PHẦN 13

TÍN ĐIỀU VÀ KINH THÁNH

Trong những thế kỷ đầu tiên, vấn đề khẩn cấp nhất đối với Hội Thánh là làm thế nào để tồn tại, nhưng khi chính quyền đã chấp nhận Cơ-Đốc Giáo làm quốc giáo thì một mối lo mới xuất hiện : làm thế nào đương đầu với các đạo giáo khác. Các học giả về tư tưởng Hy Lạp cố gắng tìm hiểu huyền nhiệm của Đấng Christ và ý nghĩa của tín điều đầu tiên thời các Sứ Đồ : Tín điều đó xác nhận ‘Giê-xu là Chúa’ (ICo1Cr 12:3) và đã đưa ra một số giáo thuyết mới. Tín điều nói trên đã khởi phát tại La Mã trong thế kỷ thứ 2, sau này gọi là Tín Điều các Sứ Đồ. Tín Điều này dùng để đánh đổ tà giáo trí thức luận. Dầu vậy, đến thế kỷ thứ tư có một Linh Mục cao tuổi tên là Arius, có lòng tin kính và rất được kính trọng như một nhà truyền giáo có học thức rộng đã đưa ra một chủ thuyết mà mọi người gọi là Arianism.
Tại hội thánh Alexandria, ông giảng rằng Chúa Christ là một người được Thượng Đế tạo dựng nên, thì phải lệ thuộc dưới quyền Đức Chúa Trời là Cha, vì Chúa Giê-xu không hoàn toàn là Đức Chúa Trời, và cũng không hoàn toàn là người. Vị trưởng lão ở Alexandria đã lên án ông Arius và những người theo sự giảng dạy sai lạc đó của Arius. Nhiều nhà thần học Hy Lạp thấy chủ thuyết của Arius làm yếu đi đức tin Cơ-Đốc vì nếu Chúa Christ chỉ có nửa thần tánh, thì khác gì các thần ngoại đạo đâu?
Người đứng lên chống lại thuyết của Arius là Athanasius, một chấp sự trẻ tuổi thông minh, sau này trở thành trưởng lão tại Alexandria. Athanasius tin quyết rằng Chúa Christ đích thật là Đức Chúa Trời, Ngài cũng hoàn toàn là người, và đời sống của Ngài là một đời sống trong đó bản tánh của Đức Chúa Trời đã được tỏ bày trọn vẹn. Niềm tin này căn cứ trên kinh sách (GiGa 1:1-18; CoCl 1:15-20; HeDt 1:1-4). Athanasius có nhận xét tinh tường, ông nhận thấy chủ thuyết của Arius chẳng đem lại sự cứu rỗi cho nhân loại. Vì vậy, Athanasius viết như sau : Chúa Christ đã thành người để chúng ta có thể mang bản chất của Đức Chúa Trời, một câu gần nghĩa với câu của Phao-lô (CoCl 2:9-10) ‘Sự đầy dẫy của bản tánh Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ, và anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy sự sống’.
Cuộc tranh luận chỉ thu gọn vào hai tiếng. Phe Athanasius giảng rằng Chúa Christ đồng một bản chất (homoiousion) với Đức Chúa Trời. Còn phe Arius thì nói rằng Chúa Christ có bản chất tương tự như bản chất của Đức Chúa Trời (homoiousion), một số người không ưa những cái quá tế nhị trong tư tưởng Hy Lạp, cho cuộc tranh cãi này chỉ dựa trên một vần, một chữ. Cả Hoàng Đế Constantine cũng viết :’Vấn đề có gì đâu, thất không đáng phải cãi cọ hăng như vậy’
Dầu vậy, Hoàng Đế cũng công nhân là sự tranh luận này đã đe dọa nền hợp nhất của Hội Thánh là nền tảng căn bản của sự an ninh trong Đế Quốc. Bởi vậy, như đã nói ở trên, ông triệu tập Hội Đồng các vị lãnh đạo Hội Thánh tại Nicaea trong Tiểu Á, trả tiền cho hơn 300 Giám Mục đến dự, và ông đã đích thân chủ tọa phiên khai mạc Hội đồng. Bạn của Constantine là sứ giả Eusebius cũng dự hội và nhận thấy nhiều Giám Mục còn mang trên mình dấu tích những sự tra tấn họ đã phải chịu dưới thời các Hoàng Đế trước Diocletian và Galerius. Đại đa số giám mục đã đầu phiếu bác bỏ chủ thuyết của Arius, và đó cũng phản ảnh ý của Hoàng Đế muốn hợp nhất Hội Thánh. Hội Đồng truất phế và cất chức Arius cùng với hai giám mục khác về phe với ông này.
Trước khi Hội Đồng giải tán, một nhóm người do Athanasius hướng dẫn đã yêu cầu có một văn kiện đủ uy tín về niềm tin của Hội Thánh phải được thảo ra và được Hội Đồng chấp thuận. Đó là nguồn gốc của bài được gọi là Tín Điều của Hội đồng Nicaea. Bản tuyên ngôn này mô tả Chúa Christ ‘chính là Đức Chúa Trời là Cha, và vì để cứu rỗi chúng ta mà Ngài đã nhập thể trong xương thịt và trở nên một người’. Niềm tin này, được Hội Đồng Constantinople năm 381 kiểm lại và đại hội đồng giáo phẩm tại Chalcedon duyệt y vào năm 451 (70 năm sau), nó nói lên lòng tin quyết căn bản của Hội Thánh rằng Chúa Christ là sự khải thị trọn vẹn về Đức Chúa Trời trong một đời sống con người thật sự. Các Hội Thánh chính thống Đông Au, Công giáo La mã và phần lớn Hội Thánh Tin Lành sau này đều công nhận bản tuyên ngôn ấy như là lời giải thích về sự huyền nhiệm của bản tánh và nhân vị Chúa Christ. Mặc dầu bài Tín Điều của Hội đồng Nicaea đã được công nhận rồi, những sự bất đồng tín kiến tại miền Đông vẫn không chấm dứt, sau thuyết Arianism lại còn các thuyết Nestorianism và Monophysitism tiếp tục gây nên nhiều vụ tranh cãi gay go.
