Salômôn đã viết : “Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái này mới, vật ấy thật đã có rồi trong thời đời trước ta”.
Lại một quyển sách nữa về hôn nhân. Có thể có điều gì mới trong quyển này chăng?
Không phải đã đến lúc chúng ta nên dừng việc viết sách trình bày những chân lý cũ rích theo phong cách mới và chỉ cần tiếp tục làm những điều chúng ta đã biết cách làm rồi sao? Lời than vãn của Salômôn có thể thích hợp như một văn bia đối với việc thảo luận về hôn nhân này chăng? Hơn một lẫn nữa tôi đã hình dung vị vua Ysơraên khôn ngoan nhưng mệt mỏi, thơ thẩn rảo bước trong một hiệu sách Cơ Đốc tìm kiếm một sự giúp đỡ thực tế để phục hồi những rạn nứt quá nhiều trong hôn nhân của ông. Trong tư tưởng của tôi, sau nhiều giờ lần giở những quyển sách có bìa rời với những lời hứa hẹn “Hãy cách mạng hóa cuộc hôn nhân của bạn”, vị vua già Salômôn thong thả bước ra cửa vai khọm xuống, thở dài: “Người ta chép nhiều sách chẳng cùng, còn học quá thật làm mệt nhọc cho xác thịt” (Truyen Dao 12:12). Những giấc mơ ban ngày như thế khiến tôi phải giải thích tại sao tôi lại viết thêm một quyển sách khi tiếng thở dài của Salômôn còn đó. Trong khi làm tư vấn, tôi thường bức xúc khi thấy có những đôi vợ chồng đóng khung trong những kiểu cách quan hệ dẫn đến bế tắc, không cách nào phát triển một sự gần gũi trong hôn nhân có tính cách thỏa lòng sâu sắc. Mỗi khi tôi đứng trên toà giảng sáng Chúa nhật để giảng, nhìn xuồng những đôi vợ chồng phục sức lịch sự cùng hát Thánh ca ngợi khen Chúa vì Ngài đã ban món quà sự sống và sung mãn vĩnh cửu, tôi hoài nghi trong số họ chắc có rất ít đôi từng trải sự thân thiết đáng kể. Nhưng đa số họ là những Cơ Đốc nhân sẵn sàng thông báo rằng họ đang chân thật cố gắng phát triển cuộc hôn nhân của họ theo những nguyên tắc Kinh thánh. Như vậy thì tại sao những cuộc hôn nhân lại thường xuyên đầy dẫy những căng thẳng, cay đắng, xa cách, thỏa mãn cạn cợt, đều đều và những phút giây lãng mạn ngắn ngủi? Tại sao đôi lúc tôi cũng đối diện một nan đề trong cuộc sống gia đình của chính mình và sau khi cầu nguyện tha thiết, xét mình cách nghiêm khắc vẫn không rõ mình phải đáp ứng với vợ thế nào để làm cho sự nên một của chúng tôi thêm sâu sắc? Có thật là có những giải pháp để phát triển mối thân mật chân thật không? Hay là chúng ta phải ngưng đọc thuộc lòng những câu nói đến việc Chúa thiết lập hôn nhân trong khi thâm tâm mình lại tự vấn không hiểu sao những nguyên tắc thiêng liêng ấy không hữu hiệu? Nhiều người trong chúng ta từng đọc hàng tá sách về quan hệ hôn nhân. Chúng ta đã từng lắng nghe những chuyên gia về gia đình Cơ Đốc. Và chúng ta cũng đã được phước, đã được giúp đỡ nhiều. Nhưng đâu đó vẫn còn một áng mây. Có điều gì đó vẫn không ổn – Tại sao? Tôi tin rằng một phần của lời giải đáp nằm ở những xu hướng tiềm tàng có tính cách nguy hiểm trong những suy nghĩ của chúng ta về hôn nhân Cơ Đốc. Những xu hướng này có đủ sự thật để dễ dàng ngụy trang những sai sót ngấm ngầm – Nhiều cộng đồng Tin lành cho thấy có những sự chấp nhận cách vô thức một vài ý tưởng nào đó đã ngầm phá hoại cách tinh vi hiệu quả của sự dạy dỗ Cơ Đốc tốt đẹp trên gia đình. Khi tư vấn cho những đôi lứa hoang mang về sự bất năng của họ để làm cho hôn nhân hạnh phúc, tôi thường nhận ra được ảnh hưởng của một hoặc nhiều trong số bốn ý tưởng sai lầm sau đây : 1. Có lẽ xu hướng khiến tôi quan tâm nhất là giả định rằng Kinh thánh giảm thiểu những vấn đề phức tạp để chỉ nêu ra những vấn đề dễ giải quyết mà thôi . Chúng ta sống trong một thời đại của những toa thuốc chớp nhoáng. Một viên thuốc nhỏ xíu sẽ biến cơn mất ngủ trằn trọc thành giấc ngủ an bình – Tivi chiếu những pha gây cấn khéo xử trong gia đình mà thường được giải quyết trước khi kết thúc. Tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người trong chúng ta đi đến mức độ mong đợi những giải pháp nhanh chóng, đơn giản cho những vấn nạn gia đình và tìm kiếm một công thức “một – hai – ba” để sửa sai những mối quan hệ quá khúc mắc đến mức tồi tệ. Một nan đề đóng góp vào sự suy nghĩ đơn giản này là phản ứng quá mạnh mẽ có dụng ý đối với khuynh hướng của nhiều nhà tư vấn chuyên nghiệp nhằm bào chữa cho lối sống tội lỗi dựa trên sự phức tạp tâm lý. Rất tiếc nhiều nhà tâm lý Cơ Đốc