Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ (Hebrews) 11:23-28
Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua.

Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Ðức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi: người coi sự sỉ nhục về Ðấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng. Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Ðấng không thấy được. Bởi đức tin người giữ lễ Vượt Qua và làm phép rưới huyết, hầu cho đấng hủy diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên.

By faith Moses, when he was born, was hidden for three months by his parents, because they saw he was a beautiful child; and they were not afraid of the king’s edict. By faith Moses, when he had grown up, refused to be called the son of Pharaoh’s daughter, choosing rather to endure ill-treatment with the people of God than to enjoy the passing pleasures of sin, considering the reproach of Christ greater riches than the treasures of Egypt; for he was looking to the reward. By faith he left Egypt, not fearing the wrath of the king; for he endured, as seeing Him who is unseen. By faith he kept the Passover and the sprinkling of the blood, so that he who destroyed the firstborn would not touch them. 

Dưỡng linh: 

Môi-se là một nhân vật lớn trong lịch sử thánh và là vị anh hùng cứu tinh của dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời có một chương trình cho Môi-se khi Ngài cho phép ông ra đời. Đức Chúa Trời có cách để bảo toàn mạng sống của Môi-se và dẫn dắt ông qua những thăng trầm trong cuộc đời. Nét đặc thù của con người Môi-se mà tác giả Hê-bơ-rơ ghi lại là đức tin của ông. Đức Chúa Trời đã dùng một người đàn bà bên sau bức màn sân khấu thuộc linh để đem vào trong đời sống của Môi-se đức tin hầu qua đó ông có thể thi hành chức vụ một cách công khai giữa dân sự. Trong câu: “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua,” tác giả Hêbơ-rơ muốn nói đến ít nhất ba điều về con người của Môi-se trong khía cạnh này: (a) dẫu cho một nhân vật lỗi lạc và lừng danh như Môi-se thì cũng phải chịu ơn một con người nào đó mà Đức Chúa Trời đã sử dụng để hình thành nên con người hiện tại của chính mình. Trong trường này, người đó chính là mẹ của ông; (b) đức tin không có di truyền nhưng đức tin có sức mạnh tiềm ẩn có thể thấm thấu, thâm nhập, âm thầm ảnh hưởng và sanh kết quả rất sâu đậm và mãnh liệt, để lại vết tích trong cuộc đời của người khác không có gì có thể xóa nhòa đi được; và đức tin đó sẽ sanh sản theo cấp số nhân. Tác giả Hê-bơ-rơ chỉ đề cập đến đức tin của mẹ Môi-se một lần, nhưng đề cập đến đức tin của Môi-se ba lần; và (c) đức tin đích thực và sống động luôn luôn phải có việc làm. Tất cả những gì tác giả Hê-bơ-rơ nói đến đức tin của mẹ Môi-se và của chính ông đều có nêu ra một hành động cụ thể của đức tin đó. Đúng như Gia-cơ nói: “Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (2:26). Đức tin của mẹ Môi-se có việc làm thì nó mới có sức sống lan truyền và ảnh hưởng sâu đậm trong tấm lòng và tâm trí của Môi-se đến nỗi tiến trình này cũng xảy ra trong cuộc đời của ông giống như trong mẹ của ông! Đức tin và hành động của nó trong đời sống của Môi-se được thể hiện trong ba phương diện sau đây: 

1. Sự hiểu biết về Đấng Christ nẩy sinh trong Môi-se đức tin khiến ông coi thường địa vị trần gian,từ khước sự khoái lạc của tội lỗi, đồng nhất chính mình với sự đau khổ của dân sự Đức Chúa Trời, và trông chờ sự ban thưởng của tương lai tốt đẹp hơn. Làm thế nào Môi-se có sự hiểu biết về Đấng Christ? Chính qua sự dạy dỗ về Đức Chúa Trời của mẹ Môi-se trong những năm đầu đời. Ngoài ra, mẹ của Môi-se còn dạy cho ông về lòng ái quốc để ông không nở nào ngồi chễm chệ trên ngai của một hoàng tử Ai-cập và ung dung hưởng thụ cuộc sống sung sướng đầy dẫy tội lỗi, trong khi đó lại đành đoạn làm ngơ dân tộc mình đang bị đọa dày và lầm than dưới tay của những đốc công Ai-cập! Khi mắt tâm linh của Môi-se được mở ra để nhìn thấy Chúa và thấy được giá trị sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho dân tộc của mình, Môi-se tức thì phải thực hiện sự chọn lựa giữa những gì ích lợi cho chính mình, sống “vinh thân phì da” trong cung điện Pha-raôn, hay là từ bỏ tất cả để đồng chịu khổ với dân sự của Ngài? Môi-se đã chọn con đường của sự từ khước và đau khổ vì ông thấy Chúa của mình lớn hơn sự giàu có của xứ Ai-cập và cũng thấy được phần thưởng đời đời mà Đức Chúa Trời dành cho những kẻ bước đi trên con đường hẹp với Ngài và dân sự Ngài. Trước mắt cuộc đời Môi-se bị thiệt thòi, lang thang rày đây mai đó, cuộc sống vô cùng bấp bênh về nhiều mặt. Nhưng về lâu về dài và xuyên suốt cõi đời đời, Môi-se có cuộc sống bền vững và tràn đầy phước hạnh bên Đấng mình đặt lòng tin trọn vẹn trong hiện tại.

2. Đức tin nơi Đức Chúa Trời là Đấng Môi-se không thể thấy được (invisible) đã khiến cho Môi-se không sợ vua Pha-ra-ôn là hình ảnh đầy thế lực thấy được (visible) của đời này. Lòng dũng cảm của Môi-se lưu xuất từ đức tin và đời sống đức tin của mẹ mình. Vì chính mẹ của Môi-se đã một lần “không sợ chiếu mạng của vua.” Mẹ không biết sợ vua thì con cũng sẽ chẳng sợ vua. Mẹ nào, con nấy! Tuy nhiên, tại sao mẹ của Môi-se lại không sợ vua Pha-ra-ôn? Vì bà có một bằng chứng Đức Chúa Trời ban cho để biết rằng Ngài muốn bảo vệ sự sống của con mình và bà liều mình theo Chúa để giữ lại con của mình. Bằng chứng đó chính là mẹ Môi-se thấy con mình là “một đứa con xinh tốt.” Đức tin bao giờ cũng neo mình và nằm yên nghĩ trên những dấu chứng của Đức Chúa Trời như là món quà của thiên đàng. 

3. Hành động đức tin của Môi-se là dám giữ Lễ Vượt Qua cho Đức Chúa Trời và làm phép rảy huyết trên mày cửa để cho thiên sứ đi qua không giết các con đầu lòng của người Do-thái nhưng lại hủy diệt con đầu lòng của vua Pha-ra-ôn và của người Ai-cập. Đây có thể nói là tuyệt điểm của sự bày tỏ đức tin của Môi-se vì nó đụng đến sự chết và sự sống cho nhà của vua Pha-ra-ôn. 

Tất cả chín tai vạ trước đây, dường như nhà của vua Pha-ra-ôn không cảm thấy bị đe dọa nhiều bằng tai vạ cuối cùng này. Vì thế, khi vâng theo lời Đức Chúa Trời để tuyên bố về tai vạ này, Môi-se đã liều mình đánh trận với vua Pha-ra-ôn và quần thần của người. Kết quả là vua Pha-raôn và quân lính của ông đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên và cuối cùng bị chôn vùi trong nước của biển đỏ! Đức tin không thể thiếu đi hành động của sự thờ phượng Đức Chúa Trời và tuân giữ Lời của Ngài . Lắm khi những việc làm này sẽ thách thức và đặt cuộc đời của người có đức tin trong một tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng Đức Chúa Trời có cách để bảo tồn mạng sống của họ và làm nên chương trình toàn hảo của Ngài. 

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng dẫu chúng ta là ai, mang chức vụ gì, chúng ta là sản phẩm của ít nhất một người mà mình phải mang ơn về lòng yêu mến Chúa và đức tin của họ. Khi nhận thức được điều này sẽ đem lòng của chúng ta đến chỗ biết ơn Chúa và biết ơn người, và giữ chúng ta luôn sống trong sự khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời. Đức tin là sự thừa kế và được trồng vào trong chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, giống như Môi-se, tất cả những ai đã có sự hiểu biết và kinh nghiệm về Đức Chúa Trời hay Đấng Christ đều phải bước qua một ngã rẽ của cuộc đời theo Chúa và phục vụ Ngài; người đó phải thực hiện một sự chọn lựa cho chính mình để bước đi trong những ngày còn lại của cuộc đời mình trong hành trình thuộc linh với Chúa. Không thể nào sự hiểu về Đấng Christ và đức tin nơi Ngài cho phép chúng ta tiếp tục sống cuộc đời tội lỗi, hưởng thụ thế gian, và chẳng quan tâm gì đến những người chung quanh mình. Đó không phải là đức tin sống mà là chết! 

DLW


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com