TỰ DO hay NÔ LỆ?

Xin Chúa nhận lấy ý chí con ,
khiến nó trở thành của Ngài ;
Nó sẽ không thuộc về con nữa .

Thỉnh thoảng, người truyền đạo có những lời kêu gọi đại khái như: “Quí vị có muốn phục vụ và bước theo Đấng Christ chăng?” Do đó, chúng ta bị sai lầm và thường có thói quen nghĩ rằng chúng ta đã thực sự làm ích lợi cho Đức Chúa Trời, thay vì phải hiểu rằng việc được trở thành tín đồ Đấng Christ là một ân huệ đối với chúng ta. Từ ý nghĩ đó, chúng ta sẽ dễ dàng bước thêm một bước nữa để bảo rằng tôi sẽ phục vụ Chúa nếu có cơ hội và nếu có thể thu xếp được với tất cả những việc khác mà tôi đang muốn làm, vì cuộc sống hiện nay thật là bận rộn.
Theo Kinh Thánh, tín đồ Đấng Christ là một nô lệ của Chúa Giê-xu. Nếu chúng ta gọi Ngài là “Chúa Giê-xu”, thì điều đó ngụ ý rằng Ngài là Chúa của tôi, và tôi là nô lệ Ngài. Ý niệm về nô lệ (tôi mọi) hay phục vụ (hầu việc) vốn rất thường gặp trong Tân Ước. Chữ Hi Lạp thông dụng nhất, doulos , có nghĩa là một tên nô lệ, trái nghĩa với Ông Chủ hay một người tự do. Các động từ liên hệ mô tả sự phục vụ do một tên nô lệ có mang xiềng xích thực hiện, nghĩa là nó bị bắt buộc phải làm việc đó cho chủ. Chữ thông dụng thứ hai, diokonos (do đó mà có chữ deacon: chấp sự) và các động từ liên hệ, nhấn mạnh công tác người nô lệ làm hơn là mối liên hệ giữa người ấy với chủ. Chữ này thường được dùng trong việc hầu bàn. Cũng có nhiều chữ khác được dùng, trong số đó có những chữ như gia bộc (đầy tớ trong nhà, oiketçs ), quản gia (oikonomos ) nghĩa là người lo tất cả mọi việc trong nhà, chịu trách nhiệm trước mặt chủ, đáng cho chúng ta chủ ý, bởi vì ý niệm người tín đồ là “quản gia” cho Đấng Christ là một chữ thông dụng chúng tôi sẽ đề cập đến về sau.

Tín đồ Đấng Christ là một nô lệ
Chắc chúng ta cho rằng khái niệm nô lệ là hơi làm mích lòng vì “Tôi không muốn ai bảo tôi phải làm việc này, việc nọ”. Nó có vẻ phong kiến, lỗi thời. Tuy nhiên, đó là chữ mà chính Đức Chúa Giê-xu đã dùng. Trong thư tín gởi cho người Phi-líp (Phi Pl 2:7) vị Chúa tể thiên đàng (kurios ) đã mặc lấy hình hài của một tên nô lệ (doulos ). Ngài cũng dùng cho chính mình động từ hầu bàn khi Ngài nói rằng mình không đến để được người khác phục vụ cho, nhưng là để phục vụ mọi người (Mat Mt 20:28). Nếu chúng ta nhận Ngài là Chúa (và nếu không nhận, chúng ta sẽ không phải là tín đồ, RoRm 10:9), và nếu Đấng vốn là Chúa chúng ta đã sẵn lòng làm một tên nô lệ, một kẻ hầu bàn cho chúng ta thì chúng ta phải sẵn lòng làm nô lệ, hầu bàn cho Ngài càng hơn. Bất cứ lúc nào chúng ta đề cập đến Chúa Giê-xu Christ thì đều hàm ý mối liên hệ này. Chúng ta đã hứa trung thành với Ngài. Điều rất có ý nghĩa, ấy là trong khi những chữ khác được dùng ám chỉ những người làm nghề phục vụ kẻ khác là chữ đầy tớ theo nghĩa đen, thì chữ nô lệ đã được dùng ám chỉ người tín đồ Đấng Christ theo nghĩa bóng, để diễn tả mối liên hệ giữa người đó với Chủ mình.
Người đầy tớ là tài sản của chủ mình; thân thể còn sống của người ấy thuộc về chủ, và không có tự do nếu chưa chết. Người ấy không phải là một người làm thuê như những kẻ cày thuê trong vườn nho, vì họ được trả tiền công mỗi ngày (Mat Mt 20:1 và tt, chữ Hi Lạp là ergatçs ). Người đó hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của Chủ. Điểm này làm rõ nghĩa cho những khúc sách như ICo1Cr 6:19, 20 “Anh em không thuộc về chính mình. Anh em đã được chuộc bằng một giá cao. Vậy hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”. Phao-lô nói rằng chúng ta đã được Đức Chúa Trời mua như những tên nô lệ nên chúng ta không còn là tài sản thuộc riêng về mình nữa. Bổn phận của chúng ta là phải phục vụ người chủ đã mua chúng ta để phục vụ mình. Trong mấy đoạn tiếp theo đó, ông còn nói thêm khi đề cập đến các giai cấp xã hội: “Ngươi đương làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo. Song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn. Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được kêu gọi, thì làm tôi mọi cho Đấng Christ” (7:21-24). Nghĩa là một người có thể tự do về mặt xã hội, nhưng vẫn là nô lệ của Đấng Christ. Hay một chỗ khác nữa trong khúc sách rất quen thuộc là RoRm 6:17-22, Phao-lô bảo rằng các độc giả của ông trước kia vốn là “tôi mọi của tội lỗi” (câu 17), nhưng bây giờ là “tôi mọi của sự công nghĩa” (câu 18), rồi (trong câu 22) ông dùng một động từ (“trở thành nô lệ”, trong nguyên bản Hi văn) để bảo rằng họ đã trở thành tôi mọi của Đức Chúa Trời. Ý niệm này đã làm nổi bật ý nghĩa của mấy chữ chúng tôi từng trích dẫn trong Mat Mt 20:28 “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. Giá chuộc là số tiền để mua một tên nô lệ, cho nên chúng ta có thể diễn rộng câu này như sau: “Ta đã không đến để người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ thiên hạ và để lấy mạng sống ta mua những tên nô lệ.” Tại thập tự giá, Chúa Giê-xu đã trả giá chuộc để giải phóng chúng ta khỏi xích xiềng tội lỗi, do đó, lời hứa nguyện trung thành của chúng ta được chuyển sang Đấng đã trở thành Sở Hữu Chủ mới của chúng ta.
Đến đây, chúng ta phải ngừng lại và tự vấn: Tôi là nô lệ của ai? Tôi có nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Chủ của mình không? Tôi có thể nói rằng: “Tôi không phải là của tôi nữa, nhưng tôi thuộc về Ngài chăng”? Bên Nhật, ý niệm về một ông chủ và những kẻ trung thành thuộc về người chủ đó là một ý niệm rất phổ thông, có thể gặp nhiều lần trong lịch sử và văn chương. Trở thành tín đồ Đấng Christ là nhìn nhận Chúa Giê-xu làm chủ tuyệt đối của mình, làm Vua của các vua và Chúa của các chúa, là xưng nhận rằng từ nay về sau mình là vật sở hữu đã được Ngài mua rồi, là nô lệ của Ngài. Quyển sách này sẽ tiếp tục đề cập đến lòng trung thành và sự vâng phục Ngài, nhưng điều đó sẽ hoàn toàn vô ích nếu bạn không thuộc về Ngài. Những đòi hỏi của Ngài sẽ có vẻ cực đoan, những mạng lệnh của Ngài sẽ có vẻ quá nặng nề, và phản ứng của bạn sẽ là sự oán ghét và phản loạn – trừ phi chúng ta đã trước nhất giải quyết xong vấn đề căn bản này: Bạn đã xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa của riêng mình chưa?

Cái nhục của tên nô lệ
Chúng ta đã có tấm gương cao cả nhất là Chúa Giê-xu, Đấng đã tự hạ mình để được sinh ra làm một con trẻ yếu đuối trong chuồng bò với mùi hôi hám của phân thú vật, Đấng đã sống như một công nhân tỉnh lẻ trong một xứ chư hầu bé nhỏ nhất của đế quốc La Mã. Ngài đã mặc lấy hình dạng của một tên nô lệ. Ngài đã tự hạ mình đến nỗi chịu chết trên thập tự giá, thoi thóp thở dưới sức nặng của toàn thân bị tan vỡ của Ngài chịu cho người ta treo lên bằng những cây đinh đóng vào cây thập tự. Con người đã từng tự xưng là có quyền năng, vinh hiển, đã bị xử tử như kẻ hèn yếu, nhục nhã. Nếu sự kiêu hãnh của chúng ta có chùn bước trước sự nhục nhã, hãy nhớ rằng Chúa của chúng ta đã làm gương trước cho mình. Không hề có sự nhu mì giả dối nào ngăn được Ngài trà trộn với đám người bình dân xấu xa, không hề có sự khó tánh nào khiến được Ngài chùn bước trước những kẻ bơ vơ, bệnh tật của xã hội.
Ngài mời gọi chúng ta cùng bước vào công việc phục vụ một cách thấp hèn, nhục nhã với Ngài. Ngài đã dùng thí dụ về một con bò đang mệt mỏi vì chở nặng đang loạng choạng tiến bước giữa cái ách với một gánh nặng quá sức trên lưng. Ngài phán: “Hãy đến cùng ta, cùng mang ách chung với ta, vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” Điều chúng ta chẳng bao giờ làm một mình, chúng ta sẽ có thể làm nếu được mang chung ách với Ngài. “Hãy học theo ta, vì ta có lòng nhu mì, khiêm nhường” (Mat Mt 11:29). Chính vị Chúa Tể nhu mì, khiêm nhường đã tự hạ mình làm đầy tớ, đã kêu gọi ta cùng phục vụ với Ngài. Dầu Ngài là Chúa và chúng ta là nô lệ Ngài, Ngài vẫn hạ mình đến nỗi sẵn sàng cộng tác với chúng ta để phục vụ. Sự nhu mì của Ngài cũng được đề cập đến một lần nữa trong đoạn tiếp theo đó của Phúc Âm Ma-thi-ơ khi Ngài trích dẫn một khúc sách về người Đầy Tớ của Ê-sai (và rất có thể là quan niệm đó của Cựu Ước cũng được ngụ ý trong Phi Pl 2:7 khi Phao-lô đề cập đến việc “lấy hình của người Đầy tớ ” (bản dịch Anh văn có định quán tự the ). Chúng ta được cho biết là Ngài không bẻ cây sậy đã giập, chẳng tắt tim đèn gần tàn, Ngài sẽ dịu dàng quạt chiếc tim đèn ngún cháy của chúng ta cho đến khi nào nó cháy bùng lên.
Nhưng các môn đệ của Đấng Christ vốn không có bản tính nhu mì, khiêm nhường; chúng ta phải học đức tính ấy nơi Ngài. Con người thiên nhiên của chúng ta hay kiêu căng, phách lối, chẳng bao giờ sẵn lòng chiếm chỗ ngồi thấp nhất. Trên đường đi đến Phòng Cao (LuLc 22:24-27) các môn đệ đã cãi nhau về vấn đề ai sẽ là người lớn nhất giữa vòng họ, Chúa Giê-xu đã nói cho họ biết rằng việc lãnh đạo trong Cơ Đốc giáo hoàn toàn khác hẳn: “Ai cai trị phải hầu việc” (chữ được dùng ở đây là “hầu bàn”, nghĩa là kẻ lãnh đạo phải hầu bàn trong khi số người còn lại dùng bữa), và khi đã ngồi vào bàn ăn, Ngài đã nói: “Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu bàn vậy”. Cùng một sự việc ấy cũng được ký thuật trong GiGa 13:1-16.
Chiều hôm ấy, họ đến Phòng Cao với những đôi chân phồng lên và ướt đẫm mồ hôi; bụi đường bám đầy chân, giầy dép của họ. Nhưng không một ai trong số những người có mặt đứng ra làm công việc của người đầy tớ để rửa chân cho họ. Chắc ai cũng thấy rõ ràng là chân của họ phải được rửa sạch bởi vì nằm duỗi dài ra theo kiểu của thời đó, để đầu và tay ở gần bàn bằng cách chống toàn thân trên một cùi chỏ, thì chân của những kẻ khác nằm đúng trên vai bên kia của bạn. Bất cứ ai từng sống trong một xứ nhiệt đới đều quen biết mùi hôi của những đôi chân chưa rửa sạch! Nhưng nếu bạn vừa cãi nhau để tranh xem ai là người quan trọng nhất, thì bạn không thể nào đi trước và nhận rằng trong tất cả mọi người hiện diện, bạn là kẻ nhỏ nhất. Bầu không khí lúc bấy giờ thật là nặng nề, khó chịu và… khó thở. Chính Đức Chúa Giê-xu Christ đã đứng dậy, cổi áo ngoài ra, lấy khăn vấn ngang hông để làm cái công tác của người đầy tớ là rửa chân cho các môn đệ Ngài. Tiếng nước bắn tung toé trong chậu và hình ảnh ông Thầy quì gối rửa những đôi chân dơ bẩn của học trò mình, chắc đã khiến cho sự im lặng lúc ấy trở thành một sự im lặng đầy bối rối. Đấng vốn thanh sạch, thánh khiết như Ngài lại bằng lòng tự hạ mình xuống để rửa đi sự dơ dáy của tôi , để chịu vấy bẩn sự ô uế của tôi . Những lời lẽ nặng nề Ngài đã trách Phi-e-rơ vạch rõ rằng phải có sự đầu phục – vì điều đó tiên báo cực hình thập tự giá – khi Ngài cần nhận lấy tất cả tội lỗi, ô uế của nhân loại trên tấm lòng thuần khiết, thánh sạch của Ngài. Hạ mình có nghĩa là Đấng vốn cao cả, thánh khiết, quang vinh phải nhận lấy mọi sự đó, khiến nó chất hết trên người mình. Nếu chúng ta đã lui bước không chịu làm những tên nô lệ, chúng ta quá tự kiêu để từ chối địa vị tôi mọi, chắc chúng ta phải xấu hổ khi thấy điều Ngài đã làm. “Vậy nếu ta là Chúa là Thầy mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, đầy tớ không lớn hơn chủ mình…!” Nói cách khác, ta đã làm nô lệ cho các ngươi, vậy thì bây giờ các ngươi cũng hãy làm nô lệ lẫn cho nhau.