lại nói nhiều về những điều như động cơ vô thức và hiểm họa tình cảm, hơn là đề cập đến tội lỗi và trách nhiệm. Hậu quả cuối cùng là làm suy giảm tác động dứt khoát của Kinh thánh rằng chúng ta phải chọn nếp sống công chính. Một số Cơ Đốc nhân, trong đó có tôi, phản ứng gay gắt với bất cứ quan niệm nào giải thích hành vi tội lỗi như là hậu quả dễ hiểu của những áp lực tâm lý. Kết quả có hai thái cực: một bên ám ảnh bởi những tiến trình sâu sắc của chức năng trong con người, cho rằng nếp sống tội lỗi thì không hẳn là hậu quả của lòng vô tín bất trị, nhưng là triệu chứng của sự rối loạn tình cảm. Bên kia, chú ú đến những chọn lựa có ý thức , có chủ định, cho rằng những vấn nạn của nếp sống chỉ có thể giải thích dựa trên những hành động cố ý của tội lỗi. Theo quan niệm sau, nếu một người chồng chỉ trích vợ, vấn đề sẽ đưa đến chỗ anh ta có chọn cách lột bỏ người cũ với sự cay đắng xác thịt để mặc vào con người mới khả ái, yêu thương hay không. Nếu anh ta không đối xử với vợ theo kiểu của Đấng Christ anh ta sẽ bị xem như một con người tội lỗi bứơng bỉnh chứ không phải bị rối loạn tình cảm. Những cảm tình viên của quan niệm đầu sẽ dò tìm những yếu điểm, sai sót trong tình cảm, sự thù nghịch với phụ nữ và những nhân tố tâm lý để xác định cho vấn nạn tiềm ẩn đằng sau hành vi không thích đáng này. Tôi hoàn toàn chống lại bất cứ dòng tư tưởng nào nhằm ngấm ngầm phá hoại quan điểm về trách nhiệm cá nhân và tôi thấy mình cũng đồng tình với những người cho rằng con người phải chịu trách nhiệm với việc chọn lựa những ứng phó với hoàn cảnh sống. Tuy nhiên tôi lại cho rằng sự nhấn mạnh mới mẻ của chúng ta về những lựa chọn có trách nhiệm có chiều hướng đưa ra một quan điểm nhân tạo về tội lỗi. Tội lỗi xuất hiện đã vạch rõ ra cách đặc biệt dựa trên hành vi của chúng ta. Điều chúng ta làm tạo nên một tổng số vấn đề tội lỗi của chúng ta – Nếu cách chúng ta đang xử sự là cội rễ của nan đề thì giải pháp cho những khó khăn như mâu thuẫn hôn nhân rất đơn giản: hãy tìm cho ra những điều sai trái của bạn, rồi chọn cách làm đúng đắn. Hãy tìm điều gì đó khác đi, hãy ngưng lối sống không thích hợp với Kinh thánh và bắt đầu làm ngược lại. Chắc chắn không có sự tăng trưởng Cơ Đốc nào thiếu sự vâng phục. Nhấn mạnh sự vâng phục là từ bỏ lối tư duy tâm lý khiến giảm thiểu sự cần yếu của vâng phục, tức là đã phản ánh chân lý của Kinh thánh cách chính xác. Nhưng nếu chỉ quan tâm không gì khác hơn đến những hành động vâng phục có chọn lựa thì lại không lưu tâm đến sự phức tạp của cuộc sống con người như được phô bày trong Kinh thánh. Những đòi hỏi chân thật khiến người ta làm điều phải làm lại mời gọi biểu hiện thay đổi bên ngoài mà không thật sự thay đổi trong lòng (Xem IISu Ky 34:33; 7:3-4). Có nhiều điều trong sự tăng trưởng Cơ Đốc hơn là bắt ép chúng ta đáp ứng như phải có, còn có những vấn đề khác cần chú ý bên trong tính cách con người khi cố gắng động viên sự vâng phục. Vì bản chất con người đã bị tội lỗi làm cho hoen ố, việc nên thánh không chỉ đơn giản là “đừng làm theo phương cách của bạn, hãy làm theo cách của Đức Chúa Trời”. Tội lỗi chẳng những làm băng hoại điều chúng ta làm mà còn trong cách nghĩ, mục tiêu chúng ta dự định và cách chúng ta cảm thấy về chính mình và tha nhân. Nếu chỉ thay đổi việc chúng ta làm sẽ chẳng thay đổi gì con người chúng ta cả. Chữa chứng ích kỷ và sợ hãi vốn kiểm soát phần lớn điều chúng ta làm không thể bị giảm thiểu bằng những giải pháp cạn cợt; chúng ta cần học hỏi xem tâm trí đánh lừa chúng ta như thế nào. Chúng ta cần hiểu những mục tiêu sai lạc chúng ta dự tính, đối diện với cảm xúc của chúng ta cách chân thành, và ứng phó với những cảm xúc đau đớn, tội lỗi theo cách thức phản ánh sự tin cậy của chúng ta vào sự chấp nhận vô điều kiện của Đức Chúa Trời. Còn cần nhiều điều hơn là những chỉ thị đơn giản làm những điều chúng ta phải làm. Những bước được hoạch định sẵn nhằm giúp cuộc sống gia đình thành công chỉ chữa được vết thương cách sơ sài chứ không đụng đến căn bệnh thật sự. 2. Lỗi lầm thứ nhì trong quan niệm của chúng ta về hôn nhân Cơ đốc (và cả cuộc sống Cơ đốc) là sự nhấn mạnh cách khẩn khoản để trở nên hạnh phúc và thỏa lòng – những bài hát về Cơ Đốc Giáo vui tươi đã bỏ qua nhu cầu triển khai một bước