Có một câu nói về hôn nhân được chép trong Kinh Thánh, thật đơn giản, rõ ràng nhưng lại rất sâu xa. Nó như giếng sâu đầy nước uống trong lành. Suốt đời bạn có thể thả gàu xuống giếng và chẳng bao giờ kéo lên mà lại không có nước. Múc tại đây lúc nào bạn cũng có được nước mát mẻ trong lành.

Nếu lắng nghe câu Kinh Thánh này với tấm lòng rộng mở. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính Chúa đang phán với chúng ta. Ngài phán như để giúp đỡ, hướng dẫn và thách thức chúng ta. Nhưng trên hết, Chúa phán như một người muốn ban ơn. Đây là câu duy nhất về hôn nhân được nhắc đi nhắc lại bốn lần trong Kinh Thánh. Kinh Thánh ít đề cập đến hôn nhân, do đó điều này làm chúng ta càng ngạc nhiên hơn khi câu Kinh Thánh này xuất hiện bốn lần ở những vị trí then chốt. Đầu tiên nó tóm gọn trong câu chuyện sáng tạo ở Sang The Ky 2:1-25, sau đó Chúa Giê-xu trích ý này trong Mathio 19:5; Mac 10:7 khi người ta hỏi Ngài về việc ly dị. Cuối cùng sứ đồ Phao-lô liên hệ nó với Chúa Giê-xu cách trực tiếp trong Epheso 5:31. Thời đại những câu Kinh Thánh này được viết ra rất giống với thời đại chúng ta trong nhiều phương diện. Đó là thời đại của những biến đổi mau chóng về mặt xã hội… Mục sư Daniel thông dịch bài giảng từ câu này qua câu khác thật trôi chảy không hề do dự hay ngập ngừng. Nhưng bây giờ khi tôi dùng câu – “những biến đổi mau chóng về mặt xã hội”, lần đầu tiên ông do dự và giải thích bằng một lời dài hơn. Tiếp tục, tôi cố gắng diễn tả thời đại Đa-vít và Sa-lô-môn. Những thương lộ mới được mở ra, những nền văn hoá khác biệt có dịp gặp gỡ, những quan niệm mới bắt đầu có ảnh hưởng đối với con người, những truyền thống cũ không còn ai theo, những phong tục cổ xưa bỗng nhiên lỗi thời, các bộ lạc tan rã, những điều cấm kỵ bị phá bỏ. Đó là thời kỳ đạo đức xáo trộn hoàn toàn. Mọi việc bị đảo lộn như chúng ta thấy hôm nay. Vì thế tôi tin câu Kinh Thánh này sẽ hướng dẫn chúng ta trong những ngày sắp tới. Bây giờ tôi xin đọc câu Kinh Thánh này ở Sang 2:24. Cho đến bây giờ tôi chưa thấy một phản ứng nào từ phía thính giả, bây giờ họ bắt đầu lật Kinh Thánh, chờ đợi một chút, tôi đọc: Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.

Khi đọc, tôi càng ngạc nhiên vì sự đơn giản và rõ ràng của câu Kinh Thánh. Tôi nghĩ có điều gì đó được đặt vào tay tôi để chuyền cho người khác. Tôi tiếp: Câu Kinh Thánh này có ba phần nhắc đến ba điều cần thiết cho hôn nhân: LÌA – GẮN BÓ – NÊN MỘT THỊT. Chúng ta hãy bàn đến từng điều một.

Trước hết chúng ta nói về: Lìa

Không thể có hôn nhân nếu không có lìa bỏ. Từ ngữ “lìa” bày tỏ một hành động có tính cách công khai, hợp pháp; phải được biểu lộ ra làm cho hôn nhân thật sự là một cuộc hôn nhân. Thời trước, việc cô dâu rời làng mình để về nhà chồng được coi là một thủ tục công khai. Đôi khi ở Phi Châu suốt đám cưới người ta nhảy múa nhiều dặm đường từ làng cô dâu đến làng chàng rể là bình thường, chả có điều gì kín dấu cả. Hành động này được xem như một hành động “lìa” công khai đồng thời làm cho hôn nhân trở nên hợp pháp. Từ ngày ấy trở đi, mọi người đều biết hai người đó là vợ chồng, họ đã thành hôn với nhau. Trong thời chúng ta, ở nhiều nước, hành động “lìa” hợp pháp này được thay bằng thông báo công khai trước lễ cưới, cũng như bằng một tờ hôn thú. Hình thức bên ngoài không phải là điều quan trọng bậc nhất nhưng điều chính yếu là sự kiện một hành động công khai, hợp pháp được thực hiện. “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ”. Một cuộc hôn nhân không chỉ liên quan đến hai người cưới nhau. Cha mẹ, đại diện cho gia đình mà gia đình chính là thành phần của cộng đồng và đất nước. Hôn nhân không thể là một việc cá nhân, không có cuộc hôn nhân nào mà lại không có lễ cưới. Đây là lý do tại sao những lễ cưới thường được tổ chức với một bữa tiệc lớn. “Lìa cha mẹ…”, khi tôi đọc những lời này có lẽ quí vị cảm thấy đau xót trong lòng. Đây chắc chắn không phải là điều vui vẻ. Ở xứ tôi trong đám cưới người ta thường đổ nước mắt nhiều. Trong cử toạ có nhiều người gật gù, đặc biệt là trong số các phụ nữ lớn tuổi, có một người nói hơi lớn: – Ở đây cũng vậy. Quí vị có thể nghĩ rằng bài học hôn nhân phải bắt đầu bằng một điều gì hứng thú, lý tưởng hơn thế. Nhưng Kinh Thánh nghiêm trang và rất thực tế. Lời Chúa phán: “Người nam sẽ lìa cha mẹ”. Lìa là giá trả cho hạnh phúc. Đây là sự chia lìa rõ ràng, dứt khoát. Giống như một đứa bé sơ sinh không thể lớn lên trừ khi được cắt rốn, cũng vậy, hôn nhân không thể trưởng thành và phát triển nếu không thực sự lìa, dứt khoát chia lìa với gia đình. Như tôi đã nói, điều này rất khó. Trẻ rất khó lìa cha mẹ mình, mà cũng rất khó cho cha mẹ khi phải để các con ra đi. Có thể ví cha mẹ như những con gà mái phải ấp trứng vịt, sau khi đám vịt con nở, chúng xuống nước và bơi đi, gà mái không thể theo chúng xuống nước chỉ biết đứng kêu trên bờ. Trong đám cử toạ nghe có tiếng cười, hầu hết từ giới trẻ trước khi Daniel dịch xong câu cuối. Tôi nhắc lại: Các bạn không thể thành hôn nếu không lìa. Nếu chưa thực sự lìa, hôn nhân sẽ ở trong tình trạng rắc rối. Nếu đôi bạn trẻ không có điều kiện dễ dàng để hoàn toàn chia lìa gia đình và bắt đầu tổ ấm riêng, nguy cơ rất lớn vì những người thân sẽ không ngớt xen vào. Ở Phi Châu, tục lệ nộp sính lễ đôi khi được dùng như một cách gây cản trở. Có những bậc cha mẹ không muốn cho con gái xa mình, họ đòi sính lễ cao đến nỗi đôi trẻ bị mắc nợ trong một thời gian dài. Thế là những món nợ ấy cản trở sự chia lìa thật sự. Sự yên lặng hoàn toàn bao trùm hội chúng, tôi cảm thấy họ có phần bất đồng. Tôi có thể đọc được trên những gương mặt vẻ khó chấp nhận điều này. Rõ ràng sự kiện “lìa” là một viên thuốc đắng họ phải nuốt. Thế nên tôi giải thích: Giờ này có lẽ một số người sẽ nói: “Điều này ngược với phong tục người Châu