Đức tin Cơ Đốc giáo là một đức tin mang tính cách mạng. Nó đòi hỏi một sự thay đổi hẳn thái độ. Nhưng trong nhiều cuộc cách mạng, mục đích của chúng là đưa người thấp lên cầm đầu, trong khi cuộc cách mạng ở đây là người tự cao phải tự đặt mình xuống dưới! Chúng ta đang sống trong một xã hội mà địa vị xã hội rất quan trọng. Mỗi một người trong chúng ta đều muốn tạo cho mình một chiếc trang thờ cho tính cách quan trọng của chính mình. Kẻ ngồi trên phán xuống cho kẻ dưới những điều phải làm, và người dưới thì trông đợi, hi vọng rằng một ngày kia, mình sẽ chiếm được địa vị của người trên. Nhưng Đấng Christ đã phán rằng con người quan trọng trước mặt Đức Chúa Trời là con người chủ tâm vào việc đánh giày cho kẻ khác chớ không phải là kẻ muốn mang đôi giày của họ, chiếm lấy địa vị của họ. Việc đó cũng rất dễ xảy ra trong các Hội Thánh địa phương. Những người không có địa vị trong xã hội nói chung, thường tìm cách tự tôn mình làm “giáo hoàng” trong một hội chúng nhỏ hẹp của một nhà thờ địa phương. Không gì dễ gây thù hận giữa tình bạn chân thành hơn là việc người ta tranh nhau làm lớn, tranh nhau tỏ ra mình là quan trọng trong một Hội Thánh nhỏ – hay một Hội Thánh lớn.
Cả đến các nhóm học sinh, sinh viên cũng không thoát khỏi cái hiểm hoạ này, và một học sinh học năm thứ năm có óc tự kiêu cũng độc đoán không thua bất cứ vị giáo hoàng nào. Một nhà lãnh đạo có uy quyền là hay, nhưng những người như thế thường thất bại trong việc đào tạo những kẻ kế vị mình, và sau khi họ bỏ chức vụ, liền có một sự sa sút, hoặc họ được một người tự kiêu khác kế vị, một người hiểu biết rất mơ hồ về giáo lý, do đó, sẽ đưa cả nhóm đi sai đường lối đích thực của họ. Trắc nghiệm về tài lãnh đạo chỉ xảy ra sau đó. Điều đáng chú ý là trong Tân Ước, cấp lãnh đạo Hội Thánh dường như thường thường thuộc số nhiều chớ không phải thuộc số ít, ngoại trừ một trường hợp đáng ghi nhận và rất có ý nghĩa của Đi-ô-trép (IIIGi 3Ga 1:9), con người đã tách riêng ra vì cớ uy thế cá nhân. Các học sinh, sinh viên cũng rất quen thuộc với vấn đề tranh giành quyền lãnh đạo để đến độ phải chia phe lập đảng; hoặc một học sinh hay sinh viên bị thất cử vào một chức vị lãnh đạo có thể giận dữ ra đi và bỏ luôn cả nhóm – điều đó chứng minh rằng những người cho rằng anh ta hay chị ta không xứng đáng với chức vị là có lý! Một tín đồ Đấng Christ còn ấu trĩ, không chịu để cho kẻ khác hướng dẫn mình như thế, chắc chắn là không xứng đáng với chức vị lãnh đạo.
Bà mẹ của Gia-cơ và Giăng (Mat Mt 20:20 và tt) vốn có nhiều tham vọng về các con mình, và muốn họ chiếm được địa vị cao khi Chúa Giê-xu cầm quyền. Chắc Gia-cơ và Giăng, hai người thường ở trong “bộ ba” vẫn thỉnh thoảng được cùng đi với Chúa Giê-xu trong khi những người khác bị bỏ lại, cũng đồng ý với cách diễn tả tham vọng thật ngây thơ của mẹ mình. Nhưng giá trị của người tín đồ Đấng Christ hoàn toàn khác biệt. Các dân ngoại luôn luôn muốn làm chủ, làm chúa lẫn nhau. Nhưng tầm quan trọng của người tín đồ Đấng Christ thuộc một loại khác và Đức Chúa Giê-xu là Chúa họ chính là tấm gương vĩ đại về Đấng đã đến để phục vụ kẻ khác.

Lòng trung thành của tên nô lệ
Trong quyển “Tâm tình người tín đồ Đấng Christ”, Harry Blamies có viết một đoạn rất hay về lòng trung thành, mà ông gợi ý là “một tài giả vờ được khai thác để tạo ra một thứ hương vị giả dối cho những hành động phi đạo đức hay vô đạo đức”, và nói rằng: “Lòng trung thành có thể bảo là tội ác theo ý nghĩa là nếu hành động nào cũng chỉ đều được bênh vực trên nền tảng là sự trung thành mà thôi thì nó không hề được bênh vực trên những nền tảng hợp lý chút nào”. Nói cách khác, theo ý nghĩa nó thường được dùng, lòng trung thành hẳn không phải là một đức tính của Cơ Đốc giáo. Khi có ai đó tuyên bố một điều gì nhân danh lòng trung thành thì chúng ta nghĩ rằng họ đã vi phạm một nguyên tắc đạo đức nào đó: có thể trung thành với hãng buôn, dầu việc ta làm là bất lương; trung thành với chính mình để giữ thể diện; trung thành với tổ quốc ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải có thái độ lăng mạ đối với quốc tế; trung thành với nòi giống của mình dầu phải bóc lột các giống dân khác bất chấp điều răn phải yêu người lân cận. Liêm chính là một đức tính của Cơ Đốc giáo, nhưng trung thành một cách mù quáng thì không phải.
Ý niệm này sẽ rất hay cho người sống tại Nhật Bản, nơi mà chữ “tín” từ ngàn xưa đã được nâng lên hàng đức tính. Sử ký cũng như văn chương đều đầy dẫy các truyện tích về những kẻ tận trung với chủ, với chúa mình cho đến chết, dầu cái chết đó không hề làm ích lợi gì cho người chủ, cho vị lãnh chúa, vì chính người ấy cũng đã chết rồi. Đối với người Tây phương, dường như thái độ ấy vừa có tính cách cao thượng lại vừa rởm nữa. Đối với người tín đồ Đấng Christ biết suy xét thì việc tự gán cho mình một tiêu chuẩn trung thành như thế thì gần như là một thứ thờ hình tượng; thường bao gồm cả việc tự tử và việc phải báo thù cũng không phải là không thường xảy ra đối với một người nào đó, dầu người ấy có địa vị cao đến đâu chăng nữa. Nguyên nhân sâu xa của tất cả những điều vừa kể dường như là lòng trung thành chỉ là một đức tính của Cơ Đốc giáo, nếu là trung thành với một mình Đức Chúa Trời mà thôi, và như thế, các ý niệm về thờ phượng, vinh dự và vâng phục càng được thông dụng hơn. Blamires gợi ý rằng lòng trung thành đối với một người, một đảng phái, một quốc gia, một nghĩa vụ sẽ đứng vững hay sụp đổ là tuỳ theo con người, đảng phái, quốc gia kia thực sự có chính đáng, có thiện hảo đến cái mức độ mà lòng trung thành kia đòi hỏi hay không. Nếu nghĩa vụ là chính đáng thì lời kêu gọi trung thành là thừa, bởi vì nếu nghĩa vụ đó là chính đáng và đứng đắn, thì nó xứng đáng được ủng hộ. Nhưng khi chúng ta đề cập đến Đức Chúa Trời, thì đây không phải chỉ là một Đấng thiện hảo tương đối nhưng là một Đấng thiện hảo tuyệt đối. Lắm lúc chúng ta phải đương đầu với một cơn thử thách về lòng trung thành với Đức Chúa Trời, nhưng cơn thử thách đó sẽ chỉ trở thành một vấn đề đức tin hay lòng trông cậy Đức Chúa Trời, cho nên lòng trung thành có thể được xem như một lối diễn tả tích cực đức tin và lòng trông cậy vào Đức Chúa Trời.
Lòng trung thành của Chúa Giê-xu đã bị ma quỷ thách đố ngay trong giai đoạn đầu, khi nó đề nghị để Ngài dễ dàng thoát khỏi cực hình tại Gô-gô-tha: “Nếu ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy” (Mat Mt 4:9, 10). Chúa đã trả lời ngay là: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Từ ngữ Hi Lạp ở đây là latreuơ , nghĩa là sự phục vụ có tính cách tôn giáo). Nhưng chúng ta cũng thấy lòng trung thành của Đức Chúa Giê-xu trong đời sống hằng ngày: “Vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (nghĩa là Đức Chúa Cha GiGa 8:29). Chúng ta cũng thấy lòng trung thành cao cả ấy tại Ghết-sê-ma-nê, trong mấy lời Ngài nói: “dầu vậy, xin ý Cha được nên chớ không theo ý con” (LuLc 22:42).
Sự thử thách về lòng trung thành đó cũng được gán cho người tín đồ Đấng Christ: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa” (Mat Mt 6:24). Ở đây chính là động từ “làm nô lệ” nghĩa là các ngươi không thể làm nô lệ cho hai chủ đồng thời. Điểm này còn rõ rệt hơn trong LuLc 16:13 khi chữ được dùng cho “tôi tớ” là chữ ám chỉ “tôi tớ trong nhà”, bạn không thể nào cùng một lúc làm “tôi tớ trong nhà” cho hai ông chủ được. Vấn đề là hoặc tôi thuộc về Chúa và nhà Ngài hoặc là không.
Đó là điều được thấy rõ ràng trong câu nói của viên đội trưởng: “Tôi nói với đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc này, thì nó làm” (Mat Mt 8:9). Ông ta biết rằng Chúa Giê-xu có quyền tối cao đó trên mọi sự. Nếu Ngài là Chúa, tôi phải tuyệt đối thừa nhận uy quyền của Ngài. Tôi không ở trong địa vị có thể chọn lựa, phân biệt điều gì tôi bằng lòng, đồng ý vâng phục, với điều tôi không thích. Đối với các lệnh truyền rõ rệt của Đức Chúa Giê-xu, chúng ta phải trung thành tuân phục không đắn đo, do dự.
Lắm lúc, có sự tranh chấp giữa tình cảm gia đình của chúng ta và lòng trung thành với Đấng Christ (10:34-39). Chúng ta không thể nghi ngờ gì được về sự trung thành nào là cao cả hơn. Ngài đòi hỏi chúng ta phải đặt Ngài đứng trước những người gần gũi, thân yêu nhất của chúng ta. Như đã thấy, thường thường thì đúng ra, khi chúng ta yêu mến họ, làm đẹp lòng họ, tức là chúng ta cũng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; nhưng thỉnh thoảng, cũng có trường hợp phải tranh chấp, nhất là khi những kẻ được chúng ta yêu mến nhất lại chưa phải là tín đồ Đấng Christ. Chúng ta phải đối diện để tranh chấp với việc kết hôn cùng một người không tin Chúa, với quyền ưu tiên sử dụng thì giờ của ngày nghỉ hoặc việc quá dễ dãi trong vấn đề tiêu pha tiền bạc.
Cuộc tranh chấp này xảy ra đồng thời với nhiều việc liên hệ khác. Thường thường thì đối với việc dùng thì giờ của Chúa Nhật, chúng ta đã nhận thấy nó thành vấn đề rõ ràng: chúng ta có cần đặt ra vấn đề tranh chấp trong cuộc thử thách: học ôn bài để đi thi hay đi nhà thờ chăng? Cái nào được ưu tiên? Hay nên chọn giữa một cuộc cắm trại cùng anh em tín đồ để đem đến cho nhiều người khác nữa một kỳ nghỉ hè tươi đẹp, với việc xuất ngoại rất tốn kém để đi du lịch một mình? Hoặc nên chọn việc cắm đầu vào sách vở một mình hay tham gia vào một nhóm những kẻ phí phạm thì giờ trong tổng hội sinh viên? Hoặc nên chọn giữa cuộc hẹn hò với bạn gái, bạn trai không tin Chúa, với việc nhóm lại học Kinh Thánh trong Ban Thanh Niên của Hội Thánh? Đấng Christ luôn luôn đòi hỏi được đứng trước mọi đòi hỏi khác. Việc lựa chọn giữa một cái tốt với một cái tốt hơn vẫn khó hơn việc chọn lựa rạch ròi giữa điều thiện và điều ác.
Sự tự chối mình của người nô lệ
“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ ‘cứu vãn được nó’. Nếu ai được cả thiên hạ mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì?” (LuLc 9:23-25).
Chúng ta đã có thái độ nào đối với bản thân và đời sống chúng ta? Phải chăng chúng ta đã chỉ chú tâm đến việc sống thế nào cho dễ dãi, yên vui riêng cho cá nhân ta, muốn mình luôn luôn được bảo vệ an toàn, và không bao giờ chịu đặt đời sống của chúng ta vào một cuộc phiêu lưu không chắc chắn? Hay đối với chúng ta, Chúa Giê-xu và chỉ có một mình Ngài là trước hết mà thôi? Nếu vì Ngài, chúng ta có sẵn sàng sống và làm việc ở những nơi có thể làm suy giảm sức khoẻ hay nguy hiểm đến tánh mạng chăng? Nếu vì Ngài, chúng ta buộc phải quay lưng lại đối với những thức ăn ngon, những thú vui, những trò chơi thể thao hay giải trí, hay cả đến những bà con, bè bạn mình yêu mến thì chúng ta sẵn lòng ngay chăng? Người nào hướng vào những điều đó, muốn “cứu sự sống mình” thì chỉ là đánh mất nó. Phần đông chúng ta đều vô cùng lo sợ phải mất đi một cái gì, những điều tốt nhất, trong cuộc sống.
Sự lo sợ đó đã được Cựu Ước nhìn nhận trong một khúc sách rất hay, khi dân chúng được chọn lọc trước khi xuất trận (PhuDnl 20:5-7). Các quan trưởng phải hỏi: Ai mới cất nhà mà chưa ăn tân gia? Hãy cho người ấy về, kẻo người ấy tử trận và kẻ khác sẽ ăn tân gia trong ngôi nhà ấy chăng. Ai mới trồng một vườn nho mà chưa được ăn trái nó? Hãy cho người ấy về, kẻo người ấy bị giết ngoài mặt trận, và một kẻ khác sẽ hái trái chăng. Ai đã hứa hôn với một cô gái mà chưa cưới chăng? Hãy cho người ấy về, kẻo người ấy bị chết ngoài mặt trận và kẻ khác sẽ cưới nàng chăng. Đó là những điều lo sợ đã ăn sâu vào phần đông chúng ta, và dân Y-sơ-ra-ên nhìn nhận rằng một người đang có những điều đó trong đầu sẽ lo thoát thân hơn là sẵn sàng vì Chúa mà chiến đấu. Tốt nhất là nên cho người ấy về, còn hơn là dùng một người thiếu tinh thần chiến đấu, có thể quay lưng chạy trốn, làm ngã lòng số người còn lại.
Nhưng điểm rất có ý nghĩa, ấy là ba trường hợp kể trên cũng được ghi lại trong khúc sách khủng khiếp nhằm rủa sả những kẻ vi phạm giao ước Đức Chúa Trời, tiếp theo những lời hứa dành cho những kẻ giữ giao ước Ngài. Câu ấy như sau: “Ngươi sẽ làm lễ hỏi một người nữ, nhưng một người nam khác lại nằm cùng nàng; ngươi cất một cái nhà, nhưng không ở được; ngươi trồng một vườn nho, song không được hái trái” (28:30). Hay nói cách khác, người nào muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất nó, cũng mất luôn tất cả những gì người ấy muốn dùng để giữ vững nó. Người ấy đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời để giữ lấy những điều khác đó, nhưng rồi người ấy sẽ nhận ra rằng điều mình vẫn sợ, cuối cùng đã xảy đến cho mình. Chúng ta sẽ trước hết tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài (Mat Mt 6:33), hay những điều khác kia? Hãy trước nhất tìm kiếm Đấng Christ, rồi “mọi điều khác nữa cũng sẽ được ban cho các ngươi”. Rất có thể là ý kiến đó của Cựu Ước đã tiềm tàng trong những lời cáo từ mà những kẻ được mời dự tiệc đưa ra. Có người xin kiếu vì mới mua ruộng, mua bò; người khác xin kiếu vì mới cưới vợ (LuLc 14:18-20).
Chúa Giê-xu đòi hỏi chúng ta phải từ chối mình, và điều đó có thể cũng có nghĩa là chúng ta phải trang bị sẵn sàng cho công việc không lấy gì làm thích thú đó. Các nữ tu sĩ phục vụ tại bệnh viện trong quyển “Truyện tích một nữ tu sĩ” của Kathryn Hulme đã chứng minh rằng dầu chúng ta có bài xích các phẩm trật tôn giáo trên phương diện giáo lý thế nào đi nữa, vẫn thực sự phải có một tinh thần theo đúng Kinh Thánh đến mức độ là: “Tất cả vì Chúa Giê-xu – dì phước William đã vừa cho tay vào đôi bao tay cao su vừa nói. Các bạn sinh viên thân mến, xin các bạn hãy nói như thế mỗi khi các bạn được kêu gọi làm một việc mà đối với các bạn, dường như một việc không thể làm nổi. Rồi các bạn sẽ thanh thản làm được mọi sự. Đó là câu phù chú sẽ cất hết những gì là khó chịu trong nhiều nhiệm vụ của người y tá. Các bạn hãy nói như thế khi bưng “bô”, lúc tắm cho người già cả khi họ đại tiểu tiện ngay trên giường, khi mang những chiếc ống nhổ của những người bị lao. Tout pour Jésus (bằng Pháp văn trong nguyên tác) – dì nói – khi bà cúi xuống để thay chiếc áo vấy bẩn của mình”.
Đó có thể là ý nghĩa của việc từ chối mình, và vác thập tự giá mình mà theo Chúa. Người nô lệ không có quyền hành gì cả; nó được kêu gọi để chăm chỉ phục vụ và cứ tiếp tục phục vụ. Nếu có mệt mỏi, đau yếu hay buồn bực riêng tư thì không có gì quan trọng cả; phận sự của nó là phải tiếp tục làm việc. Điểm này được trình bày rất rõ ràng trong LuLc 17:7-10 “Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: Hãy đến ngay mà ngồi ăn, hay sao? Trái lại, há không biểu nó rằng: Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống sao? Đầy tớ vâng lệnh mà làm thì chủ có cám ơn nó chăng? Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm”.
Nếu bạn là một tên nô lệ, bạn phải làm việc như một tên nô lệ. Rất có thể là bạn đã mệt mỏi lắm sau một ngày làm việc ngoài đồng. Lúc đó đã quá sáu giờ chiều rồi. Nhưng không có một liên hiệp nghiệp đoàn Cơ Đốc giáo nào định thì giờ cho loài người làm việc vì Đấng Christ (lẽ dĩ nhiên là có những “tín đồ Chủ nhật”, chỉ dành mỗi tuần hai giờ thờ phượng mà thôi). Nếu bạn là một tên nô lệ, bạn sẽ chẳng bao giờ hết việc làm. Ông chủ nói, hãy dọn bữa ăn tối cho ta. Bạn cũng không đáng được cám ơn hay khen lao hoặc ghi công hay tiền công nào. Dầu sao thì bạn cũng chỉ là một tên nô lệ. Một tên nô lệ thì có thể làm gì khác hơn? Phần ăn của bạn chỉ có sau khi đã làm xong mọi việc. Và cuối cùng, sau khi đã làm xong cả, chúng ta phải nhìn nhận rằng mình chỉ là những đầy tớ vô ích. Chúng ta còn có tâm tình ấy càng hơn khi phục vụ với tư cách tín đồ Đấng Christ.
