“…vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra” (Lu-ca 6:45b).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ mô tả khả năng chế ngự cái lưỡi của con người như thế nào? Những hình ảnh trong câu 11–12 mô tả bản chất của lời nói ra sao? Làm thế nào để kiểm soát lời nói?
Cái lưỡi, hay lời nói của con người có thể xây dựng hoặc đạp đổ, nâng đỡ hoặc vùi dập, chữa lành hoặc gây tổn thương, đem đến sự sống hoặc làm cho chết…, nên điều quan trọng là phải biết chế ngự cái lưỡi của mình. Ở đây, ông Gia-cơ giải thích chế ngự cái lưỡi không đơn giản. Mọi loài sinh vật, từ trên trời, dưới biển hay trên đất liền, dù hoang dã đến đâu cũng đều do con người chế ngự, thế nhưng con người không tài nào chế ngự được cái lưỡi (câu 7–8). Đã có biết bao quyển sách, chương trình huấn luyện, nhưng con người không thể hoàn toàn kiểm soát được lời nói. Bởi vì vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở cái lưỡi, môi miệng, mà còn ở sâu bên trong.
Trong hai câu 11–12, ông Gia-cơ dùng hình ảnh của dòng suối và cây trái để mô tả về bản chất của vấn đề. Trong thiên nhiên, không bao giờ cùng một mạch nước vừa chảy ra nước ngọt lẫn nước đắng hay nước mặn. Cũng không bao giờ có cây này lại sinh ra trái nọ. Rõ ràng là những thứ bày tỏ ra bên ngoài đều xuất phát từ bản chất bên trong. Nghĩa là lời nói phản ánh tình trạng của tấm lòng. Chúa Giê-xu đã dạy tấm lòng tội lỗi xấu xa thì lời nói cũng xấu xa (Lu-ca 6:45).
Như vậy, vấn đề không phải là làm sao kiểm soát lời nói mà là làm sao giữ cho lòng chúng ta luôn ngay thẳng, đẹp lòng Chúa! Giống như con beo không tự mình đổi được vằn, không ai trong chúng ta có thể tự thay đổi lòng mình (Giê-rê-mi 13:23). Mọi nỗ lực của con người đều chỉ tác động bên ngoài và không có hiệu quả lâu dài. Tạ ơn Chúa vì trong khi con người bế tắc thì không gì là không thể với Ngài. Chúa hứa với dân Ngài, “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 36:26a). Bởi ân sủng và quyền năng của Đức Chúa Trời, khi tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta trở nên một tạo vật mới. Tuy nhiên, không phải sau khi tin Chúa chúng ta không còn vấp phạm về lời nói. Vì vẫn còn sống trong xác thịt yếu đuối này, chúng ta vẫn còn hay vấp phạm. Nhưng khi để tấm lòng mình trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Ngài mỗi ngày. Lời nói chúng ta cũng sẽ được thay đổi dựa vào mức độ gắn bó mật thiết của chúng ta với Chúa. Nếu không, chúng ta vẫn có thể “từ một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn nguyền rủa…” (câu 10 BTTHĐ). Xin Chúa cho chúng ta luôn đầu phục Chúa để lời nói chúng ta được ích lợi và gây dựng.
Những lời bạn nói bày tỏ tình trạng của tấm lòng bạn ra sao?
Lạy Chúa, con nhận biết những yếu đuối của con trong việc kiểm soát môi miệng. Xin tha thứ cho con vì đã nhiều lần con nói những lời khiến anh chị em con vấp phạm. Xin quyền năng Đức Thánh Linh vận hành trong con, để lời nói của con phản ánh một tấm lòng được đầy dẫy sự hiện diện của Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 18.