vâng phục, thánh khiết với Đức Chúa Trời cho dù nỗi đau cá nhân có đến đâu. Đỉnh cao trong tâm trí nhiều Cơ Đốc Nhân, có lẽ vô thức, là nỗi bận tâm lo đi theo Chúa để đạt được cuộc sống sung mãn với những cảm xúc và với những cơ hội thỏa lòng phong phú. Trong thập niên vừa qua, hay hơn chúng ta đã đề cao lời yêu cầu nông cạn “hãy sung sướng, hãy cảm thấy vui vẻ” bằng cách thay thế lời mời gọi có vẻ Cơ đốc hơn đó là tìm “một đời sống thỏa lòng” và trở thành “tự thể hiện mình”. Niềm vui và sự an bình vốn có của Cơ Đốc Nhân trở nên lẫn lộn với cái điều nghe dường như tương tự, nhưng rất khác biệt trong sự thỏa lòng. Chính bản chất tội lỗi của chúng ta đã nắm lấy điều đó và chuyển dịch thành một ưu tiên trong kinh nghiệm có tính cách chủ quan về niềm vui sâu xa này và mối quan tâm Phái sinh khiến không biết con đường dẫn tới sự thỏa lòng có phù hợp với bản tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời như được mặc khải trong Kinh thánh hay không. Trong một số nhóm người ta nói đến sự thỏa lòng cách nhiệt tình trong những mối tương quan nơi mà ngoại tình, ly dị và đồng tình luyến ái được chấp nhận nếu nó tôn cao ý nghĩa cá nhân. “Tôi được hạnh phúc. Tôi phải thể hiện chính mình. Đừng lên án bắt tôi phải sống không được thỏa thuê – Đừng nhốt tôi trong mớ đạo đức hợp pháp của anh. Hãy để tôi được là tôi. Tôi phải làm gì tốt nhất cho chính mình. Đức Chúa Trời muốn tôi trở thành một con người toàn vẹn, và tôi không thể toàn vẹn trong khuôn khổ đạo đức truyền thống”. Chúng ta quá quen với việc thẩm định sự đúng đắn của những gì chúng ta làm qua đặc tính của tình cảm mà nó khơi gợi đến độ một kiểu đạo đức tương đối mới đã phát triển thành cái gọi là “Đạo đức của sự thỏa lòng ”. “Thỏa lòng” đã mang tính khẩn trương hơn và có giá trị hơn “vâng phục“. Các nhà tâm lý đã gây tổn hại rất nhiều khi cổ động cho sự đảo lộn thứ tự ưu tiên này. Thế sự thỏa lòng có chỗ nào trong tư duy của Kinh thánh không? Dĩ nhiên là có. Mỗi chúng ta đều cảm thấy một mối quan tâm sâu sắc đến hạnh phúc của chính mình và đây là điều phải có thôi. Tôi khao khát một ý thức mãi mãi gia tăng về thỏa lòng cá nhân và tôi thú nhận nỗi khát khao này mà không sợ rằng những ước ao của tôi là tội lỗi. Vấn đề chủ yếu không phải là chúng ta nên chú tâm đến phúc lợi bản thân, nhưng là chúng ta tin là phúc lợi của mình sẽ được phục vụ chu đáo đến mức nào – Theo đuổi bất cứ con đường nào đem lại ý thức sâu sắc tức thời về hạnh phúc nội tại cũng giống như một chiến lược nhạy cảm để tìm kiếm sự thỏa lòng. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng có một con đường – xem dường như chính đáng – nhưng cuối cùng dẫn tới nẻo sự chết: bi kịch của sự trống vắng và cô đơn. Những câu Kinh thánh viết về sự chết của bản ngã, mất mạng sống thì sẽ tìm lại được, chịu đóng đinh với Đấng Christ và chỉ sống cho Ngài v.v…đã nói rõ rằng nhận ra sự thỏa lòng thật sự không tùy thuộc vào mối bận tâm đối với sự thỏa lòng nhưng vào việc biết Chúa qua việc thuận phục trọn vẹn. Nói cách khác, con đường dẫn đến sự thỏa lòng không phải là đường với tấm bảng “Lạc thú phía trước” hay “Nếu bạn thấy đáp ứng đúng nhu cầu, hãy thẳng tiến”. Con đường duy nhất chắc chắn dẫn đến niềm vui chân chính, tồn tại mãi mãi là con đường dốc đứng, gồ ghề có mang chữ “vâng phục”. Chúng ta đã để cho mối quan tâm tự nhiên về sự thỏa mãn của riêng mình trượt vào nền đạo đức cho rằng bất cứ cái gì dường như mang lại hạnh phúc đều đúng cả. Mới đây một phụ nữ nói với tôi “Tôi muốn theo đúng lời Kinh thánh, nhưng tôi không biết tôi có hạnh phúc trong mối quan hệ này không. Chỉ vì anh ấy không phải là dạng người tôi có thể yêu được”. Khi chúng tôi bắt đầu thảo luận điều gì liên quan đến hành động phù hợp với Kinh thánh, thì mới rõ ra rằng với bà ấy, những ý tưởng của Chúa đối với những gì bà nên làm chỉ là một chút chủ nghĩa đạo đức phê phán mà thôi – Nhiều người đóng chặt Kinh thánh lại, rồi khẳng định cách tự tin rằng: “Đức Chúa Trời muốn tôi hạnh phúc và thỏa lòng nhưng tôi chẳng tìm được điều nào khi dấn thân vào cuộc hôn nhân này”. Thật khó để tin cậy rằng một Đức Chúa Trời yêu thương lúc nào cũng vì lợi ích sâu xa nhất của chúng ta lại nhấn mạnh đến sự tuân thủ trong đau đớn những tiêu chuẩn của lời Ngài!