Nhưng chắc các bạn sẽ bảo: một ông Chủ lịch sự phải cám ơn người nô lệ của mình, dầu người đó chỉ làm phận sự? Phải chăng đó chỉ là một thí dụ, và Đấng Christ không phải là một ông Chủ khắc nghiệt, một ông cai coi sóc nô lệ? Đúng nữa, và chân lý bổ túc ấy đã được giải thích trong 12:37 “Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình và đến hầu việc họ”.
Thoạt nhìn, thì hai truyện tích trên đây dường như trực tiếp mâu thuẫn nhau. Nhưng mục đích của hai câu chuyện rất khác nhau. Truyện tích thứ nhất dạy rằng chúng ta không có quyền hành gì, còn truyện tích thứ hai dạy rằng chúng ta có một ông Chủ đầy ân hậu. Ngài không phải là một bạo chúa. Chúng ta là nô lệ Ngài, nhưng phần phục vụ Ngài không phải là việc làm như của một tên nô lệ. Dầu chúng ta vốn là những đầy tớ vô ích, không xứng đáng, nhưng Ngài vốn đầy lòng thương xót, nhân từ, ân cần, và luôn luôn đổ xuống trên chúng ta các phước hạnh, cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất của đời sống hằng ngày. Đó là bài học về sự phục vụ chăm chỉ, không hề mỏi mệt, nhưng nó còn là việc làm của tình yêu vì có một ông Chủ mà ta yêu mến.

Sự chăm chỉ của người đầy tớ
Chúng tôi đã từng gợi ý rằng thường khi muốn chống đối sự cuồng tín thì thật ra chúng ta lại bỏ luôn sự chăm chỉ và khi chúng ta bênh vực sự chừng mực, chúng ta cũng bênh vực luôn tánh biếng nhác. Chẳng những chúng ta đã làm điều không nên làm, mà còn bỏ luôn việc đáng lẽ chúng ta đã phải làm xong rồi. Chúng ta rất thường chú ý đến một đời sống tự do đối với tội lỗi, đến nỗi chúng ta chỉ nhằm vào những cái gì không rõ ràng, không hiển nhiên thích hợp, một loại thánh khiết tiêu cực nhấn mạnh vào những điều chúng ta không nên làm; trong khi Tân Ước vẫn khuyến cáo chúng ta một loại thánh khiết tích cực, tỏ ra những đức tính tích cực. Không phải chúng ta chỉ không nên ghen ghét, than phiền, nhưng chúng ta còn phải tỏ ra yêu thương, vui vẻ. Vậy chúng ta phải tỏ ra chăm chỉ, và trong bản Authorized Version, chữ đó đã được dùng hai lần, trong IIPhi 2Pr 1:5, 10 “Vậy nên về phần anh em phải gắng hết sức (chăm chỉ ) thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến… Hỡi anh em, hãy chú ý (chăm chỉ ) cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình”.
Khi suy nghĩ về tánh chăm chỉ, chúng ta nhận thấy dường như nó có liên quan đến ba nguyên tắc sau:
1. Kẻ nào đã có thì sẽ cho thêm
Truyện tích về các ta-lâng (Mat Mt 25:14-30) đã nói cho chúng ta biết thái độ của ba người đầy tớ đối với số ta-lâng đã được giao cho họ, cũng như thái độ của chủ họ đối với các kết quả họ đã thu hoạch được. Chúa đã khen những người siêng năng và chăm chỉ, cố gắng tận dụng ngay các cơ hội thuận tiện cho mình. Câu chuyện có vẻ phản dân chủ: có người chỉ được một ta-lâng, trong khi những kẻ khác lại được đến hai lần nhiều hơn, hay cả đến năm lần nhiều hơn nữa! Họ đã không có tài năng ngang nhau, vì ông chủ đã giao cho “tuỳ theo tài mỗi người”. Tuy nhiên, họ có cơ hội đồng đều, vì cả ba đều có một số thì giờ bằng nhau để khai thác triệt để các khả năng của mình. Người chỉ được một ta-lâng đã bị phạt vì biếng nhác . Anh ta là một đầy tớ “dữ và biếng nhác”. Anh ta không chăm chỉ, không cố gắng, Chúa đã không thương xót con người khốn nạn đó bởi vì đến cuối cùng, anh ta cũng vẫn chỉ có một ta-lâng thôi. Không có lý do gì để bênh vực sự lười biếng. Nó là điều ác. Anh ta đã không làm mất điều đã ban cho mình, nhưng đã không làm cho điều mình có sanh được lợi lộc gì.
Tất cả chúng ta đều dễ phạm vào lỗi lầm là “chôn xuống đất” các cơ hội thuận tiện. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng thủng thẳng về sau đã, sau này khi đã ra trường, khi đã tốt nghiệp, hay sau khi lập gia đình, đã ở riêng, hay sau khi chúng ta được thăng chức, đã dọn về ngôi nhà thuộc riêng về mình, hoặc sau khi con cái chúng ta đã lớn và chúng ta có một ngôi nhà rộng, về sau, chừng đó, chúng ta có thể làm một việc gì đó. Tương lai luôn luôn tươi đẹp hơn hiện tại. Chúng ta xem cơ hội hiện tại như chỉ là một ta-lâng, và không chịu sử dụng nó. Đấng Christ đã khen ngợi và ban thưởng cho người có tánh chăm chỉ: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm”. Nguyên tắc “kẻ nào đã có thì sẽ cho thêm” của câu 29 đã thường được Tân Ước nhắc đi nhắc lại. Người đã có cơ hội mà không chịu nắm lấy đã bị gọi là “vô ích” (worthless: vô giá trị), và ta-lâng của anh ta đã được ban cho người đã có mười ta-lâng nhưng đã tỏ ra rằng mình vẫn sẵn sàng sử dụng nó. Cùng một nguyên tắc ấy cũng được áp dụng trong Mac Mc 4:25 liên hệ đến việc chăm chỉ nghe lời (Đạo) Đức Chúa Trời: càng hiểu được nhiều, bạn sẽ có thể hiểu được càng nhiều hơn. Đó là một nguyên tắc về những lợi ích phức hợp trên phương diện thuộc linh. Hãy chăm chỉ, cố gắng, và bạn sẽ càng ngày càng được phước hơn: “Nhưng con đường của người công nghĩa giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa” (ChCn 4:18). Con người chăm chỉ và công nghĩa (đối lập với kẻ lười biếng và gian ác) sẽ từng trải sự sáng láng và phước hạnh càng ngày càng gia tăng đó.

