PHẦN 6
NHỮNG ĐỤNG ĐỘ BAN ĐẦU VỚI TÀ GIÁO
Vì Cơ-Đốc Giáo có sinh lực, lại được người ta ưa thích càng ngày càng đông, nên đã thu hút một số lớn những người Cơ-Đốc ‘giả hiệu’. Sách Công Vụ có nói đến một đám nhố nhăng, ngay thời kỳ mới mẻ đó, đã có mưu đồ lợi dụng niềm tin mới như vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, thuật sĩ Si-môn (sau này có từ ngữ ‘Simony’ nghĩa là nghề phù phép nhảm nhí), Ê-ly-ma, một thuật sĩ khác ở đảo Chip-rơ ; các thầy bói tại Phi-líp, rồi đến các con trai của Sê-va đi rong làm nghề đuổi quỷ.
Những người bạn giả của Cơ-Đốc Giáo này dễ nhận ra nên không gây tai hại bao nhiêu. Những phái tà giáo bóp méo Phúc Âm theo những ý riêng lạ lùng của họ còn tai hại hơn. Vì cộng đồng Cơ-Đốc đón tiếp bất cứ ai đến, cung hiến tự do cho những ai đã gia nhập, gây nên bầu không khí thích hợp cho những tư tưởng và giáo thuyết khác nhau. Những tư tưởng và giáo thuyết này làm sinh động Hội Thánh, và giúp mọi người hiểu Phúc âm sâu sắc hơn. Tuy nhiên một số lý thuyết quá cực đoan đã gây ra nhiều vụ tranh cãi có thể làm thiệt hại cho niềm tin Cơ-Đốc. Tân Ước có 5 thư tín viết trong khoảng những năm từ 80 đến 150 (Hê-bơ-rơ, I và II Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giu-đe) đã phản ảnh những cuộc tranh cãi nói trên.
Trong những năm ấy, Hội Thánh cần những lời dạy dỗ chính xác, nên tìm đến các thư của Phao-lô mà họ thâu góp được, và các sách Tin Lành vừa viết xong, để họ học thẳng từ nguồn gốc tức là những nhân chứng hàng đầu và hàng nhì và để biết chắc về những gì họ đã được nghe kể lại (LuLc 1:14).
Hồi đó, Hội Thánh sử dụng một sách mới sắp xếp lại gọi là ‘codex’. Sách này giúp họ có ngay những tài liệu thuận tiện, dễ đọc, để phá đổ phía tà giáo, dạy dỗ trung tín và thu hút người chưa tin. Thời ấy, sách Codex chẳng khác gì sự sáng chế ra truyền thanh và truyền hình của thế kỷ 20. Codex là sách viết trên giấy bằng ruột loại lau sậy Papyrus, cũng có trang như những sách ngày nay. Nó không cồng kềnh như những cuộn giấy người ta dùng lúc ban đầu, nên đạt được tác dụng phổ biến tốt hơn. Hội thánh được coi như là đã đi tiên phong trong cách sử dụng lối truyền thông mới này, bởi vì rất nhiều sách codex tìm thấy, sót lại từ thế kỷ thứ 2, thứ 3, đều có lời văn Cơ-Đốc.
Từ lúc được Phao-lô tìm cách tách ra khỏi luật pháp Do Thái, Cơ-Đốc Giáo phải đối đầu với một phái gọi là Trí Thức Giáo (Gnosticism). Phái này đe dọa nặng nề nhất. Thư Cô-lô-se và thư I Giăng có nói đến hình thái ban đầu của phái ấy. Trí Thức Giáo là một phong trào có tính cách huyền bí bao gồm triết học Hy Lạp, các đạo giáo Đông phương, những dạy dỗ có tính cách mặc khải trong đạo Do Thái lẫn với tin tưởng Cơ-Đốc, tất cả các thứ nói trên nhào trộn thành một mớ ‘trí thức’ kín giấu hứa hẹn sự cứu rỗi cho những ai được ‘khai tâm’ tức là được soi sáng tâm linh. Những người theo phái trí thức không nhận Đức Chúa Trời sáng tạo vì họ coi vật chất xấu xa và không hy vọng tìm được hạnh phúc ở thế gian này. Hơn nữa họ cũng không nhận rằng Đấng Christ là một người thực sự đã sống, đã chịu cực hình và đã chết trên cây thập tự như là một người thường. Họ giảng rằng Đấng Christ quả thật là một biểu hiện tâm linh, một thần đã xuất hiện trong hình dáng một người. Giáo lý này hoàn toàn trái ngược với lời chứng của các Sứ Đồ, nói rằng ‘Đấng Christ đã được thể hiện ra trong xác thịt’ (ITi1Tm 3:16).
