Giăng 20:19-23
“Ngài lại phán cùng môn đệ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy.”
Giăng 20: 21
Câu hỏi suy ngẫm: Tâm trạng của các môn đệ trước và sau khi Chúa Giê-xu hiện ra với họ như thế nào? Ngài ban cho họ mệnh lệnh nào? Đâu là nền tảng cho sứ mệnh rao truyền Phúc Âm? Việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc đời bạn như thế nào? Bạn dự phần gì vào việc rao truyền Phúc Âm?
Phân đoạn này ngắn ngủi nhưng mô tả một cách sinh động cuộc hành trình của các môn đệ từ một căn phòng đóng kín đầy sợ hãi và lo âu đến thế giới rộng lớn với niềm vui mừng và tin quyết để rao truyền Phúc Âm cho muôn người. Vì sợ lính của đền thờ phát hiện, các môn đệ đã gặp gỡ nhau trong một căn phòng đóng kín. Vì biết những người mà Ngài yêu thương đang mất tinh thần, cô đơn và sợ hãi, Chúa Giê-xu “đến đứng chính giữa các môn đệ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi!” (câu 19). Ngài không một lời quở trách hay lên án việc làm của họ. Ngài đến để đem sự bình an và phước hạnh mới cho môn đệ. Đây là phước hạnh đến từ Đấng đã chiến thắng sự chết để đem lại sự sống mới cho tất cả những người tin Ngài. Các môn đệ nhận biết Chúa Giê-xu qua những dấu đinh trên tay và vết giáo trên sườn Ngài (câu 20). Đây là cách mà chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa khi chúng ta cùng với cả thiên đàng tôn thờ Ngài (Khải-huyền 7:9-12). Bởi sự hiện diện của Chúa Giê-xu mà hoàn cảnh lẫn xúc cảm của họ hoàn toàn thay đổi. “Các môn đệ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ” (câu 20). Ngoài những điều nói trên, có bốn điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, chính Chúa Phục Sinh giao thác sứ mệnh truyền bá Phúc Âm cho chúng ta. “Ta cũng sai các ngươi” (câu 21), đây là chủ đề mà Phúc Âm Giăng thường lập đi lập lại. Sự phục sinh và thẩm quyền của Chúa Giê-xu là nền tảng cho sự nghiệp truyền giáo của chúng ta. Thứ hai, Chúa Giê-xu đã nêu gương trong việc truyền giáo cho chúng ta. “Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy” (câu 21). Chúng ta được kêu gọi để vâng lời, đi ra phục vụ Cha một cách thành tâm và trung tín. Thứ ba, sứ điệp chúng ta rao giảng là Phúc Âm của Đấng Cơ Đốc. Chúng ta giúp con người nhận biết công việc của Đấng Cơ Đốc và tiếp nhận Ngài vào cuộc đời của họ. Chúng ta giãi bày để họ nhận biết rằng tiếp nhận Đấng Cơ Đốc là tiếp nhận sự tha thứ từ Đức Chúa Trời, và khước từ Ngài có nghĩa là nhận lấy sự đoán phạt (câu 23). Cuối cùng, chúng ta được Chúa Giê-xu ban sức mạnh và năng quyền để rao truyền Danh Ngài. “Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đệ mà rằng: Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Linh” (câu 22). Chẳng bao lâu sau, trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đã được đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh đã khiến cho các môn đệ đi từ một căn phòng đóng kín đến các đầu cùng đất. Việc gặp gỡ Chúa Giê-xu đã làm thay đổi thiên hướng của bạn như thế nào? Lạy Chúa, xin giúp con trung tín phục vụ Ngài và nhận lãnh năng quyền của Ngài để con có thể rao truyền Phúc Âm một cách hiệu quả.
Người Ghét Đức Chúa Trời Đọc:2 Ti-mô-thê 2:23-26
Đức Chúa Trời phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại. – Rô-ma 1:28
Mới đây tôi có nghe một sách âm thanh của một trạng sư chiến đấu cho thuyết vô thần. Trong khi chính tác giả đọc tác phẩm của mình với giọng điệu mỉa mai hằn học và khinh bỉ, tôi tự hỏi vì sao ông ta giận dữ đến thế. Kinh Thánh cho chúng ta biết, khước từ Đức Chúa Trời có thể thực sự dẫn tới thái độ càng thù ghét Ngài hơn: Vì họ không lo nhận biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại… [trở thành] thù ghét Đức Chúa Trời” (Rô-ma 1:28-30). Quay lưng với Đức Chúa Trời không dẫn tới thái độ trung lập của đời này. Thực ra, những người chiến đấu cho chủ nghĩa vô thần gần đây, tỏ ra muốn loại bỏ khỏi nền văn hóa, bất kỳ điều gì nhắc đến Đấng Tạo Hóa. Khi chúng ta nghe việc người vô thần tìm cách dẹp bỏ hình thập tự hoặc Mười Điều Răn ra khỏi xã hội, chúng ta dễ đáp ứng thái độ thù ghét đó đối với Đức Chúa Trời, bằng cách thù ghét họ. Nhưng chúng ta được khuyên phải bênh vực chân lý bằng thái độ yêu thương, “sửa dạy những người chống đối mình cách khiêm nhường, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý” (2 Ti-mô-thê 2:25). Lần sau, khi bạn thấy việc làm hoặc nghe lời nói của người thù ghét Đức Chúa Trời, hãy xét thái độ của mình. Sau đó, cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tinh thần khiêm nhường và cầu nguyện cho người xúc phạm được biết chân lý. – Dennis Fisher
Hãy bênh vực chân lý bằng tình yêu thương.
(Theo Suu Tam)