3. Xu hướng thứ ba khiến tôi quan tâm lại có quan hệ mật thiết với xu hướng thứ nhì. Những nhu cầu tâm lý đã chiếm vị thế quan trọng khiến chúng ta tập trung vào việc thảo luận những vai trò trong hôn nhân . Kinh thánh đã trở thành một quyển sách hướng dẫn không bắt buộc khi chúng ta tìm những phương tiện đáp ứng nhu cầu tình cảm của chúng ta. Và kết quả là, giá trị của một kế hoạch (“Có lẽ tôi phải bỏ chồng thôi” hoặc “Tôi cho rằng không nên khơi gợi vấn đề – điều này tốt hơn là cãi cọ” được đo lường không dựa trên việc kế hoạch ấy có trung thành với Kinh thánh hay không, nhưng dựa trên những hiệu quả nhận thức được đối với nhu cầu và tình cảm của con người. Tại đây vấn đề thẩm quyền bị đe dọa thật sự. Phê chuẩn một kế hoạch hành động qua việc yêu cầu nó có khả năng đáp ứng nhu cầu tức là đã thay thế thẩm quyền của Kinh thánh vô ngộ bằng một hệ thống giá trị của con người. Những lời khuyên được hỗ trợ bởi những câu như “Điều này sẽ giúp cho cuộc hôn nhân của bạn” hoặc “đường lối hành động này sẽ khiến cho ý thức về giá trị con người của bạn thêm sâu sắc” có vẻ nặng ký hơn lời khuyên có bằng chứng rằng “Đây là lời Kinh thánh dạy”. Chúng ta đã khôn khéo chuyển từ thẩm quyền của Kinh thánh sang một nền tảng mới của tư duy chúng ta. Nền tảng nhân bản này đưa đến hai giáo lý sai lạc: a) Nhu cầu của con người là quan trọng nhất. b) Những tư liệu của Cơ Đốc Giáo được dạy dỗ trong Kinh thánh rất hữu ích để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Thoạt đầu, một quan niện như thế chỉ gây ra chú ý sơ sài. Dù sao, Chúa đến há không phải để đáp ứng nhu cầu của chúng ta sao? Lỗi lầm rất tinh vi nhưng nghiêm trọng. Theo dòng tư tưởng này, những người có nhu cầu bước ra giữa sân khấu, đèn rọi chiếu tập trung vào họ và Đức Chúa Trời của Kinh thánh thì đứng trong cánh gà hô to lời hướng dẫn khi họ đi tìm sự thỏa lòng. Trong Cơ Đốc Giáo dựa theo Kinh thánh, chính thân vị Jêsus Christ đứng trong ánh sáng đèn rọi và Ngài nhân ái kêu gọi mọi người tìm được sự thỏa lòng vĩnh cửu bằng cách núp khuất trong vinh quang của Ngài. Ông Phaolô hiểu rõ cụm từ thỏa lòng của con người của Chúa Jêsus khi ông nói: “Đối với tôi sống là Christ” (Phi Pl 1:21).
4. Điều quan tâm cuối cùng của tôi dính dáng tới sự tiếp cận vụn vặt đối với sự hiểu biết về gia đình. Những quyển sách hay về phương cách làm một người chồng và cha Cơ Đốc rất nhiều. Có những quyển sách đề cập một cách thực tế và ý nhị về quan điểm của Kinh thánh về tình dục. Phụ nữ đã được hướng dẫn cặn kẽ từ cách làm mẹ cho đến sự thuận phục để tìm kiếm mẫu giải phóng cơ đốc, đến cách nấu ăn vì Đức Chúa Trời. Nhưng gần đây tương đối có ít nỗ lực để triển khai một sự hiểu biết toàn diện về thiết kế của Đức Chúa Trời cho hôn nhân. Không có một ý niệm rõ ràng về toàn cảnh, nên dễ hiểu sai và lệch lạc những trách nhiệm đặc biệt trong hôn nhân. Ví dụ: sự vâng phục thường được định nghĩa hạn hẹp như “làm bất cứ điều gì chồng bảo” mà không có một chút khái niệm gì về cách thức sự vâng phục thích ứng với chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời đối với những quan hệ thân thiết. Tương tự như vậy, các ông đôi lúc xem việc làm đầu như một đặc quyền để ra lịnh và họ đã bỏ qua điểm lãnh đạo trong tình yêu thương như một cách để xây dựng ý thức an toàn của người vợ. Tôi từng tư vấn nhiều cặp thủ lợi nhờ nắm lấy một quan niệm Thánh kinh đủ rộng để cung cấp một ý niệm tổng quát rõ ràng cho biết hôn nhân thật sự là gì và đủ thực tế để đưa ra những hướng dẫn thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời về sự thân mật. Bây giờ tôi xin lược thuật lại 4 xu hướng đáng ngại tôi thấy đang đầu độc nhiều ý nghĩ ngày nay về gia đình: 1) Những vấn nạn gia đình thường được xem như những khó khăn đơn giản, chỉ một vấn đề rất dễ giải quyết mà không cần phải cố gắng cật lực bằng cách áp dụng cẩn thận những công thức từng bước một. 2) Cái hấp dẫn của nhiều tựa sách là hứa hẹn về sự thỏa lòng, dần dần xóa đi cách tinh vi ý muốn chịu đựng khó khăn vì cớ vâng lời Chúa (nhất là khó khăn khi bị gia đình chối bỏ). 3) Hàn gắn gia đình lại với nhau theo một phương cách thỏa mãn người trong cuộc, đáp ứng nhu cầu quan hệ của họ là mặc nhiên thừa nhận điều ấy là ưu tiên lớn hơn việc chỉ làm theo lời Chúa trong niềm tin rằng vâng lời Ngài sẽ đáp ứng được nhu cầu cá nhân. 4) Những văn phẩm có được thường hướng về chiến lược từng phần để gắn những mảnh lắp ghép hôn nhân vào với nhau; thế là kế hoạch toàn cảnh vĩ đại của Đức Chúa Trời bị lu mờ vì cứ chăm chú vào những phần vụn vặt của trò đánh đố. Theo tôi, ít nhất một số những hoang mang khi chúng ta đối diện với những trách nhiệm gia đình thường bắt nguồn từ động tác của bốn xu hướng này. Quyển sách này tiêu biểu cho cố gắng xem xét hôn nhân trong một khung cảnh đặc biệt chống lại bốn xu hướng trên. Bốn vị thế được phản ánh xuyên suốt phần thảo luận của tôi về tương quan trong hôn nhân. 1/ Việc đọc sách này không đảm bảo một nếp sống thay đổi nhanh chóng và ngột ngạt. Tăng trưởng Cơ Đốc là một tiến trình lâu dài, thường xuyên khó khăn. Tôi không cống hiến một giải pháp đơn giản hay những công thức đã được chứng minh để đáp ứng cho những vấn nạn tạo nên từ việc sống chung thân cận với một tội nhân khác.Tuy nhiên, tận hiến cho việc làm chủ của Chúa Jêsus và thẩm quyền của Kinh thánh sẽ đem đến động cơ và sức mạnh cần thiết để sống có trách nhiệm. Nếp sống Cơ Đốc có trách nhiệm sẽ dần dần mang lại những lợi ích cá nhân như niềm vui sâu đậm và hy vọng vững chắc. 2/ Cố gắng sống chân thật theo lời Kinh Thánh nhiều khi rất khó, bối rối hoặc vỡ mộng nữa. Vâng lời Chúa cũng giống như phơi mình ra trước nỗi đau có thể tránh được hoặc ít ra tê đi nếu điều ưu tiên của bạn là “thấy thoải mái”. Khi tôi phải đương đầu với sự lưạ chọn phải vâng phục cách đớn đau hoặc thỏa hiệp thoải mái thì lời cuả Phierơ xuất hiện trong tâm trí:”Lạy Chúa chúng tôi đi theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời” (Giang 6:68). 3/ Dấn thân sống đời sống yêu kính Chúa không hề bảo đảm cuộc hôn nhân của bạn sẽ tốt đẹp. Người bạn đời của bạn có thể từ chối hợp tác. Cũng có thể chồng hay vợ bạn tỏ ra nhiệt tình hơn với bạn nếu bạn sẵn sàng thỏa hiệp một số nguyên tắc Cơ Đốc nào đó. Câu hỏi cần được nêu lên khi đương diện với những trở lực trong hôn nhân không phải là” Điều gì sẽ khiến hôn nhân tốt đẹp hơn?” mà là” Kinh thánh bảo tôi phải làm gì?” Lời Chúa phải được đặt ưu tiên hơn cả điều tôi cho rằng sẽ đáp ứng nhu cầu của tôi tốt đẹp nhất. 4/ Để triển khai một ý niệm tổng quát về hôn nhân, Kinh Thánh phải được xem là thẩm quyền tối thượng trong việc định hướng những nguyên tắc hành động. Kiểu giải thích theo văn hóa nhằm giới hạn sự ứng dụng những phát triển của Phaolô về hôn nhân đối với hoàn cảnh hiện đại của chúng ta phải bị bác bỏ. Chấp nhận” văn hóa hóa” Kinh Thánh như thế tức là thay thế sự khôn ngoan của con người thiên vị vào chỗ của sự thông tuệ từ Đức Chúa Trời. Quyển sách này thừa nhận cả sự vô ngộ và thẩm quyền xuyên văn hóa của Kinh Thánh. Trong khi viết, tâm trí tôi đầy dẫy khuôn mặt của những người từng tâm sự với tôi về bất hạnh trong hôn nhân của họ. Tôi cầu xin quyển sách này sẽ nói rõ và hỗ trợ cho những người chồng, người vợ muốn thiết lập cuộc hôn nhân thân thiết trên nền tảng Kinh Thánh.
Chương 1: SỰ HIỆP NHẤT
Hiệp Nhất Là Gì Và Tại Sao Hiệp Nhất Lại Quan Trọng
Mấy tháng trước đây trên chuyến bay đến thành phố New York khi đang phát thảo một phần khá gây cấn trong quyển sách này, một tiếp viên trong đội bay chú ý mấy chữ “Mục đích của hôn nhân” viết trên tập giấy màu vàng nằm trên bàn khay trước mặt tôi. Cô ầy hỏi tôi đang viết gì. Khi tôi cho biết đang viết một quyển sách về hôn nhân, cô nói: “Em rất vui vì em thật sự tin vào hôn nhân. Sau 6 năm chung sống với một người đàn ông, em quyết định lập gia đình. Nhưng vì anh chàng sống chung với em lại thích kiểu sống không ràng buộc như từ trước đến giờ, em tìm được người khác thích ràng buộc thế là chúng em kết hôn cách đây 2 tháng. Thật là tuyệt!” Tôi hỏi cô tại sao lại thích cuộc dấn thân trong hôn nhân thay vì chỉ sống chung với nhau. Suy nghĩ vài giây, cô cho biết: “Em nghĩ đó là một phần dấn thân em muốn. Em kết hôn với một người đàn ông dường như sẵn sàng dấn thân để yêu em và thiết lập một mối tương quan. Em chưa khi nào cảm thấy an tâm đủ để cởi mở và thân cận với một người đàn ông không muốn hứa gì cả”. Sự kiện này gợi lên hai câu hỏi: Mục đích của người phụ nữ này khi đổi người tình chung sống để lấy một người chồng là gì? – (2) Cô ấy mong đạt đến mục đích của mình bằng cách nào? Xin hãy xem xét thí dụ thứ hai. Một người chồng đang độ tuổi 30, than vãn với tôi rằng vợ anh làm anh thất vọng quá. Cô ấy xinh đẹp, duyên dáng, một đầu bếp khéo, một người mẹ rất tận tụy với hai đứa con nhỏ của họ. Nhưng tất cả những phẩm chất ấy lại kèm theo một tính hay chỉ trích liên tục, quở trách và trừng phạt thiếu điềm tĩnh cộng với thái độ tiêu cực của cô. Dường như anh làm gì cũng không vừa lòng cô và, anh nói thêm với một chút bực bội kiểu quý tộc anh là kiểu người chồng rất nhiều phụ nữ ái mộ. Người vợ trong suốt thời gian anh nói chỉ nhìn xuống đất cách chán nản. Khi anh dứt lời, cô nói mà không ngẩng đầu lên: “Anh ấy nói đúng đấy. Tôi là con mụ lắm điều và tôi lằm bằm khá nhiều. Tôi chỉ cảm thấy là mình không được Jimmy yêu thôi”. Khi cô ngước mặt lên, sự giận dữ hiện lên trong ánh mắt. “Thỉnh thoảng ảnh nổi khùng lên với tôi, gọi tôi bằng đủ thứ tên kinh khủng. Ảnh chẳng bao giờ cầu nguyện với tôi. Có, ảnh có mỉm cười với tôi khá nhiếu và ảnh nghĩ rằng như thế ảnh đã là một người chồng tuyệt vời rồi, nhưng tôi biết ảnh không chấp nhận tôi. Những nụ cười của ảnh luôn luôn dẫn tới thúc ép tình dục; và nếu tôi không đồng ý thì ảnh rất tức giận”. Xin hãy ngẫm nghĩ về đôi vợ chồng này và đặt ra hai câu hỏi như trên : 1) Mỗi người mong muốn gì ở nhau ? 2) Những chiến lược của họ để đạt được yêu cầu của mình là gì ? Xin thêm một điển hình nữa : Một đôi vợ chồng ở lứa tuổi trung niên – là tín hữu Cơ Đốc, có sức thu hút, có tài, kinh tế thoải mái, là những thành viên tích cực trong Hội Thánh – đã thú nhận rằng cuộc hôn nhân của họ có vấn đề. Bà vợ nói” Tôi có cảm giác như mình giả hình vậy. Nếu ông bảo Hội Thánh nêu tên mười cặp vợ chồng hạnh phúc nhất mà họ biết thì có lẽ tên chúng tôi sẽ xuất hiện trên tất cả danh sách. Chúng tôi dễ chan hòa, chúng tôi tiếp đãi tín hữu thường xuyên trong ngôi nhà của chúng tôi, chúng tôi hát trong ca đoàn. Chúng tôi thật sự diễn tròn vai của mình – nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi thật là khốn khổ”. “Chúng tôi sống hòa thuận- nhưng xa cách. Tôi không khi nào có thể thổ lộ với nhà tôi điều tôi thật tâm cảm thấy về bất cứ cái gì. Ông ấy luôn nổi khùng và gây gỗ với tôi hoặc là im thin thít cả mấy ngày. Tôi không cho rằng chúng tôi có mối quan hệ thật thân thiết”. Ông chồng đáp trả:” Tôi không tin mọi việc lại tồi tệ đến thế, chúng tôi cũng có khá nhiều điều suông sẽ đấy thôi: bọn trẻ cũng tốt, nhà tôi dạy Trường Chúa nhật, Chúa có ban phước cho công việc làm ăn của tôi. Thế còn khá hơn nhiều…..” Tôi ngắt ngang “Thế ông thật sự chia sẽ chính mình – những cảm nghĩ, hy vọng, ước mơ với vợ được bao nhiêu?” “À thì”, ông ta đáp, “mỗi lần tôi thử thì dường như bà ấy chẳng quan tâm nên tôi chẳng buồn để ý”. Người vợ buột miệng “Nếu ông thật tâm chia sẻ thì tôi cũng nghe chứ! Nhưng cái điều ông chia sẻ là giáo huấn tôi phải như thế này, phải như thế kia. Mỗi lần tôi cố nói cho ông nghe tôi cảm thấy thế nào, ông luôn luôn nói đại khái như là: Tôi không hiểu tại sao bà cảm thấy như vậy. Tôi thấy sự trò chuyện của chúng ta thật là kinh khủng”. Một lần nữa xin đặt lại hai câu hỏi: Cặp vợ chồng đã li dị về mặt tình cảm này muốn gì ở cuộc hôn nhân mà họ không thể nào khai triển nổi? 2) Họ đang thử làm như thế nào để đạt được điều cả hai mong mỏi?
I/ NHU CẦU THÂN MẬT. Chúng ta hãy đề cập đến câu hỏi thứ nhất: Mỗi người trong số những người này tìm kiếm điều gì ? Rõ ràng người tiếp viên hàng không lập gia đình với hy vọng mối quan hệ dấn thân hỗ tương sẽ đem lại tình thân mật mà cô không tìm thấy nơi người tình chung sống, Còn người chồng bực bội kia mong cảm nhận được một sự hiệp nhất nơi người vợ, nhưng tin rằng tinh thần chỉ trích và từ khước của vợ đã là vật cản. Anh nổi giận với vợ cũng giống như thể tôi nổi dóa lên với ai đó sau khi tôi đã nhịn đói mấy ngày mà lại đứng cản đường không cho tôi đi tới cái bàn đựng đầy thức ăn ngon lành. Người vợ lại thấy không thể đáp ứng nồng nhiệt với người đàn ông dường như chỉ muốn sử dụng vợ chớ không chấp nhận cô. Cô tha thiết muốn đến gần người chồng, nhưng cảm thấy một nỗi sợ hãi trước viễn tượng đến gần một ngườ đàn ông có lẽ không thật tâm yêu mình. Cặp vợ chồng có cuộc hôn nhân rất đẹp về hình thức nhưng trống rỗng bên trong, lại cảm thấy bị chặn đứng không thể với tới phần tình cảm của đối tượng. Không có sự thân mật thật sự đã để trong họ một khoảng trống – mà người vợ nhận biết cách cay đắng, trong khi người chồng đã bỏ qua và chỉ chú mục vào bẫy sập bên ngoài là sự thành đạt của gia đình. Cô tiếp viên lấy chồng, người chồng hay gây sự và cô vợ hay chỉ trích và cặp vợ chồng không thể trao đổi hay trò chuyện với nhau đều theo đuổi một mục tiêu khó nắm bắt: một kinh nghiệm sâu sắc về sự thân mật riêng tư qua mối quan hệ với đối tượng khác phái . Không có gì có thể thâm nhập cách sâu sắc vào tính cách con người cho bằng mối quan hệ. Cấu trúc của chân lý Thánh kinh được đan dệt vào nhau từ Sáng thế ký cho đến Khải thị bằng sợi chỉ quan hệ: Mối quan hệ toàn hảo giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Mối quan hệ đổ vỡ giữa Đức Chúa Trời và con người, giữa Ađam và Êva, giữa Cain và Abên. Mối quan hệ yêu thương giữa Aquila và Bêrítsin, Rutơ và Naômi, và giữa Chúa Jêsus với Giăng. Mối quan hệ đối địch giữa Giêsabên và Êli, giữa Chúa Jêsus và người Pharisi. Mối quan hệ căng thẳng giữa Ápraham và Lót, giữa Phaolô và Giăng Mác. Những loại tình cảm nảy sinh giữa những mối quan hệ cũng được mô tả cách sống động trong Kinh thánh. Sự đau đớn đối với những mối quan hệ mất mát : Đavít khóc Ápsalôm, Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi? Hối hận đắng cay vì thương tiếc một người thân : Phierơ sau khi gà gáy lần thứ 3. Niềm vui của sự đoàn tu : Giacốp gặp Giôsép ở Aicập. Niềm vui thư giãn trong mối quan hệ thoải mái : Chúa Jêsus tại nhà của Mari và Mathê Danh sách thì vô tận. Rõ ràng câu truyện Thánh kinh trình bày bi kịch về quan hệ trong sự đầy trọn. Vì sao chủ đề về quan hệ lại nổi bật trong lời Đức Chúa Trời như thế? Bởi vì chỉ trong bối cảnh của mối quan hệ thì những nhu cầu sâu kín nhất của của tính cách con người mới được đáp ứng. Con người ở đâu cũng ao ước mối quan hệ thân thiết. Chúng ta ai cũng cần được gần gũi với ai đó. Xin bạn đừng biện bạch cho nỗi khát khao được thân mật với một người nào đó; vì đấy không phải là tội lỗi hay ích kỷ. Đừng cố tình lờ đi nhu cầu bằng cách chú mục vào những thỏa mãn thứ yếu như thành đạt trong xã hội hay tìm kiếm tri thức. Bỏ mặc mong ước với mối quan hệ bằng cách cho rằng mình không cần cũng điên khùng như giả bộ có thể sống mà không cần ăn. Nhu cầu quan hệ là nhu cầu có thật và xuất phát từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài, những con người không giống bất cứ tạo vật nào khác và giống Ngài trong khả năng độc đáo trong sự quan hệ. Là những con người phải phụ thuộc, chúng ta không thể hành xử cách trọn vẹn như vốn được tạo dựng nếu không có những mối quan hệ thân thiết.Tôi hiểu Kinh thánh để dạy rằng quan hệ cống hiến hai yếu tố hoàn toàn hữu hiệu nếu chúng ta phải sống đúng theo dự kiến của Đức Chúa Trời: (1) Mối an tâm vì được yêu và được chấp nhận thật sự. Ý nghĩa của việc tạo nên ấn tượng tích cực, lâu dài và đáng kể trên người khác.(Chú Thích : xin xem chương 2 để hiểu rõ về hai nhu cầu này). Những nhu cầu này có thật và phải được thỏa đáng trước khi hành vi đúng với Kinh thánh được thể hiện cách triệt để. Thật vô lý khi hô hào người ta sống có trách nhiệm trước Chúa trong khi những nhu cầu an tâm và ý nghĩa không được thỏa mãn, cũng giống như bảo một người viêm thanh quản phải nói. Nếu một phụ nữ không hề cảm thấy an tâm trong lòng mà cũng không trông mong tìm được điều ấy thì không thế nào trao phó chính mình cho chồng theo mhư mạng lịnh Kinh thánh đòi hỏi. Tự nguyện vâng phục một người đàn ông ích kỷ khinh suất trong những quyết định của mình, và để bị lạm dụng bởi một người chồng quá yếu đuối, vô tình không yêu thương mình, điều đó đòi hỏi một sự an tâm đã có. Liên tục yêu thương một người phụ nữ cứ tỏ ra xem thường những suy nghĩ của mình và lúc nào cũng chỉ trích giận hờn, từ khước là điều không thể đối với người đàn ông không được cho thấy mình có giá trị hay có ý nghĩa gì cả. Chúng ta không được dự trù xử sự theo đúng như kế hoạch của Đức Chúa Trời nếu trước hết không được Ngài trang bị cho chúng ta.
II. NAN ĐỀ VỀ TÌNH CẢM Để tránh hiểu lầm, tôi xin nói rõ rằng chúng ta không cần phải cảm nhận sự an tâm hay ý nghĩa để hành xử đúng theo bổn phận. Có thể tôi không cảm thấy xứng đáng hay được chấp nhận, nhưng tôi vẫn có trách nhiệm tin vào những điều Chúa phán. Lời Ngài bảo đảm cho tôi rằng trong Chúa Jêsus tôi vừa được an tâm trong tình yêu của Ngài và có ý nghĩa trong chương trình của Ngài. Một người vợ cảm thấy vô cùng bất an sẽ có thể trao phó chính mình cho chồng nếu cô ấy tin rằng mình được an toàn trong Chúa Jêsus. Một người chồng cảm thấy bị đe dọa bởi sự từ khước của vợ có trách nhiệm yêu thương chấp nhận vợ vì anh ta tin rằng mình là một Cơ đốc nhân xứng đáng cho dù sự đáp ứng của vợ ra sao đi nữa. Chúa Jêsus đã khiến tôi an tâm và có ý nghĩa cho dù tôi có cảm thấy hay không, điều ấy vẫn là sự thật. Tôi được Đức Chúa Trời chỉ dẫn để tin rằng những nhu cầu của tôi đã được đáp ứng và vì thế tôi phải sống cách vị tha, chỉ quan tâm đến nhu cầu của tha nhân mà thôi. Tôi càng chọn cách sống theo chân lý dựa trên những gì Chúa đã làm cho tôi, tôi càng cảm nhận sự thực hữu của mối an tâm và ý nghĩa trong Ngài. Tội lỗi đã làm cho hư hỏng mọi sự. Thiết kế ban đầu của Đức Chúa Trời là người nam và người nữ sống trong mối tương giao với Ngài và có mối quan hệ vị tha trong sự dâng hiến hổ tương đối với nhau. Trong mối quan hệ như thế, tình yêu của tôi sẽ làm cho vợ tôi xúc động đến nỗi tôi cảm thấy mình có ý nghĩa sâu sắc ,khi tôi nhận thức được niềm vui do tình yêu của tôi đem lại cho nàng; tôi sẽ hân hoan trong sự an tâm mà tình yêu của nàng mang đến cho tôi. Vợ tôi cũng tìm thấy ý nghĩa khi đụng đến những nhu cầu sâu kín nhất của tôi và vui hưởng mối an tâm từ tình yêu tôi dành cho nàng. Nhưng có điều gì đó không ổn trong cuộc hôn nhân của tôi. Tôi không còn tin rằng nhu cầu của mình được đáp ứng. Dường như tôi nghĩ rằng tôi cần vợ tôi cho tôi an tâm và ý nghĩa trước khi tôi có thể đáp ứng lại như tôi phải làm.