“Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô xác định mối liên hệ của ông đối với mọi người như thế nào? Ông sử dụng quyền tự do đó ra sao và với mục đích gì? Bài học nào bạn nhận được từ cách sử dụng quyền tự do của Sứ đồ Phao-lô?
Sứ đồ Phao-lô cho biết trong câu 19 (BTTHĐ) rằng, “Dù rằng với mọi người, tôi là người tự do, nhưng tôi đã tự trở thành nô lệ cho mọi người để có thể chinh phục thêm nhiều người.” Trong mối liên hệ với mọi người, ông hoàn toàn không bị ràng buộc bởi bất cứ con người nào hay áp lực nào. Ông đã được tự do khỏi sự ràng buộc của tội lỗi; cũng được tự do về tài chính, làm nghề may trại để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, ông tự nguyện “đành phục mọi người,” cụm từ này có nghĩa là “tự trở thành nô lệ cho mọi người.” Làm điều đó không phải để ông tìm kiếm quyền lợi cho bản thân, nhưng mục đích của ông là sẵn sàng hy sinh quyền lợi tự do của bản thân với mong muốn chinh phục nhiều người đến với Tin Lành của Đấng Christ.
Xuất phát từ việc nhận thức trách nhiệm cần phải rao truyền Tin Lành của Đấng Christ cho mọi người, nên khi thực hiện trọng trách là sứ đồ của Chúa Giê-xu, Sứ đồ Phao-lô chẳng những khước từ quyền lợi vật chất nhưng ông còn sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá nhân để có thể đến với mọi thành phần trong xã hội với mục đích “… để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (câu 22c). Từ việc xác định rõ ràng mục đích, qua việc xác định rõ ràng quyền lợi của bản thân, Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng quyền tự do của mình bằng cách sẵn sàng đặt bản thân lệ thuộc vào mọi người để có cơ hội tiếp xúc, rao truyền Phúc Âm Cứu Rỗi cho mọi người.
Đây là bài học về nguyên tắc chứng đạo cho chúng ta ngày nay. Nhiều khi chúng ta xác định sai mục đích nên đã lệ thuộc vào một số người có khả năng tài chính hoặc quyền thế nào đó khiến chúng ta tự cảm thấy mình bị ràng buộc, yếu đuối, và muốn lệ thuộc vào họ. Hoặc một số người khác thì lại sử dụng quyền tự do quyết định những người nào mình thấy xứng đáng hoặc không xứng đáng để giới thiệu Tin Lành của Đấng Christ cho họ. Với những người họ thấy không xứng đáng để đón nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì họ cũng cho mình không có trách nhiệm phải nói về Chúa Giê-xu cho những nhóm người đó. Đừng nên như vậy. Hãy như Sứ đồ Phao-lô, hy sinh những điều mình đáng được hưởng để lệ thuộc mọi người với mục đích là để cứu chuộc tất cả mọi người không phân biệt một ai.
Bạn có sẵn lòng hy sinh quyền tự do mình, trở thành nô lệ cho mọi người để có thể chinh phục thêm nhiều người không?
Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời! Xin giúp con nhận thấy trách nhiệm phải rao truyền Phúc Âm đối với mọi người để con biết sử dụng sự tự do của mình với mọi người bằng cách tự nguyện lệ thuộc mọi người “hầu cho được nhiều người hơn.”
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 42.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien