“Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ê-díp-tô sẽ chết, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả của người đòi ở sau cối, và luôn mọi con đầu lòng của súc vật nữa” (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Lời cảnh báo về tai vạ cuối cùng cho người Ai Cập có gì khác biệt với sáu lần cảnh cáo trong chín tai vạ trước đó? Tại sao ông Môi-se giận (câu 8c)? Có khi nào bạn bị cứng lòng với Chúa? Bạn cần làm gì?
Phân đoạn Kinh Thánh này nối tiếp sự việc được chép ở Xuất Ê-díp-tô Ký 10:29. Trong chín tai vạ Chúa đã giáng trên người Ai Cập thì có sáu lời cảnh báo (trừ tai vạ thứ 3, 6, 9). Chúa luôn xưng Danh Ngài, có lời yêu cầu tha cho dân Chúa ra đi, và lời cảnh báo tai vạ giáng xuống cho toàn dân Ai Cập nếu Pha-ra-ôn không tuân lệnh. Lần này, ông Môi-se công bố hình phạt sẽ giáng xuống họ, và không dành chỗ cho quyết định của Pha-ra-ôn. Tai vạ sẽ giáng trên họ vào lúc nửa đêm nhưng không xác định rõ ngày nào như những lần cảnh báo trước đó. Chính Đức
Giê-hô-va trực tiếp thực hành án phạt (câu 4). Tai vạ khủng khiếp nhất, trực tiếp cất đi mạng sống của tất cả con trưởng nam và súc vật đầu lòng (câu 5). Con trưởng nam có vị trí rất quan trọng vào thời đó. Họ chẳng những được thừa kế gấp hai lần số tài sản của cha mẹ để lại nhưng còn là biểu tượng của sức mạnh và sự sống được truyền lại từ thế hệ trước. Mọi kế hoạch và ước mơ của người cha đều được ấp ủ vào con trai trưởng của mình. Mất con trưởng nam có nghĩa là người Ai Cập đã mất sức sống về cả thể xác lẫn tinh thần.
Trong khi lời tiên tri cho biết Đức Giê-hô-va gìn giữ tuyển dân của Ngài bình an khỏi tai họa (câu 7), các quần thần của Pha-ra-ôn phải đến sấp mình trước mặt ông Môi-se và yêu cầu tuyển dân ra đi (câu 8), nhưng ông
Môi-se đã nổi giận. Đây là cơn giận công chính vì sự cứng lòng của Pha-ra-ôn gây liên lụy đến toàn dân Ai Cập. Ông Môi-se và ông A-rôn bèn làm nhiều dấu lạ trước mặt
Pha-ra-ôn, hầu mong các dấu lạ ấy giúp vua sẽ ăn năn (câu 9-10). Con cái Chúa không vui mừng khi thấy tội nhân bị hình phạt nhưng tìm mọi cách giúp họ ăn năn, tránh cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Mỗi chúng ta hãy sốt sắng làm sứ giả hòa bình cho Chúa.
Vì lòng kiêu ngạo và vô tín, Pha-ra-ôn đã trở nên cứng lòng, bỏ lỡ nhiều cơ hội để nhận biết Chúa và đáp ứng tích cực mệnh lệnh của Ngài. Dù Chúa là Đấng giàu lòng yêu thương, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ, nhưng đúng thời điểm, Ngài ra tay đoán phạt người có tội vì bản tính công chính của Ngài. Nếu chúng ta lần lữa trong sự ăn năn, thì lòng cứng cỏi sẽ bám rễ trong chúng ta, và chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với cơn thịnh nộ của Chúa.
Bạn có ăn năn khi phạm tội và giúp người khác ăn năn trở lại với Chúa không?
Lạy Chúa, xin cất khỏi con sự vô tín và kiêu ngạo, giúp con luôn kính sợ và vâng phục Ngài, và dùng con làm tiếng chuông cảnh tỉnh người khác ăn năn trở lại với Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 46–47.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien