Ma-thi-ơ 6:25-34; Phi-líp 4:4-7
“Ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc… Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không”. Ma-thi-ơ 6:25, 27
Câu hỏi suy ngẫm: Theo hai phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, tại sao không cần lo lắng ? Sự lo lắng đem hậu quả nào? Bạn có thường hay lo không? Lo về điều gì ? Làm sao để bạn không lo lắng?
Lo lắng giống như ngồi trên cái ghế lắc (rocking chair), làm trí óc bận rộn, lắc tới lắc lui, nhưng không đến đâu, chẳng giải quyết được việc gì.
Theo những nhà nghiên cứu chuyên môn, 40% những điều chúng ta lo không bao giờ xảy ra; 30% những lo lắng liên hệ đến quyết định trong quá khứ, không thay đổi được; 12% tập trung vào sự chỉ trích của người khác vì cảm thấy thua kém; 10% liên hệ đến sức khoẽ nhưng sức khoẽ sẽ tệ hại hơn khi lo lắng. Chỉ có 8% chúng ta lo hợp lý thôi.
Phải tập loại bỏ những lo lắng vô lý. Nguyên nhân lo lắng là vì sự sống của mình, nhưng Chúa Giê-xu hỏi, “Có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (6:27). Lo lắng không giúp người ta sống lâu hơn, ngược lại làm chết sớm, không thay đổi quá khứ, không thể xoay chuyển tương lai; lo lắng không thể giải quyết nan đề mà chỉ làm chúng ta khổ sở; vì không thể khiến một điều gì không xảy ra hay sẽ xảy ra. Lo lắng là vô ích, nó chỉ làm suy yếu sức mạnh tinh thần. Để loại bỏ sự lo lắng chúng ta “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4).
Theo Công Vụ chương 16, Sứ đồ Phao-lô và Si-la bị tù vì giảng Phúc Âm cho dân chúng thành Phi-líp. Tron tù họ hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Trong tình cảnh khó khăn, thử thách chúng ta có thể vui khi tiếp tục ca hát thờ phượng Chúa (16:25). Đúng như vậy, Công Vụ 16:26 viết, “Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả.” Chúa đã đến với các ông Phao-lô và Si-la ngay giờ đó và hành động khiến cả gia đình viên sĩ quan cai ngục tin Chúa trong đêm đó, sáng hôm sau hai ông được tha.
Khi ý thức Đấng Toàn Năng và Yêu Thương ở cùng, chúng ta an tâm chờ đợi. Giữa hoàn cảnh làm lo lắng, Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “Hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” Chúa sẽ ban cho điều chúng ta cầu xin trong đường lối của Ngài. Dù thời gian hay cách Chúa ban cho điều như thế nào, điều chắc chắn trong mọi tình cảnh Chúa cho chúng ta sự bình an vì: “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh chị em trong Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc” (Phi-líp 4:7). Trong tình cảnh khó khăn, khi cầu nguyện sự bình an của Chúa đến ngay với chúng ta, như một đội quân Ngài sai đến bảo vệ chúng ta khỏi sự lo lắng.
Lo lắng là dấu chỉ của người tín hữu thiếu đức tin và thiếu lòng nương cậy nơi Chúa. Chúa phán, “Hỡi người ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!… Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi” (6:30-32). Thay vì lo,… hãy tin cậy Đức Chúa Trời. Chúa dạy, “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”
Đức Chúa Trời cho chúng ta tương lai tính bằng ngày – từng 24 giờ. Năm 2011 sẽ đến với chúng ta từng ngày. Nếu phải đối diện với cả tương lai một lần, bạn sẽ không chịu nổi. Điều tạ ơn Chúa, là Ngài nắm giữ tương lai của chúng ta trong bí mật, chúng ta chỉ đối diện với tương lai của mình từng ngày.
Xin Chúa giúp con luôn nhớ tương lai con trong tay của Đấng Toàn Năng, và giúp con vững lòng tin cậy Ngài.
Chữ Ký Của Đức Chúa Trời
Đọc:
Sáng Thế Ký 1:27-31
Đức Chúa Trời thấy mọi việc Ngài đã làm thực sự đều rất tốt đẹp. – Sáng Thế Ký 1:31
Trưng bày trên tường nhà bên hồ của các bạn tôi là một sưu tập tranh ảnh. Từng tấm ảnh là một cảnh hoàng hôn, chụp từ nhà họ trong các mùa khác nhau. Dù cảnh nào cũng đẹp tuyệt vời nhưng không có hai cảnh giống nhau. Khi nhìn ảnh, tôi nhớ tới một bạn khác, có lần gọi hoàng hôn là “chữ ký đẹp đẽ của Đức Chúa Trời lúc cuối ngày.”
Đức Chúa Trời ký tên của Ngài trên từng cảnh hoàng hôn và cũng trên từng đứa con độc đáo của Ngài. Tôi không hề thấy mệt trong việc khám phá sự khác biệt thật thú vị trong từng người tôi có dịp gặp gỡ. Đức Chúa Trời thật vô cùng sáng tạo, và tính đa dạng trong nhân cách, tính vui tươi, khả năng, cùng sở thích của chúng ta trong âm nhạc và thể thao tất cả đều do tay Ngài làm ra.
Trong thân Đấng Cơ Đốc, chúng ta thấy dù ơn tứ thuộc linh thật đa dạng, nhưng vẫn được ràng buộc với nhau, và có thể làm việc chung với nhau cho mục đích của Đức Chúa Trời, để đem vinh quang cho Ngài. Trong 1 Cô-rinh-tô 12:4-6, chúng ta thấy: “Có nhiều ân tứ khác nhau nhưng chỉ có một Thánh Linh. Có nhiều lãnh vực phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng làm việc trong mọi người.”
Chữ ký của Đức Chúa Trời quá rõ trong thiên nhiên, cũng thật hiển nhiên trong dân sự của Ngài. Chúng ta hãy vui về những dị biệt đã khiến cho từng đứa con của Ngài trở thành độc đáo. – Cindy Hess Kasper
Chữ ký của Đức Chúa Trời lộ rõ trên tạo vật của Ngài.