Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Ðức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng. Ðức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành, như có chép rằng: “Người đã rải ra, đã thí cho kẻ nghèo; Sự công bình của người còn đời đời.” 2 Cô-rinh-tô 9:6-9

Suy gẫm: 

Trên một phương diện, nguyên tắc gieo và gặt chẳng khác gì nguyên tắc hoạt động của một chiếc máy rút tiền ATM. Nếu chúng ta có gửi tiền vào (deposit) bao nhiêu thì sẽ rút ra (withdraw) được bấy nhiêu. Nguyên tắc này không những đúng trong lãnh vực vật lý và sinh học nhưng cũng đúng trong những lãnh vực khác của cuộc sống, bao gồm cả phạm trù tâm linh. Đây là một điều rất mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời đặt để trong vũ trụ vạn vật do Ngài dựng nên. Hơn thế nữa, nguyên tắc này không những đúng trong cõi hiện tại tạm thời nhưng còn đúng trong cả cõi đời đời. Trong nguyên tắc này hàm chứa có một sợi dây vô hình nối liền giữa những gì chúng ta làm trong hiện tại với tác động hay hậu quả của hành động đó trong cõi đời đời. Người tín hữu khi dâng hiến bất cứ điều nào thì cũng cần ý thức rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng tiếp nhận chúng, chứ không phải con người. Những gì chúng ta dâng hiến bằng vật chất trên trần gian này sẽ được chuyển đổi thành những giá trị của thiên đàng chẳng bao giờ bị mai một hay tiêu hao. Những gì chúng ta dâng hiến cho Đức Chúa Trời chẳng bao giờ bị xem là lãng phí. Vì thế sự dâng hiến là một cuộc đầu tư thuộc linh thật sự, mang đến cho chúng ta những phước hạnh trong hiện tại và cả cõi tương lai. Ngược lại, những hành động ích kỷ và bủn xỉn đối với Đức Chúa Trời thì cũng sẽ thấy được kết quả của nó trong cõi đời đời. 

Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô đưa ra một điều kiện vô cùng quan trọng để nguyên tắc gieo và gặt có thể hoạt động đúng. Đó là những gì chúng ta dâng hiến phải được thực hiện với tấm lòng tự nguyện và vui mừng. Người tin Chúa phải nhận thức sâu xa rằng bên sau hành động dâng hiến của mình phải là tấm lòng chân thật và biết ơn Chúa. Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta mỗi người biết phải dâng hiến bao nhiêu cho phải lẽ và xứng đáng với sự ban cho phỉ phu của Ngài trên đời sống của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta làm với tấm lòng tự nguyện và vui mừng thì khi đó Đức Chúa Trời mới thật sự chúc phước cho chúng ta và nguyên tắc gieo và gặt của Đức Chúa Trời bắt đầu hành động. Có những người dâng nhiều mà chẳng được phước. Có người dâng ít mà lại được phước. Sự khác biệt không phải ở của dâng bèn là ở tấm lòng yêu mến và biết ơn cách chân thành (Mác 12:41-44). Dâng hiến của cải vật chất là một trong những bằng chứng của sự thử nghiệm lòng yêu mến và biết ơn của người theo Chúa. 

Có người ưu tư muốn dâng hiến và phục vụ Chúa nhưng chẳng có gì để làm điều mình muốn. Sứ đồ Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm của chính mình rằng Đức Chúa Trời là Đấng giàu có, Ngài có thể ban cho những ai có tấm lòng mong muốn dâng hiến để phục vụ Chúa thì Ngài sẽ ban cho người đó chẳng những đầy đủ những gì người đó cần dùng hằng ngày nhưng còn dư thừa để làm những việc lành. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin cảm động lòng con luôn biết ơn Ngài về những gì Ngài ban cho và biểu lộ bằng hành động dâng hiến những gì con có cho Ngài. Amen!  

Viện Thần Học Liên Hiệp

 Alliance Theological College

office@alliancetheologicalcollege.info

www.alliancetheologicalcollege.info 

 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com