Các Quan Xét 4:1-24
“Trong lúc đó, Đê-bô-ra, là nữ tiên tri, vợ của Láp-bi-đốt, đoán xét người Ít-ra-ên. Bà ở trên núi Ép-ra-im, giữa khoảng Ra-ma và Bê-tên, dưới cây chà là Đê-bô-ra, và người Ít-ra-ên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét đoán” (câu 4, 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Tình cảnh người Ít-ra-ên trong chương Kinh Thánh này thế nào? Nhờ đâu người Ít-ra-ên được giải cứu? Hai người phụ nữ trong câu chuyện có những điểm chung nào? Bạn nghĩ gì về vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh của bạn?
Hát-so là một cổ thành và từ “Hát-so” nghĩa là “nhỏ đối với hầu hết chúng ta,” nhưng thành này là một nơi kinh khủng đối với người Ít-ra-ên thời bấy giờ. Hát-so nằm ở phía bắc của biển hồ Ga-li-lê, là thành phố lớn nhất của người Ca-na-an trong suốt thiên niên kỷ thứ hai trước Chúa Giê-xu và thường được nhắc đến trong các sử liệu của người Ai Cập và Mesopotamia. Hát-so thống trị các khu vực chung quanh về mặt chính trị cũng như kinh tế. Vua Hát-so là Gia-bin đã liên minh với các dân tộc khác và thân hành dẫn đầu một đạo quân đông vô kể chống lại ông Giô-suê, nhưng bị thảm bại và Hát-so bị hủy diệt (Giô-suê 11:1, 10). Sau đó, Hát-so phục hồi và một vua Gia-bin khác cai quản Hát-so. Vì thế không có gì lạ khi ông Ba-rác tỏ vẻ sợ đạo quân hùng hậu với thiết xa yểm trợ của Hát-so tấn công.
Dù ông Ba-rác như thế, nhưng nữ tiên tri Đê-bô-ra chẳng sợ gì. Trong thế giới của người Ít-ra-ên vào thời xưa, người phụ nữ giữ vai trò rất hạn chế trong cộng đồng, nhưng điều lạ ở đây là bà Đê-bô-ra được công nhận là nữ tiên tri và quan xét của người Ít-ra-ên (câu 4). Không có lời ghi chép nào mô tả bà là một anh hùng giải phóng dân tộc như các quan xét lớn khác. Bà trở thành quan xét khi thi hành chức vụ tiên tri. Trong câu chuyện quyền lãnh đạo của bà thể hiện rõ ở chỗ bà không hề sợ hãi khi đối đầu với một thế lực hùng mạnh hằng ngày áp đảo dân tộc của bà. Dù ông Ba-rác lãnh đạo quân Ít-ra-ên để đánh tan đạo quân của ông Si-sê-ra, nhưng chiến thắng thực sự thuộc về bà Đê-bô-ra.
Một nữ anh hùng khác xuất hiện một cách bất ngờ. Bà là vợ của ông Hê-be người Kê-nít là nhóm người liên minh với Hát-so. Có thể bà con bên vợ của ông Môi-se không thể hòa nhập với người Ít-ra-ên, nên đã tách riêng ra. Bà Gia-ên đã khiến cho ông Si-sê-ra nghĩ rằng trại của bà là nơi nương náu an toàn trước khi kết liễu cuộc đời người đã thẳng tay hà hiếp người Ít-ra-ên trong một thời gian dài. Giống như bà Ra-háp, giờ đây bà đã đứng về phía dân Đức Chúa Trời. Việc làm của bà Gia-ên dần dà đã đưa họ Kê-nít hòa hợp với người Ít-ra-ên. Hai người phụ nữ can đảm đã giải cứu người Ít-ra-ên. Đức Chúa Trời vừa hành động qua những người lãnh đạo Ngài lựa chọn, và qua những người bình thường khác. Dù bạn là ai, bạn hãy mở lòng ra để Ngài sử dụng bạn. Khi Ngài tạo cơ hội để bạn phục vụ hãy nhanh chóng và mạnh dạn đáp ứng.
Bạn sẽ đáp ứng như thế nào khi Đức Chúa Trời kêu gọi bạn thực hiện một công tác đặc biệt nhưng lại không được người khác công nhận bạn là người lãnh đạo? Hãy cầu nguyện để bạn được sự can đảm, tin cậy và bước tới đảm trách công việc.
Lạy Chúa, xin giúp con nhiệt thành đáp ứng với lời kêu gọi của Ngài và làm bất cứ điều gì Ngài muốn con làm.
Mục Tiêu Khác Nhau
Đọc:
1 Cô-rinh-tô 1:18-31
Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan. – 1 Cô-rinh-tô 1:27
Năm 1945, chuyên gia chơi gôn Byron Nelson có được một mùa, ngoài sức tưởng tượng. Trong số 30 vòng thi đấu, anh thắng 18 lần – kể cả 11 lần liên tiếp. Nếu chọn, hẳn anh đã có thể tiếp tục nghề nghiệp và có lẽ đã trở thành cự phách của mọi thời đại. Nhưng đó không phải là mục tiêu của anh. Mục tiêu của anh là chơi gôn để kiếm đủ tiền mua một nông trại và sống suốt đời làm công việc mình thực sự ưa thích. Vì vậy, thay vì tiếp tục ngồi trên đỉnh cao nghề nghiệp, Nelson đã nghỉ hưu ở tuổi 34 để làm chủ nông trại. Anh có nhiều mục tiêu khác nhau.
Người đời có thể cho lối suy nghĩ đó là rồ dại, vì không thực sự hiểu được tấm lòng tìm kiếm sự viên mãn và thỏa lòng, vượt xa việc tìm kiếm lợi lộc của cải hoặc danh vọng. Điều này đặc biệt đúng trong việc lựa chọn sống cho Đấng Cơ Đốc. Nhưng chính trong việc người đời cho chúng ta là rồ dại, mà chúng ta mới có thể cho thế gian thấy những mục tiêu khác nhau của Thầy chúng ta. Phao-lô viết, “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan, và Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu đuối của thế gian để làm hổ thẹn những điều mạnh mẽ” (1 Cô-rinh-tô 1:27).
Cam kết sống theo những giá trị của nước trời, chúng ta có thể bị người đời cho là rồ dại, nhưng có thể mang vinh quang cho Đức Chúa Trời chúng ta. – Bill Crowder
Core values are of no value
unless they reflect God’s values.
Những giá trị nòng cốt sẽ mất giá trị,
nếu không phản ánh những giá trị của Đức Chúa Trời.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com