I Các Vua 19:1-12
“Sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (câu 12) 

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Ê-li đang ở trong hoàn cảnh nào? Lời Chúa có tác dụng như thế nào trên ông? Với mục đích gì? Bạn kinh nghiệm về tiếng êm dịu của Chúa trong cuộc sống mình như thế nào? Chúa thường phán dạy bạn ở đâu và bằng cách nào? Làm sao bạn nghe được tiếng êm dịu của Chúa?

Sau khi chạy trốn để sống còn khỏi tay của Hoàng hậu Giê-sa-bên, Tiên tri Ê-li đã trải qua bốn mươi ngày đêm trong hoang mạc. Cuối cùng, thiên sứ của Chúa hướng dẫn ông đến núi Hô-rếp (câu 8), là nơi mà Đức Chúa Trời kêu gọi ông Môi-se (Xuất Ai Cập 3:1) và cũng là nơi mà Chúa lập giao ước và ban luật pháp của Ngài cho người Ít-ra-ên (Xuất Ai Cập 19:1-20:21). Trên núi Cạt-mên, ông Ê-li là một nhà lãnh đạo thuộc linh vĩ đại bởi đức tin và lòng trung tín của ông đã cứu dân của Chúa. Nhưng trên núi Hô-rếp, ông lại là một người yếu đuối, lầm lạc, cần được Đức Chúa Trời khiển trách và giúp đỡ. Tại núi Hô-rếp, ông trốn trong hang đá và ông nghe tiếng Chúa hỏi: “Hỡi Ê-li, ngươi ở đây làm chi?” (câu 9). Đấy là lời nhắc nhở, cảnh cáo – lời đầy tình yêu; lời cảnh cáo hàm ý rằng ông đã đến đây vì nhát sợ chứ Chúa không sai ông, sứ mệnh ông vẫn tiếp tục dù ông đang bị khủng hoảng, Chúa vẫn ở với ông, đây không phải là lúc ẩn mình trốn chạy. Ông Ê-li không trả lời trực tiếp câu hỏi của Chúa mà biện minh cho sự yếu hèn của mình bằng lời oán trách người Ít-ra-ên đã bội giao ước với Chúa và cay đắng về thân phận dù đã nỗ lực, đã hết lòng. Đức Chúa Trời biết ông Ê-li đang tuyệt vọng, nên Ngài bảo ông đứng trước mặt Ngài tại trên núi Hô-rếp. Ngài cho ông chứng kiến những biến động của thiên nhiên nhưng ông sẽ không gặp Ngài trong cơn gió mạnh, trong cơn động đất hay trong đám lửa, mà ‘sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.’ Sau những biến cố trong cuộc đời, Đức Chúa Trời vẫn phán với đầy tớ Ngài trong sự yên tĩnh nhỏ nhẹ.  Qua tiếng êm dịu nhỏ nhẹ đó, Chúa phục hồi sức khỏe suy nhược và tinh thần suy sụp của đầy tớ Ngài. Chẳng những vậy, Ngài còn giao cho ông một sứ mệnh: trở về nơi mà ông đã chạy trốn để xức dầu cho hai vị vua và một vị tiên tri nối tiếp chức vụ tiên tri của ông (câu 15-16). Cũng như Tiên tri Ê-li, chúng ta thường tìm kiếm Chúa và mong được gặp Chúa, được lắng nghe tiếng phán của Ngài qua những công việc quyền năng, những phép lạ đáng sợ trong các buổi họp mặt đông người hay ở những nơi bận rộn mà các lãnh đạo cao cấp có thể nhìn thấy được… nhưng Chúa thường xuất hiện qua tiếng êm dịu nhỏ nhẹ trong những nơi yên tĩnh lặng lẽ của những tấm lòng khiêm nhu hạ mình. Chúa thường hiện diện trong những tâm hồn riêng tư tìm kiếm Chúa. Chúa Giê-xu đã từng tìm kiếm những nơi vắng vẻ để cầu nguyện và lắng nghe tiếng của Cha Ngài trong những năm chức vụ của Ngài trên đất.