2. Ai được ban cho nhiều,
Nguyên tắc này cho chúng ta thấy rõ rằng người được năm ta-lâng sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn. Người chỉ nhận một ta-lâng đã không làm lợi được gì cả. Nếu anh ta đã làm lợi gấp đôi số vốn đã có, chắc chắn anh ta cũng đã được khen ngợi. Nếu người nhận năm ta-lâng chỉ làm lợi được một ta-lâng mà thôi, chắc anh ta sẽ bị quở trách đích đáng. Nếu việc phân phát các ta-lâng “tuỳ theo tài mỗi người” gợi ý rằng việc ban cho thiếu tính cách dân chủ, thì rõ ràng là việc phân xử liên hệ đến kết quả cũng không hề thay đổi và công minh. Hậu quả được thẩm định trên căn bản chăm chỉ chớ không phải trên căn bản tài năng.
Chúng ta thấy nguyên tắc thứ hai này trong truyện tích về ông Chủ đi xa trở về (LuLc 12:35-48). Chúng ta giống như những người đang chờ đợi chủ mình sẽ trở về không biết giờ phút nào, và phước thay cho người nào tỉnh thức và sẵn sàng. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Nhưng chúng ta có chăm chỉ không, và đã thực hành điều mà tâm trí chúng ta đã biết hay chưa. Việc có thái độ tin chắc về sự tái lâm là một chuyện, còn thực sự sống trong sự mong chờ đó lại là một chuyện khác. Nếu mọi việc không được sắp xếp thứ tự, thì ông chủ sẽ đối xử ra sao với người quản gia? Người đầy tớ ngu dốt, chắc chỉ bị đòn nhẹ. Nhưng “người đầy tớ biết rõ ý muốn chủ mà không sẵn sàng hay hành động theo ý chủ, chắc sẽ bị đánh đòn nghiêm khắc”. Người đó biết điều mình phải làm nhưng không chăm chỉ. Người đó biết bằng trí khôn, nhưng không chịu hành động bằng tay mình.
Chúng ta há không ở trong tình trạng đó sao? Có điều nào chúng ta biết mình phải làm, nhưng còn để lại chưa chịu hành động ngay chăng? Nếu mẹ hay vợ ta luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải sửa một chỗ nào đó trong nhà, hay một vài món quần áo nào phải đưa ra vá mà chúng ta cứ lần lữa, chắc trong gia đình chúng ta sẽ có vài tiếng phàn nàn. Nhưng đối với việc Chúa bảo chúng ta làm thì sao? Chúng ta đã biết cái lý tưởng về người tín đồ Đấng Christ phải ra sao, nhưng chúng ta đã làm gì để đạt đến điều đó? Chúng ta được giao cho nhiều điều; chúng ta cũng bị đòi hỏi phải đáp lại nhiều: “Biết” giáo lý Cơ Đốc thì chưa đủ; chúng ta còn phải làm theo nữa. Các truyện tích về những người đầy tớ trong các sách Phúc Âm thật là giản dị, nhưng sứ điệp chúng rao ra thật là rõ ràng. Nếu bạn chăm chỉ, bạn sẽ được phước. Nếu bạn đã được phước thì bạn có trách nhiệm phải chăm chỉ càng hơn. Tín đồ Đấng Christ là người đang làm việc với tư cách một nô lệ của Đức Chúa Giê-xu Christ. Người ấy không phải là một hình nộm trong tủ kính; người ấy phải là một gương mẫu hoạt động. Người tín đồ Đấng Christ bị đòi hỏi phải chăm chỉ phục vụ Ngài.
3. Ai trung tín trong việc nhỏ,
Thật ra, nếu người chỉ nhận một ta-lâng đã trung tín trong việc nhỏ mọn đó, chắc cũng sẽ được ban thưởng để sẽ có cơ hội bày tỏ sự trung tín ấy trong một phạm vi rộng lớn hơn y như hai người bạn chăm chỉ hơn kia. Cho nên một lần nữa, chúng ta lại thấy sự công bằng trong các nguyên tắc đo lường mức thành công của Đức Chúa Trời. Dầu chỉ được một ta-lâng mà thôi, Đức Chúa Trời vẫn muốn cho anh ta sử dụng nó để làm một điều gì đó.
Nguyên tắc thứ ba về sự chăm chỉ này được bày tỏ trong truyện tích rất thú vị về người quản gia bất trung trong 16:1-15 (xin xem phần chú giải cặn kẽ hơn khúc sách này trong chương 4 sau đây). Phần ứng dụng ở đây là người ấy đã tận dụng những cơ hội hiện tại một cách rất khôn ngoan để lo cho tương lai mình được sung sướng (dầu lẽ dĩ nhiên cách ăn ở của người đó là bất lương, và anh ta là một người quản gia bất trung; nhưng câu chuyện thí dụ chú ý nhiều hơn đến sự suy tính trước và lương tri). Đó là một lời khuyến cáo nên dùng tiền bạc bằng con mắt hướng về các hậu quả đời đời chớ không phải nhằm vào những vui thú tạm thời. Nhưng phần lý luận vẫn được tiếp tục; nếu bạn không trung tín về của bất nghĩa, thì ai dám giao cho bạn những của báu thực sự của thiên đàng? Nếu bạn không trung tín đối với tiền bạc của kẻ khác, ai là người dám tin cậy bạn về những gì bạn có? Thoạt đầu, người ấy được khen vì tánh thận trọng lo xa của mình, rồi bị trừng phạt vì cớ sự bất nghĩa của mình. Luận cứ đầu tiên bắt đầu từ việc nhỏ chuyển sang việc lớn, trong cách xử thế của người ấy đối với của cải đời này và trên trời. Nhưng điểm thứ hai, ấy là đời sống của một người trước sau như một và những ai vốn thận trọng trong những vấn đề nhỏ nhặt nhất chính là những người đáng tin cậy trong những vấn đề quan trọng hơn. Tánh chăm chỉ không phải chỉ dành cho những việc lớn mà thôi, nhưng là đặc tính của người tín đồ Đấng Christ trong mọi khía cạnh sinh hoạt, dầu là trong những chi tiết nhỏ nhặt hơn hết.
Vậy ở đây có ba nguyên tắc về sự chăm chỉ, cố gắng: càng hơn, nhiều và nhỏ. Trung tín trong việc nhỏ, sẽ được ban cho nhiều hơn và đòi hỏi càng hơn là ba điểm tóm tắt diễn tiến của sự chăm chỉ. Chúng tôi xin nhường lời cuối cùng về vấn đề trên đây cho Sa-lô-môn, là người dầu có lầm lỗi trên nhiều phương diện khác, nhưng đã không ai trách được ông là thiếu cố gắng, chăm chỉ (xin xem IVua 1V 4:1-34) khi ông nói: “Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hoại” (ChCn 18:9).
