Đây không phải là quyển tiểu thuyết vì toàn thể câu chuyện đều thật, kể cả những mẫu đối thoại. Những nhân vật liên hệ đều còn sống vì thế tác giả tránh không mô tả hoặc nêu tên các địa danh. Câu chuyện xảy ra ở Phi Châu, nhưng những vấn đề nêu lên đều là những vấn đề chung của mọi nơi và của mọi nền văn hoá.
Mặt đất thấp dần; đường băng bê-tông hiện ra. Bánh xe máy bay chạm đất, nhún nhẹ rồi lăn đều. Tiếng động cơ rú ầm ầm, máy bay chậm lại, đổi hướng, tiến về phía toà nhà chính của phi trường rồi dừng lại.
Thế là tôi đã đến nơi. Tôi tháo dây lưng an toàn, vắt chiếc áo lạnh lên tay, xách va-ly rồi len xuống cửa ra ở cuối máy bay. Người nữ tiếp viên Phi Châu mỉm cười nghiêng đầu chào tôi:
– Xin tạm biệt. Mong ông hài lòng về chuyến bay.
– Cám ơn cô.
Tôi trả lời rồi cẩn thận đi xuống chiếc cầu thang hẹp của sàn đậu. Hơi nóng hừng hực hắt vào người. Tôi nối đuôi theo đoàn người, đi ngang qua sân phi trường nắng chói chang, tiến về phía trạm hành khách.
Khoảng nửa đường từ chỗ máy bay đậu và trạm, có một thiếu nữ trong bộ đồng phục tiếp viên đang đứng đợi, chăm chú nhìn toán hành khách dường như để tìm một gương mặt quen nào đó. Chợt cô ta bước tới và gọi tên tôi.
– Sao cô biết tôi? – Tôi hỏi.
– Tôi thấy hình ông ở bìa sau một cuốn sách ông viết. Tôi là Miriam. Có lần tôi đã viết thư cho ông.
Miriam à? Tôi cố lục lọi trong trí nhớ.
– Tôi có hồi âm chưa?
– Dạ có. Ông bảo rằng hồi hôn còn hơn là sau này ly dị.
Bây giờ thì tôi nhớ bức thư đó rồi. Tôi để xách tay xuống nhìn Miriam. Cô ấy nhỏ nhắn, xinh đẹp với đôi mắt nâu long lanh dưới vầng trán thông minh. Mái tóc dài gần như xanh đen được cuốn gọn lên sau gáy.
Tôi mỉm cười nói:
– Cô đã viết cô sợ rằng những cảm nhận của mình về vị hôn phu chưa đủ sâu để có thể tiến tới hôn nhân.
– Và ông đã nói tôi nên nghe theo những cảm nhận ấy, vì phụ nữ thường bén nhạy hơn nam giới.
Tôi nhớ lại đầy đủ trường hợp của người thiếu nữ này. Cô ta lớn hơn hôn phu một tuổi, học hơn bốn năm và lương cũng cao hơn. Đây là điều làm cô lo lắng.
– Nhưng ông hiểu cho. Tôi không thể xa anh ấy. Anh ấy yêu tôi và tôi cũng có phần thương anh ấy. Nhưng đôi lúc tôi cũng không hiểu được lòng mình.
– Tôi hiểu, Miriam, nhưng bây giờ thì chúng ta chưa nói chuyện ở đây được. Để qua trạm kiểm soát rồi chúng ta tiếp tục. Được chớ?
Miriam xách giúp tôi một bên quai chiếc xách tay nặng. Tay kia tôi kẹp cái cặp rồi cùng đi về phía trạm hành khách. Không đợi đến nơi, Miriam vẫn tiếp tục câu chuyện.
– Xin lỗi ông, tôi cần thưa chuyện với ông ngay vì mục sư cho biết ông chỉ ở đây có bốn ngày. Hơn nữa, tôi muốn gặp ông trước khi những người khác đến. Tôi làm việc cho hãng hàng không nên mới được phép ra đây.
– Cô là thuộc viên Hội Thánh của Mục sư Daniel?
– Vâng. Ông mục sư cũng đã đến đón. Xong thủ tục hải quan ông sẽ gặp.
Lúc xếp hàng chờ kiểm tra hộ chiếu tôi thấy như Miriam vẫn muốn nói tiếp. Cô ấy đã phải cố gắng lắm, đã phải thu nhiều can đảm mới dám trình bày nan đề với tôi, vì thế tôi không muốn để cô thất vọng.
– Này Miriam, tôi vẫn không hiểu tại sao cô lại đính hôn vội vã như thế khi chưa biết nhiều về người đó?
– Ở xứ tôi, con gái không được nói chuyện và đi chơi riêng với bạn trai nếu chưa đính hôn. Chúng tôi không được phép có bạn trai. Trong sách ông viết rằng không nên đính hôn khi chưa hiểu rõ người bạn mình, nhưng chúng tôi thì không thể quen nhau trước khi đính hôn.
Đến lượt tôi trình hộ chiếu.
Nhân viên kiểm soát hỏi:
– Ông là du khách?
– Tôi đến giảng cho một nhà thờ ở đây.
– Về đề tài gì, thưa ông?
– Về hôn nhân, ông ạ.
Ông ta liếc nhìn tôi rồi đóng dấu vào hộ chiếu, không hỏi thêm điều gì khác. Miriam cùng tôi đi đến chỗ nhận hành lý.
– Nếu tôi bỏ, anh ấy sẽ tự tử.
– Tự tử à? Cô nghĩ rằng anh ta dám liều?
– Tôi không biết, nhưng có thể lắm!
– Có lẽ tôi nên nói chuyện với anh ta thì tốt hơn.
– Vậy thì hay quá. Tối nay anh ấy cũng sẽ đi nhóm.
– Sau buổi nhóm cô giới thiệu anh ta cho tôi nhé.
– Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều.
Vẻ nhẹ nhỏm của Miriam khiến tôi kết luận rằng đây chính là điều cô hằng mong ước: sắp xếp để cho người chồng hứa có thể gặp riêng tôi.
Sau khi tôi nhận chiếc va-ly khá to, Miriam nói với nhân viên hải quan bằng tiếng địa phương. Anh ta ra dấu cho chúng tôi qua. Cửa mở. Chúng tôi bước vào phòng đợi.
Mục sư Daniel bước đến nắm hai cánh tay tôi theo lối chào của người Phi Châu rồi ông ôm lấy tôi.
– Hoan nghênh ông, rất hoan nghênh ông đã đến.
– Vâng, cuối cùng tôi cũng đã đến nơi.
– Tôi mừng lắm. Xin được giới thiệu với ông đây là Esther, nhà tôi. Mục sư Daniel hướng về phía một phụ nữ độ ngoài ba mươi, có nét mặt thông minh, dáng người thon thả. Esther mặc chiếc váy màu xanh đậm, sọc đen, đầu quấn khăn vàng. Tay trái bà ẵm con nhỏ, còn tay phải dắt một bé trai độ ba tuổi. Bà bắt tay tôi theo lối Tây phương, ánh mắt tránh né, e thẹn.
– Chào mừng ông đến đất nước chúng tôi – Bà nói.
Cậu bé nhìn tôi tò mò nhưng khi tôi cúi xuống chào, cậu liền trốn ra sau, vòng hai tay ôm lấy váy mẹ.
– Từ phòng ăn trên lầu, chúng tôi thấy ông ra khỏi máy bay và đã khởi sự làm việc chỉ một phút sau khi đến nơi. Ông biết Miriam từ trước?
– Không, chỉ qua thư từ thôi. Cô ấy nhận ra tôi nhờ hình in ở bìa sau quyển sách tôi viết.
Lúc này Miriam có vẻ bối rối, cô xin lỗi phải trở lại làm việc và hứa tối nay sẽ đến nhà thờ.
Chúng tôi ra chiếc xe Volkswagen của Mục sư Daniel đậu ở bãi trước. Bà Esther ngồi ở phía sau với hai đứa bé. Tôi và Mục sư Daniel ngồi phía trước.
– Từ lần đầu mình gặp nhau đến bây giờ là bao lâu rồi, Daniel?
– Đúng hai năm.
Tôi chỉ gặp Mục sư Daniel có một lần trong một hội đồng quốc tế dành cho những người lãnh đạo Hội Thánh. Ông đã khẩn khoản mời tôi đến giúp cho chi hội của ông từ hồi đó mà mãi đến bây giờ tôi mới đáp ứng được lời mời.
Sau một lúc yên lặng, tôi thổ lộ với Mục sư Daniel cảm nghĩ của mình.
– Tôi thấy lo lắng về buổi nhóm tối nay. Tôi thấy mình hoàn toàn chưa được chuẩn bị. Tôi muốn hiểu thêm về tín hữu ở đây trước khi nói chuyện.
– Vì anh chỉ lưu lại có bốn ngày nên chúng ta buộc phải khởi sự ngay tối nay.
Tôi thông cảm với Mục sư Daniel. Thì giờ ít quá.
– Đây là lần đầu tiên anh đến thành phố này? – Ông hỏi.
– Vâng. Quả thật đây mới chỉ là lần đầu. Tôi đã đi nhiều nước Phi Châu nhưng chưa bao giờ đến xứ này. Tôi biết một số phong tục, nhưng không biết gì về những vấn đề đặc biệt ở đây.
– Có thể đó lại là một lợi điểm – Mục sư Daniel vừa nói vừa nheo mắt – Thanh niên chúng tôi đang kỳ vọng rất nhiều nơi những bài giảng của anh.
– Còn những người lớn tuổi thì sao?
– Có chút ít phản kháng. Họ cho rằng nói đến hôn nhân không thuộc trách nhiệm nhà thờ. Nhất là nói về tình dục là điều cấm kỵ đối với họ. Hầu như đó là quan điểm chung của Phi Châu. Còn những người Châu Âu, Châu Mỹ thì sao?
– Về cơ bản, vẫn giống ở đây. Cơ Đốc nhân thường lúng túng khi nói đến vấn đề tính dục. Những người nói thì thường lại không phải là Cơ Đốc nhân.
– Dù sao thì anh cũng nên thận trọng. Nhất là trong bài giảng đầu, đừng nói quá nhiều đến tình dục. Nên cố gắng càng đơn giản càng tốt và tránh dùng những từ trừu tượng. Anh nên nói ngắn để tôi có thể dịch từng câu một.
– Tôi sẽ cố. À mà nhà thờ có bảng đen không?
– Được rồi, tôi sẽ chuẩn bị cho anh.
Chúng tôi đang tiến vào trung tâm thành phố. Nếu không thấy dân bản xứ, thành phố này chẳng có gì khác lắm với các thành phố Âu Mỹ – Vỉa hè, những bảng hiệu bằng đèn nê-ông, ngân hàng, những toà nhà cao ngất, những công ty bảo hiểm, khách sạn, nhà hàng, những chi nhánh du lịch, các siêu thị và dòng xe cộ chen chúc vội vã, không ngừng.
Esther lên tiếng:
– Bà nhà và các cháu khoẻ không ông?
– Cảm ơn bà. Nhà tôi và các cháu vẫn thường.
– Ông được mấy cháu rồi?
– Chúng tôi được năm, lớn hơn các cháu đây một chút.
– Ông đi các cháu có nhớ không?
– Tất cả đều muốn đi theo. Chúng nó coi đây như là quê hương vì bốn đứa sanh ở Châu Phi.
– Rồi bà nhà có đến đây không, thưa ông?
– Chắc nhà tôi sẽ đến vào cuối tuần.
– Vậy thì vui quá!
Tôi nhớ đến nhà tôi và nghĩ rằng tối nay mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có nàng bên cạnh để chúng tôi được bàn bạc với nhau. Càng nghĩ đến nàng tôi lại càng cảm thấy cô đơn.
Mục sư Daniel lên tiếng:
– Chúng tôi có ý mời anh về nhà, nhưng lại quyết định để anh ở khách sạn vì yên tĩnh hơn. Ở nhà chúng tôi khách khứa luôn luôn. Hơn nữa có thể nhiều người muốn nói chuyện với anh mà lại không muốn đến tư thất mục sư.
– Trước khi đến đây tôi mong được ở với anh, nhưng giờ thì theo ý anh chắc là tốt hơn.
Bà Esther hỏi:
– Tối nay ông dùng cơm với chúng tôi chớ?
– Cảm ơn bà tôi e không đủ thì giờ, vì bây giờ tôi còn phải thay bộ quần áo xứ lạnh này nữa.
– Vậy à. Tôi hỏi vì nhà tôi chẳng bao giờ cho biết trước những khi anh ấy mời khách về nhà.
Một thoáng yên lặng kéo dài.
Xe đậu trước khách sạn, Esther ở lại trong xe với các con. Tôi cùng Daniel vào khách sạn. Sau khi đăng ký, ông theo tôi vào phòng. Đó là phòng một người, trông gọn gàng, đầy đủ giường, bàn làm việc, điện thoại. Gần cửa sổ là nơi tiếp khách với trường kỷ, ghế bành và một cái bàn nhỏ. Không khí trong phòng thật dễ chịu, rất tiện tiếp khách.
Daniel nói:
– Tiếc là tôi không thể ghé đưa anh đến buổi nhóm, nhưng tôi sẽ cho một người đến đón anh.
– Này Daniel anh có thể ở lại một chút, góp ý với tôi về bài giảng tối nay không?
Mục sư Daniel yên lặng giây lát rồi nhắm mắt lại. Sau đó ông nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:
– Đức Chúa Trời sẽ ban Lời Ngài cho anh. Hãy chia sẻ điều gì Chúa dạy. Nói rồi ông rời phòng.
Mục sư Daniel quả là một cố vấn khôn ngoan. Ước gì tôi có thể giúp những tín hữu của ông như chính ông đã giúp tôi lúc này.
Tôi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Vì căn phòng ở lầu tư nên tôi có thể nhìn thấy những nóc nhà kế cận. Tôi đã thấy nó từ trên máy bay, bây giờ nó gần hơn và rất gần với tôi. Tôi đang ở dưới một trong những nóc nhà đó, không phải ở trên mà là ở dưới.
Tắm rửa thay quần áo xong tôi lấy trong cặp ra những tờ ghi chú bài giảng đầu tiên, bày ra bàn và bắt đầu đọc. Nhưng tôi không nhận được điều gì cả.
Thình lình chuông điện thoại reo, người trực điện thoại của khách sạn báo:
– Có người gọi ông, xin đợi một chút.
Tôi nghe giọng một phụ nữ, người ấy hỏi tên tôi.
– Tôi đọc báo biết tối nay ông nói chuyện về hôn nhân, phải không thưa ông?
– Vâng.
– Tôi xin hỏi ông: Có phải khi bỏ chồng, người đàn bà luôn luôn có lỗi?
Một câu hỏi hóc búa! Tôi thầm nghĩ rồi hỏi:
– Tại sao cô muốn bỏ anh ta?
– Anh ấy không cưới tôi.
– Tôi tưởng anh ta đã là chồng của cô rồi chớ?
– Chúng tôi đang sống với nhau. Anh ấy bảo: “Khi em sống với anh thì cũng như anh đã cưới em vậy”, nhưng rồi anh ấy không cưới tôi, ảnh luôn luôn hứa làm lễ cưới, nhưng rồi cứ đình lại mãi. Bởi vậy tôi mới như đã được cưới mà lại chưa thật được cưới, tôi bối rối lắm. Thưa ông, những điều gì làm cho hôn nhân thật sự được gọi là một cuộc hôn nhân?
– Hai người sống với nhau bao lâu rồi? – Tôi hỏi.
– Dạ hơn một năm.
– Cô và anh ấy có con chưa?
– Dạ chưa. Anh ấy không muốn có con.
Tôi đoán ra được vấn đề.
– Anh ta rất tốt với tôi – giọng nói tiếp tục – Trả tiền học cho tôi, mỗi sáng đưa tôi đến trường và tối rước về.
– Đưa cô tới trường? Cô bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ hai mươi hai. Cha mẹ không đủ khả năng cho tôi học đến nơi đến chốn nên bây giờ tôi phải tiếp tục.
– Cha mẹ cô sống ở đâu?
– Ở một làng nhỏ cách đây vài trăm dặm.
– Sao cô không về với cha mẹ và chỉ trở lại sống với anh ấy sau khi làm đám cưới?
– Dạ không thể đựơc. Cha mẹ đã đuổi tôi ra khỏi nhà khi tôi bắt đầu sống với anh ấy. Họ không chấp nhận anh ta.
– Tại sao không chấp nhận?
– Vì anh ấy người Âu.
Tôi hiểu ra nhiều điều: Anh ta là người có tiền, không muốn có con và muốn “tự do luyến ái”.
– Vậy à, cô thật ở trong một hoàn cảnh rất khó xử. Cô đến khách sạn gặp tôi được không?
– Dạ không thể được, anh ấy không bao giờ để tôi đi đâu một mình.
– Sao cô không rủ anh ấy theo?
Cô ta cười:
– Không bao giờ anh ấy đi!
– Cô có thể đến nghe giảng tối nay không?
– Tối nay tôi phải đi học. Hơn nữa anh ta không muốn tôi đến bất cứ nhà thờ nào.
– Rồi nghỉ cuối tuần cô làm gì?
– Tôi ở nhà. Khi đi, anh ấy khoá cửa nhốt tôi ở trong.
– Anh ta đi đâu?
– Tôi không biết. Anh ấy không bao giờ cho tôi biết cả.
Tôi yên lặng không nói thêm được một lời nào. Cô ta tiếp:
– Bây giờ tôi phải làm sao? Tôi làm gì đây?
Lại vẫn câu hỏi cũ. Tôi đáp:
– Tôi không biết. Thật tình tôi cũng không biết cô phải làm gì.
– Ít nhất ông cũng có thể cầu nguyện với tôi chớ, thưa ông?
– Cầu nguyện…? Cô có phải là tín đồ Cơ Đốc không?
Tôi hối tiếc vì đúng ra không nên hỏi câu hỏi đó. Là tín đồ hay không đâu có quan hệ gì đến việc tôi cầu nguyện cho cô ấy. Nhưng rồi cô gái đã trả lời:
– Không, cha mẹ tôi theo đạo Hồi, còn tôi được học trong một trường Cơ Đốc, ngoài trường này trong làng không có trường nào khác.
Cầu nguyện! Phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ cầu nguyện qua điện thoại, huống chi với một người chưa quen. Nhưng tại sao không được. Có cần gặp và biết cô ta không? Chẳng lẽ Chúa lại không thấy, không biết cô ta như Ngài đang thấy và biết tôi sao? Nếu không thể gặp nhau trong phòng này, tại sao chúng tôi không thể gặp nhau trong Chúa?
Thế là tôi cầu nguyện, thưa với Chúa rằng tôi thấy hoàn toàn bế tắc và xin Ngài chỉ cho chúng tôi một giải pháp. Khi tôi nói: “A-men” thì cô ta gác máy.
Cái yên tĩnh của căn phòng chụp phủ lấy tôi. Tôi nhìn chòng chọc vào xấp bài giảng trước mặt cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng. Xấp bài giảng này dường như chẳng có liên hệ gì đến cuộc sống. Tôi chợt nhớ ra mình quên hỏi tên và số điện thoại của cô gái. Ôi! Thật là một sai sót đáng trách. Không còn cách nào để liên lạc nữa. Không biết cô ấy có gọi lại không?
Chuông lại reo, tôi vội vàng cầm máy hy vọng là cô gái gọi lại, nhưng đó chỉ là điện thoại viên.
– Có người đang đợi ông ở phòng khách.
– Nói giúp tôi xuống ngay.
Tôi cất tập bài giảng vào cặp và đi xuống. Đó là một thanh niên khoảng ngoài ba mươi ăn mặc rất lịch sự. Anh tự giới thiệu là Maurice; anh đến để đưa tôi lại nhà thờ. Tôi theo anh ra xe, bắt chuyện.
– Anh có gia đình chưa.
– Thưa ông chưa.
– Anh năm nay bao nhiêu?
– Dạ ba mươi bốn.
Ba mươi bốn mà chưa lập gia đình! Tôi thầm nghĩ tại sao?
Maurice tiếp:
– Tôi mồ côi cha từ nhỏ. Lớn lên phải ráng học để có thể có nghề nghiệp vững chãi. Đến bây giờ lại phải lo cho mẹ. Tôi hiện làm quản lý cho một công ty xây cất. Tôi thấy kiếm vợ cũng không phải dễ.
– Tại sao anh lại thấy khó?
– Tôi không biết cách làm quen với các cô.
– Anh đã nghĩ đến cô nào chưa?
– Có một người.
– Cô ta nghĩ gì về anh?
– Tôi không biết ông ạ! Tôi chưa từng nói chuyện với cô ta.
– Sao lại chưa?
– Chỗ duy nhất tôi có thể gặp cô ấy là trên xe buýt. Tôi biết chuyến xe cô ta hay đi. Tôi lên cùng chuyến và cố gắng tìm dịp bắt chuyện giữa hai trạm.
– Cô ấy bao hiêu tuổi?
– Tôi không biết. Có lẽ chưa quá mười sáu.
Tôi giật mình. Có thể như vậy sao? Một người đứng đắn lịch thiệp, nghề nghiệp vững chắc và với nhiều trách nhiệm thế mà lại theo đuổi một cô học trò trên xe buýt!
– Sao anh lại chọn một cô gái trẻ đến thế?
– Những thiếu nữ lớn tuổi hơn hoặc hư hỏng, hoặc đã lập gia đình. Ông cho chọn như thế là sai?
– Nhưng anh có thấy khi mình sáu mươi thì nàng bốn mươi hai tuổi không?
– Có lẽ tôi cần cân nhắc điểm đó.
– Chúng ta đi thẳng đến nhà thờ đấy chớ? Cũng xa quá nhỉ.
– Không, tôi đi vòng để có thể giới thiệu với ông về một trong những vấn đề lớn nhất của chúng tôi. Đây là “khu đèn đỏ”.
Chúng tôi đang ở ngoài trung tâm thành phố, có đến hàng trăm túp lều tranh vách đất dọc theo hai bên đường đất. Có đến hàng ngàn người sống ở khu này.
– Điều gì đã đưa đẩy một phụ nữ ở đây thành gái giang hồ?
– Đa số họ bị hiếm muộn, bị chồng ruồng rẫy vì không có con.
– Điều gì làm cho họ không có con?
– Bác sĩ nói là hầu hết là do bệnh giang mai bị lây từ người chồng, là những người bị lây từ gái giang hồ. Một vòng luẩn quẩn. Một số khác là những bà goá, kiếm sống bằng cách đó để nuôi con cái. Nếu muốn tái giá họ phải trả con cho gia đình nhà chồng.
Chúng tôi yên lặng một lúc lâu, rời vùng ngoại ô, trở lại những con đường tráng nhựa và dừng trước cửa nhà thờ.
Tôi bước vào đang khi tín hữu đang hát, người ta đông nghẹt ngồi tận hàng ghế cuối, nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải. Khi Maurice dẫn tôi theo lối đi giữa, một vài cái đầu quay lại tò mò nhưng rất kín đáo. Mục sư Daniel ngồi trên hàng ghế đầu ra dấu cho tôi đến ngồi bên cạnh. Tôi có thể đọc lời bài hát nhưng không hiểu nghĩa. Những âm điệu quen thuộc, tôi cũng hoà theo. Tôi cảm thấy dễ chịu khi được cùng hát chung với hội chúng trước khi giảng. Trong khi hát câu cuối Mục sư Daniel gấp thánh ca lại mời tôi lên trước. Tôi bước lên toà giảng, ông theo sau và đứng bên cạnh để phiên dịch. Khi cử toạ hát phần cuối tôi có dịp quan sát hội chúng. Có rất ít những người lớn tuổi ngồi phía trước, còn đa số là những bạn trẻ, họ ngồi sát vào nhau với những mái tóc đen rậm làm tôi liên tưởng đến một tấm thảm nhung. Không ai nhìn lên chúng tôi cả.
Tôi nói thầm đoạn Kinh Thánh sẽ đọc. Mục sư Daniel lật Kinh Thánh, tôi cũng mở Kinh Thánh ra và bắt đầu.