Bạn có đang tìm kiếm và muốn lắng nghe tiếng của Chúa không? Hãy ra khỏi những nơi ồn ào náo nhiệt và những hoạt động bận rộn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Hãy tìm kiếm một nơi để sống riêng tư với Chúa để lắng nghe tiếng phán của Ngài. Nhiều người trước khi quyết định một việc trọng đại cho đời mình, thường tìm những nơi riêng tư, vắng vẻ để lắng nghe tiếng Chúa. Mỗi chúng ta đều rất cần nghe tiếng phán êm dịu của Chúa cho cuộc đời mình. Khi được nghe tiếng phán êm dịu ấy, chúng ta sẽ yên tâm đi hết con đường mà Chúa muốn chúng ta đi như Tiên tri Ê-li đã đi và hoàn thành sứ mệnh Đức Chúa Trời giao phó. Hãy hạ mình và yên lặng lắng nghe tiếng êm dịu, vì tiếng ấy có thể đến vào những lúc chúng ta ít mong đợi nhất.

Chúa ơi, con muốn lắng nghe tiếng êm dịu của Ngài, con khát khao Ngài. Nhưng tai con đầy những tiếng vang của một thời đại văn minh tiến bộ, đến nỗi lòng con khó tập trung tìm kiếm sự hiện diện của Ngài. Xin giúp con từ bỏ được những chướng ngại chung quanh mình để mỗi ngày con được nghe tiếng êm dịu của Ngài hầu cho con vững vàng và bước theo Chúa suốt đời con.

Lịnh Yêu Thương

Đọc: 1 Giăng 3:16-24


Đây là điều răn của Ngài: chúng ta phải tin danh Con Ngài là Chúa Giê-xu Cơ Đốc và yêu thương nhau. – 1 Giăng 3:23


Do con cái trưởng thành làm ngơ trách nhiệm, một số bậc cha mẹ cao tuổi ở Singapore buộc phải tìm trợ giúp tài chánh, từ các tổ chức từ thiện và cơ quan khác của chính phủ. Đề cập tình trạng này đang gia tăng, một viên chức chính phủ nói, “Chúng ta không thể đưa tình yêu vào luật pháp.” Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, yêu thương là mạng lịnh. Chính Môi-se nói với toàn dân Ít-ra-ên: “Ta bảo ngươi thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đi trong các đường lối Ngài” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:16). Và Chúa Giê-xu phán rằng điều răn lớn nhất là “yêu Chúa là Đức Chúa Trời người” (Mác 12:30). Do đâu Đức Chúa Trời truyền lịnh yêu thương? Chính cách bày tỏ yêu thương cao độ của Ngài tại Gô-gô-tha, đã mang lại cho Ngài quyền truyền lịnh cho chúng ta. Người môn đồ dấu yêu của Chúa Giê-xu là Giăng, có viết: “Bởi điều này chúng ta biết được tình yêu thương, ấy là Ngài đã hi sinh mạng sống vì chúng ta…. Đây là điều răn của Ngài: chúng ta phải tin danh Con Ngài là Chúa Giê-xu Cơ Đốc và yêu thương nhau, như Ngài đã truyền dạy chúng ta” (1 Giăng 3:16,23). Bạn có những cơ hội nào để tuân phục mạng lịnh yêu thương của Đức Chúa Trời? Hiếu kính cha mẹ bằng cách chăm sóc và cung ứng nhu cầu chăng? Phục vụ người bạn đang ốm đau chăng? Nói lời lịch sự nhân ái với người khó thương chăng?

Lạy Chúa, vì Ngài đã từ bỏ mạng sống Ngài vì chúng con, xin giúp chúng con tỏ bày yêu thương đối với người khác. – C.P. Hia


We show our love for God when we love one another.


Chúng ta tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Trời khi yêu thương nhau.