Làng quê nhỏ Bethlehem, sáu dặm tây nam của Jerusalem, còn được gọi là “Thành Đavít,” địa danh quen thuộc qua câu chuyện của những người chăn chiên (1 Sa-mu-ên 17) và khung cảnh Chúa Cứu Thế giáng sinh hơn 2000 năm trước (Lu-ca 2).
Ra-chên, vợ Gia-cốp, tổ mẫu của 12 chi tộc Israel qua đời và được chôn tại Bethlehem (STK 35). Hiện nay, mộ của Ra-chên vẫn được tôn kính và tu bổ trang trọng.
“Bethlehem” có nghĩa là Nhà Bánh – vựa lúa của vùng Judea. Bethlehem nổi danh vì liên hệ với Chúa Cứu Thế qua Ru-tơ, người nữ Mô-áp. Nhờ làm dâu một gia đình Israel thờ kính Chúa, Ru-tơ biết Chúa và thành tâm theo Ngài.
Ru-tơ yêu kính mẹ chồng. Thay vì về với gia đình sau khi chồng chết, Ru-tơ nài nỉ để được gần gũi mẹ chồng và để theo Chúa: “Xin đừng ép con lìa mẹ, vì mẹ đi đâu, con đi đó. Mẹ ở nơi nào, con ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Ru-tơ 1).
Na-ô-mi, người nữ Bethlehem tị nạn xa quê, mất chồng, mất con nhưng không mất niềm tin nơi Thiên Chúa thành tín. Bà là gương mẫu sống đạo sáng ngời, thu hút con dâu và dẫn đưa nàng đến với Chúa.
Ru-tơ, người Mô-áp, dân ngoại – không thờ kính Chúa nhưng nàng không để tôn giáo của gia đình ngăn cản mình đến với Chúa. Thiên Chúa cũng không để thành kiến, tôn giáo con người ngăn cản Ngài chấp nhận Ru-tơ. Chúa chấp nhận người thành tâm theo Ngài và ban phước dồi dào.
Theo sự hướng dẫn của Na-ô-mi, Ru-tơ lập gia đình lần thứ hai với Bô-ô, người Bethlehem – cùng thờ kính Chúa (Ru-tơ 1, 2, 4). Ru-tơ trở thành bà cố của vua David và là tổ mẫu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Dòng họ nổi danh nầy được Kinh Thánh mô tả như sau: “Ba người con lớn của ông Y-sai theo vua Sau-lơ ra trận. Ða-vít là con út, cũng hầu vua, nhưng chàng đi đi về về để chăn chiên cho cha mình ở Bết-lê-hem” (I Sa-mu-ên 17). Ða-vít được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để làm vua thế Sau-lơ” (16:13).
Bethlehem nhỏ nhưng là đất anh hùng, nơi chôn nhau cắt rốn của Ða-vít và các dũng sĩ can trường phò vua. Ba dũng sĩ lừng danh nầy băng ngang trại quân Phi-li-tin, múc nước giếng bên cổng thành về dâng lên vua, vì vua buồn, nhớ Bethlehem và thèm nước giếng làng quê thân yêu. David nghẹn ngào không uống nhưng rãy nước ra để dâng lên làm lễ tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các dũng sĩ trung thành (2 Sam-mu-ên 23).
Bên cạnh những thành công rực rỡ, Kinh Thánh ghi lại nhiều thất bại nghiêm trọng của Ða-vít. Tại sao Chúa bảo ông là “người theo lòng Ta?” Vì Ða-vít luôn nhiệt tình làm hài lòng Chúa. Ông luôn thực hiện chương trình của Chúa theo đúng ý Ngài (Công Vụ 13:22).
Ða-vít phạm tội nhưng xưng nhận tội lỗi, ăn năn và thành tâm quay lại với Chúa. Vì ông thành tâm, Chúa tha thứ ông trọn vẹn. Hê-bơ-rơ chương 11 kể ông là một trong những anh hùng đức tin của dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh.
Bethlehem trở thành Đất Thánh khi Chúa Jesus giáng sinh. Trong cuộc kiểm tra dân số, Giô-sép thuộc dòng vua David, từ Nazareth xứ Galilee về Bethlehem xứ Judea, quê hương vua David đăng ký cho mình và Mary, vị hôn thê đang có thai (Lu-ca 2:4-5). Mary sinh hạ Jesus, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không còn chỗ trọ.
Vì Chúa Jesus chào đời bên vách đá bìa làng Bethlehem, hoàng đế La-mã Constantine xây một đại giáo đường trong thế kỷ thứ tư, tại hang đá nầy để đánh dấu nơi Chúa ra đời. Thế kỷ thứ sáu, hoàng đế Justinian đệ I mở rộng thêm. Ðại giáo đường nầy được trùng tu nhiều lần cho đến ngày nay (Church of the Nativity).
