Có lẽ quý vị đều đồng ý rằng, sống bên cạnh những người vô ơn, không biết nghĩ đến những điều tốt mà người chung quanh đã làm cho mình thật là chán, vì công khó của chúng ta sẽ không bao giờ được ghi nhận hay nhắc đến.
Có những người không biết quý sự giúp đỡ của bạn bè, có những người chồng không bao giờ nói với vợ hai tiếng cảm ơn, có những người vợ không nhận biết công khó của chồng và cũng có bao nhiêu đứa con không biết nghĩ đến công ơn cha mẹ. Những người thọ ơn mà không nói lời cảm ơn, không biết ơn, cũng không bày tỏ lòng biết ơn bằng hành động cụ thể không những khiến người đã ban ơn buồn và thất vọng nhưng cũng nói lên sự thiếu trưởng thành của chính người đó. Để không bị xem là người vong ơn và không trưởng thành, trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần ghi nhận công ơn của người chung quanh và bày tỏ ra một cách cụ thể.
Chẳng hạn như khi chúng ta nhận được một món quà: quà cưới, quà sinh nhật, quà Giáng Sinh, hay bất cứ một món quà gì; do người ở xa gởi về hay người ở gần trao tặng, quà của bạn bè hay người thân trong gia đình, quà của người lớn hơn chúng ta hay nhỏ hơn chúng ta, chúng ta đừng bao giờ quên cảm ơn. Chúng ta nên gọi điện thoại hay gởi thiệp cảm ơn, hoặc ít nhất làm một điều gì đó, để người tặng quà biết rằng chúng ta ghi nhận và biết ơn sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt người đó dành cho chúng ta. Nhiều đôi vợ chồng mới cưới lắm khi vì vui với tình yêu mới hoặc bận rộn với đời sống mới mà nhiều khi quên gởi thiệp cảm ơn những người đã đến chia vui và tặng quà trong ngày cưới của mình. Đây là một thiếu sót cần được sửa đổi.
Một đứa con không biết ơn cha mẹ là một niềm đau xót vô bờ bến cho cha mẹ. Những người không ghi nhận công khó của vợ hay chồng mà chỉ xem đó là trách nhiệm người kia phải chu toàn sẽ khiến người bạn đời đau buồn vì cảm thấy mình bị lãng quên, bị lợi dụng. Một khi cố gắng làm điều gì cho ai mà không được người đó biết đến, chúng ta sẽ nản lòng, không muốn làm gì nữa. Ngược lại, khi chúng ta làm mà được ghi nhận công khó, được cảm ơn, chúng ta sẽ không mệt mỏi, không quản ngại khó khăn mà còn hăng hái phục vụ nhiều hơn. Vì thế xin Chúa giúp chúng ta luôn sống với người thân yêu với lòng thương yêu và biết ơn. Giúp chúng ta biết quý ông cha bà mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta, quý người vợ, người chồng mà Chúa đã đem đến trong cuộc đời chúng ta cũng như quý những đứa con, đứa cháu mà Chúa đã ban cho gia đình chúng ta. Hãy quý nhau và bày tỏ lòng thương yêu quý mến đó qua lời nói ngọt ngào, những hành động tế nhị, để người quanh ta vui sướng thỏa nguyện, biết rằng công khó của mình được ghi nhận chứ không phải là vô ích. Chúng ta hãy quý nhau, thương nhau mỗi ngày, khi còn được nhìn thấy nhau, được sống bên cạnh nhau hôm nay, vì chúng ta không có nhau mãi mãi và chúng ta có thể sẽ mất nhau trong ngày mà chúng ta không ngờ.
Nhưng, đó là đối với người, những người chung quanh chúng ta, giống chúng ta và bình đẳng với chúng ta, còn đối với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng chúng ta, Đấng ban cho chúng ta sự sống thì sao? Nếu chúng ta chỉ cảm ơn ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái và người thân yêu mà quên cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, bình an, tình thương của người chung quanh và mọi điều cần yếu trong đời thì chúng ta đã thiếu sót rất lớn. Theo Lời Kinh Thánh dạy, không biết ơn Đấng Tạo Hóa và không tạ ơn Ngài là một tội lớn trước mặt Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Cho nên, họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng Danh Ngài, và không tạ ơn Ngài nữa” (Rô-ma 1:20-21). Làm con mà không biết ơn ông bà cha mẹ là điều đáng trách, làm người mà không biết công ơn Đấng đã tạo dựng nên mình là điều còn đáng trách hơn. Mỗi ngày chúng ta cần dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban cho chúng ta thân xác này, sự sống này cùng mọi điều trên đất này để chúng ta được hưởng. Trên hết, chúng ta phải cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi đã xuống thế làm người, mang thân xác con người, để hy sinh chịu chết trên cây thập tự vì tội của chúng ta hầu có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời. Sự giáng sinh làm người của Chúa là một biến cố xảy ra hai ngàn năm trước, mà cả thế giới sẽ vui mừng kỷ niệm trong tháng Mười Hai đến đây. Để bày tỏ lòng biết ơn Chúa, chúng ta không những ghi nhớ công ơn của Chúa nhưng cũng kính yêu Ngài và tôn thờ hầu việc Ngài suốt đời.
Trong mấy tuần qua, có người nói rằng, mấy năm trước đất nước bình an, kinh tế phồn thịnh, đời sống thoải mái, ai cũng có việc làm và tương lai tươi sáng mới có lý do để cảm tạ Chúa, còn bây giờ có gì để mà tạ ơn Chúa đâu. Vết thương của khủng bố, chết chóc, kinh hoàng vẫn còn đó. Không những thế, đời sống hiện tại thì bấp bênh, không biết ngày nào sẽ mất việc, mất nhà. Đã vậy, khủng bố về bệnh tật nguy hiểm vẫn còn và thật sự chẳng biết đâu để mà tránh. Trước viễn ảnh đen tối như thế làm sao có thể cảm tạ Chúa được. Thưa quý vị, nếu chúng ta chỉ vào mặt bi quan và tiêu cực của đời sống như thế thì không thể nào cảm tạ Chúa được. Không những không thể biết ơn Chúa và cảm tạ Ngài mà còn không thể nào sống trong vui vẻ được. Vì thế chúng ta cần có cái nhìn xa hơn, lạc quan hơn. Chúng ta cần có cái nhìn của người có tinh thần biết ơn. Đó là chúng ta hãy nhìn vào những gì mình đang còn thay vì tiếc nuối những gì mình đã mất. Hãy nhìn vào những gì Đức Chúa Trời ban cho và ta đang có hơn là những gì mình không có. Hãy nghĩ đến những ngày gian nan thiếu thốn trước kia và cảm tạ Chúa thay vì than phiền về đời sống bận rộn và những trách nhiệm phải chu toàn hôm nay. Hãy nghĩ đến những người cô đơn, nghèo nàn, kém may mắn hơn ta và làm một điều gì đó để giúp đỡ họ. Mỗi ngày hãy nghĩ đến một điều để cảm tạ Chúa, chúng ta sẽ không còn thì giờ để than phiền hay lo lắng. Có người đã nói: Người có tinh thần biết ơn sẽ không có thì giờ để than phiền nhưng người hay than phiền sẽ không bao giờ biết ơn.
Có nhiều điều chúng ta hay xem thường và không biết ơn Chúa cho đến khi nào điều đó không còn nữa chúng ta mới quý và tiếc. Chẳng hạn như sức khỏe, công việc làm, những trách nhiệm trong gia đình, ông bà, cha mẹ, người vợ, người chồng của chúng ta, những đứa con mà chúng ta phải bận rộn chăm sóc mỗi ngày, những người bạn trong xóm, trong sở, v.v… Dù sức khỏe không được như khi ta còn trẻ, dù việc làm đang có không đúng như ta điều ta mơ ước, dù người vợ người chồng của ta có nhiều thiếu sót, vấp váp, không tế nhị, yêu thương như ta mong muốn, dù những đứa con của chúng ta không tài giỏi, ngoan ngoãn như con của người khác, v.v… Dù hoàn cảnh không được như ta mong muốn, xin Chúa giúp chúng ta luôn luôn có tinh thần biết ơn Chúa và quý những gì Chúa ban cho cuộc đời chúng ta. Thánh Kinh dạy: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với anh em” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18). Tác giả Thánh Vịnh thứ 103 nhắn nhủ chính mình: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Chúa Hằng Hữu, chớ quên các ân huệ của Ngài”
Để kết thúc Câu Chuyện Gia Đình hôm nay, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị một bài cầu nguyện cảm tạ như sau:
Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa ban cho con có thức ăn hằng ngày và con sẽ không quên những người đang đói khổ.Tạ ơn Chúa ban cho con sức khỏe, con sẽ nhớ đến những người đau ốm.
Cảm tạ Chúa cho con có gia đình bạn bè, con sẽ không quên những người sống trong cô đơn.
Cảm tạ Chúa ban cho con đời sống tự do, con sẽ không quên những người đang sống trong những nơi không có tự do.
Cảm tạ Chúa yêu thương con và ban cho con sự cứu rỗi, con sẽ nhớ đến những người chưa nhận được tình yêu và ơn cứu rỗi của Ngài.
Xin giúp con không chỉ nhớ đến những người kém may mắn hơn con nhưng cũng sẵn sàng làm một điều gì cụ thể để giúp đỡ họ.
Trên hết, xin giúp con luôn sống với tinh thần biết ơn Chúa và bày tỏ lòng biết ơn bằng cách kính thờ Chúa và hầu việc Ngài suốt cả cuộc đời.
MinhNguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
PO Box 2468
Fullerton, California 92837
Tel 714) 533-2278
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com