“Đức Giê-hô-va phán: Thật, Ta sẽ diệt hết chúng nó. Chẳng còn trái nho trên cây nho; chẳng còn trái vả trên cây vả; lá sẽ khô rụng; những điều Ta đã ban cho, sẽ bị cất lấy!” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa tuyên phán “Ta sẽ diệt hết chúng nó”? Tiên tri Giê-rê-mi đã dùng hình ảnh nào để minh họa cho lời tuyên phán đó? Bạn cần làm gì khi phạm tội để được Chúa thứ tha?

Thật không xa lạ với những cơn đoán phạt kinh khiếp mà Đức Chúa Trời đã dùng để cảnh tỉnh nhân loại và thanh tẩy đất đai vì những tội lỗi mà con người đã phạm. Mở đầu là cơn Đại Hồng Thủy đã dìm mọi sinh vật trong biển nước, chỉ có tám người trong gia đình ông Nô-ê được cứu. Tiếp đến là trận mưa diêm sinh đổ xuống thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ để làm sạch những điều vô cùng gian ác, ô uế ghê tởm của dân thành, chỉ có ông Lót cùng hai con gái được cứu thoát. Tuy nhiên, theo lời rao truyền của Tiên tri Giê-rê-mi trong câu 13 thì sẽ không một ai được xem là ngoại lệ, vì Đức
Giê-hô-va đã khẳng định “Ta sẽ diệt hết chúng nó.” Lời Chúa trong câu 10 cho biết vì tội lỗi đã lan tràn từ mỗi gia đình, mỗi thành viên từ lớn đến nhỏ. Đã thế, họ lại cương quyết đi theo điều sai, cứng lòng không chịu ăn năn để nhận được sự tha thứ, phục hồi từ chính Ngài, nên Đức Giê-hô-va tuyên phán rằng “Ta sẽ diệt hết…” Minh họa cho lời tuyên phán là hình ảnh những cây nho, cây vả trơ trụi cành lá, chẳng một trái nào còn sót lại trên cành. Mọi phước hạnh Chúa đã ban cho tuyển dân đều sẽ bị tước mất!

Hình ảnh cây nho, cây vả trơ trụi là hình ảnh rất hiếm thấy trong đất nước của tuyển dân. Bởi vì theo quy định của luật pháp thì sau mỗi mùa thu hoạch vẫn sẽ còn vài chùm nho, trái vả sót lại trên cành để người nghèo mót lấy. Nhưng nay, hình ảnh cho thấy dân Chúa phải đón nhận một sự tận diệt. Họ không còn bất cứ nguồn lương thực nào để có thể đặt lòng trông cậy vào đó.

“Ta sẽ diệt hết” nói lên Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết không chấp nhận tội lỗi, cũng không du di chấp nhận một phần tội lỗi. Nhân loại từ xưa đến nay, thay vì khiêm nhường nhận biết điều mình sai phạm để ăn năn, thì lại tự bào chữa và kiêu ngạo khi nghĩ rằng mình vẫn tốt hơn nhiều người khác. Chính thái độ đó đã khiến họ cứng lòng không ăn năn. Là con cái Chúa, chúng ta cũng thường rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, Chúa là Đấng yêu thương, sẵn lòng tha thứ khi chúng ta xưng tội mình và ăn năn
(I Giăng 1:9). Kiêu ngạo hay hạ mình ăn năn quyết định số phận của chúng ta trong cõi vĩnh hằng.

Bạn thường có phản ứng như thế nào mỗi khi được Chúa Thánh Linh cáo trách về điều bạn đang sai phạm?

Lạy Chúa Thánh Khiết! Xin giúp con biết ăn năn để nhận được sự tha thứ phục hồi từ nơi Chúa hơn là tiếp tục kiêu ngạo tự bào chữa cho tội lỗi của mình để rồi phải đón nhận hình phạt kinh khiếp trong ngày cuối cùng.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Hê-bơ-rơ 10.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien