Ðức Chúa Jêsus đi khỏi đó, đến quê hương mình, có các môn đồ cùng đi theo. Ðến ngày Sa-bát, Ngài bắt đầu dạy dỗ trong nhà hội; thiên hạ nghe Ngài, lấy làm lạ mà nói rằng: Người bởi đâu được những điều nầy? Sự khôn sáng mà người được ban cho là gì, và thể nào tay người làm được những phép lạ dường ấy? Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đê, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư? Chúng bèn vấp phạm vì cớ Ngài. Song Ðức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Ðấng tiên tri chỉ bị quê hương mình, bà con mình và trong nhà mình khinh dể mà thôi. Ở đó, Ngài không làm phép lạ nào được, chỉ đặt tay chữa lành một vài người đau ốm; và Ngài lấy làm lạ vì chúng chẳng tin. Mác 6:1-6
Suy gẫm:
Sau khi Chúa Jesus thi hành một số phép lạ để chữa bệnh và cứu sống con người, Ngài quay về với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình với mục đích có thể làm một điều gì đó cho nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên. Dẫu cho những bận rộn trong chức vụ, Chúa Jesus không quên quê hương của mình. Lòng biết ơn Đức Chúa Trời luôn luôn gắn liền với lòng yêu thương dân tộc và quê hương mình. Khi trở về nhà mình, Chúa Jesus đi vào trong nhà hội theo thói quen để thờ phượng Đức Chúa Trời. Danh tiếng Ngài đồn ra khắp nơi cũng mang lại niềm hãnh diện cho gia đình và thân tộc mình không ít thì nhiều. Vì thế, họ mời Chúa Jesus dạy dỗ trong đền thờ. Việc dạy dỗ lẫn những gì Ngài thi hành phép lạ trước đây đã tạo nên sự nghi ngờ và phủ nhận Ngài là ai đối với một số người biết xuất xứ của Ngài từ đâu.
Có thể nói, chính lòng kiêu ngạo và ganh tỵ đã khiến cho những người này tìm cách phủ nhận Chúa Jesus là Đấng đến từ Đức Chúa Trời lại có thể thi hành biết bao phép lạ. Trong những sống chung với mọi người, đời sống của Chúa Jesus chẳng hề để lại một vết tích gì để cho người khác vin vào đó để đàm tiếu hay phủ nhận công việc Ngài làm. Cho nên, thiên hạ chỉ còn có một lý cớ là vì Ngài không phải xuất thân từ gia đình “trăm anh thế phiệt” để cho rằng việc Ngài làm không xứng với thân thế của Ngài. Họ vấp phạm vì “sự tầm thường” và “đơn sơ” của chính Ngài! Tận sâu trong bản chất kiêu ngạo của con người chẳng bao giờ muốn nhìn nhận người khác tài giỏi hơn mình! Chẳng có gì nghi ngờ khi nói rằng Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự. Đó là cốt lõi của môn Thần học Căn bản 101. Tuy nhiên, trong câu chuyện trên cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của vấn đề: phải chăng Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự hay không? Điều gì có thể “hạn chế” quyền năng của Ngài? Đúng ra, không phải Đức Chúa Trời bị hạn chế quyền năng trong chính Ngài nhưng sự hành động của Ngài tùy thuộc vào thái độ của con người đối với Ngài. Hay nói cách khác, vấn đề không phải nằm trong chính Đức Chúa Trời nhưng nằm trong chính con người.
Điều có thể kích thích sự chuyển động và đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với nhu cầu con người đó là niềm tin của họ đặt nơi chính Ngài thay vì chính công việc quyền năng của Ngài. Có sự khác lớn lao giữa việc con người đặt niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời là Đấng có thể làm được mọi sự và nơi sự việc mà Đức Chúa Trời hành động như là sự biểu lộ của chính thân vị và bản thể của Ngài. Tin vào Chúa là ai mới là điều quan trọng chứ không phải tin vào việc Ngài làm. Tại quê hương của Chúa Jesus, tâm trí của con người bị mắc kẹt trong chính điều này và họ không thể đi xa hơn điều họ có thể tin nơi Ngài. Chẳng có ai có thể phủ nhận được việc Chúa làm nhưng họ có thể phủ nhận Chúa là ai. Ma quỷ đôi khi không muốn chúng ta cần phải phủ nhận việc Ngài làm nhưng chỉ cần khiến cho tâm trí con người và tấm lòng của họ từ chối Ngài là ai. Thế là đủ để làm cho con người xa cách ơn phước Đức Chúa Trời hằng bao nhiêu dặm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn có tấm lòng tim kiếm và nhận biết Ngài cách đơn sơ và chân thành. Xin cất bỏ sự kiêu ngạo và sự suy luận theo thói tục con người có thể khiến con không nhận biết Ngài và công việc của Ngài. Amen!
Viện Thần Học Liên Hiệp Alliance Theological Collegehttp://www.alliancetheologicalcollege.info/