“Bởi có chép rằng: Chúa phán: Thật như Ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ta, Và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:11).
Câu hỏi suy ngẫm: Con sấu được mô tả ra sao và có những đặc tính gì? Loài người đã dùng cách nào để chế phục nó và kết quả ra sao? Ai có thể đứng trước mặt Chúa? Bạn cần có thái độ ra sao khi sống trong nghịch cảnh?
Sau khi mô tả về con hà mã mạnh mẽ, hùng dũng (40:10–19), Đức Chúa Trời đề cập đến một tạo vật khác của Ngài là con sấu Lê-vi-a-than (Leviathan). Từ
“lê-vi-a-than” là diễn âm của từ tiếng Hê-bơ-rơ, nghĩa gốc là “vặn, xoắn.” Từ này mô tả “loài quái vật của biển.” Cũng có khi người ta gọi Lê-vi-a-than là con rắn (Ê-sai 27:1). Con sấu trong câu 20 là một loài vật hung dữ, sống dưới nước và là nỗi lo sợ của con người thuở xưa. Loài thú này có bộ da dường như bất khả xâm phạm, và rất hung dữ. Dù con người tìm nhiều cách để tiêu diệt nó như dùng lưỡi câu, dây, móc, cái cọc đâm hay lao đều không thành công. Nó luôn là kẻ thù của con người; không ai có thể thỏa hiệp, vui chơi, gần gũi với nó (câu 22–24). Con người sợ con sấu này đến nỗi không bao giờ muốn thấy hay gặp lại nó, chẳng dám trêu chọc nó, và “chỉ thấy tướng dạng nó, người ta liền rụng rời” (câu 28).
Chúa cho ông Gióp nhận biết rằng một con vật mà Chúa sáng tạo cũng đã khiến cho con người khiếp sợ, nói chi đến rất nhiều loài thú dữ trong muôn loài vạn vật Chúa đã dựng nên: “Phàm vật chi ở dưới trời đều thuộc về Ta” (Gióp 41:2). Khi con người không thể bắt các tạo vật của Chúa khuất phục mình, thì làm sao con người có khả năng thưa lại với Chúa như ông Gióp đã nói, hãy gọi tôi, tôi sẽ thưa lại (Gióp 13:22). Trong lời kết, Chúa hỏi ông Gióp “Vậy, ai sẽ đứng ở trước mặt Ta cho nổi?” (Gióp 41:1) Không những ông Gióp, mà chẳng một ai có thể đứng nổi trước mặt Chúa.
Đôi khi trong những thử thách khó khăn, chúng ta cũng buồn trách Chúa giống như ông Gióp. Nhiều người trong chúng ta không hiểu vì sao mình phải chịu hoạn nạn, dẫn đến bất mãn rồi nguội lạnh trong mối tương giao với Chúa. Con người nhỏ bé và khả năng hạn hẹp, làm sao chúng ta hiểu hết công việc và chương trình của Chúa dành cho mình. Vì thế, thay vì lý luận với Chúa, chúng ta phải vững tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Sau những hoạn nạn, chúng ta sẽ kinh nghiệm được quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài dành cho chính mình. Để rồi mỗi chúng ta đều quỳ trước mặt Chúa và chúc tụng Danh Thánh của Ngài.
Bạn đã nhận thấy quyền năng vĩ đại của Chúa và quyết tâm tin cậy Ngài chưa?
Kính lạy Đức Giê-hô-va, Chúa Toàn Năng, con xin Chúa tha tội cho con vì đã bao lần con trách Chúa và không hết lòng thờ phượng Ngài. Xin Chúa cho con luôn biết ơn Chúa, hết lòng tin cậy và thờ phượng Ngài trong mọi hoàn cảnh.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 43.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien