày phải giặt giũ. Phải chăng vì muốn làm người quản trị giỏi thì giờ của mình, chúng ta phải đâm đầu vào những phương pháp chỉ dẫn “cấp tốc” kia? Thiết tưởng không cần gì phải mất thì giờ nhiều hơn cho những công việc nội trợ, nhưng chúng ta nên biết là không có lối tắt nào để đi đến thành công trong các lãnh vực như giáo dục, bè bạn, hôn nhân, bà con hay trong vấn đề tối quan trọng là sự nên thánh.
Dầu chúng ta vẫn thích loại sách rút ngắn, một bài báo tóm tắt, cả đến lối biến các tác phẩm của Shakespeare thành những loạt sách dưới hình thức bài đăng báo trường kỳ, một nền giáo dục đích thực đòi hỏi phải có thì giờ. Dường như ngày nay, số học giả hiện có ít hơn là số đã có lúc trước. John Stuart Mill là một thiên tài, nhưng chúng ta phải choáng váng khi thấy ông đã được dạy dỗ như thế nào năm mười ba tuổi. Có lần Adolf Harnack đã triệu tập một lớp học nghiên cứu các Giáo Mục Thư mà điều kiện tham dự là phải thuộc lòng các thư tín ấy trong Hi văn, Đức văn và Anh văn, và phải sẵn sàng để bàn cãi bằng Đức ngữ, Pháp ngữ hoặc Anh ngữ. Chắc một số người trong chúng ta đã từng thử đọc một vài quyển chú giải Kinh Thánh sẽ làm cho mình điên đầu vì những lời chú thích hay nhất đều được trích nguyên văn, dầu là Hi văn, La văn, Pháp văn hay Đức văn, khiến cho đa số những con người hiện đại phải chịu thua xa. Một nền giáo dục đích thực đòi hỏi nhiều thì giờ, và tai hại thay, ngày nay chúng ta đã bị giới hạn trong lãnh vực chuyên môn đến nỗi chúng ta tỏ ra rất dốt nát trong các lãnh vực tri thức khác. Cả đến những xứ có một lý thuyết giáo dục tổng quát hơn, dường như sự ngu dốt rất đặc, có điều là tổng quát hơn mà thôi!
Lẽ dĩ nhiên là người tín đồ Đấng Christ không bị đòi hỏi phải trở thành một bộ Bách Khoa Tự Điển lưu động, nhưng rất cần có một tri thức tổng quát về sử ký, triết học, kinh tế, văn chương v.v.. để sử dụng trong phạm vi lý luận Cơ Đốc giáo, hoàn toàn ở ngoài các giá trị nội tại của chúng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải gia nhập tất cả các nhóm học giả tài tử, càng không phải là làm thế để viện cớ hầu tránh những nhiệm vụ đối với đời, mà nhất là để không làm gì cả trong phạm vi phục vụ Đấng Christ. Vì chúng ta là những người có Chúa và có một mục đích ở đời, nên có thể là phải bỏ bớt những điều tự chúng vốn hoàn toàn tốt, chỉ vì chúng ta không có thì giờ.
Mối liên hệ giữa người với người
Không một ai có thể tổ chức những cuộc giao thiệp của mình với người khác một cách máy móc được. Charles Hummel thuật lại thể nào sau nhiều giờ, nhiều tháng học hành và làm việc chung với nhau, một bạn đồng học người Trung Hoa, một chiều kia mới nghiêm nghị bảo với ông ta rằng: “Charlie này, tôi xem anh là một người bạn”. Chữ “bạn” rất thường bị coi khinh, nhưng đối với người sinh viên Trung Hoa này, nó được dành riêng cho người nào đó mà anh ta biết rõ, yêu mến và tin cậy. Trong những ngày bận rộn hiện nay, tình bạn đã trở thành một chữ bị mất giá, ám chỉ những cuộc gặp gỡ tình cờ xảy ra khi vài người bắt buộc phải ở chung trong một thời gian. Cứ vào cuối năm, người Nhật đều gởi thiệp cám ơn những kẻ đã đối xử tử tế với họ trong mấy năm trước. Họ chẳng bao giờ quên một hành vi đẹp đẽ nào và rất chu đáo trong cách tỏ lòng biết ơn. Tình bạn là một lãnh vực mà các tín đồ Cơ Đốc giáo phải tỏ ra xuất sắc nhất, nhưng chúng ta lại thường nông cạn, thiếu hiểu biết và tình thương, nên vì lý do đó, chúng ta đã không thể đưa những người khác đến với Chúa Giê-xu. Lắm lúc những người không tin Chúa còn tỏ ra xuất sắc hơn chúng ta về phương diện đó. Carmus có mô tả một cuộc bơi đêm rất đẹp nhân dịp Rieux – vị bác sĩ được sống sót – và Tarrou bạn của ông ta – người về sau đã chết trong nạn dịch hạch tàn phá thành phố – tạm nghỉ ngơi trong thời gian chiến đấu với bệnh dịch. “Quay sang Tarrou, ông ta liếc nhìn gương mặt bạn với cùng một niềm vui không quên một điều gì cả… cũng không nói một lời nào, nhưng cả hai đều ý thức rằng mình hoàn toàn đồng ý là cả hai người đều sẽ ghi nhớ mãi mãi đêm nay”.
Lắm lúc, chúng ta đã không muốn nói cho kẻ khác hiểu mình có thể là vì chúng ta chỉ chú ý đến người khác với tư cách một linh hồn thay vì với tư cách một con người. Tình bạn chân thành có khi phải trả giá rất đắt, cho đến khi nào giữa hai người có sự thông cảm lẫn nhau; giá ấy lắm lúc dường như càng đắt hơn nếu chỉ có một người phải trả. Thí dụ như chúng ta có thể bỏ qua thái độ dễ xúc cảm của một sinh viên ngoại quốc, luôn luôn trốn tránh sự ân cần lo lắng hay hỏi tò mò về những điều mới lạ, tuy vẫn muốn một người bạn chân thành. Thường thường, dầu vẫn tự xưng là tín đồ Đấng Christ, chúng ta hãy còn vị kỷ và trước hết, chỉ tìm lợi ích cho chính mình trong mọi giao thiệp, mà không thực sự nhìn thấy các phản ứng tế nhị của kẻ khác. Đức Chúa Trời dạy chúng ta phải là người thật lòng chú ý và lo lắng cho kẻ khác, có tính tình nồng hậu giống như Đấng Christ, có cái nhìn gây được cảm tình ngay để thiết lập những đầu cầu liên lạc với người khác. Đức Chúa Trời cho phép chúng ta liên lạc với kẻ khác để đem phước hạnh đến cho họ và làm sáng danh Ngài.
Cùng một nhu cầu để thì giờ tìm hiểu lẫn nhau cũng rõ ràng là rất cần thiết cho việc kết hôn. Tán tỉnh nhau thường xuyên mà mắt vẫn nhìn đồng hồ là một thái độ quái gở biết bao! Nhưng thường thường thì sau tuần trăng mật, người vợ cảm thấy mình bị loại ra ngoài những thì giờ của chồng. Có thể là vẫn còn có lúc để trò chuyện với nhau, nhưng không bao giờ đủ để thông cảm nhau về thực chất các vấn đề và theo như lòng mong ước. Đối với con cái cũng vậy, vì dường như cuộc sống ngày nay thường đòi hỏi người cha phải đi sớm về tối, khiến mấy ngày liên tiếp người ấy không thể ngó ngàng gì đến các con nhỏ của mình. Thêm một vấn đề nữa cho các tín đồ, ấy là trong lúc “người thế gian” có thể lấy ô-tô chở con cái họ đi chơi ngày Chúa nhật, thì người tín đồ sốt sắng của Đấng Christ phải bận rộn trong những cuộc nhóm lại, trong Trường Chúa Nhật, khiến con cái họ cảm thấy bị cha chúng bỏ bê. Điểm này có thể xảy ra ngược lại khi con cái đã khôn lớn và bỏ bê cha mẹ mình. “Mua một chục đủ đầu thì rẻ hơn” là một chuyện khôi hài về một chuyên viên khôn ngoan phải làm thế nào để điều hoà cuộc sống gia đình rất đông đảo của mình bằng cùng những nguyên tắc tương tự, và mặc dầu bao nhiêu tổ chức rắc rối, vẻ đẹp đẽ của mối tương giao trong nhà vẫn được giữ vẹn. Mối liên hệ gia đình cũng không hề được điều hoà một cách máy móc theo đồng hồ, mà đòi hỏi chúng ta phải sử dụng thì giờ một cách vui vẻ và rời rộng.
