QUÂN BÌNH HAY CUỒNG NHIỆT?

Xin Chúa tiếp nhận lòng con , nó là của Ngài
để trở thành ngai ngự của Ngài

Khi bàn đến vấn đề “đầu phục Đấng Christ một cách trọn vẹn”, nhiều người cảm thấy khó chịu. “Về việc dâng mình trọn vẹn đó có thể là quá mấu, và rất dễ đi quá xa. Lẽ dĩ nhiên là Cơ Đốc giáo không hề đưa ra những đòi hỏi ngông cuồng buộc chúng ta trở thành những con người cuồng tín. Chúng ta phải thực tế và hợp lý – chắc ai cũng biết là phải ‘tiết độ trong mọi sự’. Kinh Thánh đã chẳng dạy như vậy sao?”
Tôi nhớ là đã bị một bạn giáo sĩ trêu đùa như sau: “À, tôi biết là bạn ở trong nhóm IVF. Phải chăng các bạn chủ trương phải sống quân bình?” Lẽ dĩ nhiên là phần đông chúng ta đều bênh vực cho nếp sống quân bình, chừng mực. Chúng ta phải tìm hết cách để tránh các cực đoan. Tuy nhiên, với tư cách tín đồ Đấng Christ, trước hết chúng ta phải sống hợp Kinh Thánh, và nếu chúng ta thành thật thì phải nhận rằng sự quân bình, chừng mực mình hay rêu rao đó, có thể trở thành một chiếc áo khoác ngoài rất thuận tiện để chống chế cho thái độ dễ thoả hiệp, dửng dưng và biếng nhác của chúng ta.
Nhưng thiết tưởng đi ngay vào cuộc bàn cãi phải đặt việc sử dụng thì giờ và tiền bạc của chúng ta vào kỷ luật, phải dâng tất cả mọi điều mình có cho Đức Chúa Trời, thì không ích lợi gì, vì nó có thể khiến cho một số người run sợ, trong khi phần đông chúng ta sẽ viện ra sự phước hạnh của nếp sống quân bình, chừng mực, vốn là một lý luận rất đúng. Cho nên trước hết, chúng ta phải tìm xem Kinh Thánh đã khuyến khích sự cuồng nhiệt mù quáng hay nó vốn là mẫu mực của một đời sống thuần chánh, tiết độ, vui tươi và hoàn toàn hợp lý. Chúng ta cũng phải nhớ rằng đây không phải chỉ là một cuộc bàn cãi lý thuyết, trừu tượng mà chúng ta đang đề cập đến Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đó thực hữu và Ngài muốn có một mối tương giao thực sự với chúng ta. Thế là ngay lập tức chúng ta đã trở nên thận trọng rồi; vậy xin hãy chừng mực và đừng để cho một cái gì ám ảnh mình cả. Một số người muốn trốn tránh khi nghe đề cập đến vấn đề hôn nhân chỉ vì họ thình lình biết được là hôn nhân gồm có những gì. Cũng vậy, một số người bỗng đâm ra ngại ngùng khi thình lình được biết rằng làm tín đồ Đấng Christ là phải tương giao với Đức Chúa Trời – và không có lời lẽ nào lại có thể nói lên sự sợ hãi, kinh ngạc có trong giọng nói của chúng ta khi chúng ta thốt lên chữ cuối cùng của câu này. Như thế thì phải chăng Đấng Tạo Hoá, Cha Thiên thượng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa, người Bạn thân thiết đầy lòng thương xót của chúng ta đã đòi hỏi chúng ta một điều vô lý, bất chính? Xin hãy đánh tan ý nghĩ đó đi! Nếu chúng ta không tin cậy ở Ngài, thì còn có thể tin cậy được ai? Cho nên rõ ràng là trước hết chúng ta phải suy nghĩ đến các nền tảng để dựa vào đó, chúng ta sẽ thiết lập mọi lời kêu gọi vào các hành động của người tín đồ Đấng Christ, dầu hành động đó chỉ là vừa phải theo một chừng mực nhất định.
Chính Kinh Thánh cũng tán dương rất ít về sự vừa phải đó. Có câu Kinh Thánh nào dạy chúng ta phải tốt lành vừa phải, thánh khiết vừa phải, sốt sắng vừa phải chăng? Hay có chỗ nào cho phép chúng ta ích kỷ vừa phải, dễ dãi vừa phải với chính mình chăng? Nói như thế là nhái lại Kinh Thánh. Chúng ta có thể bảo rằng Cựu Ước là lịch sử của một dân tộc chỉ muốn chừng mực, dễ dãi trong vấn đề tôn giáo, và cách thức Đức Chúa Trời đã không cho phép họ như vậy. Ngài luôn luôn quở trách và kiên trì kêu gọi họ phải nhiệt thành theo đuổi sự thánh khiết, duy trì công bằng xã hội, đừng dung dưỡng các tôn giáo khác và sốt sắng về sự công nghĩa. Và khi họ vẫn ngoan cố không chịu tự phân rẽ mà cứ hoà hoãn với hình tượng, vẫn gây bất công trong xã hội và sống bất khiết, mặc dầu những lời cảnh cáo luôn được nhắc đi nhắc lại, thì Ngài đã đoán xét và trừng phạt họ.

