Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Ðức Chúa Jêsus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ. Ðức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy, có tội lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đẻ chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy. Lu-ca 13:1-5
Suy gẫm:
Có lẽ những người kể lại cho Chúa Jesus nghe việc làm gian ác của vua Hê-rốt giết mấy người Ga-li-lê rồi lấy huyết họ trộn với của lễ họ có hàm ý rằng những người bị giết đã phạm tội vô cùng gian ác nên đã gặp phải điều bất hạnh như thế! Câu chuyện này không được Kinh Thánh ghi lại nhưng sử gia Josephus đã ghi lại những câu chuyện tương tự như vậy. Khi đối diện với một điều bất hạnh, con người thường hay phán xét nhau dựa trên sự việc xảy ra liên quan đến luật nhân quả. Vì hậu quả của tội lỗi, tâm trí con người luôn luôn mang mặc cảm về tội lỗi và sự báo trả của Chúa. Chúa Jesus biết điều đó đang chiếm ngự tâm trí của con người. Cho nên Ngài đã đưa ra thêm một trường hợp nữa để chứng minh điều họ suy nghĩ là sai lầm. Việc mười tám người bị thác Si-lô-ê ngã xuống đè chết nghĩa là họ có tội trọng hơn những người trong thành Giê-ru-sa-lem sao? Chắc chắn là không vì Chúa Jesus không nhìn vấn đề như chúng ta thường nhìn hay bị ám ảnh. Chúa Jesus dùng điều này để nói lên những điểm quan trọng sau đây:
· Người khác gặp hoạn nạn mà mình không gặp không có nghĩa là chúng ta tốt hơn họ. Chúng ta thường hay đánh giá và so sánh chính mình với người khác qua những cảnh thảm kịch hay nỗi bất hạnh xảy đến với họ. Đây là điều hoàn toàn sai lầm và đáng nguyền rủa vì chỉ làm khổ và đánh lừa chính mình và làm tổn thương nhau. Ma quỷ không bao giờ muốn chúng ta nhìn vào thực trạng chính mình nhưng lại muốn chúng ta nhìn vào thảm trạng của người khác để tìm sự an ủi và tự hào về chính bản thân!
Ý muốn của Đức Chúa Trời vượt khỏi quá sự hiểu biết của chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn và cầm quyền trong mọi sự. Vì thế, những điều Chúa cho phép xảy đến với người khác, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu biết đầy đủ để phán đoán hay phê phán. Vấn đề chúng ta không phải là phân tích những gì người khác gặp, nhưng an ủi và khích lệ nhau trong những hoạn nạn người khác gặp. Đó là thái độ sống đúng đắn của Cơ đốc nhân.
Nhìn người, ngẫm lại mình. Khi Chúa cho phép một điều nào đó xảy đến với người khác thì qua đó Ngài muốn nhắn gửi cho chính chúng ta một sứ điệp nào đó. Trong trường hợp việc xảy đến trong câu chuyện những người Ga-li-lê và thác Si-lô-ê, Chúa muốn dùng để nhắc nhở mọi người về sự ăn năn tội lỗi của chính mình chứ không phải đoán xét người khác. Ăn năn là điều tất cả mỗi người cần phải có. Khi Chúa cho phép một điều nào xảy đến cho chúng ta thì Ngài muốn chúng ta ăn năn điều gì đó trong đời sống của chính mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con sự nhạy cảm với tội lỗi của chính mình để ăn năn và với sự đau khổ của người khác để an ủi họ. Amen!
Viện Thần Học Liên Hiệp Alliance Theological College
http://www.alliancetheologicalcollege.info/
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com