Phái ‘Trí Thức Giáo’ có lúc gần như lấn áp Cơ-Đốc Giáo vì những người thông minh nhất và giáo sĩ tận tâm nhất trong Hội Thánh đã từng bị lôi cuốn theo phong trào được nhiều kẻ ưa thích này và họ đã viết nhiều về lý thuyết của họ, người ta tìm được 64 tài liệu của phái này viết ra tại vùng Nag-Hamadi, thuộc Ai Cập vào năm 1946. Đó là những bản còn sót, hẳn còn nhiều bản khác đã thất lac. Có ba bản cùng lấy tên là sách Phúc Âm theo Thô-ma (Thomas), sách Phúc Âm theo Phi-líp, và sách Phúc Âm của chân lý. Tất cả đều viết bằng ngôn ngữ Coptic, là tên một giống dân ở Ai cập, có ghi nhiều câu nói của Chúa Giê-xu, phần lớn đã chép trong bốn sách Phúc Âm chính thức. Dầu vậy, cũng có những câu chúng ta không được biết đến và có thể kể như đáng được biết trong di sản Cơ-Đốc Giáo.
Một người đã bênh vực Hội Thánh chống lại phái trí thức giáo, đó là ông Irenaeus, sinh tại Tiểu Á, có tinh thần tin kính sâu đậm. Ông là đồ đệ của Polycarp ở Si-miệc-nơ (Smyrma), sau làm Giám mục tại Lyons, một thành phía Nam nước Pháp (Gaul) và được gọi là một trong những giáo phụ đầu tiên của Hội Thánh. Quyển sách quan trọng nhất ông viết ra vào năm 185 là quyển Chống Lại Các Tà Giáo trong đó ông nêu lên những điểm tỏ ra rằng giáo thuyết của ‘Trí Thức Giáo’ đặt nền móng hoàn toàn trái ngược với niềm tin Cơ-Đốc từ đầu.
Vào thế kỷ thứ 2, những cộng đồng Cơ-Đốc đẩy những phần tử theo ‘Trí Thức Giáo’ ra ngoài hàng ngũ. Qua kinh nghiệm này Hội Thánh bắt đầu viết rõ ra lề lối tin như thế nào là đúng, thành những câu hỏi mà những người muốn chịu phép Báp Têm phải trả lời. Niềm tin ban đầu chỉ tóm tắt trong câu xác nhận ‘Giê-xu là Chúa’ (ICo1Cr 12:3) nhưng đến thế kỷ thứ ba, hội thánh tại La mã hỏi những người muốn chịu phép Báp Têm những câu hỏi dưới đây :
‘Ngươi có tin vào Đức Chúa Trời, Cha toàn năng không? Ngươi có tin vào Chúa Giê-xu Christ Con của Đức Chúa Trời, sinh bởi Thánh Linh và Nữ Trinh Ma-ri, bị Bôn-xơ Phi-lát (Pontius Pilate) đóng đinh, đã chết và sống lại từ kẻ chết ngày thứ ba, đã lên trời, và ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, và sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết không? Ngươi có tin Thánh Linh Hội Thánh và sự sống lại của thể xác không?
Sau đó người ta thêm một vài chi tiết khác để ngăn ngừa các tà giáo xâm nhập, và những câu hỏi trên đổi thành những lời xác nhận, và nay chúng ta có đoạn văn thường đọc được gọi là Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.