CHƯƠNG 1

VIỆC CHỌN NGƯỜI: Phương pháp của Ngài là dùng người Ngài đã chọn mười hai người trong vòng họ.
Mọi sự đều bắt đầu bằng việc Chúa Giê-xu kêu gọi một số ít người theo Ngài. Điểm nầy cho chúng ta thấy ngay rằng chiến lược phổ biến Tin Lành của Ngài sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào. Mối quan tâm của Ngài không phải là các chương trình để tiếp xúc với quần chúng nhưng là những người mà quần chúng sẽ bước theo. Đây là một điều dường như hơi lạ: Chúa Giê-xu đã bắt đầu qui tụ một số người trước khi Ngài tổ chức một chiến dịch Tin Lành, trước cả việc giảng một bài giữa công chúng. Chính loài người là phương pháp của Ngài để thu phục thế gian của Ngài cho Đức Chúa Trời.
Mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch của Chúa Giê-xu là tuyển mộ những người có thể làm chứng nhân về đời sống của Ngài và tiếp tục công việc của Ngài đã làm sau khi Ngài trở về cùng Cha. Giăng và Anh-rê là những người đã được mời gọi trước nhất khi Chúa Giê-xu rời khỏi cơn phục hưng vĩ đại của Giăng Báp-tít tại Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh (Giang 1:35-40). Đến lượt Anh-rê đưa anh mình là Phi-e-rơ đến (1:41, 42). Hôm sau, Chúa Giê-xu gặp Phi-líp trên đường đi Ga-li-lê và Phi-líp lại gặp Na-tha-na-ên (1:43-51). Không có gì chứng tỏ là có sự vội vàng hấp tấp trpng việc tuyển chọn các môn đệ kể trên, nhưng chỉ có sự quyết tâm mà thôi, Gia-cơ anh của Giăng đã không được ghi danh với tư cách là người trong nhóm, cho đến khi bốn ngư phủ đã được kêu gọi lần thứ hai mấy tháng sau đó trên bờ biển Ga-li-lê (Mac 1:19; Mathio 4:21). Cách đó chẳng bao lâu sau, khi Chúa Giê-xu đi qua ngang thành Ca-bê-na-um, Ma-thi-ơ đã được lệnh phải theo Thầy (Mac  2:13, 14; Mathio  9:9; Luca 5:27, 28). Những chi tiết đặc biệt liên quan đến việc kêu gọi các đồ đệ khác đã không được các sách Tin Lành ký thuật, nhưng người tin rằng mọi sự đều xảy ra trong năm đầu tiên Chúa Giê-xu thi hành chức vụ1.
Như mọi người đều thấy, những nỗ lực đầu tiên để thu phục linh hồn người ta đã không gây được hậu quả trực tiếp và lớn lao trên sinh hoạt đạo đức của thời ấy, nhưng điều đó không quan trọng cho lắm. Điều quan trọng liên hệ với việc đem Tin Lành khắp thế gian ấy là biến đổi những người mới tin Chúa đã được định để trở thành các nhà lãnh đạo Hội Thánh. Và đứng trên quan điểm của chủ đích tối hậu đó, ý nghĩa của đời sống họ sẽ được mọi người thuộc mọi thời đại cảm thông. Đó là điều đáng kể độc nhất.

NHỮNG CON NGƯỜI MUỐN HỌC
Điều đáng cho chúng ta chú ý hơn nữa về những người này ấy là thoạt tiên, họ đã không gây cho chúng ta ấn tượng gì chứng tỏ họ sẽ là những phần tử then chốt. Chẳng một ai trong vòng họ đã được địa vị quan trọng trong Nhà Hội Do Thái; cũng không có người nào thuộc dòng dõi Lê-vi, là dòng dõi đảm nhiệm chức vụ tế lễ. Phần đông họ thuộc đám bình dân lao động, có lẽ đã không được huấn luyện gì về nghề nghiệp ngoài những hiểu biết thô sơ, cần thiết cho việc làm. Có lẽ một số cũng thuộc vào các gia đình khá giả, như các con trai Xê-bê-đê, nhưng không một người nào đã được gọi là giàu có. Họ đã không có bằng cấp về đại học văn chương và triết học thời đó. Cũng như Thầy mình dường như phần văn hóa của họ chỉ gồm các lớp dạy của Nhà Hội. Phần đông họ đều lớn lên trong vòng đất nghèo nàn của vùng quanh Ga-li-lê. Dường như người duy nhất trong số12 sứ đồ đã đến từ một miền có danh tiếng hơn của xứ Giu-đê là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Bất luận là thời đó hay bây giờ thì theo tiêu chuẩn văn hóa, bác học thì chắc chắn họ bị đánh giá như là một bọn người không ra chi. Người ta phải ngạc nhiên tự hỏi làm sao Chúa Giê-xu lại có thể dùng họ được. Họ vốn nóng tính, nhạy cảm, cộc cằn và bị mọi người xung quanh có thành kiến xấu. Tóm lại, số người đã được Chúa chọn làm phụ tá cho Ngài đại diện cho giai cấp tầm thường của xã hội thời đó. Đó là giai cấp mà không ai trông mong sẽ chinh phục được cả thế gian cho Đấng Christ.
Dầu vậy, Chúa Giê-xu đã nhìn thấy trong những con người chất phác đó một tiềm lực để lãnh đạo cho Nước Trời. Theo tiêu chuẫn của thế gian, quả họ có “dốt nát và thất học” (Cong Vu 4:13), nhưng họ là những người có thể dạy dỗ được. Dầu họ thường bị phê phán là sai lầm, chậm hiểu những việc thuộc linh, họ vốn là những người chơn chất, sẵn sàng tỏ nhu cầu của mình. Hành vi của họ có thể là vụng về, khả năng của họ rất giới hạn, nhưng trừ tên phản bội ra thì họ đều bao dung. Có lẽ điều đáng khen nhất trong họ là họ vẫn thành tâm trông đợi Đức Chúa Trời và khao khát sự sống của Ngài. Sinh hoạt tôn giáo rất hời hợt chung quanh đã không bóp chết hy vọng của họ về Đấng Mê-si-a (Giang 1:44, 45; 6:69). Họ rất chán ngán sự giả hình của bọn người quí phái đang cầm quyền, một số trong vòng họ đã gia nhập phong trào phục hưng của Giăng Báp-tít (1:35). Họ đang trông chờ một người để hướng dẫn họ trong con đường cứu rỗi.
Những con người mềm mại như thế, ở trong tay Thầy, có thể nung đúc thành một hình ảnh mới – Chúa Giê-xu có thể dùng bất cứ người nào muốn được Ngài dùng.

CHÚ TÂM VÀO MỘT SỐ ÍT NGƯỜI
Tuy nhiên, khi chú đến sự kiện trên đây, chắc không có ai muốn bỏ qua phần thực tiễn là Chúa Giê-xu thực hiện việc ấy như thế nào. Đây là chỗ khôn ngoan trong phương pháp của Ngài, mà muốn khảo sát, chúng ta cần trở lại với nguyên tắc căn bản về việc Ngài đã chú tâm vào những kẻ Ngài muốn dùng. Không một ai có thể biến đổi thế gian nếu không có những con người đã được biến đổi, và những con người đó biến đổi khi được bàn tay Chúa Giê-xu nhào nặn. Điểm thiết yếu rõ rệt không phải chỉ là chọn một số người, nhưng là phải giữ một nhóm nhỏ vừa đủ để làm việc hữu hiệu với họ.
Cho nên, khi số người theo Chúa Giê-xu càng gia tăng, điều cần thiết vào giữa năm thứ hai của chức vụ Ngài là phải lọc lại số người được chọn để thành một nhóm nhỏ dể huấn luyện hơn. Chúa Giê-xu đã “gọi các môn đệ và chọn ra mười hai người mà Ngài gọi là sứ đồ” (Luca 6:13, 17 xem thêm Mac 3:13, 19), một cách rất hợp thời. Không cần để ý đến ý nghĩa tượng trưng mà có người muốn gán cho con số mười hai2, điều rõ ràng là Chúa Giê-xu muốn cho số người này được đặc ân và có trách nhiệm độc nhất vô nhị trong công tác Nước Trời.
Việc Chúa Giê-xu quyết định chọn mười hai sứ đồ không có nghĩa là Ngài loại những người khác, không cho họ theo Ngài vì như chúng ta biết, nhiều người đã được kể vào số cộng sự viên của Ngài, và vài người trong số đó trở thành các công bộc đắc lực trong Hội Thánh. Bảy mươi môn đồ (Luca 10:1), Mác và Lu-ca hai tác giả sách Phúc Âm ; Gia-cơ em trai Ngài (ICorinhto 15:7 xem thêm Giang 2:127:2-10) là những thí dụ rõ ràng về điều đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng quyền ưu tiên đã giảm sút rất nhiều đối với những người không thuộc vào số mười hai sứ đồ.
Định luật ấy cũng ứng dụng ngược lại, vì trong nhóm sứ đồ được chọn, dường như Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã được tương giao đặc biệt với Thầy hơn chín người kia. Chỉ những người được ưu đãi chúng ta vừa kể trên mới được mời vào tận phòng bệnh của con gái Giai-ru ( Mac  5:37; Luca 8:51), chỉ có họ mới được theo Thầy lên Núi Hòa Hình để ngắm xem vinh quang Ngài (Mac Mc 9:2; Mathio 17:1; Luca 9:28). Và dưới bóng của những tàng cây ô-liu rùng rợn trong vườn Ghết-sê-ma-nê giữa đêm trăng rằm nhằm ngày Lễ Vượt Qua, chỉ có ba người thân tín đó ở gần hơn hết để chờ đợi Chúa khi Ngài đi cầu nguyện (Mac 14:33; Mathio 26:36). Việc Chúa Giê-xu tỏ ra mến chuộng những người nầy rất rõ rệt, đến nỗi nếu ngôi vị nhập thể của Đấng Christ không hàm chứa đức tính bất vụ lợi, thì rất có thể là sự ghen hờn đã phát sinh trong các sứ đồ khác. Sự kiện không có lời phàn nàn nào về ưu quyền của ba người kia được ghi lại, dầu đã có nhiều điều lằm bằm về việc khác, chứng minh rằng nơi nào sợ sự ưu đãi được bày tỏ đúng đắn, phải lẽ thì không gây vấp phạm.

NGUYÊN TẮC PHẢI GIỮ
Mọi điều vừa kể chắc đã cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-xu cố ý hòa mình vào sinh hoạt của những kẻ Ngài muốn huấn luyện. Nó cũng biểu thị rõ ràng cho một nguyên tắc căn bản trong việc dạy dỗ; bỏ ra ngoài mọi vấn đề khác, hễ nhóm người chúng ta chú tâm dạy dỗ cáng ít bao nhiêu thì hy vọng càng lớn bấy nhiêu3.
Chúa Giê-xu đã dành phần lớn thì giờ còn lại của đời sống Ngài trên đất cho số ít đồ đệ này. Ngài đã hoàn toàn đặt cả chức vụ của mình trên họ. Thế gian có thể dửng dưng đối với Ngài nhưng vẫn chưa làm hỏng được chiến lược của Ngài. Ngài đã không lấy làm quan tâm lúc những kẻ theo Ngài chán nản, mất đức tin, khi phải đối diện với ý nghĩa thực sự của Nước Trời (Giang 6:66), Nhưng Ngài sẽ không thể nào chấp nhận cho các đồ đề thân tín đánh mất mục tiêu, hiểu sai kế hoạch của mình. Họ phải thấu hiểu Lẽ thật và được Lẽ thật làm cho mình nên thánh (17:17), nếu không, mọi sự sẽ hỏng cả. Cho nên Ngài đã cầu nguyện “không phải cho thế gian” nhưng cho số ít người mà Đức Chúa Trời đã “giao cho Ngài từ giữa thế gian” (17:6, 9) . Nếu thế gian sẽ tin Ngài “qua lời họ” thì mọi sự đều tùy thuộc vào lòng trung tín của họ.

KHÔNG BỎ QUÊN QUẦN CHÚNG
Nhưng nếu căn cứ vào những điều vừa được nhấn mạnh trên đây để kết luận rằng Chúa Giê-xu đã bỏ rơi đám quần chúng thì thật là sai lầm. Trường hợp thật ra đã không phải như thế. Chúa Giê-xu đã làm đầy đủ tất cả những gì mà bất cứ một người nào được yêu cầu và còn làm hơn nữa là khác để tiếp tục với quần chúng. Điều đầu tiên Ngài đã làm khi bắt đầu chức vụ là bạo dạn tỏ mình ra cho số đông người thuộc phong trào phục hưng thời đó qua Lễ Báp-tem do Giăng cữ hành (Mac 1:9-11; Mathio 3:13-17; Luca 3:21, 22). Kế đó, Ngài đã đi riêng ra để ca tụng việc làm của vị tiên tri vĩ đại ( Mathio 11:7-15; Luca 7:24-28). Chính Ngài vẫn thường giảng dạy đoàn người đông đúc chạy theo chức vụ làm phép lạ của Ngài. Ngài đã dạy dỗ họ. Ngài cho họ ăn khi họ đói. Ngài đã chữa lành người đau của họ và đuổi quỉ ra khỏi họ. Ngài đã chúc phước cho con cái họ. Lắm lúc, Ngài đã dành suốt ngày để thõa mãn mọi nhu cầu của họ đến nỗi “không có thì giờ để ăn”. Chúa Giê-xu đã tỏ ra lòng ưu ái thành thật đến đám quần chúng bằng mọi cách thức của Ngài có thể làm được. Họ là những người mà Ngài đã đến cứu vớt. Ngài yêu mến họ, khóc về họ và cuối cùng đã chịu chết để cứu rỗi họ khỏi tội lỗi. Không một ai có thể nghĩ rằng Chúa Giê-xu đã trốn tránh việc phổ biến Tin Lành cho quần chúng.

QUẦN CHÚNG BỊ SÁCH ĐÔNG
Thật ra khả năng thu hút quần chúng của Chúa Giê-xu làm phát sinh một vấn đề trầm trọng trong chức vụ của Ngài. Ngài đã thành công trong việc bày tỏ họ lòng thương xót và quyền năng của Ngài đến nỗi có lúc họ muốn “ép Ngài để tôn làm vua” (Giang  6:15). Nhóm người theo Giăng Báp-tít đã thuật lại rằng “ai nấy” đều đến cùng và hoan hô Ngài (3:26). Cả đến người Pha-si-ri cũng nhìn nhận cả thế gian đều chạy theo Ngài (12:19). Mà cay cú nhất là các thầy tế lễ cũng đồng ý về điểm đó (11:47, 48). Dù người ta nhìn vấn đề này như thế nào thì ký thuật trong bốn sách Phúc Âm cho thấy rằng Chúa Giê-xu không thiếu quần chúng theo đuổi mặc dầu có khi họ ngần ngại không dám tỏ lòng trung thành với Ngài, và tình trạng này vẫn kéo dài cho đến cuối cùng. Cố nhiên vì sợ quần chúng bày tỏ thiện cảm với Chúa Giê-xu cho nên những kẻ tố cáo Ngài mới vội vàng bắt Ngài trong lúc đám đông vắng mặt (Mac Mc 12:12; Mat Mt 21:26; LuLc 20:19).
Nếu Chúa Giê-xu đã muốn lạm dụng thiện cảm của quần chúng để sách động họ, Ngài đã có thể khiến cho mọi người thuộc mọi dân mọi nước quỳ dưới chân Ngài một cách dể dàng, Ngài chỉ cần thõa mãn những dục vọng tạm thời và những tò mò của đám đông bằng quyền năng siêu nhiên của Ngài. Đó là sự cám dỗ mà quỉ Sa-tan đã đưa ra khi nó thúc giục Chúa Giê-xu hóa đá ra bánh và buông mình từ nóc Đền thờ xuống để Đức Chúa Trời sẽ nâng Ngài lên ( Mathio 4:1-7; Luca 4:1, 9-13). Những việc là lùng như vậy chắc sẽ kích thích đám đông để họ hoan hô Ngài. Quỉ Sa-tan đã không cho Ngài được gì cả khi nó hứa cho Chúa Giê-xu tất cả các nước thế gian nếu Ngài chịu thờ phượng nó ( Mathio 4:4-10). Tên đại bịp chuyên lừa dối nhân loại đã biết rất rõ ràng rằng Chúa Giê-xu sẽ đương nhiên có mọi điều đó nếu Ngài không còn chú tâm đến những việc quan trọng trong Nước đời đời.
Nhưng Chúa Giê-xu đã không hạ mình làm việc đó, mà trái lại, Ngài luôn luôn đặc biệt chịu khó tìm cách làm giảm bót sự ủng hộ nông nổi của đám đông khi thấy quyền năng phi thường của Ngài (thí dụ : Giang 2:23-3:3; 6:26, 27). Thường thường, Ngài dặn cả những người đã được chữa lành bệnh tật đừng nói gì cả, để ngăn ngừa những cuộc “biểu tình” đông đúc do đám quần chúng rất dể bị sách động 4. Đối với các đồ đệ đã theo Ngài lên Núi Hóa Hình cũng vậy. “Ngài cấm họ đừng nói lại với ai những điều mình đã thấy” cho đến khi Ngài đã sống lại (Mac 9:9; Mathio17:9). Vào những trường hợp khác, khi được dân chúng hoan hô, Chúa Giê-xu với các môn đệ đã lánh mặt đi nơi khác để tiếp tục chức vụ của Ngài.5
Về phương diện này, lắm lúc hành động của Ngài khiến cho những người theo Ngài, nhưng không rõ chiến lược của Ngài, đâm ra bực tức. Ngay cả các anh chị em ruột của Ngài bảo Ngài nên bỏ chính sách đó và công khai tự tỏ mình ra cho thế gian, nhưng Ngài đã không chịu làm theo lời khuyên của họ (Giang 7:2-9).