Nhiều câu Kinh Thánh bị trích dẫn sai lầm
Nhưng dầu Cựu Ước có nói gì đi nữa, thì chắc chắn là Tân Ước phải chăng đã có một thái độ hợp lý và dễ dãi hơn? Dầu sao, Phao-lô cũng nói: “Phải cho mọi người biết nết ôn hoà (moderation: vừa phải, chừng mực, tiết độ hay ôn hoà) của anh em” (Phi Pl 4:5, theo bản AV). Vậy, “ôn hoà” có nghĩa gì? Nó có nghĩa là không đi đến cực đoan, trái với việc đi đến chỗ quá độ. Đúng, nhưng phải chăng đó là ý Kinh Thánh muốn dạy? Lightfoot gọi đó là tinh thần “tử tế và nhẫn nhục”, mà “nhẫn nhục” là tinh thần trái với tranh đua, tự tôn. Tóm lại, từ ngữ Hi Lạp epieikçs là một chữ có nghĩa là “nhường nhịn, tử tế, nhu mì” và đã được dịch là “mềm mại, hoà nhã” trong ITi1Tm 3:3; Tit Tt 3:2; Gia Gc 3:17; IPhi 1Pr 2:18. Như thế, rõ ràng chữ “ôn hoà” là một lối dịch không được sát nghĩa lắm.
Nhưng lương tri chắc cũng bảo rằng cưỡng ép dùng một câu trong sách Phi-líp để biện minh cho tính hờ hững, dửng dưng là điều không mấy khôn ngoan! Chúng ta hãy đọc kỹ phần còn lại của thư tín ấy. Nó đã đề cập đến Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã đi đến bước cùng cực để cứu rỗi loài người, đến tuyệt điểm là mặc lấy hình tôi tớ (Phi Pl 2:6, 7), chịu khổ, chịu nhục và cuối cùng, phải mất cả thể diện khi chịu chết như một kẻ gian manh, lường gạt. Chính Phao-lô cũng nói là mình sẵn sàng đổ mạng sống ra trên của lễ hy sinh là đức tin của người Phi-líp (2:17). Ông đã nói một cách quá mức về ý nghĩa của người theo Đấng Christ: “Đấng Christ là sự sống tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi” (1:21, theo bản nhuận chánh: sống là Christ, chết là lợi). “Tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó” (3:8). Chắc những ý niệm đó không hề khuyến khích sự “vừa phải” trong vấn đề đức tin. Cho nên rõ ràng là câu đó không hề chứa đựng cái ý nghĩa mà thỉnh thoảng người ta đã gán cho nó; mà thật ra Kinh Thánh không có chỗ nào dạy chúng ta về sự “vừa phải”.
Chúng ta có thể hiểu như vậy từ việc trích dẫn sai một vài câu trong cùng một thơ tín ấy để chứng minh cho một sự kiện thật thú vị là những chỗ nhấn mạnh trong Kinh Thánh rất ít khi chỉ mang tính tương đối, mà luôn là những lời tuyên bố tuyệt đối, không hề bị một hạn chế nào làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của chúng cả. Phao-lô đã không cầu nguyện cho tình thương của người Phi-líp chỉ bị bó buộc trong khuôn khổ của lý trí hay trong một mức độ tri thức và nhận thức nhất định để họ có thể tương đối chấp nhận những điều tuyệt hảo, hay được trở nên thánh sạch, sẵn sàng và không chỗ trách được một cách vừa phải trong ngày Chúa đến, và được đầy dẫy một nửa những bông trái của sự công nghĩa (xem 1:9-11). Ông cũng không hề mong ước cho họ trở thành những con cái của Đức Chúa Trời chỉ không chỗ trách được, sẵn sàng, ngay thẳng một cách tương đối, giữa một dòng dõi gian dối, hư hỏng để rồi ở giữa chúng, họ sẽ chỉ chiếu ra một thứ ánh sáng yếu ớt như lũ đom đóm trong buổi hoàng hôn (xem 2:15).
Trái lại, thái độ vui mừng và đức tin hoan lạc trong Chúa mà Phao-lô đề cập đến chính là xuất phát từ lòng vâng phục vô điều kiện những mạng lệnh tuyệt đối, tuôn trào từ một tấm lòng hoàn toàn vâng theo một Đức Chúa Trời mà ông chỉ có thể mô tả bằng một loạt những danh từ mang ý nghĩa tuyệt đối. Trong chính bản tính Ngài, một Đức Chúa Trời như thế không thể nào chịu thoả mãn với những hậu thuẫn hữu hạn, với sự vâng phục có điều kiện, hay với sự thánh khiết tương đối. Đối với Ngài chỉ có điều tuyệt hảo mới đủ tốt lành mà thôi.

Đức Chúa Giê-xu có dạy cho chúng ta nên ôn hoà không?
Trong những đòi hỏi và lệnh truyền của Đấng Christ, rõ ràng là có cái đặc tính tất-cả-hay-không-gì-cả. Chúng là những điểm nhấn mạnh, những mạng lệnh tuyệt đối, đinh thép gần như khiến chúng ta phải rùng mình vì không có khoản nào là tương đối hay ngoại lệ. (Đến nỗi Giám mục Charles Gore đã muốn nêu ra trường hợp ngoại lệ trong Mat Mt 19:9 “ngoại trừ vì cố ngoại tình” mà ai cũng biết là một trường hợp thêm thắt vào bản tiếng Việt dịch là “không phải vì cớ ngoại tình” chớ không phải là câu nói đúng nguyên văn của Đức Chúa Giê-xu, mặc dầu không có bản văn chính thức nào đủ rõ ràng để hậu thuẫn cho vấn đề tranh luận ấy!).
Chúng ta hãy xét lại một vài điều Chúa Giê-xu đã nói. Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn đến một vài điểm trong phần sau của quyển sách này, nhưng chúng ta hãy lấy một thí dụ, như những ý niệm về việc theo Chúa, vâng lời Đức Chúa Trời và cung hiến cho Ngài.

Bước theo Chúa Giê-xu
Đức Chúa Giê-xu thường gọi người ta theo Ngài. Các môn đệ đầu tiên là Phi-e-rơ và Anh-rê, đã được truyền: “Hãy theo ta, ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người”. Tức thì, họ bỏ lưới mà theo Ngài. Rồi từ đó ra đi, Ngài lại thấy hai anh em khác là Giăng con trai Xê-bê-đê với em mình đang vá lưới trong chiếc thuyền của cha họ là Xê-bê-đê. Và Ngài gọi họ. Tức thì, họ bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài” (4:18-22). Chúng ta không được nói cho biết là cha họ đã nghĩ sao về việc đó, gia đình họ đã xoay sở ra sao cho xong mọi việc khi không còn sự giúp đỡ của hai người con. Chúng ta không thấy có lời bàn cãi nào về điều kiện phục vụ. Họ chỉ được gọi và đã ra đi.
Về sau, có người tỏ ý muốn đi theo Đức Chúa Giê-xu bất cứ nơi nào Ngài đi đến thì được Ngài khuyên phải suy xét lại thái độ của mình, có lẽ là vì người ấy đã không thực sự sẵn sàng theo Ngài vô điều kiện; trong khi có người khác tìm cách trì hoãn việc phải thực sự đoạn tuyệt với gia đình lại được kêu gọi hãy theo Ngài lập tức (8:19-22). Không có một lý do nào có thể viện ra để trốn tránh việc phải vâng theo tiếng gọi của Đấng Christ.
Chính Ma-thi-ơ đã đứng dậy, lìa bỏ ngay công việc của mình khi ông được gọi. Không hề có sự bàn cãi về vấn đề phải làm thế nào để ông lãnh được phần hưu bổng vì đã nghỉ hưu trước tuổi, cũng không có kỳ hạn để ông tìm một người thay thế chỗ làm việc cho mình, hoặc vấn đề từ nay về sau, ông sẽ giải quyết vấn đề tài chính làm sao. Đức Chúa Giê-xu nói: “Hãy theo ta”, và Ma-thi-ơ đã lập tức làm y như vậy (9:9).
Việc theo Chúa đó là một vấn đề mang khái niệm tuyệt đối. Chúa Giê-xu phải được chúng ta yêu mến hơn cả cha mẹ, con trai hay con gái chúng ta (vì đối với phần đông chúng ta, đó là những mối liên hệ quý báu và cấp thiết nhất), và “người nào không vác thập tự giá mình mà theo ta thì không xứng đáng cho ta” (10:38). Trong vấn đề này, không có gì là “ôn hoà”, “vừa phải” hết. Không một người nào đọc những khúc sách như thế bằng tấm lòng chân thành lại có thể nghĩ rằng nó có nghĩa là chúng ta phải ôn hoà trong việc theo Chúa Giê-xu. Phi-e-rơ là con người luôn luôn thẳng thắn, đã nói: “Này, chúng tôi đã bỏ hết mọi sự mà theo thầy”. Theo Chúa Giê-xu là một việc làm phải để cả tấm lòng mình vào đó và mọi việc khác chỉ chiếm địa vị thứ yếu. Trong cả Tân Ước, không có chỗ nào dạy chúng ta nên chừng mực trong việc theo Chúa Giê-xu.

Vâng theo Đức Chúa Trời
Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Chúa Giê-xu đã nghiêm nghị quở trách những kẻ xem thường các lệnh truyền của Đức Chúa Trời hay là dạy người khác làm như vậy. Luật pháp phải được tuân phục (5:17-21). Điều quan trọng không phải là những lời lẽ cảm kích đầu môi chót lưỡi “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, những việc làm cảm kích như các phép lạ của nhà tiên tri, những bài kinh, bài cầu nguyện hay những điều giống như vậy, nhưng là làm theo “ý chỉ của Cha ta ở trên trời” (7:21-27). Ở đây không dạy chúng ta phải chừng mực. Phải tuân phục từng ly từng tí, vâng theo các lệnh truyền của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Điều đáng ghi nhận, ấy là Bài Giảng Trên Núi không phải chỉ là rất nhiều lời khuyên dạy bổ ích về luân lý hay khích lệ chúng ta phải ăn ở đạo đức, nhưng là những mạng lệnh xác định liên hệ đến việc phải vâng phục hết lòng. Sau đó, Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng đến ngày phán xét, chúng ta phải trả lời về tất cả “những lời tầm phào” (bản Anh văn dịch là careless: những lời nói ra cách vội vàng thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc bất cẩn, 12:36). Câu này không hề gợi ý rằng đối với lời nói thì năm mươi phần trăm kể là thi đậu rồi.
Trong Phúc Âm Lu-ca (LuLc 6:46), chỗ khúc sách nói về việc xây nhà trên tảng đá, Chúa Giê-xu bảo: “Sao các ngươi gọi ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa! Mà không làm theo lời ta dạy?”. Đối diện với Đấng Christ trong ý nghĩa Ngài là Chúa chúng ta thật là một thử thách kỳ lạ; nó có nghĩa là Ngài đang trông đợi chúng ta vâng lời. Sự vâng lời một phần, vừa phải, không hề được cho là đủ.
Người đàn bà tin kính đã đưa một nhận xét ra vẻ cao đạo về phước hạnh của người được làm mẹ Đức Chúa Giê-xu, được trả lời bằng câu thấm thía: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn” (11:28). Đối với Đức Chúa Giê-xu, không có gì quan trọng hơn sự vâng lời. Thật là khó thấy được người ta có cách nào để vừa biện luận là phải chừng mực trong việc tuân phục các mạng lệnh của Đức Chúa Trời, vừa vẫn thực sự theo đúng những gì Kinh Thánh đã chép. Sự vâng lời vừa phải chỉ là một lối nói tránh của sự không vâng lời mà thôi.

Cung hiến cho Đức Chúa Trời
Có gì cuồng nhiệt hơn hành động của người goá phụ nghèo đã dâng những đồng tiền cuối cùng của mình cho công quỹ đền thờ để phục vụ Đức Chúa Trời? (21:2). Dầu vậy, lối dâng tiền của bà đã được đề cao, bởi vì bà “đã dâng hết của mình có để nuôi sống”.
Hay cũng có một người đàn bà khác (Mat Mt 26:7) mà có người bảo là chính Ma-ri, em của Ma-thê (GiGa 12:3 và tt) đã đập vỡ chai dầu cam tòng hương quí giá để xức cho Đức Chúa Giê-xu. Dầu bị nhiều người khác cho là một việc làm có tính cách hoang phí, nhưng Đức Chúa Giê-xu đã bênh vực bà: “Người đã làm một việc đẹp đẽ cho ta… Khắp thế gian, hễ nơi nào Tin Lành này được giảng ra. Thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người”. Chính hương thơm của sự cung hiến không chừng mực đó đã tràn đầy ngôi nhà. Lắm lúc, khi chúng ta đọc truyện tích ấy, chúng ta đã bị người đàn bà kia khiến mình bối rối và cảm thấy là chúng ta xây mắt mà nhìn vào chỗ khác. Nhưng, đó chính là sự cung hiến trọn vẹn, sự dâng mình hết lòng cho Đấng Christ mà Tin Lành dạy chúng ta phải làm.

Thế quân bình
Thế thì, phải chăng sự tiết độ, chừng mực, không được Kinh Thánh cho là một đức tính, và hễ là tín đồ thì chúng ta bị bắt buộc phải cuồng nhiệt? Theo một ý nghĩa nào đó thì tôi nghĩ là đúng như vậy! Lời dạy dỗ của Kinh Thánh có một thế quân bình thật kỳ diệu. Tuy nhiên, những điều kiện đã không xuất hiện như những ngoại lệ hay nhằm mục đích sửa đổi các nguyên tắc tuyệt đối đã được thiết đặt. Thật ra, các mạng lệnh và các nguyên tắc đã bổ sung cho nhau, không phải theo một cách thức để làm suy yếu sức mạnh tuyệt đối của chúng, mà để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc chúng ta phải áp dụng chúng như thế nào. Chúng ta hãy xét ba thí dụ trong đó các nguyên tắc tuyệt đối và những mạng lệnh Kinh Thánh đã thiết đặt có liên hệ hỗ tương:
1. “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất… nhưng… ở trên trời” (Mat Mt 6:19). Nguyên tắc rõ rệt đó, theo một ý nghĩa, đã được xác định bằng mạng lệnh: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (ITi1Tm 5:8). Nguyên tắc thứ hai này không cho phép chúng ta hiểu mạng lệnh trên có nghĩa là chúng ta không nên để dành bất cứ một số tiền nào hay không nên gởi bất cứ số tiền nào ở ngân hàng. Nhưng rõ ràng là trợ giúp bà con, thân thuộc, có thể là một việc làm đòi hỏi tốn kém và hi sinh, mà khi làm vậy, tôi sẽ chứa của cải tôi trên trời, cho nên nguyên tắc trước đã không hề bị huỷ bỏ. Tôi phải để dành một ít của cải dưới đất này để trợ cấp cho những người thân thuộc, nhưng phải thận trọng là đừng để nhiều hơn số có cần cho mục đích ấy, cũng như đừng bao giờ quên người ăn mày đang nằm trước cửa nhà tôi. Như thế, các nguyên tắc sẽ hỗ trợ lẫn nhau để ngăn ngừa chúng ta áp dụng sai hay khiến chúng thành ra lệch lạc. Đó không phải là vấn đề chỉ lo lắng có chừng mực cho những người thân thuộc của chúng ta, hay chỉ dự trữ một số của cải có chừng mực trên trời; mà cả hai lệnh truyền vẫn tiếp tục được áp dụng song song.