Động cơ thúc đẩy người đầy tơ ù
Người tín đồ Đấng Christ với tư cách một tên nô lệ có những mạng lệnh phải theo, nhưng không hề có một ông cai nào đứng cạnh điều khiển mình với một ngọn roi trong tay. Theo một ý nghĩa nào đó, thì một phần vấn đề của chúng ta liên hệ đến tánh lười biếng. Chúng ta được tự do biếng nhác. Không có ai ở trên chúng ta để xem chúng ta có vâng lời hay không. Nô lệ của Đấng Christ là một người tự do không bị ai quản trị cả. Người ấy được tự do để chăm chỉ, cố gắng, cũng như tự do lười biếng. Vấn đề cho chúng ta, ấy là nếu chúng ta biếng nhác thì chỉ có một lương tâm quấy rầy cáo trách chúng ta mà thôi. Sự tự do của tín đồ Đấng Christ đối lập với hợp pháp chủ nghĩa chớ không đối lập với chế độ nô lệ và sự phục vụ. Được tự do không có nghĩa là đi vơ vẩn hay không cần vâng lời hoặc là hoàn toàn độc lập đối với chủ. Người tín đồ Đấng Christ đã tình nguyện đặt mình làm một tên nô lệ. Người ấy được tự do – để phục vụ.
Trong Cựu Ước (XuXh 21:1-7) người nô lệ có một thời gian phục vụ nhất định, và tất cả nô lệ đều được giải phóng vào năm thứ bảy, và có một phương thức mà theo đó, người nô lệ có thể tự buộc mình vĩnh viễn với ông chủ. Nếu muốn, người ấy có thể nói: “Tôi yêu chủ, yêu vợ, con tôi, nên sẽ không ra đi để được tự do” hoặc “Tôi muốn làm nô lệ cho người này bởi vì người này đối xử rất tốt với tôi, và tôi biết là tôi có thể tin cậy ông ta. Ông đã thương tôi, che chở tôi và cung cấp mọi nhu cầu cho tôi. Làm nô lệ cho ông thì sung sướng hơn là được tự do”. Dầu Đấng Christ là Chủ, là Chúa chúng ta, Ngài đã không đối xử với chúng ta như nô lệ, nhưng với tư cách là bạn thiết, là anh em Ngài. Phao-lô đã nói với Phi-lê-môn rằng, kẻ đã có lần vốn là đầy tớ vô ích của ông ta là Ô-nê-sim, hiện đang trở về với ông ta như một anh em yêu dấu. Người nô lệ trở về như một nô lệ, nhưng ông chủ sẽ tiếp đón người ấy như một anh em. Chúng ta đã được Chúa Giê-xu mua chuộc và chúng ta là những nô lệ của Ngài. Dầu vậy, Ngài đã đối xử với chúng ta như anh em (xin xem RoRm 8:29; HeDt 2:11, 12).
Cho nên động cơ thúc đẩy không phải là sự sợ hãi, nhưng là tình yêu. Chúng ta phục vụ Ngài không phải vì bổn phận, nhưng vì muốn làm đẹp ý Ngài. Tôi phải phục vụ Ngài là điều thích hợp, vì Ngài là Chúa tôi.

Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
(Cầu nguyện với Chúa về các vấn đề của chúng ta thì có giá trị hơn là chỉ nhìn nhận rằng chúng có thật: và chúng ta để thì giờ cầu nguyện ngay bây giờ thì tốt hơn là bước ngay sang chương tiếp theo).
“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành Ngài đã làm cho tôi ? Tôi sẽ cầm cái chén cứu rỗi mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va . Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va những sự tôi hứa nguyện tại trước mặt cả dân sự Ngài .
Thi Tv 116:12-14
Tôi đã tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa của đời sống mình một cách rõ ràng, dứt khoát chưa? Điều nầy có thể có nghĩa là khi tôi ăn năn tội, hay cho đến bây giờ, tôi chỉ là một tín đồ Đấng Christ một cách hữu danh vô thực, mà không thấu hiểu được những ý nghĩa sâu xa của việc tôi gọi Ngài là Chúa. Tuy nhiên điều đó không mấy quan trọng so với việc từ nay tôi có chịu dứt khoát đầu phục để vâng lời Ngài trong mọi sự hay không.
Tôi có gọi Ngài là “Chúa ” nhưng vẫn cố ý không vâng lời hay quên đi những điều tôi không muốn vâng lời Ngài chăng ? Bây giờ , tôi đã sẵn sàng sửa đổi lại mọi sự không ?
Tôi đã có kinh nghiệm nào về việc “rửa chân” – nghĩa là hạ mình xuống để phục vụ kẻ khác – chưa? Đã có cơ hội nào cho tôi có thể làm việc ấy, nhưng tôi đã thối lui vì kiêu ngạo – tại nhà riêng, tại sở làm hay trong Hội Thánh – không ?
Tôi đã đặt Đấng Christ đứng đầu mọi sự chưa , hay chỉ làm điều đó khi nào không có sự tranh chấp với tham vọng cá nhân , những mục đích vật chất đắt giá , những điều tôi phải thoả mãn nếu tôi muốn thành công trong đời ? Phải chăng đức tin tôi chỉ là phụ thuộc hay bổ túc cho mục đích chính của đời sống tôi ?
Hiện giờ, có cơ hội thuận tiện nào tôi phải tận dụng vì Đấng Christ chăng? Tôi đang tận dụng chúng hay đang để cho chúng qua đi, đang chôn giấu ta-lâng của tôi xuống đất? Có cách nào để tôi trở thành ích lợi cho Chủ, hay tôi chỉ là một tên đầy tớ biếng nhác và gian ác?
Tôi có trung tín trong những việc nhỏ nhặt không ?
Tôi có thật yêu Chúa và do đó, muốn phục vụ và làm đẹp lòng Ngài chăng? Hay tôi chỉ phục vụ Ngài khi có thì giờ rảnh rỗi?
“Xin cho tôi chỗ thấp nhất ; không phải tôi dám
xin chỗ thấp nhất ấy , mà vì Ngài đã chịu chết
Để tôi được sống và chia sẻ
Vinh quang Ngài bên cạnh Ngài
Xin cho tôi chỗ thấp nhất ; vì nếu đối với tôi
Chỗ thấp nhất đó vẫn còn là quá cao ,
xin hãy cho tôi một chỗ thấp hơn nữa
Để tôi có thể ngồi đó và trông thấy
Đức Chúa Trời tôi , và yêu mến Ngài
xứng đáng với tư cách ấy .”

CHRISTINA ROSETTI