Chương 2
SỰ HIỆP NHẤT TRONG TINH THẦN
Ai Đáp Ứng Nhu Cầu Của Tôi?
Một người đàn ông than phiền với tôi rằng vợ ông ta rất lạnh lùng, hay giận và hay lý sự. Tôi ngắt ngang về sự kể lễ của ông ta về lỗi lầm của vợ để nói: “Dường như ông cho rằng vì cớ vợ ông làm cho ông thất vọng quá cho nên ông đúng khi có thái độ cay đắng đối với bà ấy. Tuy nhiên, Kinh thánh dạy ông phải yêu vợ dù có thể bà ấy là người hoàn toàn không thể chấp nhận và yêu bà như kiểu Đấng Christ yêu dân sự Ngài vậy”. Ông ta hoài nghi. “Đợi đã! Có thể tôi phải yêu bà ấy – tôi biết tôi phải thế, nhưng tôi cũng cần một chút tình yêu và tôn trọng chứ. Bà ấy chẳng cho tôi gì khác hơn là chỉ trích và sự lạnh nhạt, còn ông thì bảo tôi phải yêu bà ấy. Thế thì ai sẽ đáp ứng nhu cầu của tôi?” Câu hỏi của ông ấy không thể bị gạt ngang cách nhẹ nhàng qua việc thúc giục ông ta chấm dứt cái trò ồn ào vị kỷ ấy và tin cậy Đức Chúa Trời cho dù hậu quả là tình cảm bị xây xước vì sự lơ là của vợ. Chân lý bị giảm thiểu xuống mức độ sáo rỗng (“Hãy phó thác cho Chúa“. “Hãy cầu nguyện về điều đó” v.v…) ít khi đẩy mạnh việc kết án hay chữa lành. Người đàn ông này có những nhu cầu lâu dài đòi hỏi được thỏa mãn và sẽ không yên lặng dưới sự khiển trách và nhắc nhở rằng “Chúa Jêsus là tất cả nhu cầu của bạn”. Hậu quả việc thất bại của người vợ trong tình yêu đối với chồng đã làm cho người đàn ông này quẫn trí và phát cáu. Quan hệ hôn nhân không đáp ứng nhu cầu tình cảm của ông ta. Giải pháp cho vấn đề hình như rõ ràng cho ông là: thay đổi người vợ để bà ấy đáp ứng nhu cầu của ông. Xin hãy hình dung tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tư vấn. Giả định rằng ông sẽ phải bảo người vợ nên bắt đầu yêu chồng hơn nữa. Các bạn có thể lường trước câu trả lời của bà ta không? “Nhưng tôi cũng có nhu cầu vậy, và tôi cũng không thấy mình được yêu quí lắm trong mối quan hệ này -Ai sẽ đáp ứng nhu cầu yêu thương và quí mến của tôi đây?”
Để hiểu được hoạch định của Đức Chúa Trời cho hôn nhân, chúng ta phải khởi sự bằng sự kiện cả chồng lẫn vợ đều có những nhu cầu cá nhân hợp pháp đòi hỏi được thỏa mãn. Những nhu cầu riêng tư này cũng thật như nhu cầu thể chất . Không thể thực hiện chức năng cách hữu hiệu nếu những nhu cầu này không được đáp ứng. Trong chương này tôi trình bày rằng không có cuộc Hôn nhân nào có thể theo đúng kiểu mẫu của Kinh thánh trừ phi cả hai thành viên đều từng trải sự thỏa đáp những nhu cầu riêng tư ở mức độ sâu sắc nhất. Những nhu cầu này chỉ có thể thoả đáp trong bối cảnh một mối quan hệ với ai đó, chứ không ai có thể thỏa đáp nhu cầu của riêng mình.
I. Sự tiến thoái lưỡng nan của nhu cầu.
Tình trạng này tạo nên sự tiến thoái lưỡng nan. Cả vợ tôi và tôi đều có những nhu cầu riêng tư thật sự đối với tình yêu và sự quý trọng phải được đáp ứng nếu chúng tôi phải đối xử đúng cách với nhau. Điều này kéo theo việc tôi không thể yêu vợ hết lòng nếu tôi không cảm nhận được rằng tôi là một con người đáng yêu và có giá trị. Theo sau đó lại là việc vợ tôi không thể hết lòng yêu thương tôi cho đến khi nàng biết mình là một phụ nữ rất đổi an toàn. Thế thì chúng tôi phải làm sao? Tôi có quyền phiền trách vợ tôi và thúc giục nàng làm tốt hơn không? Nhưng tôi không thể mong đợi nàng đối xử với tôi đúng cách nếu nàng không cảm thấy được yêu qúy. Tuy nhiên tôi lại không thể đem đến cho nàng tình yêu mà nàng cần trừ phi tôi được ai đó đáp ứng những nhu cầu của mình. Tình trạng như thế giữa hai vợ chồng cũng giống như hai thương gia bị phá sản tùy thuộc lẫn nhau để có vốn bắt đầu một sự cộng tác khác. Có lẽ giả sử cả hai chúng tôi đều trông đợi nơi Chúa cách riêng để Ngài đáp ứng cách thích hợp những trông mong của mình. Câu trả lời này dường như có lý, nhưng bản thân nó cũng có vấn nạn. Sự trưởng thành tâm linh đòi hỏi phải kinh nghiệm tình yêu của Đấng Christ để liên tục duy trì giữa nỗi đau tình cảm thật sự là một mục tiêu xa vời của nhiều Cơ đốc nhân. Đôi lúc Chúa dường như ở tận đâu và cách biệt với thực trạng của những nhu cầu thúc bách của con người. Một phụ nữ ba mươi lăm tuổi bị chồng lạnh nhạt bỏ rơi nhiều năm đã rất khó khăn mới từ chối được mối quan hệ mật thiết mà một người đàn ông khác dâng tặng kể cả sự gần gũi xác thịt, điều này cũng dễ hiểu thôi. An ủi chị ấy với lời Chúa về tình yêu không thay đổi của Ngài cũng chẳng hơn gì việc động viên một phụ nữ sắp chết đói bằng cách cho bà ta xem những hình ảnh của bàn ăn thịnh soạn trong một tạp chí, rồi thúc giục bà ta nên cứ vâng theo Chúa thì nhiều khi dường như tước bỏ hoặc giảm thiểu sự đói khát hợp lý của bà. Nhưng giả sử chúng ta dấn thân tin cậy hoàn toàn vào sự chu cấp của Chúa để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Thì người phối ngẫu của chúng ta phải chấp nhận vai trò nào? Có phải vợ tôi chỉ làm người qua đường đứng xa xa quan sát cảnh tôi vật vã trong con đường theo Chúa chăng? Có phải những cố gắng của cô ấy để trở nên gần gũi Chúa quá cá nhân và riêng tư đến độ tôi bị loại ra khỏi thế giới tình cảm nội tâm của nàng chăng? Làm thế nào chúng tôi thật sự trở nên một cách sâu xa? Trước khi giải quyết những câu hỏi này, chúng ta cần xem xét cách chi tiết tỉ mỉ hơn bản chất của những nhu cầu cá nhân.
II. Những nhu cầu cá nhân Người ta không chỉ là những thân thể vật chất.
Kinh thánh dạy rõ ràng rằng da, xương, tóc và các bộ phận tạo nên một nơi chốn để cái tôi cá thể của chúng ta tạm thời sống động. Khi tim chúng ta ngừng đập, thân xác thối rửa, thực thể có thể nhận dạng mà tôi gọi là “Tôi” tiếp tục tồn tại cách riêng tư trong ý thức. Thế thì “Tôi” là ai? Sang The Ky 1:27 ký thuật rằng nhân loại được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Trong một nghĩa nào đó, con người giống như Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời lại là một hữu thể không thuộc về vật chất, nghĩa là Ngài không có một thân xác vật lý (dĩ nhiên ngoại trừ việc thành nhục thể của Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời). Hữu thể chủ yếu của Ngài không thành vấn đề. Vì thế sự tương đồng của chúng ta đối với Chúa không thể nào có trong thịt hay xương. Thể trạng vật lý của tôi không giống Đức Chúa Trời. Nhưng tôi là một con người và như vậy là giống Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là một thân vị yêu thương, có mục đích, có thể tư duy chọn lựa và cảm nhận. Kinh thánh dùng nhiều từ khác nhau để mô tả đặc tính riêng của người như linh hồn , tâm trí , tâm thần và ý chí . Tuy nhiên, thuật ngữ Kinh thánh “tâm linh” (spirit) dường như đề cập đến phần sâu thẳm nhất của tôi – phần mà có khả năng tương giao với Đức Chúa Trời – Tôi đang phản ánh tâm linh tôi. Chúng ta hãy cùng xem xét những đặc điểm của phẩm vị hay tâm linh đang ngự trị trong thân xác. Mới đây tôi yêu cầu một nhóm người nhắm mắt và suy niệm về những câu hỏi sau đây: Tôi thật sự muốn gì? Những ao ước thầm kín nhất của tôi là gì? Điều tôi khao khát nhất để đem lại niềm vui lớn cho tôi là gì? Trong khi họ suy niệm, tôi yêu cầu họ chọn một từ diễn tả đúng nhất điều ao ước của họ. Trong số những từ họ chọn có chấp nhận , ý nghĩa , yêu thương , mục tiêu , giá trị và xứng đáng . Đa số chúng ta, khi nhìn vào nội tậm, có thể chỉ ngón tay vào khát vọng mãnh liệt yêu và được yêu, chấp nhận và được chấp nhận. Khi chúng ta cảm nhận được một ai đó quan tâm đích thực đến chúng ta hoặc khi bản thân chúng ta cảm nhận một sự thông cảm sâu sắc đối với ai đó, một cái gì đó khuấy động sâu kín trong chúng ta. Tôi giả thiết ràng ước ao được yêu trong chúng ta tiêu biểu cho một nhóm nhu cầu thường định nghĩa phần nào cho việc làm một con người hay tâm linh là thế nào. Nếu bạn tiếp tục phản ánh những nội tâm, có thể bạn sẽ chú ý đến điều khác nữa. Bạn có từng trải một nhận thức về sự toàn vẹn, một cảm xúc sống động và đầy trọn, khi bạn làm một điều gì đó quan trọng cho chính mình không? Rửa bát hay cắt cỏ có thể làm cho chúng ta chán ngán, nhưng vật vã với những quyết định có hậu quả lớn lao phản ứng với một ca cấp cứu lại chạm đến những phần sâu kín nhất trong tính cách con người chúng ta. Chúng ta cảm nhận một ý nghĩa hết sức cấp bách đối với điều chúng ta đang làm, có thể là điên đầu nhưng rất ý nghĩa. Do vậy, để làm một con người bao hàm một nhóm nhu cầu thứ nhì – nhu cầu có ý nghĩa và giá trị. Khi tôi nghiên cứu những nhân vật trong Kinh thánh, tôi lại bị tác động bởi sự thực hữu của hai nhóm nhu cầu này. Trong Rôma 8, sự hào hứng của Phaolô trước tình yêu không phai tàn của Đấng Christ dường như muốn bứt tung cả sự ràng buộc của ngôn ngữ. Trong một thí dụ khác, sự tin tưởng của ông Gióp đối với một Đấng Cứu Chuộc sống động mà một ngày nào đó sẽ hiển hiện trước mắt ông khiến ông gần như choáng ngợp (Giop 19:25-27). Sứ đồ Giăng bị thu hút khi suy nghĩ đến tình yêu của Chúa dành cho con cái Ngài (Xem IGiang 3:1). Rutơ được ràng buộc với Naômi bởi một lực mạnh hơn những ràng buộc văn hóa. Tình yêu đã khuấy động điều gì đó tận trong sâu thẳm những con người này. Là những con người có tâm linh, được dựng nên trong hình ảnh của Đức Chúa Trời vốn là tình yêu, người ta ai cũng có khả năng yêu thương – trước khi con người sa ngã – và còn tiếp tục được hoàn chỉnh qua mối tương giao nguyên vẹn với Đức Chúa Trời. Ngay khi con người bị cách ly với Đức Chúa Trời do tội lỗi, khả năng yêu thương không còn được tràn đầy và từ đó biến thành một nhu cầu – nhu cầu yêu thương hay, như cách gọi của tôi, nhu cầu được an toàn. Ápraham đồng ý rời quê hương, để làm một chuyến hành trình xa xôi vì ông tìm kiếm một thành có nền vững chắc do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng. (Heboro 11:8-10). Có một điểm mấu chốt đã thúc giục ông làm điều đó. Giêrêmi đã chịu đựng nổi những cuộc bách hại vô tận và giữ vững lòng trung tín của mình ngay cả trong cơn tuyệt vọng vì mục đích của chức vụ ông – tôn vinh điều ông biết là chân thật – đang cháy bỏng trong ông (Gieremi 20:9). Phaolô bằng lòng dời ngày vào thiên đàng vì ông nhận thức được giá trị chức vụ ông đang thi hành trên đất (Philip 1:21). Mỗi Thánh đồ được thúc giục bởi niềm tin rằng điều mình đang làm rất có ý nghĩa. Là những con người, họ có khả năng cảm nhận mục đích và giá trị đời sống họ. Trước khi phạm tội, việc Ađam tự nguyện góp phần vào mục đích của Đức Chúa Trời dành cho ông đã hoàn toàn thỏa đáp khả năng từng trải một cuộc sống có ý nghĩa, nhưng sau khi ông chống nghịch lại chương trình của Đức Chúa Trời, khả năng nhận thức tầm quan trọng của công việc được nhận biết như một nhu cầu – nhu cầu có ý nghĩa. Nhân thân mơ hồ mà tôi gọi là “Tôi” có hai nhu cầu đích thực và thầm kín vốn là những thực tại riêng tư có thật mà không thể phân tích bằng sinh vật học hay hóa học. Chúng hiện hữu cách riêng biệt, không phụ thuộc vào cơ thể vật lý, chính chúng tạo nên cốt lõi của cái được xem là phần tâm linh. Hình ảnh của Đức Chúa Trời được phản ánh qua hai nhu cầu này. Đức Chúa Trời là một hữu thể cá biệt mà bản chất chủ yếu của Ngài là tình yêu và vốn là của Đức Chúa Trời thiết kế và mục tiêu nên Ngài là cội nguồn của ý nghĩa. Chúng ta cũng là những hữu thể cá biệt, nhưng không giống như Đức Chúa Trời vô hạn, hoàn hảo, độc lập (self – sufficient); chúng ta hữu hạn, phụ thuộc và sa ngã. Đức Chúa Trời là tình yêu; còn chúng ta thì cần tình yêu. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm cũng có ý nghĩa, còn chúng ta cần làm điều gì đó có ý nghĩa. Chúng ta có thể thể hiện những nhu cầu này cách súc tích: Nhu cầu an toàn : một ý thức quả quyết rằng mình được yêu thương hoàn toàn vô điều kiện mà không cần phải đổi thay để đạt được tình yêu; được yêu bởi một tình yêu tự nguyện không cần phải tìm kiếm và do đó không thể bị mất. Nhu cầu có ý nghĩa : nhận thức rằng tôi đang dự phần vào một trách nhiệm hay công việc thật sự quan trọng, mà kết quả không phai mờ theo thời gian nhưng tồn tại suốt cõi vĩnh hằng, có ý nghĩa tác động lên người khác; một công việc mà tôi hoàn toàn thích hợp. Do đó, là con người (hay tâm linh) – liên quan chủ yếu đến một nhân thân đòi hỏi phải có sự an toàn và ý nghĩa để có thể hành xử cách hiệu quả. Khi cả hai nhu cầu này được đáp ứng, thì chúng ta thấy mình là con người xứng đáng. Vợ tôi cũng là một con người có tâm linh nên cô ấy cũng cần được an toàn và ý nghĩa. Nếu chúng tôi là đôi vợ chồng phải nên một ở mức độ tâm linh – đạt được cái mà tôi gọi là sự Hiệp nhất Tâm linh – thì chúng tôi phải tìm được một phương cách nào đó đáp ứng nhu cầu sâu kín của chúng tôi. Nhưng bằng cách nào? Và tại đây chúng ta phải quay trở lại câu hỏi được đặt ra ngay từ đầu chương: Làm thế nào vợ chồng có thể trở nên một ở mức độ nhu cầu riêng tư? Dường như khi chúng ta tìm cách đáp ứng những nhu cầu riêng tư trong hôn nhân, có bốn tiến trình hành động diễn ra. Chúng ta có thể: 1. Bỏ mặc nhu cầu của mình. 2. Tìm cách thoả mãn. 3. Cố gắng đáp ứng nhu cầu lẫn nhau. 4. Nhờ Chúa đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
1/ Lựa chọn 1: bỏ mặc nhu cầu
Sự lựa chọn đầu tiên có thể bị bác bỏ nhanh chóng. Nếu những nhu cầu này cũng có thật, tôi tin rằng Kinh thánh dạy vậy, như những nhu cầu thể chất : ăn, uống, chỗ ở, thì bỏ mặc những nhu cầu này là rước lấy tai họa. Khi nhu cầu thể chất không được đáp ứng, chúng ta đi đến chỗ chết thể xác. Khi nhu cầu riêng tư về an toàn và ý nghĩa bị bỏ mặc không thỏa đáp, chúng ta đi đến chỗ chết cá nhân (personal death). Những triệu chứng sắp chết cá nhân gồm có: cảm thấy vô giá trị, thất vọng, nỗi sợ hãi bịnh hoạn, mất năng lực và động lực, sử dụng ma túy, tình dục hoặc rượu chè để làm tê liệt nỗi đau và một cảm giác trống rỗng, chán nản. Chúng ta được dựng nên với những nhu cầu cá nhân đích thực và nếu muốn làm người quản lý trung tín đối với đời sống mình, chúng ta không thể làm ngơ với những nhu cầu.
2/ Lựa chọn 2: tìm cách thỏa mãn trong sự thành đạt
Điều khiển một thế giới sa ngã, Satan dạy chúng ta phải tin lời nói dối. Nền văn hóa khuyến khích chúng ta nên đánh giá giá trị một con người qua sự thành đạt của người ấy. Thế gian đã vắt kiệt nhiều Cơ đốc nhân trong cái khuôn của sự tin tưởng rằng: nhu cầu được xem là có giá trị có thể đáp ứng mà không cần phải có mối tương giao sâu đậm với Đức Chúa Trời hằng sống. Trong xã hội của chúng ta, giá trị của một con người thường được thẩm định qua quyền lực, uy tín trong nghề nghiệp, tầm cỡ cùng vị thế và giá trị của căn nhà, nét hấp dẫn bề ngoài cùng cung cách xử thế, xe cộ, áo quần, nền giáo dục, năng khiếu thể thao hay âm nhạc, về phương diện tôn giáo: những khả năng góp phần trong Hội thánh (hát, dạy Trường Chúa nhật v.v…) là những tiêu chuẩn cộng thêm để thẩm định. Về phía phụ nữ, người ta thường đánh giá qua mối quan hệ xã hội, công việc và địa vị của người chồng, nét duyên dáng, đàng hoàng, lịch sự, mẫu mã quần áo mang nhãn hiệu nào, nhà cửa và trang trí nội thất, cộng với những khả năng ứng xử trước công chúng (diễn thuyết trước các nhóm phụ nữ, chiêu đãi khách khứa v.v…) Có quá nhiều cặp vợ chồng dại dột mua lời dối trá của Satan. Những “con người thanh lịch” dồi dào tiền bạc, đẹp người, tài năng có thể kinh nghiệm một cảm nhận giả dối về giá trị của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ. Do nỗi khắc khoải vì cớ nhu cầu mình không được đáp ứng cũng không rõ rệt lắm nên họ có thể không khi nào phải vất vả tìm kiếm sự an toàn và ý nghĩa thật sự. Cuộc sống của họ tưởng dường như hạnh phúc, sinh động, vô tư – không có những dằn vặt nội tâm. Mỗi khi nhận thấy có điều gì bất ổn, những người này lấp liếm bằng những hoạt động, mua bán, du lịch hoặc bất cứ điều gi họ ưa thích. Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu cặp vợ chồng Cơ đốc với cuộc sống thoải mái tiện nghi, thú vị không bao giờ cùng nhau đạt đến mức độ sâu kín nhất của nhân cách mình, thay vào đó họ chôn vùi nỗi ước mơ được yêu thương và có mục đích sống dưới một núi những thành đạt. Buồn làm sao! Trống trải làm sao! Thà tranh chiến với thực thể còn hơn yên tâm chấp nhận một cái bóng. Nếu theo lựa chọn 2 – cố gắng tìm cách thoả mãn trong sự thành đạt thay vì phấn đấu với mối tương quan – sẽ đem lại kết quả là một mối quan hệ cạn cợt có thể rất vui vẻ đó nhưng thất bại trong việc liên hiệp vợ chồng ở mức độ sâu xa.
3. Lựa chọn 3: cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nhau
Nếu làm ngơ đối với nhu cầu thì nguy hiểm, còn tìm cách thoả mãn giả dối trong thành đạt sẽ đem lại mối quan hệ cạn cợt thì chúng ta phải làm gì với nhu cầu của mình? Đa số người quay sang người phối ngẫu để tìm câu giải đáp. Xin hãy xem xét điều gì có thể diễn ra khi một đôi trai gái thành hôn với nhau: hai con người với những nhu cầu riêng tư cần được thoả mãn, hứa nguyện nên một với nhau. Khi đọc lời hứa yêu thương, tôn trọng nhau, những động lực mạnh mẽ tiềm ẩn khuấy động bên trong họ. Nếu có một máy thu âm nào đó có thể thu được những dự định vô thức của đôi tân hôn, tôi e rằng biết đâu chúng ta lại chẳng nghe những lời như thế này: Chú rể: Anh cần cảm thấy mình quan trọng và anh mong em đáp ứng nhu cầu đó bằng cách thuận phục mọi quyết định dù hay dù dở của anh, bằng cách tôn trọng anh, dù anh cư xử thế nào và ủng hộ anh trong bất cứ việc làm nào. Anh muốn em đối xử với anh như người quan trọng nhất hành tinh này. Mục đích anh cưới em là để tìm được ý nghĩa của anh qua em. Một sự sắp xếp mà em được Chúa dạy phải thuận phục anh nghe cũng hấp dẫn lắm. Cô dâu: Em chưa bao giờ cảm thấy mình được yêu cách sâu sắc như mình ao ước. Em đang mong đợi anh đáp ứng nhu cầu ấy qua sự trìu mến diụ dàng, dù em có lằm bằm; ân cần chu đáo dù em có luôn nhạy cảm với anh hay không và một sự nhạy cảm đầy tính lãng mạn, sẵn sàng chấp nhận những trái tính trái nết của em – Xin đừng phụ lòng em. Một cuộc hôn nhân được ràng buộc bởi những cam kết lợi dụng người khác để lấp đầy những nhu cầu của riêng mình (và tôi e rằng hầu hết các cuộc hôn nhân đều xây trên nền tảng ấy) có thể được mô tả cách hợp pháp rằng đó là mối quan hệ “con ve và con chó”. Cũng hệt như một con ve ngậm chặt con chó để kiếm ăn, mỗi thành viên liên kết với người kia để mong tìm được điều bản thân mong đợi. Lẽ dĩ nhiên tình trạng đau lòng trong những cuộc hôn nhân như thế là có đến hai con ve mà chẳng có con chó nào! Năm tháng trôi qua, điều không tránh khỏi là đôi lúc vợ chồng cũng chạm đến hạn mức sâu kín. Một phụ nữ cho biết bà thất vọng vô cùng khi bác sĩ từ phòng mổ bước ra thông báo cho bà biết rằng cô con gái 4 tuổi của bà vừa mới chết. Trong giây phút ấy, bà biết rằng một nỗi đau khủng khiếp len vào trong tâm khảm bà. Khi bà ngã vào vòng tay chồng, người chồng lạnh lùng đẩy bà ra rồi rời khỏi bịnh viện. Bà cô đơn trong lúc cần biết rằng cuộc đời vẫn còn đáng sống, vẫn còn có hạnh phúc. Ngay lúc bà cần cảm nhận tình yêu từ ai đó, thì người chồng bỏ rơi bà. Không còn nỗi dằn vặt nào lớn hơn là phô bày trọn vẹn nhu cầu của mình mà lại không nhận được sự hỗ trợ nào cả. Và mỗi người vợ, người chồng dù yêu kính Chúa đến đâu, cũng có nhiều lần thất bại không đem lại điều mà đối tượng mong đợi. Xin hãy chiêm nghiệm lại cuộc hôn nhân của bạn. Có cảm giác tổn thương nào mà