Ma-thi-ơ (Matthew) 1:18-25
Vả, sự giáng sinh của Ðức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Ðức Thánh Linh.
 

 Giô-sép chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Ða-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì Con mà người chịu thai đó là bởi Ðức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính Con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội. Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Ðức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.
Trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại, gia đình đóng vai trò quan trọng và nằm ngay tại trọng tâm sự nhập thể của Chúa Jesus. Sự ra đời của Chúa Jesus gắn liền với vai trò của Giô-sép và Ma-ri và đời sống hôn nhân của họ. Chính vì thế, ma quỷ luôn tìm cách để phá hỏng mối quan hệ giữa hai người hầu dẫn đến sự đổvỡ mà hậu quả của nó có thể khôn lường. Ma-ri đã được hứa gả cho Giô-sép. Theo luật Do-thái thời bấy giờ, hứa hôn tương đương với kết hôn chỉ chưa về chung sống với nhau như vợ chồng. Vì thế, không điều gì có thể phân rẽ hai người trừ ra sự chết. Thời gian hứa hôn thông thường kéo dài trong vòng một năm. Trong suốt thời gian đó, nếu một trong hai người tự hủy bỏ lời hứa của mình, người đó bị xem là phạm tội ngoại tình và bị ném đá chết (Phục 22:23-27). Như vậy, việc Ma-ri mang thai Chúa Jesus bởi Thánh Linh xảy ra ngay trong thời gian rất ngắn ngủi và đầy mới mẽ của đời sống tình cảm và tiền hôn nhân của hai người. Về phương diện con người, Giô-sép và Ma-ri phải trải qua cuộc thử nghiệm đầy nghiệt ngã về lòng tin cậy lẫn nhau trong đời sống tiền hôn nhân để xem thử rằng họ có “đủ tư cách” hay “tiêu chuẩn” để làm người nuôi dưỡng Chúa Jesus trong thời gian ấu thơ hay không? Con Đức Chúa Trời không thể nào được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình đầy xung đột, đổ vỡ và bất kính. Gia đình mà Đức Chúa Trời dùng để nuôi dưỡng Chúa Jesus phải là một gia đình lành mạnh, hạnh phúc, yêu thương và tin tưởng nhau cách tuyệt đối.

Việc Ma-ri chịu thai bởi Thánh Linh là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử của con người. Chính vì thế, điều này nằm ngoài sức tưởng tượng và hiểu biết Giô-sép. Đòi hỏi ông chấp nhận nó bằng đức tin. Nhưng làm thế nào ông có thể chấp nhận được trong khi chưa từng thấy một điều nào tương tự như vậy xảy ra? Chính vì thế, việc Giô-sép “toan đem để nhẹm” mối quan hệ giữa hai người, có nghĩa là để cho vợ hứa mình ra đi cách âm thầm hầu không tạo nên “xì-căng-đan” (scandal) e rằng sẽ để lại hậu quả chẳng hay ho gì cho cả hai người. Kinh Thánh mô tả động cơ thúc đẩy Giô-sép hành động như vậy là vì chàng là “người có nghĩa.” Từ “có nghĩa” trong nguyên văn Hi-lạp là “công bình” hay “sống đúng theo luật pháp.” Giô-sép bị dằng co giữa tình yêu và luật pháp, giữa ân sủng và lẽ thật. Giô-sép là một con người trưởng thành trong đời sống tình cảm lẫn đức tin. Ông chẳng những muốn sống vừa lòng Đức Chúa Trời nhưng cũng muốn bày tỏ tình yêu đối với Ma-ri: “chẳng muốn cho người mang xấu.” Tâm tình đó tìm thấy trong chính con người của Chúa Jesus: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14). Giô-sép là người cha nuôi phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Jesus. Cho nên, Giô-sép được Đức Chúa Trời sử dụng để ảnh hưởng trên cuộc đời của Chúa Jesus trong những năm sống trong gia đình.