2. “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời” (IPhi 1Pr 5:6). Đây là một nguyên tắc tuyệt đối. Không có chỗ nào dạy chúng ta phải hạ mình vừa phải và tránh việc hạ mình đến tột độ. Có một thí dụ rất hay về thế nào một đức tính như sự khiêm nhượng tự hạ mình xuống có thể bị hiểu sai lệch trong quyển “Truyện tích một nữ tu sĩ”. Nhân vật chính trong truyện là một nữ tu sĩ, con gái của một bác sĩ, rất thông minh và có khả năng trong nghề y tá. Có người tưởng rằng cần phải có một việc gì xảy ra để hạ bớt tánh kiêu căng về các khả năng của cô. Có người gợi ý rằng cô phải cố ý thi trượt môn “Y khoa nhiệt đới” như một “thái độ hạ mình”, vì những người khác sẽ cho rằng cô thi hỏng là vì ngu dốt hay lười biếng. Cô đã trải qua một cuộc chiến đấu nội tâm mãnh liệt: phải chăng Đức Chúa Trời muốn tôi phải thi trượt? Phải chăng sự kiêu căng trí thức đã khiến cô ngần ngại, không chịu viết những câu trả lời sai? Giả sử, cô không thể nào giả bộ được, và đã đỗ trong số người đứng đầu bảng. Phải chăng điều đó có nghĩa là cô không chịu khắc phục tính kiêu căng trí thức, và cô chỉ cần một chút khiêm nhượng, một sự hạ mình vừa phải là đủ? Rõ ràng là nếu cô thi trượt thì rất tốt, bởi vì tánh kiêu căng trí thức của cô sẽ bị hạ xuống. Nhưng trường hợp này còn liên hệ đến các nguyên tắc khác của Kinh Thánh. Chúng ta phải ngay thẳng đối với bản thân, bởi vì viết sai những câu trả lời mình biết rõ là làm điều giả dối, một cách làm chứng dối. Thứ hai, người tín đồ Đấng Christ phải chăm chỉ, phải làm mọi việc cách tận tâm vì vinh hiển Đức Chúa Trời. Thứ ba, còn có vấn đề phải tốn thì giờ và tiền bạc cho khoá học, phải làm người quản lý trung tín những khoản đó của Đức Chúa Trời. Phương pháp để đạt đến một tinh thần hạ mình vốn được gợi ra cho cô không thể nào thực hiện mà khỏi phạm vào các nguyên tắc khác của Cơ Đốc giáo.
3. “Người hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Mat Mt 22:37). Thật rõ ràng là yêu mến Chúa như vậy không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không còn chút tình yêu nào cho bất luận một ai khác! Dầu chữ “hết” có tính cách hoàn toàn tuyệt đối, bao gồm mọi lãnh vực, nhưng yêu mến Đức Chúa Trời như vậy vẫn không loại bỏ việc phải yêu kẻ lân cận như mình, là lệnh truyền tiếp theo trong mấy câu sau đó. Không ai có thể viện cớ là vì quá bận yêu Chúa mà mình không thể nào yêu người lân cận được! (dầu thật ra, nhiều người có tâm trí hay lý luận quỉ quyệt đã làm lơ đối với người bị thương tích nằm bên đường, để cuối cùng người ấy phải trông cậy vào sự giúp đỡ của người Sa-ma-ri tốt bụng kia). Một người đàn ông yêu vợ hết lòng vẫn không được miễn trừ việc phải yêu đứa con nàng mang trong lòng vì mình! Hơn nữa, tình yêu đó còn lan rộng ra để bao gồm cả những đứa con sẽ thêm vào đó về sau, mà không hề làm suy giảm chút nào tình yêu của người ấy đối với người vợ và đứa con đầu lòng của mình. Không hề có vấn đề phải giảm tình yêu đối với vợ, lần thứ nhất 50%, lần thứ hai còn 33,33% và vân vân! Yêu đồng loại và yêu Chúa không có nghĩa là chúng ta phải yêu Chúa cách vừa phải (thí dụ như 50%) và yêu người lân cận cũng vừa phải (25%), bằng với phần dành lại để yêu chính mình (25%)! Tuân theo mạng lệnh yêu kẻ lân cận tức là theo cùng một con đường, thi hành cùng một cách thức chúng ta đã tỏ ra trong việc yêu mến Đức Chúa Trời.
Như vậy, thế quân bình không phải là một vấn đề tính tỷ lệ bằng toán học, chú ý đến việc chia đều các nguyên tắc của Kinh Thánh, thí dụ như 25% cho phần này, 35% cho phần nọ. Tất cả các nguyên tắc đều đồng thời phải được tuân giữ 100%. Trong một tấm lòng chân thành và vâng phục Đức Chúa Giê-xu Christ, không có chỗ nào là “ tương đối hay vừa phải” cả.

Sự cuồng tín
“Cuồng tín” là một chữ ai cũng sợ (như bên Mỹ người ta còn gọi nhiều người theo nhiều giáo phái khác nữa: Methodist, Pietist, Enthusiast, Fundamentalist và v.v….). Chúng ta dùng nó để bêu xấu một số người nhẹ dạ, tin tưởng hết lòng. Chữ này gợi lên cho chúng ta thấy một con người có đôi mắt cuồng tín, khắc khổ, hay ra điệu bộ, cầm trên tay một quyển Kinh Thánh khổ lớn, một con người kỳ dị, quái đản, ăn nói khác thường, có lập trường cực đoan, kỳ quái về mọi vấn đề. Có khi chữ này nói lên một phần nào về chính con người đã dùng đến nó, vì cớ người đã định nghĩa người cuồng tín là “một người bị lòng số sắng quá mức thúc đẩy, dường như người ấy đang đứng trước hiện diện của nhiều người khác không bị sự sốt sắng quá mức thúc đẩy y như mình”. Rất có thể là như vậy, nhưng người ta vẫn gặp những người như thế; họ là những người cuồng tín, và không có tên nào khác để gọi họ.
Cái gì đã khiến cho một người hay làm mích lòng người ta như vậy? Có thể là vì họ muốn phô trương, khinh suất, có cử chỉ vô giáo dục, tính tình trịch thượng, hẹp hòi, bảo thủ, đang đội lốt tôn giáo, và v.v.. Tuy nhiên, những thái độ hay làm mích lòng đó không phải là do người đó hiểu quá nhiều về Kinh Thánh đến độ đem những quan niệm Cơ Đốc giáo của mình đi quá xa; trái lại, một người có thái độ như vậy là vì người ấy đã không thông hiểu tường tận Kinh Thánh. Nếu quí vị ứng dụng Cơ Đốc giáo một cách phải lẽ, quí vị sẽ không đẩy Cơ Đốc giáo đến chỗ “quá mấu” như thế. Người thực sự hiểu Kinh Thánh có thể khiến cho chúng ta cảm thấy không an lòng, nhưng người đó có một cái gì vui tươi, lôi cuốn, khiến chúng ta nhớ lại chính Đấng Christ. Nếu có người “cuồng tín” khiến nhiều người mích lòng, thì không phải là vì người ấy cố sống theo “nguyên văn” Kinh Thánh, mà thật ra là vì người ấy đã không tuân giữ một vài nguyên tắc tối quan trọng của Kinh Thánh, và nhấn mạnh quá đáng đến một số nguyên tắc trong khi lại không đếm xỉa gì đến các nguyên tắc khác. Không phải là tại người ấy thiếu chừng mực, mà vì người ấy không “cuồng tín” đồng đều đối với tất cả những gì Đấng Christ đã dạy, thí dụ như những lời dạy dỗ rất mạnh mẽ về việc khoe khoang trong Ma-thi-ơ đoạn 6 chẳng hạn. Họ còn cần phải “cuồng tín” trong việc tôn trọng kẻ khác, và “quá mấu” trong vấn đề hạ mình nữa! Kinh Thánh dạy chúng ta phân rẽ với thế gian (chúng ta phải “cuồng tín” trong vấn đề này theo đầy đủ ý nghĩa của Kinh Thánh khi nói về xác thịt và tâm trí xác thịt của chúng ta, chớ không phải là chỉ kiêng kỵ những phong tục, tập quán vẫn thay đổi từ xứ này qua xứ khác mà thôi), nhưng câu đó không có ý bảo rằng người tín đồ không nên tiếp xúc với người không tin Chúa, ngoại trừ việc rao giảng sự đoán xét cho họ (IICo 2Cr 6:17 và tt phải được đọc trong sự thông hiểu ý nghĩa của ICo1Cr 5:10). Chúng ta phải bước đi y như Ngài đã bước đi (IGi1Ga 2:6), và Ngài vốn là bạn thiết của những người thâu thuế và kẻ có tội. Thế thì, yếu tố làm mích lòng trong sự cuồng tín là do việc không hiểu Kinh Thánh đến nơi đến chốn và không hành động giống như Đức Chúa Giê-xu. Theo nghĩa đen thì người như thế được gọi là khác thường và mất thăng bằng (eccentric), như một chiếc bánh xe không tròn đúng mức, quá “cuồng tín” vào một số các chân lý Cơ Đốc giáo hơn một số khác. Những người ấy không phải cần ôn hoà, chừng mực hơn, nhưng đúng hơn là cần phải “quá mấu” vâng theo tất cả mạng lệnh của Đấng Christ chớ không phải chỉ “quá mấu” trong một vài mạng lệnh mà thôi. Chính Chúa Giê-xu là một con người hết lòng, tận tuỵ, nhưng Ngài đã lôi cuốn quần chúng chứ không khiến cho người ta xa lánh mình.
Cho nên, chúng ta không cần phải trở thành ôn hoà, chừng mực hơn, nhưng phải chăm chỉ nghiên cứu Kinh thánh nhiều hơn để tìm xem thật ra thì các mạng lệnh của Chúa là thế nào, để xứng đáng gọi Ngài là Chúa và làm đúng điều Ngài đã dạy. Lời truyền dạy của Chúa Giê-xu : “Hãy đi, khiến muôn dân trở nên môn đồ ta, làm báp-tem cho họ…” được tiếp nối bằng : “dạy họ tuân giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mat Mt 28:19), gợi ý rằng điều chúng ta phải dạy dỗ là sự vâng phục tuyệt đối, trọn vẹn với những điều Đức Chúa Giê-xu Christ đã dạy. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tránh được thái độ ôn hoà nguội lạnh, một thứ Cơ Đốc giáo lỏng lẻo, và mặt khác, là một loại cuồng tín sai lầm, kỳ quặc, một chiều.
Điều cũng thường xảy ra, ấy là khi chúng ta đối chiếu sự ôn hoà, chừng mực với lòng cuồng tín, thì điều thực sự chúng ta muốn biện minh, bênh vực là sự lười biếng chớ không phải là sự chăm chỉ, thận trọng, là để dung hoà chớ không phải để vâng lời. Đã có lần người ta xếp sự lười biếng vào số Bảy Tội Lỗi Có Thể Chết, nhưng nó rất gần với tính ôn hoà, chừng mực, châm chước, cho nên rất ít thấy đề cập đến cách thô lỗ ngày nay. Chúng ta xa lánh những người phạm một vài tội đối với xã hội, và trong một vài cuộc họp mặt, chúng ta trốn tránh những người uống rượu hay hút thuốc, nhưng chúng ta không hề nghe nói rằng có người nào đã bị xa lánh chỉ vì biếng nhác. Phải chăng đó là điều không hợp lý?

Đức Chúa Giê-xu có ôn hoà, chừng mực không?
Chúa Giê-xu của các sách Phúc Âm là một con người chống với các quốc giáo chủ nghĩa. Chỉ cần đọc sơ lược các sách ấy, chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Giê-xu đã luôn luôn bị chỉ trích bởi vì Ngài không chịu theo đúng những kiểu mẫu như người ta mong muốn. Theo ý của dân chúng thời Ngài, thì Ngài cật lực chống lại các tập tục. Tại sao Ngài lại giao thiệp với những kẻ không ra gì, những người mang tiếng xấu (Mac Mc 2:16)? Tại sao họ lại tiệc tùng mà không kiêng ăn (2:18)? Tại sao họ lại chểnh mảng trong việc tuân giữ các chi tiết của luật pháp (2:24)? Ngài đã trả lời tất cả những câu hỏi đó, nhưng dường như cả những câu trả lời lẫn những lý do Ngài đưa ra đều không có ai hiểu.
Chẳng những Ngài bị tố cáo là không biết tuân giữ các tập tục sẵn có, mà còn bị tố cáo là cuồng tín nữa. Họ đã không dùng từ ngữ ấy, nhưng lời lẽ họ dùng đều nhằm gây tổn thương, làm đau lòng Ngài. Họ bảo Ngài bị Bê-ên-xê-bun ám và cậy quyền của chúa quỉ mà đuổi quỉ (Mac Mc 3:22). Họ bảo Ngài bị quỉ ám và điên loạn (GiGa 10:20). Họ bảo Ngài là dân Sa-ma-ri và bị quỉ ám (GiGa 8:48). Họ bảo Ngài tham ăn, tục uống và làm bạn với bọn người tội lỗi, không ra gì (LuLc 7:34). Dường như Ngài không phải là một người điều độ, mực thước. Ngài không phải là hạng người không có cá tính, mà người ta không thể nói xấu cũng không thể nói tốt cho. Ngài không phải là hạng người ba phải để làm đẹp lòng dân chúng, dung hoà mọi sự để tránh mất lòng. Ngài đã nhấn mạnh rằng rượu mới của giao ước mới không thể nào đựng trong các bầu da luật pháp cổ lổ được. Các nghi thức đã được mọi người thừa nhận không hữu hiệu và không phục vụ được vương quốc mới.
Dường như Ngài vốn là một con người chúng ta khó sống chung được, nhưng khi Ngài làm trái với các tập tục của thời mình, chúng ta đã thấy rằng Ngài có lý khi làm trái như vậy, và chính những ý tưởng của chúng ta mới sai lầm. Trong tất cả những điều Ngài nói và làm đều có sự toàn hảo, thứ tự, sáng suốt. Ngài là Đấng làm đúng mọi sự, đầy ân điển và chân lý; lời lẽ ra từ miệng Ngài là những lời đầy ân huệ, và lẽ dĩ nhiên là chưa hề có ai đã nói được những điều lạ lùng như Ngài đã nói (Mac Mc 7:37; GiGa 1:14; LuLc 4:22; GiGa 7:46). Điều Ngài đòi hỏi dường như có tính cách cực đoan, tuyệt đối, và uy quyền Ngài dùng để đòi hỏi là uy quyền tối cao. Sự dâng mình của Ngài là để hoàn tất công tác (4:34; 5:36) mà Cha Ngài đã giao phó, và thức ăn vật uống của Ngài là vâng phục ý chỉ Đức Chúa Trời. Ngài luôn luôn ý thức sự bó buộc, thúc bách (LuLc 12:50) nếu công tác ấy chưa được thực hiện. Ngài mạnh dạn quay mặt, tiến về phía Giê-ru-sa-lem (9:51) đến nỗi những kẻ theo Ngài phải run rẩy vì lòng nóng nảy cao độ đối với ý định Ngài (Mac Mc 10:32 và tt). Phải chăng đó là một thái độ ôn hoà, không làm mọi việc một cách quá mấu? Ngay tại Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã lớn tiếng và đổ nước mắt ra để kêu cầu Đức Chúa Trời (HeDt 5:7), để tiến tới chỗ chết, dầu là một cái chết nhục nhã trên thập tự giá. Phải chăng đó là sự chừng mực?
Mục đích của quyển sách này là muốn kêu gọi người tín đồ Đấng Christ hãy có cùng một sự dâng mình không đắn đo y như thế cho ý chỉ Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta thêm vào chương trình làm việc đã quá bận rộn của chúng ta một vài công tác đạo đức, nếu chúng ta chỉ tưới gốc cây tin kính của chúng ta mỗi tuần một lần, thì chưa đủ. Theo một ý nghĩa lành mạnh và đúng mực mà Kinh Thánh dạy, chúng ta hãy sẵn sàng nghĩ rằng mình nên cuồng nhiệt – nếu chữ này được hiểu là phản nghĩa với sự lười biếng, sự ôn hoà một cách dửng dưng và sống một đời sống đạo đức tầm thường quá dễ dãi, ươn hèn. Người tín đồ Đấng Christ không nên tìm cách tỏ ra lập dị, khác thường, cũng không nên theo đòi một cách ăn nết ở khiến người ta phải chú ý đến mình; nhưng cũng có khi lời làm chứng của người tín đồ sẽ khiến cho người ta khinh dể, cười nhạo, chống đối hay bị xã hội bài trừ, là những điều mà các tín đồ Đấng Christ thường e sợ. Xin chúng ta đừng chán nản vì lời tố cáo bảo chúng ta là “cuồng tín”, miễn là chúng ta chỉ điên (IICo 2Cr 5:13) theo một ý nghĩa mà Kinh Thánh dạy. Không một ai trong chúng ta muốn tỏ ra lố bịch (ICo1Cr 4:9) trước mắt người khác. Phần đông chúng ta muốn sống đúng theo mẫu mực, sống giống như người khác trong phạm vi mình có thể làm được, và việc trở thành một tên điên cuồng, dầu là điên cuồng vì danh Chúa (4:10) dường như cũng không hấp dẫn chúng ta lắm. Phần đông chúng ta, khi muốn tạm thời làm vui lòng bè bạn, đã bị cám dỗ như Phi-e-rơ; chúng ta phân vân, không dám đứng hẳn về phía Đức Chúa Giê-xu là Đấng đã bị khinh dể và chối bỏ, với những làn roi rướm máu trên lưng, những bãi nước bọt trên mặt. Đã có một sự thử thách trên thập tự giá, cũng như trong việc chữa bệnh, chúc phước và tha tội. Chúng ta chỉ cần suy nghĩ đơn sơ như thế này: phải chăng Đức Chúa Giê-xu đã chịu tất cả mọi sự đó là vì tôi? Vậy thì có điều gì tôi làm cho Ngài là quá đáng chăng?
Chúng ta sợ bị người ta cho là cuồng tín hay điên dại. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta phải cam chịu những danh hiệu đó, nếu chúng ta muốn trung thành với Chúa Giê-xu. Đây cũng là chủ đề của quyển sách này.
Nếu chỉ đọc sách và hiểu biết các chân lý bằng tâm trí, hay thừa nhận chỗ yếu đuối của mình trên phương diện lý thuyết, mà không có một hành động thuộc linh nào tương xứng, thì thật là dễ dàng. Cho nên mỗi chương của quyển sách này đều chấm dứt bằng những lời gợi ý để chúng ta cầu nguyện riêng với Chúa.

Những điểm gợi ý để cầu nguyện và suy gẫm
Tôi có phạm tội trong việc dung hoà mọi sự, xem đó là thế quân bình, và che giấu sự lười biếng dưới nhãn hiệu ôn hoà, chừng mực không? Tôi phải giải quyết vấn đề ấy thế nào?
Tôi đã dâng mình cho Đức Chúa Giê-xu Christ để vâng phục Ngài với tư cách là Chúa tôi đến mức độ nào và tôi có thật sự chuẩn bị để chấp nhận quyền tể trị cao cả của Ngài , trong những đòi hỏi của Ngài đối với đời sống của tôi chăng
Bây giờ, tôi có cần phải cầu nguyện ăn năn và tin cậy Chúa Giê-xu một cách mới mẻ để dâng đời sống tôi cho Ngài một lần nữa không?
Lòng sốt sắng phục vụ Đấng Christ của tôi có bị thời gian làm nguội lạnh đi chăng ?
Trước kia, phải chăng tôi đã sống quân bình, tôi đã già dặn, trưởng thành, hay bây giờ, đức tin tôi nóng nảy hơn, lòng tôi tận tuỵ hơn?
“Ta biết công việc của ngươi ; ngươi không lạnh cũng không nóng : Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay ! Vậy , vì ngươi hâm hẩm , không nóng cũng không lạnh , nên ta sẽ nhả ngươi khỏi miệng ta
KhKh 3:15-16
“Lạy Chúa , trong Ngài không có sự nguội lạnh ,
Vậy , xin Ngài hãy luôn nhen lên trong chúng tôi
một ngọn lửa kẻo chúng tôi chỉ đem dâng
Cho Chúa yêu dấu của chúng tôi tại Gô-gô-tha ,
Những đống tro tàn để làm của lễ mà thôi”.

AMY CARMICHAEL