Đề cập vấn đề quản trị thì giờ mà bỏ qua những lãnh vực quan trọng kể trên của đời sống và số thì giờ chúng ta miễn cưỡng phải dành cho những người đòi hỏi nơi chúng ta nhiều nhất, thiết tưởng cũng là một tai hại. Làm sao Đức Chúa Giê-xu lại có thì giờ để bồng ẵm trẻ con trong “nhà” tại Ca-bê-na-um (Mac Mc 9:33-37)? Nếu như “nhà” đó là của Phi-e-rơ (xem 1:21, 29) thì truyện tích ấy gợi ý rằng Chúa đã dành thì giờ để nô đùa với các con của Phi-e-rơ và để lấy lòng chúng (9:42).
Sự thông công thuộc linh
Tất cả chúng ta đều phải đối diện với sự thúc bách rõ rệt và ngày càng gia tăng của trách nhiệm. Dầu trong thời gian học hành, người sinh viên có cảm giác là mình bận rộn đến thế nào đi nữa, thì khi đã tốt nghiệp, người ấy sẽ lập tức thấy rằng mình càng bị thúc bách hơn, càng ít thì giờ để làm việc hơn. Lúc ấy, chúng ta sẽ khó duy trì những giờ “tĩnh nguyện” đều đặn và không bị thúc hối để thông công với Chúa, đọc Kinh Thánh nghe lời Ngài và lời đáp lại của Ngài cho lòng mình hơn. Rồi chúng ta cũng không thể chối cãi rằng việc đi tìm người bạn đời và lập gia đình sẽ đòi hỏi nhiều thì giờ quan trọng của chúng ta, và hơn bao giờ hết, thì giờ sẽ rất khó đầy đủ, thuận tiện cho chúng ta. Khi Chúa ban phước cho chúng ta bằng cách cho chúng ta sanh con cái, thì dường như chúng thường đòi hỏi chúng ta phải gấp rút chăm sóc chúng vào những giờ thật sớm buổi sáng, và nếu chúng không đòi hỏi gì cả, thì cũng thường phá tan sự yên lặng bằng cách thích làm ồn trước giờ ăn điểm tâm. Cho nên càng lớn tuổi thì dường như cuộc chiến đấu để tìm “thì giờ yên tịnh” và để có thì giờ – không nói là yên tịnh nữa – càng trở thành khó khăn hơn chớ không phải là dễ dàng hơn. Cho nên vấn đề “dành riêng thì giờ cho Chúa” sẽ trở thành tối quan trọng. Không một tình bạn nào có thể nảy nở và lớn lên bằng những cái gật đầu gấp rút để “chào anh” mỗi buổi sáng và buổi chiều, với một tấm thiệp chúc mừng Nô-ên mỗi năm. Cả đến người tín đồ bận rộn hầu việc Chúa cũng có thể trở thành lạnh nhạt, xa lạ với Ngài, và cần được đổi mới trong sự hiện diện Ngài luôn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải quản trị và thu xếp thì giờ.
Một người bạn độc thân của tôi vốn tránh được một số những phiền phức kể trên, thường tuyên bố rằng nếu một thanh niên không học kỹ Kinh Thánh và nắm vững được giáo lý căn bản vào năm hai mươi lăm tuổi, thì chẳng bao giờ làm việc này được! Lẽ dĩ nhiên là chúng ta tập được thói quen học Kinh Thánh “càng sớm càng tốt”, trong khi trí nhớ của chúng ta còn mềm dẽo và giữ những điều đã học được lâu. Tuy nhiên, sự hiểu biết cũng như sự tăng trưởng đều chẳng bao giờ có đường ngắn dẫn đến. Đọc một quyển sách như “Mười bước tiến tới mức trưởng thành của đời sống tín đồ” hay “Sự nên thánh được giản dị hoá” có thể giúp chúng ta nhiều ý kiến về chúng ta phải làm thế nào, phải cầu nguyện thế nào, tuy nhiên, bước đi theo các bước ấy vẫn đòi hỏi chúng ta cả một cuộc đời không hơn không kém.
Cách sử dụng ngày Chúa nhật
George Herbert là một nhà đạo đức, đã viết:
“Những Chúa Nhật của đời người,
Đan vào thời gian,
Thành những chiếc vòng trang điểm cho hoàng hậu
Của vì Vua vinh hiển đời đời.”
Có lẽ không có gì đặc sắc hơn đối với người tín đồ Đấng Christ cho bằng việc giữ Chúa Nhật, dành riêng ngày thứ nhất trong tuần lễ để đặc biệt kỷ niệm ân điển Đức Chúa Trời và nhóm lại với các tín đồ khác để chung vui trong ngày. Dầu chúng ta vẫn nhìn nhận rằng mỗi ngày đều là thánh cho Chúa, chúng ta vẫn cần có một ngày dành riêng để đặc biệt thờ phượng Ngài. Đó là ngày chúng ta có thể dùng để bày tỏ những ưu quyền dành riêng cả đối với chúng ta lẫn với kẻ khác. Khi người tín đồ vui vẻ kỷ niệm ngày Phục Sinh đầu tiên, thì đó là ngày lễ trong mỗi tuần và đối với số đông đó là ngày kỷ niệm hằng tuần cho việc họ gặp Chúa lần đầu tiên và trở lại với Ngài. Người tín đồ Đấng Christ không hề bị một luật lệ nào về ngày Sa-bát bó buộc mình vì chính Chúa đã truyền lệnh rằng ngày ấy không phải được giữ gìn vì chính nó, nhưng vì lợi ích của nhân loại. Đồng thời, Ngài cũng là Chúa của ngày Sa-bát, và đó là ngày chúng ta có thể tôn cao Ngài. Điều đó không có nghĩa là trong ngày ấy, chúng ta phải bù đầu vào những buổi họp này tiếp theo buổi họp khác từ hừng đông cho đến chạng vạng đến nỗi ngày thứ hai chúng ta phải nghỉ bù cho Chúa Nhật. Vì Chúa Nhật thường là ngày duy nhất trong tuần, cả gia đình có thể gặp nhau tại nhà, nên nó là một cơ hội tốt để chúng ta biến mỗi Chúa Nhật thành một ngày đặc biệt đáng ghi nhớ. Dường như chúng ta cũng cần phải quản trị đúng đắn những Chúa Nhật của chúng ta và biến nó thành một ngày đặc biệt theo cách thức của Cơ Đốc giáo.
Vấn đề sử dụng thì giờ không cân xứng
Bản Kinh Thánh Nhật ngữ mới đã dịch lời cầu xin thứ hai của Phao-lô cho các tín dồ Phi-líp trong Phi Pl 1:10 như sau “để anh em phân biệt được điều nào là quan trọng”. Lẽ tự nhiên đó là mục đích tối cao của cách thức chúng ta sử dụng thì giờ. Quyết dịnh hành động nào là đúng, hành động nào rõ ràng là sai, hay có chút nghi ngờ là sai, thì không phải là khó khăn lắm. Chỗ khó khăn là chúng ta không có thì giờ để làm tất cả những gì chúng ta muốn làm, và như thế, chúng ta phải chọn một trong hai việc đều quan trọng, tốt lành như nhau. Chúng ta phải chọn, và trong khi chọn lựa đó, chúng ta càng trưởng thành trong Đấng Christ.
Như chúng ta đã thấy, người tín đồ Đấng Christ phải dành ưu tiên cho một số vấn đề. Cũng như mọi người, chúng ta có những liên hệ gia đình, trách nhiệm nghề nghiệp, những công việc phải làm và những nhiệm vụ phải giữ. Chúng ta không nên xem tất cả những vấn đề đó như chỉ có tầm quan trọng thứ yếu: Chính vì chúng ta là tín đồ Đấng Christ cho nên lẽ đương nhiên chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi thái độ của mình đối với cuộc sống, chúng ta biết phải tỏ ra xuất sắc trong tất cả những cái vô vị nhất của đời sống là quan trọng như thế nào. Nhưng quyết định thế nào để quân bình hoá mọi đòi hỏi khác nhau đối với số thì giờ có giới hạn của chúng ta, khiến nó trở thành một toàn thể hoà hợp, một thánh vịnh sống động, có thứ lớp, một bài ca tụng vinh quang của Đức Chúa Trời chúng ta, thì không phải là việc dễ dàng.
Dùng thì giờ một cách không xứng đáng, như phí cả một buổi sáng để viết một câu không cần hơn năm phút, hay dành mấy giờ để gọt dũa một bài luận không phải vì điều đó sẽ thực sự gây thêm ấn tượng cho giá trị nội tại hay thêm phần giá trị cho nội dung tư tưởng của nó, mà chỉ vì muốn khoe khoang, là một việc quá dễ làm. Chúng ta có thể đã dành quá nhiều thì giờ cho một số công việc, và quá ít cho một số khác. Có lẽ chúng ta đã dành quá nhiều thì giờ cho những chi tiết tổ chức một vài cuộc họp mặt giữa anh em tín đồ hay phần quảng cáo cho những buổi họp đó, nhưng lại để quá ít thì giờ cho việc giúp đỡ những người đến dự. Con người quan trọng hơn công việc, và sự thông cảm nhau quan trọng hơn phần trang hoàng. Chúng ta phải cầu nguyện cho chính chúng ta và cho người khác. Chúng ta phải “phân biệt điều nào là quan trọng”, như Phao-lô đã làm. Điểm khác biệt giữa một người vô trật tự, mệt sắp đứt hơi với một người trầm tĩnh, dẻo dai, thường thường chính là vì loại người thứ hai biết quyết định việc nào là quan trọng và không phung phí thì giờ, không quá lo lắng hay hăng hái lao mình vào những việc không chính yếu.
Những gương mẫu
Ngoài việc làm trọn chức vụ giảng đạo và thăm viếng từng nhà (Cong Cv 20:20), sứ đồ Phao-lô còn làm việc để tự túc và giúp đỡ người khác, cho nên ông đã có thể nhắc nhở các trưởng lão tại Ê-phê-sô rằng “hai bàn tay này đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi” (câu 34). Chúng ta cũng biết rằng chính trong thành phố ấy. Phao-lô đã dùng trường học của Ty-ra-nu làm nơi hội họp mỗi ngày (19:9). Bản Western còn thêm là “từ mười một đến bốn giờ”, nghĩa là giờ ngủ trưa của một số đông người. Sau một buổi sáng bận rộn với nghề may trại, trong lúc Ty-ra-nu làm xong công việc hàng ngày của mình. Phao-lô đã tới đó giảng đạo cho tất cả những người bằng lòng đến nghe.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng những việc làm phi thường của Richard Baxter. Dường như ông đã được gọi là một bảo tàng viện lưu động về bệnh tật, và dầu bệnh hoạn triền miên, ông vẫn nổi danh về chức vụ đi từ nhà này sang nhà khác tại Kidderminster để dạy dạo cho từng gia đình một, lại còn cho xuất bản hai mươi ba quyển sách do nhà xuất bản Orme in. Nhưng dó chỉ là một phần trong tổng số công trình của ông, vì theo ký ức của chính ông, thì ông đã viết “độ một trăm hai mươi tám quyển”, và tất cả các tác phẩm của ông đến sáu mươi bộ khổ lớn, tổng cộng ba mươi lăm ngàn trang đầy chữ in! Chính con người đó đã viết: “Trong bốn mươi năm nay tôi đã ý thức về cái tội làm mất thì giờ, tôi không thể nào phung phí một giờ”. Một trong những đòi hỏi đầu tiên về thì giờ của ông là việc sưu tầm nghiên cứu, và ông đã theo đuổi mục đích ấy với một tinh thần vô tư hiếu học mà tuổi tác chồng chất chẳng bao giờ làm suy giảm. “Cả con người luôn với thì giờ đều quá nhỏ bé so với công tác vĩ đại đó”. Ta có thể tưởng tượng con người ấy đã làm việc ra sao theo mấy lời sau đây: “Còn về tất cả các tác phẩm của tôi, tôi phải thú nhận rằng theo sự phê phán riêng của tôi thì nếu một vài quyển được nghiên cứu kỹ càng, và được gọt dũa thêm thì sẽ hay hơn… quyển về Saints Rest tôi đã để trọn bốn tháng nghỉ ngơi để viết nó (nhưng là viết giữa sự mệt mỏi liên tục và thuốc men). Còn về số còn lại, tôi đã viết giữa những lúc các công việc khác đang chồng chất, khiến tôi không có thì giờ nhiều để nghỉ ngơi, gọt dũa cho chính xác hay tô điểm thêm”.