Tên của Athanasius không những có liên quan với bản ‘Tín Điều của Hội Đồng Nicaea’ nhưng cũng liên quan cả với việc lựa chọn 27 sách của Bộ Tân Ước. Như đã nói trên, bức thư ông viết vào dịp Lễ Phục Sinh năm 367 gửi cho các lãnh đạo Hội Thánh ở Alexandria l ần thứ nhất có kể đủ danh sách này.
Athanasius, và những tín đồ miền Đông nói chung đọc Tân Ước qua nguyên bản tiếng Hy Lạp, Cựu Ước của họ dùng dĩ nhiên là quyển Septuagint (Cựu Ước bản dịch ra tiếng Hy Lạp). Ở miền Tây, ngôn ngữ La Tinh là ngôn ngữ thông dụng của nhà nước và Hội Thánh, người ta dùng những bản dịch ra tiếng La Tinh. Vì các bản tiếng cổ ngữ La Tinh ấy văn chương vụng về nên vị Giáo Hoàng Damasus hồi thế kỷ thứ tư đã sai thứ ký của ông à Jerome soát xét và sửa lại.
Ông Jerome (340 – 420) không những là một học giả Kinh Thánh, có kiến thức rộng lại giỏi về ngôn ngữ nên viết ra những lời La Tinh trong sáng, sắc sảo và khéo dùng những từ ngữ súc tích. Chính ông cũng dè dặt về sự chính xác trong công việc dịch thuật. Ông đã viết cho Giáo Hoàng như sau : ‘Những người quen đọc một bản Kinh Thánh, bất cứ bản nào, sẽ chê trách tôi là mạo muội thêm bớt những sách xưa và dám sửa những sách ấy’. Dầu vậy, ông quyết tâm ‘tìm cho ra sự thật đúng đắn’ và ông nghiêm chỉnh làm công việc sửa lại những lầm lỗi của những người dịch không chính xác, và những thay đổi của những kẻ phê phán dốt nát và những kẻ vừa chép lại vừa ngái ngủ.
Ông lui về một tu viện gần Bết-lê- hem, tìm sự giúp đỡ của các học giả Do Thái và ông dịch nguyên bản Hê-bơ-rơ của Cựu Ước ra tiếng La Tinh. Ông cũng nhuận chánh lại những bản Tân Ước đã dịch ra cổ ngữ La Tinh và sửa lại theo các sách Codex Hy Lạp đương thời, khi dịch, ông cố gắng diễn ý nguyên bản văn thay vì dịch từng tiếng một. Bản dịch mới hoàn thành vào khoảng năm 400, mang tên là Vulgate. Bản dịch này không được kết quả như mong muốn ngay. Một số người đã quen với lời văn cổ của những bản cổ ngữ La Tinh cho rằng Jerome đã thay đổi bản văn và làm sai lạc ý nghĩa. Augustine là Giám muc nổi danh tại Hippo, viết thư cho Jerome, nói có lần một Giám Mục ở Bắc Phi đọc theo bản dịch La Tinh mới của Jerome, lời văn lạ đã gây ẩu đả trong Hội Thánh. Jerome trả lời có lẽ những người ấy đã không thích dùng chữ hereda, khi họ đã quen đọc chữ Cucurbita để chỉ về dây dưa phủ bóng che cho Giô-na. Trong thư trả lời, Jerome cũng nhận việc chọn chữ của ông chưa hẳn đúng.
Chính Augustine cũng không hoàn toàn thỏa mãn với lối văn thông dụng hằng ngày của bản dịch Jerome. Vì khi trẻ được thấm nhuần văn chương cổ điển, ông che sự sống sượng của những bản dịch cổ ngữ La Tinh. Nhưng sau này, trở thành tín đồ, ông lại nói ông thích những bản cổ ngữ hơn là bản dịch mới là vì người ta thấy được tính cách xưa của Thánh Kinh và điều đó nói lên một niềm tin không đứt đoạn.
Mặc dầu bị chỉ trích, trong thời kỳ ấy, bản Vulgate là một nỗ lực có ý nghĩa và giá trị học thuật, sau này cũng được tôn trọng. Dần dần bản dịch cũng được công nhận và đứng vững, làm cuốn Kinh Thánh của Tây Au trong một ngàn năm. Qua những năm dịch Kinh Thánh, Jerome thấy rằng ý nghĩa sâu sắc của nó không hiện ra bên ngoài, ông viết :’Cái gì trong sách Thánh cũng lóng lánh lòe sáng, kể cả vỏ ngoài, nhưng trong ruột ngọt hơn. Nếu ai muốn ăn ruột thì phải bóc vỏ đi’
Augustine hẳn còn nhớ hồi nhỏ chưa là tín đồ, ông còn bài bác Kinh Thánh vì khôg đủ khả năng hiểu, nên ông nói rằng phải sống trong cộng đồng Cơ-Đốc mới có thể hiểu được Kinh Thánh là làm tăng trưởng đức tin, hy vọng và tình thương của người đọc hoặc người nghiên cứu. Hơn nữa, ông còn tin rằng lý do đầu tiên việc giảng Kinh Thánh không phải là để khoe kiến thức, hay để làm lòa mắt người nghe, nhưng là để giúp người nghe hiểu đức tin của họ và phát triển những đức tin Cơ-Đốc.