Trong khi đang suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề thì thiên sứ của Chúa hiện đến với Giô-sép và phán rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Ða-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Ðức Thánh Linh.” Vì Giô-sép là người kính sợ Chúa và yêu thương Ma-ri cách thật lòng nên Đức Chúa Trời đã can thiệp và giải quyết vấn đề của chàng. Nếu không phải là sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh nghiệt ngã này, chắc chắn rằng không ai khác hơn Đức Chúa Trời có thể giải quyết vấn đề cách dễ dàng như vậy. Lòng yêu mến và kính sợ Chúa của Giô-sép được bày tỏ rất rõ ràng: “Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.” Chúng ta phải vô cùng cảm tạ Chúa về con người của Giô-sép mà Ngài đã ban cho nhân loại chúng ta. Nếu Giô-sép không phải là người kính sợ Chúa, chắc chắn ông sẽ giải quyết vấn đề cách khác rồi và chúng ta cũng có thể tự hiểu rằng ma quỷ đã thành công như thế nào trong việc phá hỏng chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus Christ qua gia đình nhỏ bé này. Khi ký thuật lại câu chuyện này, Ma-thi-ơ chẳng những muốn chứng minh rằng sự ra đời của Chúa Jesus là hoàn toàn thánh thiện và không bị ảnh hưởng bởi tội lỗi nhưng ông còn muốn nói đến vai trò của đời sống hôn nhân và gia đình của Giô-sép và Ma-ri góp phần quan trọng trong việc Con Trời ra đời và được dưỡng dục như thế nào.

Ban đầu Đức Chúa Trời hình thành nên xã hội con người bằng cách thiết lập nên hôn nhân và gia đình (Sáng thế ký 2:18-25). Hay nói cách khác, hôn nhân và gia đình nằm vị trí quan trọng trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại ngay từ buổi ban đầu. Vì thế, ma quỷ đã tìm cách phá hủy đời sống gia đình của A-đam và Ê-va (Sáng thế ký 3:9-13). Sứ đồ Phao-lô nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa đời sống hôn nhân và Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:25-33). Hôn nhân và gia đình Cơ đốc là phương tiện Đức Chúa Trời thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài trong thế gian, chuyển tải phước hạnh của Chúa đến với thế gian hư mất. Không có gì bảo đảm rằng đời sống hôn nhân của chúng ta không bao giờ trải qua những giờ phút bị thử nghiệm cách nghiệt ngã như trường hợp của Giô-sép và Ma-ri. Đời sống vợ chồng bao giờ cũng có những xung đột, hiểu lầm, nghi ngờ, khắc khẩu với nhau v.v… Nhưng trong những trường hợp đó chúng ta giải quyết như thế nào? Chúng ta tìm cách giải quyết theo ý muốn riêng của mình để dẫn đời sống hôn nhân đến chỗ kết thúc và đời sống gia đình tan nát không? Hay chúng ta để cho Chúa can thiệp và giải quyết theo cách của Ngài? Chắc chắn rằng cách giải quyết của con người chỉ mang đến sự đổ vỡ và chia tay. Nhưng cách giải quyết của Chúa là hàn gắn và yêu thương. Nếu người chồng lẫn người vợ thật lòng yêu mến Chúa và trưởng thành trong đời sống thuộc linh thì cách giải quyết của Chúa ban cho chúng ta phải mang cả hai đặc tính: “đầy ân sủng và lẽ thật.” Nếu chỉ giải quyết bằng tình cảm hay “ân sủng” mà không có luật pháp hay “lẽ thật” của Chúa làm nền tảng thì sự việc cũng chẳng đi đến đâu. Ngược lại, nếu chỉ muốn áp dụng luật pháp hay “lẽ thật” mà thiếu tình yêu hay “ân sủng” thì sẽ mang đến sự đổ vỡ là chắc chắn.

Trong mùa kỷ niệm sự Giáng Sanh của Chúa Jesus, chúng ta không chỉ tập chú vào chính Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” mà còn suy nghĩ đến vai trò của đời sống hôn nhân và gia đình của Giô-sép và Ma-ri trong chương trình cứu rỗi tuyệt vời của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Bởi đó, nhắc chúng ta biết rằng chính hôn nhân và gia đình Cơ đốc của chúng ta, giống như hôn nhân và gia đình của Giô-sép và Ma-ri, là phương tiện mà Đức Chúa Trời muốn chuyển tải phước hạnh đến cho thế giới đổ vỡ, tan thương, rách nát, và đầy khổ đau do tội lỗi gây ra từ sự bất vâng phục của con người. Cầu xin Chúa Jesus là “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” ở giữa đời sống hôn nhân và gia đình chúng ta cách “đầy ân sủng và lẽ thật” để người khác có thể “ngắm xem vinh hiển của Cha” trong hôn nhân và gia đình của mỗi chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng hãy nhớ rằng chẳng có cuộc hôn nhân nào đổ vỡ mà Chúa chẳng có thể hàn gắn được miễn là chúng ta bằng lòng hạ mình xuống, tìm kiếm Chúa cách chân thành, tha thứ nhau và làm mới lại kết ước với Chúa và với nhau trong hôn nhân. Chắc chắn rằng sự vinh quang của Chúa sẽ chiếu rọi trên đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta.

 
Trần Trọng Nha

 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]