PHẦN 5
(Năm 100 đến 300)
TÌNH TRẠNG THẾ GIỚI KHI CƠ-ĐỐC GIÁO XUẤT HIỆN
Bấy giờ Đế quốc La Mã có uy quyền nhất. Với quân lực mạnh và chính trị xảo quyệt. Đế quốc La Mã tuy gọi là hợp nhất nhiều dân tộc khác nhau, nhưng vẫn phải chấp nhận tình trạng không thuần nhất trong các dân tộc khác nhau nên đã nới rộng cho họ một phạm vi đáng kể để họ thực hiện những phong tục ngôn ngữ, tôn giáo của riêng họ, Dầu vậy, luật La Mã áp dụng cho toàn đế quốc vì thế nên Phao-lô là người gốc Do Thái có quốc tịch La Mã vẫn có quyền chống án tại tòa án cấp tỉnh ở Xê-xa-rê lên tòa thượng thẩm tại La Mã. Tàu bè di chuyển trong biển Địa Trung Hải có những đường riêng được bảo vệ, hệ thống đường bộ cũng rất tốt giúp cho sự giao thông trong toàn đế quốc . Khởi đầu những đường này chỉ có mục đích quân sự và kinh tế để di chuyển quân đội và trao đổi hàng hóa, nhưng sau đã đem lại ích lợi nhiều trong việc truyền bá Cơ-Đốc Giáo.
Đến khi Cơ-Đốc Giáo tiến tới các thành phố chính trong vùng Địa Trung Hải, thì những thần La Mã vẫn tôn thờ từ trước, không còn mấy người theo và đế quốc này thiếu một trung tâm tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, người La Mã hướng về niềm tin khác nhau trong số đó có cả những huyền giáo của Hy Lạp lẫn Đông phương. Rất nhiều người cứ hướng thờ những nữ thần thiên nhiên như nữ thần Đại mẫu (Cybele) ở Tiểu Á, Nữ thần Isis, thần của sung túc và ảo thuật. Nhiều người La mữ muốn sống theo những tiêu chuẩn đạo đức cao thì thờ thần Mithras của Ba Tư, thần của sự thông sáng. Đây là một tôn giáo mà quân sĩ ưa theo, vì thế mà có sự ganh đua với Cơ-Đốc Giáo ; còn Do Thái Giáo, tuy không được phổ biến như những loại huyền giáo nói trên, nhưng cũng lôi cuốn được một số người ngoại như đã chép trong Tân Ước, là vì tôn giáo này nêu cao một Thượng Đế thánh khiết và nếp sống đạo đức. Tuy nhiên trước kia các tiên tri đã rao truyền một sự cứu chuộc ban cho toàn thế giới. (EsIs 45:22-23)
Do Thái giáo căn bản vẫn là tôn giáo của một dân riêng biệt nên không thu hút đưọc nhiều người La mã. Cơ-Đốc Giáo kết hợp được những gì tốt nhất trong các tôn giáo đương thời, tôn giáo này vừa đạo đức vừa huyền bí. Nó chống lại mọi điều ác phá hoại cuộc đời mọi người đàn ông và đàn bà, và làm thỏa lòng họ khi nó giúp họ tìm ra lẽ sống. Niềm tin Cơ-Đốc tập trung vào một Đức Chúa Trời thánh khiết, vì Cha của tất cả mọi người, Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ bảo đảm cho tình thương của Cha chung. Tôn giáo này dạy rằng những ai sống ngay thẳng và có đức tin đều có thể thông công với Đức Chúa Trời qua Đức Giê-xu Christ. Ong Augustine là vĩ nhân lãnh đạo Hội Thánh ở Bắc Phi sau này có viết : ‘Cơ-Đốc Giáo giúp cho những người thường có thể sống theo một quy luật đạo đức mà trưóc kia chỉ có một vài triết gia theo nổi’.
Sự thắng lợi của Hội Thánh vẫn còn là mộng xa vời vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, vì những khó khăn và hiểm nghèo qúa lớn đe dọa Hội Thánh. Vừa ra thoát khỏi những bó buộc chính trị và tôn g iáo của Do Thái Giáo vào thế kỷ thứ nhất, lại bị các huyền giáo ganh đua và chính quyền bắt bớ, ngay trong lòng Cơ-Đốc Giáo lại có những tà giáo nổi lên. Cơ-Đốc Giáo chân chính phải tranh đấu để tồn tại, bằng cách thực hiện trách nhiệm định nghĩa niềm tin, thắng hơn nhưng phải ganh đua và cầm cự được sự bắt bớ mà không nao sờn. Ngoài ra lại còn phải thuyết phục hoán cải những dân man rợ luôn luôn muốn xâm lấn đế quốc, đồng thời phải gây dựng một tổ chức khả dĩ tồn tại dù Đế Quốc sẽ tan rã và nền văn minh La Mã sẽ sụp đổ. Để đương đầu với mọi thách thức nói trên, Hội Thánh đã chiêu tập và trưởng dưỡng những bộ óc sáng tạo nhất thời đó và duy trì được những tài khéo cũng như nền trí thức của La mã, Hy lạp và Ai Cập. Đầu thời Trung Cổ, qua bao chìm nổi, Cơ-Đốc Giáo đã thiết lập được một sự hợp nhất mới tại Tây Âu, tập trung vào một hội tự nguyện duy nhất trên thế giới, bao gồm hết được mọi phương tiện của con người và cuộc sống. Kết cuộc là từ Hội Thánh đã xuất hiện ra được một nền văn minh mới.