Mác 1:40-45
Có một người phung đến cùng Ngài, quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được. Ðức Chúa Jêsus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi.
Liền khi đó, phung lặn mất, người trở nên sạch. Tức thì Ðức Chúa Jêsus cho người ấy ra, lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ chớ tỏ điều đó cùng ai; song khá đi tỏ mình cùng thầy tế lễ, và vì người được sạch, hãy dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ. Nhưng người ấy đi, đồn việc đó ra, tới đâu cũng thuật chuyện, đến nỗi Chúa Jêsus không vào thành cách rõ ràng được nữa; song Ngài ở ngoài, tại nơi vắng vẻ; và người ta từ bốn phương đều đến cùng Ngài.
Suy gẫm:
Ngày xưa, bịnh phung được xem là căn bịnh quái ác đối với con người. Khi một người mang lấy chứng bịnh này thì cuộc đời còn lại hoàn toàn bị cô lập và cách ly khỏi mọi người, cộng đồng, và gia đình. Người đó sống cũng coi như đã bị chôn vùi trong cái chết cô đơn của bịnh tật. Cái chết của sự cô độc này còn khủng khiếp hơn gấp bao lần cái chết của thể xác. Vì thế, trong lin hồn của người phung không khao khát gì hơn là “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được.” Người phung này biết rõ rằng chỉ một mình Chúa Jesus là Đức Chúa Trời có thể chấm dứt tình trạng khốn cùng này. Chúa Jesus đáp ứng lại bằng sự biểu hiện của lòng thương xót: “Ta khứng, hãy sạch đi.” Chúa chẳng bao giờ đành đoạn ngoảnh mặt làm ngơ trước lời van nài của những con người đang bị vùi dập trong cảnh tuyệt vọng nhất của cuộc đời và sự nhận biết duy Ngài là Đấng có thể cứu vớt mình!
Cách Chúa Jesus chữa lành cho người phung cũng giống như cách Ngài chữa cho bà gia Si-môn. Người bịnh cần có sự đụng chạm của Ngài trên thân thể họ. Tuy nhiên, trong trường hợp có một sự khác biệt lớn lao trong việc Ngài đưa tay ra rờ người phung. Khi làm như thế, Chúa Jesus bằng lòng mang lấy bịnh phung của người và truyền sự thanh sạch trọn vẹn của Ngài vào trong người đó. Hành động này chứa đựng tính chất “hoán đổi” giữa chính Ngài và người bị phung. Nó tiêu biểu cho việc một người tin Chúa Jesus được tha thứ tội lỗi và mặc lấy sự công bình của chính Ngài. Từ ngữ thần học gọi là “sự xưng nghĩa” (justification). Kết quả sự chữa lành của Chúa Jesus cho người phung là đem người đó trở lại với mối tương giao với cộng đồng, gia đình. Thay vào đó, Ngài phải mang lấy sự cô độc và bị xô đuổi ra khỏi cộng đồng của người đó. Cho nên Ngài phải “ở ngoài, tại nơi vắng vẻ.” Điều này tiêu biểu cho việc một tội nhận bị xua đuổi ra khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời được đem lại trong mối tương giao với Ngài qua sự chết của Con Ngài là Chúa Jesus. Chính Con Ngài đã phải gánh lấy sự cô độc vì tội lỗi gây ra của nhân loại khi kêu lên rằng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách ta-ni” (Ma-thi-ơ 27:46). Ngoài ra, khi Chúa Jesus bảo người được chữa lành đi đến với các thầy tế lễ để dâng của tế lễ làm chứng cho sự thanh sạch của mình, bày tỏ rằng Ngài đến không phải để phá đổ luật pháp nhưng làm trọn luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17). Chúa Jesus đến để giải thoát tất cả những ai bị luật pháp lên án và giúp họ có thể đạt đến chỗ làm trọn những gì luật pháp đòi hỏi (Rô-ma 8:1-4).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Jesus, con cảm ơn Ngài đã bằng lòng chết thay cho con để con được trở nên con cái của Đức Chúa Trời, và giúp con có thể sống làm trọn điều Ngài đòi hỏi của luật pháp. Amen!
Viện Thần Học Liên Hiệp Alliance Theological College
www.alliancetheologicalcollege.info
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com