Nhằm ngày Sa-bát, Ðức Chúa Jêsus đi qua đồng lúa mì; đang đi đường, môn đồ Ngài bứt bông lúa mì. Các người Pha-ri-si bèn nói cùng Ngài rằng: Coi kìa, sao môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sa-bát? Ngài đáp rằng: Các ngươi chưa đọc đến sự vua Ða-vít làm trong khi vua cùng những người đi theo bị túng đói hay sao? Thể nào trong đời A-bi-tha làm thầy cả thượng phẩm, vua ấy vào đến Ðức Chúa Trời, ăn bánh bày ra, lại cũng cho những người đi theo ăn nữa, dầu bánh ấy chỉ những thầy tế lễ mới được phép ăn thôi? Ðoạn, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người. Vậy thì Con người cũng làm chủ ngày Sa-bát. Mác 2:23-28
Suy gẫm:
Điều Chúa Jesus đề cập đến trong câu chuyện này được trích từ Phục-Truyền 23:25 về luật được ăn sản vật trên đồng lúa mì của người lân cận khi đói, nhưng phải tránh ngày Sa-bát (Xuất 31:21). Rồi Chúa Jesus lại đưa ra một khía cảnh khác của vấn đề này bằng cách trích dẫn câu chuyện của Đa-vít trong lúc chạy trốn khỏi nanh vuốt độc ác của vua Sau-lơ, ông đã được thầy tế lễ thượng phẩm A-bi-tha cho ăn bánh trần thiết trong đền thờ, là bánh chỉ dành cho thầy tế lễ ăn mà thôi. Như thế, có phải thầy tế lễ A-bi-tha vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời không? Chắc chắn là không. Chúa Jesus giải thích tại sao hành động của thầy tế lễ A-bi-tha được chấp nhận và dùng đó để biện minh cho việc làm của các môn đồ của Ngài. Qua đó, Chúa Jesus chỉ trích lối giải kinh quá cứng nhắc và giáo điều của người Pha-ri-si, đã cố bảo vệ cho luật pháp mà thiếu mất tình yêu và ân sủng của Chúa. Mục đích Chúa thiết lập luật pháp hay ngày Sa-bát để phục vụ cho nhu cầu của con người chứ không phải để hủy diệt con người trong cảnh khó nghèo.
Bản tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời được phản ánh trong luật pháp. Nhưng Đức Chúa Trời cũng là tình yêu. Cốt lõi của luật pháp là sự bày tỏ tình yêu của con người đối với Đức Chúa Trời và với nhau. Người Pha-ri-si dùng luật pháp để bày tỏ bản chất độc ác và kiêu ngạo của mình đối với người khác dưới danh nghĩa là làm “vừa lòng Đức Chúa Trời” và bảo vệ cho “chính nghĩa” của Ngài. Khi nào con người sử dụng luật pháp mà thiếu mất tình yêu, khi đó luật pháp chỉ còn lại là một bộ xương khô hay một cây chuổi xà trong tay con người, chỉ gây tổn thương cho Đức Chúa Trời và đau đớn lẫn nhau. Luật pháp mà không có ân sủng hay tình yêu chẳng khác gì một miếng móp (sponge) không thấm nước, chỉ tạo nên những vết trày trụa trên mặt bàn là tấm lòng con người. Chính tình yêu đã làm cho công việc và lời nói của Cơ đốc nhân sống theo tiêu chuẩn Lời Chúa trở nên mềm mại dễ tẩy sạch những vết nhơ và mang lại niềm vui thỏa cho đời sống người khác. Sứ đồ Giăng nói Chúa Jesus là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn (grace) và lẽ thật (truth)” (Giăng 1:14a) và “Luật pháp (law) đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jesus Christ mà đến” (Giăng 1:17). Chỉ có những cuộc đời bằng lòng để Chúa Jesus làm chủ mới có thể sống quân bình giữa luật pháp và ân sủng. Nhưng ân sủng thì vượt trổi hơn luật pháp vì nó là cốt lõi và bao hàm cả luật pháp. Vì thế, Chúa Jesus nói Con Người là Chủ của ngày Sa-bát là như thế!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa yêu thương, xin cứu cho khỏi trở thành “chuyên gia của luật pháp” nhưng là người được Chúa Jesus chiếm hữu, để sống bày tỏ ân sủng và lẽ thật của Ngài đối với mọi người chung quanh qua lời nói và việc làm mỗi ngày. Amen!
Viện Thần Học Liên Hiệp Alliance Theological College
http://www.alliancetheologicalcollege.info/
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com