Home Dưỡng Linh Sống Với Thánh Kinh Phước Hạnh Của Nước Trời

Phước Hạnh Của Nước Trời

868

Ðức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:
Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!

Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!

Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!

Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!

Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời! Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!

Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! (Ma-thi-ơ 5:1-10) 

Suy gẫm: 

Ma-thi-ơ giới thiệu Chúa Jesus là vua ra từ dòng dõi của vua Đa-vít. Ngài là Vua dân Giu-đa, Đấng Mê-sia của người Do-thái. Sau phần miêu tả chức vụ toàn diện (wholistic ministry) của Chúa Jesus, trong đó Ngài cung ứng sự chữa lành đầy trọn cho con người cả ba phương diện: tâm thần, linh hồn, và thân thể (4:23-25), Ma-thi-ơ trình bày Bài giảng Trên Núi (the Sermon on the Mount) của Ngài (Ma-thi-ơ đoạn 5 đến 7). 

Tác giả sách Phúc Âm Lu-ca ghi lại bài giảng này của Chúa Jesus ngay sau biến cố quan trọng Ngài chọn 12 sứ đồ để bắt đầu chức vụ trên đất, mở mang Nước Trời (Lu-ca 6:12-49). Như thế, theo nghĩa rộng, Bài Giảng Trên Núi được xem là “Giới Mạng” (Commandments) của Nước Trời cho tất cả tín nhân sống trong Nước Trời. 

Trong nghĩa hẹp, Bài giảng Trên núi là “Kim Chỉ Nam” (Guidelines) cho đời sống và chức vụ của các sứ đồ ngày xưa và cho người phục vụ Chúa trong vương quốc Ngài trải qua các thời đại. Câu 1 của đoạn 5 tác giả Phúc Âm Ma-thi-ơ bắt đầu như thế này: “Ðức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng…” Sau khi dành thì giờ cho đám dân đông theo Ngài, Chúa Jesus cùng các môn đồ núi để chuẩn bị họ cho sứ vụ trước mắt. Việc Chúa Jesus lên núi ở riêng với các môn đồ khiến chúng ta nhớ lại biến cố Môi-se được Chúa gọi lên núi Si-nai để nhận hai bảng luật pháp (10 điều răn) Ngài ban cho dân sự Y-sơ-ra-ên sau khi ra khỏi Ai-cập. Chỉ có một sự khác biệt giữa Chúa Jesus và Môi-se tại đây: Chúa Jesus là Đấng ban luật pháp còn Môi-se là người nhận luật pháp. Chúa Jesus ngồi trong khi dạy dỗ môn đồ mình. Các rabbi Do thái lúc thuyết giảng thì đứng nhưng khi dạy dỗ thì ngồi. Chúa Jesus khi dạy thì Ngài ngồi như một vị giáo sư. Chúa Jesus được trình bày trong sách Ma-thi-ơ là giáo sư như Môi-se trong Cựu Ước. Ngoài ra, Ngài ngồi trong tư cách là một vị vua ban hành luật pháp cho dân sự trong Nước Trời. Ma-thi-ơ dùng hai động từ “mở miệng” (opening His mouth) và “truyền dạy” (teaching) để miêu tả việc Chúa Jesus ban hành giới mạng. Với động từ “mở miệng” tác giả sách Phúc Âm muốn nhấn mạnh điều Chúa Jesus chuẩn bị nói ra đây chứa đựng tính chất quan trọng (solemn) và mạc khải (revelatory) như là lời sấm truyền (oracles) đến từ Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, những điều Chúa Jesus truyền dạy là sự đổ ra của tấm lòng của Ngài, mong ước các môn đồ đón nhận như một món quà thiêng liêng mà họ phải biết trân trọng. Còn động từ “truyền dạy” ngụ ý sự dạy dỗ không với mục đích truyền đạt mớ kiến thức nhưng nhằm khuấy động lòng thính giả và đòi hỏi họ phải đáp ứng với điều mình nghe. Cả hai động từ này được dùng trong thể quá khứ diễn tiến (imperfect) cho thấy việc làm của Chúa Jesus là một thói quen. Như thế, đối với Chúa Jesus, con đường giáo dục là huyết mạch của cuộc cách mạng đời sống tâm linh con người và khiến họ trở nên thích hợp với tánh chất cao trọng của cõi thiên thượng. Giới mạng của Nước Trời bắt đầu bằng tám phước lành. Mỗi phước lành bắt đầu bằng từ “Phước” (Blessed). Từ ngữ này đóng vai trò như một lời mời gọi vào trong ân sủng Đức Chúa Trời dành cho những ai thuộc về vương quốc của Ngài. Trong mỗi lời mời gọi kèm theo một điều kiện rõ ràng. Trong nguyên văn Hi-lạp, từ “phước” (makarios) thường được dùng cho các thần, nói đến niềm hạnh phúc hay niềm vui tự tại, sâu kín trong tâm hồn con người trào dâng ra ngoài mà không bị bất cứ một quyền lực hay ảnh hưởng nào bên ngoài có thể dập tắt được. Niềm hạnh phúc hay niềm vui này hoàn toàn độc lập với mọi tình huống dẫu là hanh thông hay bất hạnh đang xảy ra bên ngoài, đang mang đến sự thay đổi tư duy và lối sống của con người. Đây không phải là sản phẩm của lối suy nghĩ hay là sự nhào nặn của con người bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời khi con người bằng lòng chấp nhận và tôn trọng quyền chủ trị (lordship) của Ngài trong đời sống của mình. Điều kiện tiên quyết của người bước vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời là phải biết đặt ý muốn và đời sống của mình dưới quyền cai trị của Ngài. Không thể có sự chọn lựa nào khác nếu người đó muốn nếm biết phước hạnh và niềm vui miên viễn của thiên đàng. 

Bài giảng của Chúa Jesus bắt đầu bằng: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” Điều kiện để được phước là phải có “lòng khó khăn” (poor in the spirit). Có hai cách hiểu quan niệm nghèo khó trong phước lành thứ nhất này. Trong nguyên văn Hi-lạp, từ “nghèo” (ptōchos) ở đây được hiều là nghèo xơ xát, không có gì để sở hữu trong cuộc đời này. 

Trong nguyên văn Hi-bá-lai, từ “nghèo” (‘ani hay ebiōn) được dùng để mô tả một người khiêm nhường và bất lực, đặt hoàn toàn niềm tin của mình nơi Chúa. Như tác giả của Thi-thiên 34:6 nói: “Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Ðức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải cứu người khỏi các điều gian truân.” Kết hợp cả hai phương diện, chúng ta có thể nói người được phước là người nhận biết được tình trạng trống rỗng, thiếu thốn, và tuyệt vọng của chính mình, bằng lòng chạy đến núp mình trong Chúa để tìm kiếm sự che chở, bênh vực, và tiếp trợ. Người đó sẽ kinh nghiệm sự giải thoát của Chúa khỏi thế giới đầy quyến rũ chung quanh mình và bước vào mối thông công gắn bó với chính Ngài. Người có lòng khó nghèo không hẳn phải là người bị tước đoạt hết tất cả những gì mình có trên phương diện vật chất. Có thể người đó vẫn có đầy đủ mọi sự chung quanh mình nhưng không nương tựa và xem những điều mình có là niềm hạnh phúc, hy vọng, và sức mạnh của mình. Người đó nhận biết rằng những gì mình có là vô nghĩa và tạm thời, chỉ một mình Chúa là mọi sự trong mọi sự. Thay vì được thế gian tạm bợ là quê hương và chốn nương thân của mình thì Đức Chúa Trời ban cho họ nước thiên đàng vững bền đời đời. Đó là phần thưởng của Chúa dành sẵn cho họ trong đời này và đời hầu đến. Thế giới của Đức Chúa Trời và vương quốc của Ngài chẳng bao giờ bị lay chuyển hay rúng động thể nào, thì người có lòng nghèo khó sẽ chẳng bao giờ bị nao núng hay bối rối vì sự hưng thịnh hay suy sụp của thế giới vật chất và vẻ phồn hoa náo nhiệt của trần gian này thể ấy! Họ được Chúa giấu kín trong bóng cánh toàn năng của Ngài trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời (Thi-thiên 91:1-16). 

Không có gì bảo đảm rằng người thuộc về Nước Trời có lúc không bị đặt vào trong những tình huống nghiệt ngã, khó khăn, thiếu thốn, bịnh tật, đau buồn, mất mát của cuộc đời. Nhưng Đức Chúa Trời có thể sử dụng những điều đó để dồn đẩy người ấy vào trong tình trạng khó nghèo của linh hồn hầu họ có thể khám phá phước hạnh tiềm ẩn và niềm hạnh phúc chẳng gì có thể cướp đi được của vương quốc Đức Chúa Trời. Vì Chúa Jesus phán: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” Amen. 

 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]