Nhưng để hợp thời hơn một chút, tôi có thể nhớ lại mấy lời của một giáo sư luật khoa đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ trên đời sống sinh viên của tôi. Ông ta là một người rất hoạt động trong công tác phục vụ Chúa và vừa được ban thưởng một cấp bằng cao hơn mà ông hằng mong ước. Điều đó đòi hỏi phải đệ trình một số sách và bài báo tổng cộng hàng trăm ngàn chữ, và khi tôi hỏi ông làm sao có thì giờ làm việc ấy, ông trả lời rất đơn giản với một nụ cười rằng: “Tôi làm việc”.
Nhưng đó là những con người ngoại lệ! Tuy nhiên phải chăng vì họ là những con người đặc biệt cho nên họ bận rộn, hay chính vì họ bận rộn cho nên họ trở thành đặc biệt? Và họ há không phải đã bận rộn vì họ là những Cơ Đốc nhân và vì có nhiều việc cần làm để qui vinh cho Đức Chúa Trời sao? Đối với họ, thì giờ là một báu vật phải tận dụng triệt để cho Chúa và cho Nước Ngài.
Chàng thanh niên Hoa Kỳ, người công giáo La Mã là bác sĩ Dooley, phục vụ trong một bệnh viện tại Thượng Lào, với chứng ung thư treo trên đầu, báo trước một cái chết trẻ, đã trích dẫn mấy câu thơ dưới đây của Robert Frost:
“Rừng thì đẹp, tối tăm và sâu thẳm,
Nhưng tôi đã hứa là ở lại
Và đi nhiều dặm trước khi tôi ngủ”
rồi nói thêm: “Tôi tin rằng điều quan trọng không phải là chúng ta sống được bao lâu, nhưng là chúng ta đã làm gì trong những ngày mình đã được định phải sống”
Chúng ta đang làm gì?
Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
Thái độ của tôi trong việc sử dụng thì giờ ra sao; tôi có nhằm mục đích phục vụ Chúa không? Tôi có cần tập thói quen kiểm điểm lại cách sử dụng thì giờ của mình bằng sự cầu nguyện mỗi sáng sớm và chiều tối không?
Tôi có nắm lấy mọi cơ hội vì Chúa , hay thật ra chẳng bao giờ nghĩ đến vấn đề ấy ?
Tôi có đang lâm vào cái hiểm hoạ là làm một kẻ “lười biếng” và sử dụng thì giờ một cách bừa bãi?
Phải chăng năm tháng vẫn trôi qua mà tôi không làm được một việc gì ?
Với tư cách một tín đồ, tôi đã sử dụng thì giờ của mình vào những mục đích nào?
Tôi có bỏ bê gia đình , con cái không ?
Tôi có hay la cà, lông bông không?
Tôi có luôn luôn liều lĩnh , đâm đầu vào những việc làm ngông cuồng không ?
Lạy Chúa yêu dấu, xin cho con cả tánh chăm chỉ, cố gắng, lẫn sự thoải mái trong việc sử dụng thì giờ; xin giúp con biết được điều nào là quan trọng, để dùng những ngày Ngài ban cho con làm vinh danh Ngài.
“Trong một ngày , há không phải có mười hai giờ sao ?… Tối đến , thì không ai làm việc được ” (Giang 11:9; 9:4)
“Chỉ có mười hai giờ ngắn ngủi – xin đừng bao giờ
Để cho ý thức bị thúc bách
Chết đi trong chúng tôi . Lạy Đấng chăn chiên từ ái ,
Xin luôn luôn cho chúng tôi biết tìm kiếm
các núi với Ngài .”
AMY CARMICHAEL