Phi chúng tôi, chúng tôi được dạy phải hiếu kính cha mẹ, không rời bỏ họ. Chúng tôi thấy có một sự ràng buộc không phải chỉ đối với gia đình nhỏ – đôi khi còn gọi là gia đình riêng – gồm cha mẹ và các con, nhưng chúng tôi còn cảm thấy có một sự bó buộc đối với gia đình lớn hơn, đó là bà con, họ hàng trong gia tộc”. Đây là một tục lệ rất có giá trị, cho nên bằng mọi giá chúng ta không được phá huỷ. Nhưng tôi trả lời như vầy: “lìa” không có nghĩa là bỏ rơi, “lìa” không có nghĩa là ruồng rẫy cha mẹ. Ngược lại chỉ khi nào cặp vợ chồng được lìa khỏi cha mẹ để bắt đầu ra riêng, thì sau này họ mới có thể giúp đỡ gia đình cha mẹ được. Chỉ khi nào họ tự lập, không mắc nợ, họ mới có thể gánh trách nhiệm và phục vụ cho gia đình cha mẹ. Sự kiện “lìa” sẽ khởi đầu cho một cuộc sống, trong đó tình yêu giữa cha mẹ với con cái có thể lớn lên. Theo kinh nghiệm của tôi, đại gia đình chỉ có thể vui vẻ đề huề khi từng gia đình nhỏ được hoàn toàn độc lập. Đây có phải là quan niệm Tây phương không? Không đâu. Tôi không đến đây để giới thiệu hôn nhân phương Tây. Tôi đến để trình bày quan niệm hôn nhân của Kinh Thánh. Quan niệm Kinh Thánh ở đây đưa ra một thách thức cho mọi nền văn hoá. Mọi người đều bối rối vì phải “lìa”. Nếu quí ông bà hỏi một vị cố vấn hôn nhân Tây phương về vấn đề ông ấy phải đối diện nhiều nhất, có lẽ câu trả lời sẽ là: “vấn đề mẹ chồng”. Nhiều người cười ầm lên, kiểu cười giống y như của người Mỹ và người Âu mỗi khi người ta nhắc đến mấy từ đó. Ở Mỹ Châu và Âu Châu mẹ chồng thường hay xen vào đời sống của đôi trẻ, bà không tin nàng dâu trẻ kia có thể săn sóc chu đáo quí tử của bà. Nó giặt quần áo cho con mình có sạch sẽ không? Nó nêm canh có vừa miệng không? Cho dù không phải trả nợ sính lễ thì tiền bạc vẫn thường được sử dụng làm phương tiện để ngăn cản đôi trẻ không được tự lập và buộc họ phải sống chung với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Thật sự “ra riêng” và thật sự cho phép “ra riêng” là việc khó xử cho người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Tại Phi Châu tôi thường thấy mẹ vợ gây ra vấn đề nhiều hơn. Trường hợp cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, cô vợ thường tìm cách chạy về với mẹ nàng. Cho nên một người bạn Phi Châu của tôi bảo câu Kinh Thánh này phải nhấn mạnh rõ rằng người nữ cũng phải lìa cha mẹ nàng. Tại sao phụ nữ Phi Châu hay chạy về nhà? Lời giải đáp là vì người nữ đã lìa gia đình trong khi chồng nàng lại chưa. Trong xứ quí vị, người nam vẫn ở lại tại gia đình hoặc ở gần với gia đình và vợ phải đến ở với anh ta tại đó. Người viết cho chúng ta câu Kinh Thánh này sống trong một xã hội tương tự. Xã hội đó có một sự kiện được xem là đương nhiên: người nữ phải lìa cha mẹ mình để trở nên một phần tử của gia đình chồng. Sứ điệp mới mẻ có tính cách mạng này nhấn mạnh rằng người nam cũng phải lìa cha mẹ mình. Điều này làm cho nam giới thời bấy giờ khó nghe vô cùng cũng như cho quí vị ngày hôm nay. Sứ điệp này bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, nhằm xây dựng tình vợ chồng. Sứ điệp có thể diễn tả bằng một lời khác như thế này: Cả hai phải lìa, cả hai cũng phải gắn bó – không phải chỉ người vợ gắn bó với chồng, nhưng chồng cũng phải gắn bó với vợ như lời Kinh Thánh muốn nhấn mạnh. Điều này đưa chúng ta sang phần hai:

Gắn Bó

Lìa và gắn bó là hai hành động không thể tách rời nhau. “Lìa” nhấn mạnh đến tính cách công khai và hợp pháp của hôn nhân, trong khi “gắn bó” nhấn mạnh đến tính cách cá nhân hơn. Nhưng cả hai được kết chặt với nhau. Bạn không thể thật sự “gắn bó” trừ khi bạn đã “lìa”. Bạn không thể thật sự “lìa” trừ khi bạn quyết định “gắn bó”. Theo nguyên nghĩa tiếng Hê-bơ-rơ chữ “gắn bó” có nghĩa là dính vào, dán chặt, được dán vào một người khác, chồng và vợ được dán vào nhau như hai tờ giấy. Nếu chúng ta cố tách hai tờ giấy đã dán vào nhau, chúng ta sẽ làm rách cả hai. Nếu quí vị tìm cách phân rẽ vợ chồng đã gắn bó với nhau, cả hai đều bị tổn thương – và trong trường hợp có con, con cái cũng bị thương tổn. Ly dị là dùng một cái cưa cưa đôi đứa trẻ từ đầu đến chân. Một sự im lặng nặng nề bao trùm thính giả. Một kết quả khác của trạng thái dán vào nhau đó là chồng và vợ gần gũi nhau nhất, gần hơn bất cứ điều gì khác và hơn bất cứ người nào khác trên đời này. Gần hơn bất cứ điều gì khác, chồng đối với vợ quan trọng hơn công việc, vợ đối với chồng quan trọng hơn việc nội trợ, nếu nàng đi làm thì phải hơn cả nghề nghiệp của nàng. Gần hơn bất cứ người nào khác, vợ chồng với nhau phải quan trọng hơn bạn của chồng hoặc bạn của vợ, quan trọng hơn khách khứa, quan trọng hơn cả con cái họ. Sau mỗi chuyến đi trở về, tôi thường hôn vợ tôi trước khi ôm hôn các con. Tôi muốn cho các con tôi thấy rằng cha gần với mẹ nhất và mẹ gần với cha nhất. Tình trạng ngoại tình rất thường xảy ra giữa một cặp vợ chồng mới cưới sau khi đứa con đầu lòng ra đời. Tại sao vậy? Người vợ trẻ đã sai lầm vì gần gũi với con hơn với chồng. Đứa con trở nên trung tâm của đời nàng và điều đó làm chồng thấy mình như người ngoài cuộc. Bên phía các ông ít nhất cũng có vài người mỉm cười gật gù tỏ ra đồng ý hết mình. “Gắn bó” trong ý nghĩa sâu sắc này – một trạng thái dán vào nhau – là điều chỉ có thể xảy ra giữa hai người. Câu Kinh Thánh được viết dường như nhằm mục đích đả kích việc Đa-vít và Sa-lô-môn lấy nhiều vợ. Câu ấy nói rằng: “Bởi vậy cho nên người nam… gắn bó cùng vợ mình” (chữ vợ ở số ít). Câu Kinh Thánh cũng chống đối việc ly dị vì ly dị là nguyên nhân của chủ nghĩa đa thê tiệm tiến khi người đàn ông không có nhiều vợ cùng một lúc nhưng hết người này đến người khác. Ngày nay có lẽ chúng ta muốn dùng một từ khác để thay cho từ “gắn bó”. Chắc chúng ta dùng từ “yêu”, nhưng có một điều thú vị là Kinh Thánh không dùng từ ngữ này ở đây. Gắn bó có nghĩa là yêu thương, nhưng yêu thương theo một cách đặc biệt, đó là một quyết định của tình yêu, do đó không còn quờ quạng tìm kiếm tình yêu nữa. Tình yêu “gắn bó” là tình yêu trưởng thành. Tình yêu quyết định để giữ mãi cách trung thành – trung thành với một người – chia sớt với một người trọn cả đời. Điều này đưa chúng ta sang phần ba:

Nên Một Thịt

Cụm từ này mô tả lãnh vực thể xác trong hôn nhân. Tôi nhớ lại Daniel đã nhắc nhở tôi thận trọng về từ ngữ “tính dục”. Thể xác là một phương diện quan trọng, cần thiết trong hôn nhân cũng như phương diện luật pháp và phương diện cá nhân. Sự hiệp nhất về thân xác giữa vợ chồng là ý muốn của Chúa trong hôn nhân cũng như Ngài muốn họ phải lìa cha mẹ và gắn bó với nhau. Tôi biết một số người thường bối rối khi nói về phương diện thể xác trong hôn nhân, họ cảm thấy có điều gì bất khiết thậm chí còn coi là điều xấu xa chẳng liên quan đến Đức Chúa Trời. Tôi muốn hỏi những người đó bằng câu Phao-lô đã hỏi Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Anh em há chẳng biết thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh sao?”, bởi đó, chúng ta có thể nói về vấn đề này, phải nói về nó ngay cả trong nhà thờ. Tôi muốn hỏi: “Đâu là nơi chúng ta có thể nói vấn đề này một cách trang nghiêm và kỉnh kiền nếu không phải là trong nhà thờ?” Sự im lặng tiếp tục bao trùm, tôi nhận thấy những tư tưởng này mới mẻ đối với nhiều người trong cử toạ. Quí vị nói: “Bàn đến những điều thuộc về thân xác là trái ngược với truyền thống Châu Phi. Với chúng tôi đó là điều tối kỵ”. Thế thì lạ thật, khi tôi nói chuyện với các bậc cha mẹ ở Châu Phi và khuyên họ nên hướng dẫn con cái về chức năng của thân thể thì họ nói: “Các bậc cha mẹ ở Mỹ Châu và Âu Châu có thể làm được vì những điều đó đối với họ có vẻ tự nhiên hơn chúng tôi. Đối với người Châu Phi điều này không thể được”. Thế mà khi tôi nói điều này với các bậc cha mẹ ở Mỹ Châu và Âu Châu, họ lại bảo tôi: “Ông Trobisch ơi, ông sống ở Châu Phi quá lâu. Người Châu Phi gần gũi với thiên nhiên hơn là chúng tôi. Có lẽ họ có thể làm việc đó chớ chúng tôi thì khó quá”. Kinh nghiệm cho tôi thấy sự bối rối này ở khắp mọi nơi. Các bậc cha mẹ khắp nơi đều thấy khó khăn khi nghĩ đến việc dạy con cái họ một cách rõ ràng và đứng đắn về lãnh vực thể xác trong hôn nhân. Lý do là lãnh vực này hoặc được xem như cái gì quá thánh khiết đến nỗi người ta không dám nói lên, hoặc bị coi như là những gì bất khiết đến nỗi nói đến ai ai cũng mắc cỡ. Kinh Thánh không chấp nhận cả hai thái độ đó. Kinh Thánh nói – điều này thuộc về Chúa, cho nên chúng ta có thể và phải nói về điều này. Sự kết hợp thân xác giữa vợ chồng là điều quí trọng và gần gũi với Chúa giống như tính cách trung thành và hợp pháp của họ trong hôn nhân vậy. Lẽ dĩ nhiên “nên một thịt” mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ kết hợp thân xác. Nghĩa là hai người có thể chia sẻ với nhau mọi điều họ có, không chỉ là thân thể, không chỉ là của cải vật chất mà còn là những suy nghĩ, cảm xúc, những niềm vui nỗi buồn, những niềm hy vọng, những nỗi lo âu, những thành công và cả những thất bại nữa. “Nên một thịt” có nghĩa là hai người hoàn toàn trở nên một về thân thể, tâm hồn, tâm linh cho dù họ vẫn là hai cá nhân khác biệt. Đây là một lẽ mầu nhiệm sâu xa nhất của hôn nhân, là một điều khó hiểu. Có lẽ chúng ta chẳng hiểu gì cả. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm nó. Đã có lần tôi thấy người ta mô tả ý niệm đó rất độc đáo. Tôi cúi xuống lấy trong cặp ra một món thủ công hình hai đầu người, một nam một nữ được nối với nhau bằng những khoen xích bằng gỗ, và đưa nó lên cao. Đây là biểu tượng hôn nhân mà Hội Thánh Liberia thường tặng cho cặp vợ chồng mới cưới, biểu tượng này như nhắc nhở những lời kết ước của họ. Nếu quí vị đến gần, quan sát kỹ hơn, quí vị sẽ nhận ra những vòng xích này không hề có dấu nối. Tác phẩm nghệ thuật này được đẽo gọt từ một miếng gỗ và chứa đựng sứ điệp: “Khi Đức Chúa Trời kết nối thì không có mối nối”. Tôi chưa bao giờ thấy sự bí ẩn, mầu nhiệm, sâu xa của hôn nhân được diễn tả một cách súc tích hơn thế. Hai trở nên một hoàn toàn: “một thịt”. Làm nên từ một miếng gỗ mà vẫn là hai cá nhân riêng biệt. Đây không phải là hai nửa tạo thành một nhưng là hai con người nguyên vẹn tạo nên một thể trọn vẹn mới hoàn toàn. Đây là “nên một thịt”. Tôi bước xuống bục giảng trao biểu tượng hôn nhân cho mấy người ở hàng ghế đầu. Họ ngắm nghía và chuyền cho nhau xem. Tôi đi về phía bảng đen. Bây giờ đến sứ điệp quan trọng nhất của câu Kinh Thánh chúng ta đang học. Chúng ta đã học ba phần: Lìa, gắn bó và nên một thịt. Sứ điệp gởi đến cho chúng ta gồm ba phần, không thể phân rẽ được. Nếu thiếu mất một phần, hôn nhân không trọn vẹn. Chỉ có người nào đã “lìa” thật mới không cần phải lo đến hậu quả. Và chỉ có ai “gắn bó” với nhau một cách riêng biệt mới có thể trở nên “một thịt”. Ba yếu tố: Lìa, gắn bó và nên một thịt liên quan với nhau như ba góc của một hình tam giác. Quay về phía bảng tôi vẽ một tam giác như vầy:

Chúng ta có thể ghi ở góc trên cùng “việc làm công khai, hợp pháp” hay đơn giản hơn là chữ “đám cưới” hay “hôn lễ”. Ở góc trái có thể ghi “tình yêu” hay “trung thành”. Góc phải chúng ta ghi “hiệp nhất thân xác” hay đơn giản hơn ta ghi “tính dục”, chữ này mang ý nghĩa phong phú hơn là sự phối hiệp thân xác giữa hai người. Lần đầu tiên tôi đánh bạo dùng chữ “tính dục”, nhưng lúc này tinh thần người nghe có vẻ cởi mở hơn nên tôi không phải dè chừng những đụng chạm không cần thiết nữa. Tôi chỉ vào tam giác: Nếu quí vị muốn có một cuộc hôn nhân thực thụ, ba yếu tố này cần được sắp xếp như hình vẽ. Đối với các bạn trẻ chưa lập gia đình đây là mục tiêu phải nhắm đến. Một tam giác không còn là một tam giác khi thiếu mất một góc, hôn nhân không còn là một cuộc hôn nhân nếu thiếu một trong ba yếu tố ấy. Bây giờ tôi muốn nhắc quí vị nhớ đến một sự kiện quan trọng khác trong câu Kinh Thánh đang đọc. Nó kết thúc như thế nào? Phần cuối của Sang The Ky 2:24 là gì? Mọi người lật nhanh Kinh Thánh. Một người đứng tuổi đáp: – Đó là chữ “thịt”. – Chấm dứt bằng chữ “thịt”? Không đâu, cái gì đi sau chữ “thịt”? Yên lặng một lúc. Cuối cùng một thanh niên trả lời: – Dấu chấm hết. Mọi người cười ầm lên, nhưng tôi đồng ý và nói: – Vâng, dấu chấm hết, đó là điều tối quan trọng. Đi về bục giảng tôi đọc câu Kinh Thánh lại một lần nữa: – “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ và gắn bó cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt…” Đập nắm tay xuống toà giảng tôi thêm: – Chấm hết.

Yên lặng một chút, tôi tiếp: Câu Kinh Thánh làm chìa khoá cho hôn nhân này dầu được nhắc đi nhắc lại bốn lần trong Kinh Thánh vẫn không một chữ nào nhắc đến con cái. Những lời này tác động thật mạnh trên cử toạ, như tôi vừa ném một quả bom vào nhà thờ. Họ trở nên bồn chồn, lắc đầu, bàn tán với nhau. Vài người làm những tiếng kêu bằng môi tỏ ý bất đồng. Tôi nói lớn: – Hãy để tôi giải thích. Tôi đưa mắt nhìn Daniel không biết ông ta đang nghĩ gì, nhưng ông có vẻ rất hài lòng. Tất nhiên ông ta rất vui về sự đáp ứng nồng nhiệt của cử toạ. Chấm Hết

Tôi lại tiếp: Đừng hiểu lầm ý tôi. Con cái là ơn phước Chúa ban. Kinh Thánh luôn nhấn mạnh điều này. Tôi có năm đứa con và tôi thường cám ơn Chúa về mỗi đứa. Vợ chồng tôi tiếp nhận chúng như một biểu hiện lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, như một ơn phước hết sức thực tế Chúa ban cho trong hôn nhân của chúng tôi. Con cái là phước hạnh của hôn nhân. Nhưng chúng nó chỉ là những phước hạnh thêm vào mà thôi. Khi Chúa dựng nên A-đam và Ê-va, Chúa ban phước cho họ và rồi Chúa mới phán với họ: “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” (1:28). Trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ điều này được chép rõ là mạng lệnh này của Chúa chỉ là một hành động thêm vào của lời ban phước. Do đó khi Kinh Thánh mô tả những yếu tố cần thiết nhất của hôn nhân, rõ ràng là con cái không được nhấn mạnh. Lìa, gắn bó và nên một thịt là đủ, chấm hết.

Dầu không có con cái thì sự hiệp nhất hay trở nên một thịt không vì đó mà trở nên mất ý nghĩa. Dấu chấm hết mang ý nghĩa: một đứa con không làm cho hôn nhân trở nên hôn nhân, hôn nhân không con cái vẫn là hôn nhân đầy đủ ý nghĩa. Dấu chấm hết có nghĩa là hiếm muộn không phải là lý do để ly dị. Không có một người đàn ông nào có thể nói: “Người đàn bà này không cho tôi đứa con nào cả, vì vậy tôi chưa thực sự kết hôn với nàng” và rồi bỏ cô ta. Nếu một cuộc hôn nhân không con cái, đó không phải là lý do biện hộ cho việc xé rách, chia lìa những thành phần đã gắn bó, cũng không phải là lý do để đặt vấn đề đối với khía cạnh pháp lý của hôn nhân. Daniel cẩn thận dịch những câu cuối cùng này với giọng nhấn mạnh đặc biệt, cho thấy khuynh hướng ly dị vì không có con rất phổ biến ở đây. Và do đó dù thì giờ eo hẹp, tôi muốn khai triển thêm vấn đề. Tôi hỏi Daniel xem có thể thêm mười phút nữa được không. Ông nói: – Anh đã làm họ lưu tâm, anh có thể tiếp tục bao lâu tuỳ ý. Cho nên tôi tiếp: Mảnh Vườn hay Hình Tam Giác? Có một quan điểm khác về hôn nhân, quan điểm này đi ngược với quan điểm theo Kinh Thánh mà tôi vừa trình bày. Quan niệm hôn nhân trái ngược này rất phổ biến và đã thấy nhiều nơi trên thế giới. Quan niệm “Mảnh vườn hôn nhân” như tôi thường gọi, đặt nền tảng trên cuốn “Hôn nhân Đông và Tây” của David và Vera Mace. Đây là hai nhà khải đạo về hôn nhân tại Mỹ, họ cũng đã hướng dẫn một lớp học về hôn nhân cho hai mươi người Á Châu tại Chiangmai, Thái Lan năm 1958. Khái niệm mảnh vườn hôn nhân này theo ông bà Mace quan sát hoàn cảnh hôn nhân ở Trung Hoa, dựa trên khoa sinh vật thiếu chính xác. Quan niệm này cho rằng người nam được xem là người gieo giống, người nữ là mảnh vườn. Đàn ông gieo giống vào người đàn bà. Thân thể người đàn bà nuôi dưỡng hạt giống như đất đai nuôi dưỡng hạt lúa. Cây cối mọc lên từ những hạt giống thể nào, đứa trẻ sinh ra và lớn lên cũng thể ấy, từ hạt giống của người đàn ông. Đứa trẻ là con của người đàn ông, là kẻ kế tục linh hồn, sự sống của cha nó. Tôi xin nhắc lại, quan niệm sinh học này vừa tồi vừa không chính xác. Dầu vậy hậu quả của lối suy nghĩ này rất nghiêm trọng, tôi xin vắn tắt trình bày như sau:

Trước hết đàn ông được coi trọng hơn đàn bà. Phụ nữ không bao giờ được xem là quan trọng ngang hàng với nam giới. Cũng như đất đai không được kể là quan trọng như hạt giống. Qua bản chất của nữ giới họ bị xem là thứ yếu, phụ thuộc. Điều này giải thích rõ hơn hết ở vấn đề phân biệt nam nữ không phải chỉ ở Á Châu mà còn ở tại Mỹ Châu, Âu Châu mãi đến ngày nay. Ở Phi Châu có như vậy không, quí vị tự biết.

Thứ nhì: Con trai được coi trọng hơn con gái. Dòng dõi được tiếp nối là nhờ con trai. Một gia đình không có con trai là tuyệt dòng giống như cây bị cắt lìa khỏi gốc rễ. Những bậc tổ tiên của dòng dõi đó khô héo úa tàn mà không yên lòng. Có sự nhốn nháo giữa cử toạ, dường như đó chính là vấn đề sâu xa của họ.

Thứ ba: Mối quan hệ giữa chồng và vợ chỉ là mối liên hệ giữa sở hữu chủ và vật sở hữu. Chỉ giống như kẻ gieo giống sở hữu mảnh vườn mà trên đó ông ta gieo trồng vậy thôi. Bổn phận chính của người đàn bà là phải vâng lời. Ngược lại đàn ông có quyền lựa chọn. Anh ta chọn mảnh vườn mình sẽ mua. Mảnh vườn không có quyền nói gì cả. Tiêu chuẩn lựa chọn là sự mầu mỡ phong phú của mảnh vườn.

Thứ tư: Người phụ nữ vô sinh bị xem là vô dụng, vô nghĩa như mảnh vườn không sinh lợi. Số phận một phụ nữ không con là số phận hẩm hiu hơn hết.

Thứ năm: Quan niệm “mảnh vườn” này giải thích cho việc ly dị và đa thê. Nếu mảnh vườn của người đàn ông không ra trái, ông ta sẽ trả mảnh vườn lại cho chủ cũ và đòi cha cô ta hoàn lại giá anh ta phải trả để mua cô ta, hoặc anh ta vẫn giữ mảnh vườn và kiếm thêm một hai miếng vườn khác để sinh lợi. Chủ nghĩa đa thê chỉ có thể được hiểu trong quan niệm này. Nói xa hơn một chút, người đàn ông có thể có nhiều mảnh vườn, nhưng một mảnh vườn chỉ có thể có một ông chủ. Phụ nữ luôn luôn bị thiệt thòi trong quan niệm hôn nhân này.

Thứ sáu: Tôi đã nhắc đến phong tục gả bán trong hôn nhân. Phong tục này rất gần với quan niệm “mảnh vườn” nêu trên. Thật ra đây không phải là giá để mua vườn nhưng để mua hoa lợi. Của sính lễ không phải trả giá cho cô dâu nhưng cho những đứa con cô sẽ sinh ra. Đó là lý do vì sao đôi lúc giá này không được trả đủ cho đến chừng cô dâu sinh đứa con đầu lòng và chỉ khi nào đó là đứa con trai. Một bà goá sẽ mất hết những đứa con của mình nếu bà ta tái giá với một người không thuộc dòng họ người chồng trước, là gia tộc đã trả sính lễ cho những đứa con của bà. Các đứa con này không thuộc quyền sở hữu của người vợ goá chồng. Với quan niệm này người đàn bà goá có lẽ là một tạo vật đáng thương hơn hết, thiệt thòi hơn hết. Nàng là một vật sở hữu bị mất sở hữu chủ.

Thứ bảy: Quan niệm “mảnh vườn” này cũng giải thích vì sao phụ nữ phạm tội ngoại tình bị lên án nhiều hơn nam giới khi cả hai đều phạm tội như nhau. Khi một người đàn ông phạm tội ngoại tình, anh ta gieo giống của mình trong thửa vườn của người khác, như thế anh ta đã xúc phạm người sở hữu của mảnh vườn kia và có thể sẽ phải trả một giá rất đắt nếu bị bắt quả tang. Nhưng anh ta lại không bị xem là phạm lỗi hay phản bội vợ mình, hoặc xúc phạm đến hôn nhân của riêng mình. Nếu người vợ ngoại tình, dù bất cứ trường hợp nào, đó cũng là điều xấu xa nhất phạm đến chồng. Nàng đã cho phép hạt giống lạ được gieo trong vườn của chồng. Nàng đã làm hại gia phong, đạo đức của dòng dõi nhà chồng. Nàng hành động như vậy là xúc phạm đến hôn nhân.

Cuối cùng: Quan niệm hôn nhân “mảnh vườn” này không có chỗ đứng cho người độc thân không cưới vợ hoặc không lấy chồng. Một thiếu nữ không lấy chồng được xem như một miếng vườn có khả năng sinh hoa kết trái nhưng không được giao cho người gieo trồng. Điều này không có gì quan trọng. Nhưng điều ngu dại nhất mà người ta có thể nghĩ đến là một người đàn ông độc thân. Anh ta là người gieo giống vậy mà đã không mua được cho mình một thửa vườn để gieo giống. Thật không tưởng tượng được có điều gì dại dột đến như vậy! Sau câu nói, mọi người cười ầm lên. Tôi thấy Maurice, người đưa tôi đến nhà thờ mặt mày đỏ bừng khi bạn bè trêu chọc đập vào vai anh ta.