A-ma-ghê-đôn (Armageddon/Meggido) là một địa danh rất nổi tiếng trong Kinh Thánh đặc biệt là trong Cựu Ước và cũng là địa danh mà hiện nay được nhiều người chú ý. Đó không phải là vì giá trị lịch sử của nó song là vì giá trị của nó trong các lời tiên tri về tương lai.
Các nhà sử học tin là không có nơi nào trên thế giới có nhiều chiến trận xảy ra như tại A-ma-ghê-đôn là nơi ngày nay được biết đến như là Meggido.
Tường thành và các cổng của Meggido đã chứng kiến nhiều trận chiến do các cường quốc trong lịch sử gây ra: Assyrians, Canaanites, Egyptians (Ai Cập) Greeks (Hy Lạp) Israelites (Do Thái) Persians (Ba Tư), Philistines, và Romans (La Mã). Dầu trong thế chiến I, Meggido không phải là tiền đồn, song Thống Chế Anh Edmund Allenby cũng đã dùng Meggido để dân quân chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lại được xứ Thánh từ người Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 18 tháng 9, 1918.
Địa điểm
Meggido, hay đúng ra Tel Meggido là nơi đổ nát (the ruins) của một thành phố cổ 22 dặm Bắc Shechem (Si-chem) và 15 dặm phía Nam thành phố Haifa. Thành phố này nằm phía Nam thung lũng Meggido (II Sử Ký 35:22, Xa-cha-ri 12:11). Thung lũng hình bầu dục này được gọi là thung lũng Jezreel. Meggido nằm gần cửa ngõ đi vào thung lũng Jezreel và là một đèo đi qua dãy núi Carmel. Thành phố này kiểm soát đường biển (Way of the Sea or Via Maris). Đây là con đường thương mại giữa Ai Cập và vùng Lưỡng Hà (Masopotamia). Vì vậy ngoài các quân xâm lược, nhiều nhà buôn đã đi qua vùng này và có thể đi vào các cổng của thành và vào thành.
Ngày nay vùng này có một kibbutz mang tên Meggido được xây dựng phía Đông Nam của thành phố cổ.
Lịch sử
Theo Cựu Ước khi dân Do Thái vào chiếm đất hứa Canaan, Giô-suê đánh bại quân Meggido và giết chết vua của họ (Giô-suê 12:21). Vùng đất này được chia cho chi phái Ma-na-se (Giô-suê 17:11) song chi phái này không chiếm dụng được Meggido (Các Quan Xét 1:27). Thành phố nằm ngoài lãnh thổ của nước Israel cho đến khi David chiếm lại được vào khoảng năm 1000 TC.
Sô-lô-môn (967-927) phát triển thành phố, xây nhiều lâu đài và xây tường chung quanh với một hệ thống các cổng thành. Thành phố này được dùng làm thủ đô hành chánh cho vùng trong thời kỳ thống nhất Vương Quốc (United Monarchy) I Các Vua 4:12), và cũng là một trong ba thành phố dành cho các chiến xa để bảo vệ đường biển (Via Maris). Các đồn lũy, lâu đài, hệ thống nước của Meggido trong thời kỳ Israel vẫn còn giữ nguyên chưa khai quật bởi các nhà khảo cổ.
Dân thành phố này bị quân của Pha-ra-ôn Shoshenq chiếm (Trong Kinh Thánh gọi là Si-sắc (Shishak)) vào khoảng năm 922 TC, nó được xây dựng bởi vua O-mri hoặc A-háp vào giữa thế kỷ thứ 9 TC. Thành phố này của Israel bị Tiglath – Pileser III vua của Vương Quốc A-sy-ri chiếm vào năm 732 BC. A-sy-ri biến Meggido thành thủ phủ của tỉnh Ga-li-lê của đế quốc A-sy-ri. Sau khi đế quốc A-sy-ri suy sụp, King Giô-sia của nước Giu-đa đem quân đến Meggido chận quân của Pha-ra-ôn Mecoh III của Ai Cập. Giô-sia thất bại trong cố gắng ngăn chân quân Ai Cập liên kết với quân A-sy-ri để chống lại quân Ba-by-lôn (II Các Vua 23:29). Trong thời kỳ của người Hy Lạp Meggido bị bỏ hoang. Trong thời kỳ của người La Mã, một đội quân La Mã đóng tại đây.
Meggido giữ một địa vị quan trọng trong cách giải nghĩa tiên tri của thời kỳ cuối cùng. Một số các nhà giải nghĩa tiên tri theo sách Khải Huyền cho rằng trận A-ma-ghê-đôn trên đồi Meggido là trận chiến quyết liệt cuối cùng giữa Đông và Tây (Khải Huyền 16:16). Thật ra trận chiến vĩ đại nhất này sẽ xảy ra tại Giê-ru-sa-lem được gọi trong Khải Huyền là “trận chiến vào ngày trọng đại của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (Khải Huyền 16:14). A-ma-ghê-đôn là điểm dàn quân cho trận chiến lớn trong đó Đấng Mê-si sẽ xuất hiện với đạo quân siêu nhiên cho “Ngày của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 1:10; 16:12-16; 19:19, I Tê-sa-lô-nia 5:2. Giô-ên 1:15, 2:11, 2:31).
Tham gia trong trận chiến này có lẽ đạo quân của các nước Tây Phương sẽ liên kết chống lại liên hiệp quân của các nước Hồi Giáo và các nước Á Châu từ miền Đông (Khải Huyền 16:12). Đây là chiến tranh nguyên tử giữa Đông và Tây. Sau chiến tranh nguyên tử giữa Đông và Tây (Khải Huyền 9:1-11, 13-21) hai bên sẽ dàn quân vào miền Trung Đông. Sách Khải Huyền xác nhận Sa Tan sẽ hành động qua các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo là những người chịu trách nhiệm cho cuộc chiến này. Đức Chúa Trời sẽ không can thiệp vào cuộc chiến giữa hai phía, có lẽ là trận chiến nguyên tử vĩ đại, sẽ giết chết hết mọi người (Ma-thi-ơ 24:22).
Các nhà lãnh đạo quân sự miền Tây sẽ dàn quân tại A-ma-ghê-đôn để chống lại quân ở phía Đông với mục đích là chiếm các vùng dầu hỏa trù phú của miền Đông. Quân miền Tây có lẽ sẽ đổ quân lên Haifa và tiến vào A-ma-ghê-đôn. Từ đó họ sẽ tiến quân vào Giê-ru-sa-lem, và trận chiến cuối cùng sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem.
Điểm chính của trận chiến là Thung Lũng Jehosaphat (Giô-ên 3:2; 3:12) cũng được gọ là Thung Lũng Quyết Định (Valley of Decision) (Giô-ên 3:14), thung lũng này nằm giữa thành Giê-ru-sa-lem và núi Olives, ngày nay được gọi là thung lũng Kidron. Nơi đây dân Mê-si sẽ xuất hiện với đạo quân siêu nhiên của Ngài để chống lại các đạo quân miền Đông và miền Tây. Khi Ngài trở lại Ngài sẽ đứng trên núi Olive (Xa-cha-ri 14:1-4). Máu của quân thù sẽ lên cao đến hàm thiết ngựa. (Khải Huyền 14:20).
Vì A-ma-ghê-đôn có giá trị lịch sử và có giá trị trong tiên tri của ngày tận thế cho nên đây là một địa danh được nhiều Cơ Đốc Nhân biết đến và quan ngại.
Ms Hồ Xuân Phước