Trong đêm Chúa vào đời, mấy anh chăn chiên ngoài đồng Bethlehem, thức đêm canh giữ bầy chiên. Thình lình, một thiên sứ của Chúa hiện ra, hào quang Chúa chói lòa khắp nơi. Họ vô cùng kinh hãi, thiên sứ liền trấn an: “Ðừng sợ, tôi đến báo các anh một Tin Mừng. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Ðêm nay, Chúa Cứu Thế của nhân loại đã ra đời tại Bethlehem.” (Lu-ca 2:8).
Bethlehem nhỏ bé bỗng rực sáng với hào quang thiên thượng. Đoàn thiên binh xuất hiện giữa trời đêm ca ngợi: Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương. Mấy người chăn chiên vội vàng vào thành Bết-lê-hem tìm gặp hài nhi thánh – để tôn thờ. Họ trở về, tiếp tục tôn vinh, ca ngợi Chúa.
Bethlehem cũng hân hạnh tiếp đón mấy nhà bác học. Vì họ thấy ngôi sao Ngài bên Ðông phương nên tìm đến để tôn thờ Ngài (Ma-thi-ơ 2:2). Thấy Con Trẻ và mẹ Ngài, các nhà bác học liền quỳ thờ lạy Ngài, rồi dâng hiến vàng, trầm hương và nhựa thơm (Ma-thi-ơ 2:9).
Không tìm được Chúa Cứu Thế tại Jerusalem, không rõ họ thất vọng đến mức nào nhưng chúng ta học nơi họ ba điều quý báu. Thứ nhất, người khôn ngoan tìm Chúa. Không bỏ cuộc, họ tiếp tục tiến bước cho đến lúc gặp Chúa. Dầu gặp khủng hoảng, khó khăn, người khôn ngoan tìm Chúa. Chúa ở mọi nơi. Chúa ở gần trong những ngày vui, cũng như những năm khốn khó. Bạn làm gì trong cô đơn? Tìm Chúa!
Thứ nhì, người khôn ngoan dâng điều tốt nhất cho Chúa. Các nhà bác học trang trọng dâng Chúa vàng, trầm hương và nhựa thơm – những lễ vật quý giá. Khác cách thông thường của chúng ta – giữ lại những gì tốt nhất khi thất vọng, buồn phiền?
Bạn đang dâng điều tốt nhất cho Chúa hay dâng cái gì còn thừa lại? Dâng Chúa lễ vật đầu mùa của thời trẻ trung, mạnh lành, hay dâng củ khoai cuối mùa, xe đạp cũ, đồng bạc lẻ?
Mừng sinh nhật Chúa, không có quà cho Chúa mà mong nhận được nhiều quà! Chúa đến tìm bạn và tôi. Chính Ngài là món quà quý giá, ý nghĩa, phước hạnh nhất. Chúa giáng sinh đem ánh sáng vào đời, đem cứu rỗi, hòa bình và tình yêu bền vững.
Món quà giá trị nhất bạn cần hôm nay là Chúa Cứu Thế. Mừng sinh nhật Chúa mà không có mối liên hệ nào gần gũi, thân thiết với Chúa thì thiếu sót quá. Mời bạn gặp Chúa ngay hôm nay. Dâng hiến chính mình. Dâng tấm lòng kính yêu, tôn thờ. Dâng tâm trí để tiếp nhận Lời Chúa. Bạn dâng gì cho Chúa hôm nay?
Thứ ba, người khôn ngoan đổi hướng đi khi gặp Chúa. Ma-thi-ơ 2:12: Thiên Chúa bảo họ đừng trở lại gặp vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác về quê hương. Qua kinh nghiệm của cuộc hành hương, Chúa dạy họ nhiều điều.
Thiên đàng phước hạnh không ở trong đền vua. Quyền lực chính trị không giải phóng con người. Bằng cấp không đem người đến gần Chúa yêu thương. Chúa bảo: Ði đường khác mà về! Về với gia đình, bà con mà loan Tin Mừng. Chúa Cứu Thế đã giáng trần. Hãy đến tiếp nhận Chúa và tôn thờ Ngài.
“Hãy đi, và đừng phạm tội nữa!” (Giăng 8:11). Ði đường khác mà về. Về với người thân yêu, bạn bè. Làm chứng nhân cho Chúa. Chia xẻ kinh nghiệm phước hạnh làm con Chúa! Sống với Chúa và Lời Chúa. Chúa là sinh lộ, là cửa duy nhất vào thiên đàng (Giăng 14:6). Chúa Cứu Thế là nguồn phước hạnh, tình yêu và tổ ấm bình an. Amen.
MS Hồ Xuân Phước