bạn cảm thấy ngại ngần không muốn thổ lộ trực tiếp với người phối ngẫu, hay có lẽ là một đề tài mà bạn cẩn thận tránh né (Thí dụ như tình dục hoặc những giây phút bên nhau hoặc những thói quen khó chịu). Tại sao? Tại sao đôi lúc chúng ta cảm thấy khó nói cho người bạn đời của mình những điều chúng ta quan tâm hay cảm thấy? Mỗi người đều có lúc từng trải sự tổn thương sâu sắc khi bị khước từ trong lúc mình mong mỏi được chấp nhận. Chúng ta đến với hôn nhân mong tìm được điều gì khác, nhưng chẳng bao lâu chúng ta phải chạm trán với một vài hình thức phê phán hoặc khước từ. Nỗi đau đem lại quá lớn nên cần được khuây khỏa. Thế là chúng ta rút lui vào cái vỏ bọc xa cách, giận dỗi người bạn đời vì đã làm cho chúng ta thất vọng quá đỗi, rồi quyết không muốn đụng độ ở mức độ sâu kín nữa để tránh sự đau lòng hơn. Có lẽ tình trạng này có thể vẽ thành đồ thị sau đây. Những lớp vỏ bọc được tạo nên để tránh sự từ khước không cho vào “bên trong” nơi chúng ta cảm thấy tổn thương. Một loạt hành vi có chức năng như vỏ bọc. Một số hành vi thông thường sẽ được bàn cụ thể ở chương 3 gồm:
Không muốn san sẻ những tình cảm sâu lắng.
Phản ứng giận dữ khi tình cảm thật bị xúc phạm.
Thay đổi đề tài khi cuộc đối thoại bắt đầu bị đe dọa.
Chấm dứt câm lặng hoặc những thủ thuật khác để tránh sự khước từ hoặc phê phán. Làm cho mình bận bịu với công việc, công tác xã hội, chiêu đãi, sinh hoạt ở nhà thờ hoặc ba hoa suốt khiến không thể tâm sự gì được. Mấu chốt của lớp vỏ bọc này nhằm để bảo vệ chính mình khỏi bị người phối ngẫu gây tổn thương. Tôi tin rằng hầu hết các cặp vợ chồng ngày nay sống dưới lớp vỏ bọc xa cách tình cảm, khiến chận đứng mọi hy vọng triển khai sự hiệp nhất cách đáng kể ở mức độ nhu cầu cá nhân sâu kín nhất. Phải làm gì đây? Chúng ta không thể học cách yêu thương và nhạy cảm với nhau? Chúng ta không thể phá vỡ bức tường ngăn cách khiến chúng ta không chấp nhận nhau như Đức Chúa Trời, vì cớ Chúa Jêsus, đã chấp nhận chúng ta sao? Dĩ nhiên chúng ta phải làm như thế. Kinh Thánh bảo chúng ta phải thế, do đó chúng ta có thể làm được. Nhưng chúng ta không khi nào làm cách hoàn hảo cả.
a) Người vợ được chấp nhận nhất trên hành tinh này cũng không thể thoả đáp nhu cầu ý nghĩa của chồng . Vì vốn là một tội nhân, vợ tôi không thể lúc nào cũng chăm sóc tôi đúng cách được; cho dù cô ấy phải làm đi nữa, cô ấy cũng không đủ năng lực để làm cho tôi thích ứng với công tác quan trọng có tính cách vĩnh hằng – vì chỉ như thế tôi mới được thỏa mãn.
b) Người chồng được yêu thương nhất trên hành tinh này cũng không khi nào đáp ứng được nhu cầu an toàn của vợ . Tì vết của sự qui ngã đã làm phai lạt từng động lực trong chúng ta. Chúng ta hoàn toàn bất năng trong việc cống hiến cho vợ sự chấp nhận vô điều kiện và vị tha mà họ mong mỏi. Đơn giản là vì chúng ta không hoàn toàn đủ cho nhau. Tôi xin tóm tắt những vấn nạn trong Lựa chọn 3.
Nếu tôi trông mong vợ tôi đáp ứng nhu cầu của mình thì mối quan hệ giữa chúng tôi sẽ bị tổn hại vì: (1) những cố gắng lôi kéo để có được điều tôi nghĩ mình cần. (2) e rằng những lôi kéo của tôi không hiệu quả. (3) nỗi tức giận và đau khổ khi không đạt được. (4) một mặc cảm phạm tội cứ day dứt vì tôi đến với hôn nhân chủ yếu do vị kỷ. Chắc chắn chúng tôi sẽ không tránh khỏi việc thu mình lại trong những vỏ bọc chặn đứng mọi con đường đến với sự hiệp nhất. Vì vậy tôi buộc phải kết luận rằng: nếu tôi và vợ tôi phải nên một ở mức độ tâm linh (là mức sâu kín nhất trong con người chúng ta) thì chúng tôi không được mong đợi nhau đáp ứng nhu cầu riêng tư của mình. Thế thì chúng tôi phải làm sao?
4/ Lựa chọn 4: nhờ Chúa đáp ứng nhu cầu của chúng ta Nhu cầu riêng tư của chúng ta về ý nghĩa và sự an toàn chỉ có thể được đáp ứng cách hoàn toàn và đích thực trong mối quan hệ với Chúa Jêsus. Nói cách khác, tất cả những gì chúng ta cần để thể hiện chức năng cách hiệu quả trong vai trò một con người (không nhất thiết phải cảm thấy hạnh phúc hoặc thành đạt) sẽ được chu cấp đầy đủ ở bất cứ thời điểm nào trong mối tương quan với Đấng Christ và do Ngài chọn lựa. 1. Chúng ta cần được an toàn. Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu mà chúng ta không xứng đáng để nhận, tình yêu biết tất cả những điều xấu xa trong chúng ta nhưng vẫn chấp nhận. Tình yêu mà chúng ta không thể làm gì để gia tăng hay giảm bớt. Tình yêu ấy được chứng minh vĩnh viễn ở thập tự giá, nơi Chúa Jêsus đổ huyết ra để đền tội hoàn toàn cho chúng ta, hầu đem lại tặng phẩm quý giá là mối tương giao yêu thương đời đời giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Trong tình yêu ấy, tôi được an toàn. 2. Chúng ta cần có ý nghĩa. Thánh linh với thẩm quyền tối thượng và sự thương xót đã dự bị cho mỗi tín hữu được góp phần mình trong mục tiêu vĩ đại của Đức Chúa Trời là đem mọi sự hiệp lại trong Đấng Christ. Thân thể của Đấng Christ tự gây dựng lên qua sự thực thi các ân tứ của mỗi chi thể. Chúng ta được trang bị để bày tỏ giá trị của mình qua việc chăm sóc lẫn nhau, khuyến khích người phối ngẫu, nuôi dạy con cái, chịu đựng điều quấy quả mà không càu nhàu và trung tín làm mọi việc với khả năng của chúng ta để đem vinh hiển về cho Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể sống với lòng tin chắc rằng Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta những việc lành để chúng ta noi theo (Epheso 2:10). Và chính sự vâng phục của chúng ta sẽ góp phần hoàn tất chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đã nhận ra được những chân lý này và làm theo, điều đó đem lại ý nghĩa không có gì có thể sánh được.
II. NỀN TẢNG CỦA CHÂN LÝ.
Như vậy sự Lựa chọn 4 là nhờ Chúa đáp ứng nhu cầu riêng tư của mình. Chúng ta thật sự không còn sự lựa chọn nào khác.