DƯỜNG NHƯ CÓ MỘT SỐ NGƯỜI HIỂU BIẾT
Vì cớ chính sách này, chúng ta không lấy làm lạ khi nhận thấy rằng có rất ít người thực sự tin theo Ngài trong thời gian Ngài thi hành chức vụ. Cố nhiên là nhiều người trong đám quần chúng đã tin Đấng Christ theo một ý nghĩa là chức vụ thiêng liêng của Ngài có thể chấp nhận được 6, nhưng tương đối, rất ít người thấu triệt được ý nghĩa của Tin Lành. Có lẽ tổng số người thật lòng tin theo Chúa tính đến lúc Ngài chấm dứt chức vụ trên đất, còn ít hơn là số 500 anh em mà Chúa Giê-xu đã hiện ra cho thấy, sau khi Ngài sống lại (ICorinhto 15:6). Chỉ có độ 120 người đã ở lại Giê-ru-sa-lem để nhận lễ Báp-tem bằng Đức Thánh Linh (Cong Vu 1:15). Dầu con số nầy không phải là nhỏ nếu cho rằng Ngài chỉ thực sự thi hành chức vụ trong một thời gian là ba năm, nhưng nếu chỉ đứng trên quan điểm ấy để đo lường hiệu năng của việc phổ biến Tin Lành do chính Christ thực hiện bằng con số người tin, thì chắc chắn rằng Chúa Giê-xu không thể liệt vào hàng những nhà truyền đạo cho đại chúng gặt hái được nhiều kết quả nhất của Hội Thánh.

CHIẾN LƯỢC CỦA NGÀI
Tại sao Chúa Giê-xu đã cố ý tập trung cả cuộc đời của mình vào chỉ một số người tương đối ít oi như vậy? Ngài đã đến không phải để cứu cả thế gian sao? Theo lời tuyên cáo đầy hy vọng của Báp-tít vẫn còn vang rộng bên tai công chúng, thì nếu Ngài muốn, Chúa Giê-xu sẽ dễ dàng được hàng ngàn người chạy theo lập tức. Tại sao Ngài đã không nắm lấy cơ hội để tuyển mộ một đội hùng binh tín hữu hầu chinh phục chớp nhoáng cả thế gian? Chắc chắn rằng Con Đức Chúa Trời đã có thể áp dụng một chương trình tuyển mộ quần chúng còn hấp dẫn hơn . Khi một người nắm cả quyền năng của vũ trụ trong tay, đã sống và chết để cứu thế gian, nhưng cuối cùngchỉ có một số đồ đề rời rạc, không ra gì, để chứng minh cho công lao của mình, há chẳng phải là một việc đáng nản lòng ư?
Lời giải đáp cho câu hỏi trên đây đưa chủ đích của kế hoạch phổ biến Tin Lành của Ngài, Chúa Giê-xu đã không cố gắng lôi cuốn quần chúng, nhưng muốn đưa ra họ vào Nước Trời. Điều nầy có nghĩa là Ngài cần những người có thể dìu dắt quần chúng. Sách động quần chúng để họ theo Ngài và có ích lợi gì cho mục tiêu tối hậu của Ngài, nếu sau đó không có ai quản trị và dạy dỗ họ trong đường đi của Ngài ? Đã có rất nhiều trường hợp chứng minh rằng đám quần chúng bị bỏ rơi không có ai chăm sóc đúng mức vốn là những con mồi ngon cho các tà thần. Đám đông cũng như một bầy chiên bất lực, đang lang thang không có mục đích vì không có người chăn ( Mac 6:34; Mathio 9:36; 14:14). Họ sẵn sàng chạy theo bất cứ người nào đến cùng họ, hưúa hẹn sẽ đém phúc lợi đến cho họ, bất kể kẻ ấy là bạn hay thù. Đó là tấm thảm kịch của thời ấy. Chúa Giê-xu đã có thể kích động những hoài bảo cao quý của dân chúng rất dể dàng, nhưng rồi các nhà cầm quyền tôn giáo bịp bợm đang cai trị họ cũng dập tắt được ngay. Các bậc lãnh đạo thuộc linh đã bị đui mù của dân Y-sơ-ra-ên (Giang 8:44; 9:39-41; 12:40 xem thêm Mathio 23:1-39) dầu chỉ là một số ít ỏi 7, vẫn hoàn toàn kiểm soát mọi vấn đề dân sự. Vì lý do đó, nếu những người tin Chúa không được nhưng nhân vật tài ba của Đức Chúa Trời hướng dẫn và bảo vệ trong Lẽ thật, chắc chắn chẳng bao lâu họ sẽ rơi vào sự hoang mang thất vọng, và tình trạng sau này sẽ còn tệ hại hơn trước. Như thế, trước khi muốn cho thế gian có thể có thể được giúp đỡ lâu dài, phải dấy lên người có thể hướng dẫn quần chúng trong những điều thuộc về Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu là một người thực tế. Ngài đã hoàn toàn ý thức được sự nông nỗi của bản tính hư hoại của loài người cũng như những lực lượng thuộc về Sa-tan của đời này đã tập trung để chống lại nhân loại, cho nên Ngài đã đặt sự hiểu biết đó trong kế hoạch phổ biến Tin Lành của Ngài, hầu đáp ứng nhu cầu đó. Đám đông rời rạc và lạc lõng kia tạm thời rất sẳn sàng chạy theo Ngài, nhưng chính cá nhân Chúa Giê-xu không thể nào tự mình lo lắng mọi điều họ cần có. Hy vọng duy nhất của Ngài là tìm một số người được thấm nhuần sự sống của Ngài để thay Ngài làm việc đó. Cho nên, Ngài đã chú tâm vào những người sẽ bắt đầu nhiệm vụ lãnh đạo đó. Dầu Ngài vẫn làmtất cả những gì mình có thể làm để gíup đỡ đám đông, trước nhất Ngài vẫn phải chú tâm vào một số ít người kia chớ không phải là vào quần chúng, để sau cùng một đám quần chúng ấy sẽ được cứu. Đó là đặc tính của chiến lược Ngài.

NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG NGÀY NAY
Nhưng có điều lạ là đến ngày nay, nguyên tắc ấy vẫn chưa được nắm vững trong khía cạnh thực hành. Phần lớn các nỗ lực truyền đạo của Hội Thánh đều bắt đầu với đám đông, vì nghĩ rằng Hội Thánh có đủ khả năng duy trì việc tốt đẹp mình đã làm. Kết quả là chúng ta chỉ nhấn mạnh trên số người tin, người chịu Báp-têm, số đông các thộc viên Hội Thánh để phô trương, mà không thực sự quan tâm hay chỉ chú ý rất ít đến việc gây dựng những linh hồn ấy trong tình yêu và trong quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ đừng nói chi đến việc duy trì và tiếp tục công tác.
Chắc chắn rằng nếu gương mẫu của Chúa Giê-xu về điểm này có một ý nghĩa nào, thì ý nghĩa đó là có ý dạy rằng nhiệm vụ đầu tiên của một mục sư cũng như điều đáng quan tâm hơn hết đối với một nhà truyền đạo, ấy là ngay từ đầu nên xem phần nền tảng trên đó chúng ta có thể xây lên một chức vụ truyền đạo hữu hiệu và liên tục cho đám đông, đã được thiết lập hay chưa. Nó sẽ đòi hỏi chúng ta dành nhiều thì giờ tài năng của mình để chú tâm vào một số ít người của Hội Thánh, trong lúc chúng ta vẫn không bỏ qua phần lo lắng cho số đông người thế gian. Điều đó có nghĩa là lập lên lãnh đạo được huấn luyện “về công việc của chức dịch” để hợp tác với vị mục sư (Eph Ep 4:12). Một số ít người bằng lòng dâng thì giờ như vậy sẽ vì cớ Đức Chúa Trời làm rung động cả thế gian. Chiến thắng chẳng bao giờ bởi đám đông mà đến .
Một số người có thể phản đối nguyên tắc này nếu nó được một người hầu việc Chúa đem ra thi hành viện cớ rằng như thế sự ưu đãi sẽ chỉ dành cho một số người được lựa chọn trong Hội Thánh. Nhưng dầu có như thế, nó vẫn là phương pháp mà cả đời sống Chúa Giê-xu đã chú tâm vào, và nó vẫn cần thiết nếu chúng ta phải huấn luyện cấp lãnh đạo để phục vụ lâu dài. Bất cứ nơi nào phương pháp này được áp dụng trong tình yêu chân chính đối với nhu cầu của dân chúng, thì ít ra những luận điệu chống đối cũng được hòa điệu và sứ mạng đã được hoàn tất. Dầu sao, đối với người hầu việc Chúa, mục tiêu tối hậu phải rõ rệt và đối với tất cả mọi người, chẳng bao giờ nên tỏ ra ích kỷ hay thiên vị. Mọi sự làm cho số ít chính là vì cớ sự cứu rỗi của số đông.

MỘT CHỨNG MINH HIỆN ĐẠI
Nguyên tắc tuyển trạch và chú tâm đặc biệt này đã được ghi khắc trong vũ trụ. Nó sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp cho bất cứ ai áp dụng nó, dầu Hội Thánh có tin vào đó hay không. Cách đây độ 75 năm, có một chủ nghĩa chỉ dùng một số ít người nhiệt thành, nhưng đã chinh phục được quần chúng một cách dễ dàng. Hiện nay số người theo họ đã chiếm hơn phân nửa dân số thế giới. Điều đó cho thấy rằng ngay trong thời đại chúng ta đang sống đây, phương pháp mà Chúa Giê-xu đã dùng để chinh phục quần chúng trong thời của Ngài, vẫn còn hiệu lực. Quần chúng sẽ bị lôi cuốn dễ dàng nếu có người lãnh đạo đủ khả năng hướng dẫn họ. Phải chăng sự thành công của chủ nghĩa phàm tục vừa kể trên là một lời kết án Hội Thánh chúng ta, chẳng những vì chúng ta quá thờ ơ đối với việc truyền bá Tin Lành, mà còn vì cớ chúng ta chỉ làm việc đó bằng một phương pháp quá ư hời hợt hay sao?

GIỜ HÀNH ĐỘNG
Đã đến lúc Hội Thánh phải thực sự đối đầu với tình thế. Những ngày bình thường đã qua rồi. Chương trình rao giảng Tin Lành của Hội Thánh hầu như đã bị sa lầy trên mọi mặt trận. Càng tệ hơn nữa là sức thúc đẩy mãnh liệt khiến cho Tin Lành được truyền bá khắp khu vực mới đã mất gần hết năng lực. Ở hầu hết các nước, Hội Thánh đã quá suy yếu, không đuổi kịp đã gia tăng dân số. Trong lúc đó, các lực lượng của Sa-tan đang cai trị thế giới ngày càng tấn công hung hăng và quyết liệt hơn. Nếu chúng ta không chịu nghĩ đến điều đó thì thật là đáng mỉa mai. Trong một thời đại mà Tin Lành được cung ứng mọi phương tiện liên lạc, giao thông nhanh chóng hơn bất cứ lúc nào, chúng ta lại thực sự thu phục rất ít người thế gian cho Đức Chúa Trời, ít hơn cả thời kỳ người ta chưa phát minh ra loại xe không cần có ngựa kéo!
Dầu sao, trong khi lượng định tình trạng bi đát ngày nay, chúng ta không nên hốt hoảng cố gắng tìm cách xoay ngược tình thế trong một sớm chiều. Có lẽ đó là nan đề của chúng ta. Đối với mối bận tâm phải ngăn chặn ngọn thủy triều, chúng ta đã đưa ra chương trình vĩ đại này chồng chất lên kế hoạch lớn lao khác, mong rằng mình sẽ đưa được Lời cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cùng quần chúng.
Nhưng trong cơn thất vọng chúng ta đã không hiểu được rằng thật ra vấn đề đối với chúng ta không phải là vấn đề đối với quần chúng, không phải là họ tin cái gì, người ta đang cai trị họ sao? Họ có được nuôi dưỡng bằng chính thực phẩm tinh khiết này không? Tất cả các vấn đề trên đây đều đã được xem là sống chết đến nỗi nhiều người khác đã đảm nhiệm rồi, và vì lý do đó, trước khi chúng ta muốn giải quyết vấn đề thu phục quần chúng, chúng ta phải thu phục những người mà quần chúng sẽ chạy theo.
Lẽ dĩ nhiên điều nầy đặt lên hàng đầu việc thu phục và huấn luyện những người đã chiếm những địa vị lãnh đạo và đang có trách nhiệm. Nhưng nếu chúng ta không thể bắt đầu ở tuyệt đỉnh, thì hãy bắt đầu với điều mình có, và huấn luyện một số người thấp để trở thành một người quan trọng. Nhưng cũng phải nhớ rằng không cần phải là người có uy tín đối với thế gian mới có thể được đại dụng trong nuớc trời. Bất cứ người nào bằng lòng bước theo Đấng Christ thì đều có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế gian, Lẽ dĩ nhiên là người ấy phải được huấn luyện chu đáo.
Đây chính là chỗ chúng ta phải bắt đầu như Chúa Giê-xu. Phương pháp này có lẽ sẽ chậm chạp, tẻ nhạt, nhọc nhằn, và thoạt đầu sẽ không được người ta chú ý, như kết quả sau cũng sẽ rất rực rỡ dầu chúng ta có thể sẽ không còn sống để trông thấy nó. Trong viễn tượng đó, nó sẽ trở thành một quyết định quan trọng của chức vụ chúng ta. Mỗi người phải quyết định là mình muốn cho chức vụ mình đáng kể về điểm nào – muốn được tiếng tăm, cổ võ tạm thời hay là muốn dùng đời sống mình gây dựng cho một ít người chọn lọc để tiếp tục công tác của mình sau khi mình đã qua đi. Đó mới thật là vấn đề mà thế hệ chúng ta cần giải quyết.
Nhưng chúng ta phải tiếp tục. Việc cần thiết bây giờ là hãy xem Chúa Giê-xu đã huấn luyện những người sẽ tiếp tục chức vụ của Ngài như thế nào. Toàn thể mẫu mực đều đã xuất phát từ cùng một phương pháp mà thôi, và chuúng ta không thể nào tách rời một giai đoạn khỏi một giai đoạn khác mà không hủy diệt đi hiệu năng của nó.

CHÚ THÍCH
1 Cong Vu 1:21, 22 có đề cập đến một tư cách của một sứ đồ, đó là người ấy phải đã từng ở với Chúa Giê-xu “ Từ khi Giăng làm phép Báp-tem cho đến ngày Ngài cất lên”. Dầu điều nầy không cho chúng ta biết là phải kể từ lúc nào trong việc làm Báp-tem của Giăng ( chắc chắn là không phải từ lúc ban đầu hoặc khi Chúa Giê-xu chịu Báp-tem) nhưng nó nói lên tình kết hiệp sớm của tất cả các sứ đồ với Đức Chúa Giê-xu, Có lẽ bắt đầu từ ngày Giăng Báp-tít đi tù.
2 Có nhiều ý kiến khác nhau đã được nêu lên vì sao mười hai môn đồ đã được phong làm sứ đồ một cách độc đoán, vì Chúa Giê-xu có thể chọn thêm hoặc hoạt động với số ít hơn con số ấy, nhưng có lẽ lắm thuyết có lý nhất làthuyết cho rằng con số 12 gợi lên một mối liên quan thuộc linh giữa đoàn thể sứ đồ và Nước của Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời. Như Edwin Schell đã nói: mười hai là con số của Y-sơ-ra-ên thuộc linh. Hoặc ta thấy trong số 12 thánh tổ, 12 chi phái, hoặc 12 nến của 12 cửa thành Giê-ru-sa-lem trên trời, bất cứ ở đâu con số 12 cũng tiêu biểu cho việc Đức Chúa Trời ngự trong gia đình nhận loại, sự kiện Đức Chúa Trời ngự giữa thế gian. Có thể là các môn đồ thấy trong số đó một nghĩa đen nhiều hơn, là từ ban đầu họ xây dựng chung quanh con số ấy những ảo vọng về sự phục hưng Y-sơ-ra-ên theo ý nghĩa chính trị. Chắc chắn họ ý thức chính địa vị của mình trong con số 12, và đã cẫn thận lo lấp chỗn trống do sự mất Giu-đa (Cong Cv 1:15-26). Tuy nhiên, có điều chắc chắn là con số ấy đã tạo nên một ấn tượng trên những kẻ được chọn về tính cách hệ trọng của họ trong công tác tương lai của Nước Trời.
3 Nguyên tắc tập trung nêu lên trong chức vụ của Đức Chúa Giê-xu đối với Ngài không có gì là mới mẻ cả. Nguyên tắc ấy luôn luôn vốn là chiến lược của Đức Chúa Trời ngay từ khởi thủy. Kinh Tân Ước chép lại thể nào Đức Chúa Trời đã lựa chọn một dân tộc Y-sơ-ra-ên tương đối bé nhỏ để Ngài hoàn thành qua họ mục đích cứu chuộc của Ngài đối với cả nhân loại, ngay trong dân tộc Y-sơ-ra-ên, quyền lãnh đạo thường thường cũng được tập trung trong một số gia tộc, đặc biệt là nhánh Đa-vít của chi phái Giu-đa.
4 Ta có thể tìm thấy những ví dụ này trong trường hợp người phung được chữa sạch (Mac Mc 1:44; Mathio 8:4; Luca 5:14-16). Những người được chữa khỏi tà ma ám bên bờ biển Ga-li-lê (Mac  3:11, 12). Giai-ru sau khi thấy con gái mình được cứu sống (Mac Mc 5:42, 43; LuLc 8:55, 56). Hai người mù được sáng mắt ( Mathio 9:30). Và với người mù tại Bết-sai-đa.
5 Ta có thể thấy một vài ví dụ về điều nầy trong GiGa 1:29-43; 6:14, 15; Mac 4:35, 36; 6:1-45, 46; 7:24-8:30; Mat Mt 8:18, 23; 14:22, 23; 15:21, 39;; 16:4; Luca 5:16; 8:22 và những chỗ khác.
6 Ví dụ như Giang 2:23-25; 6:30-60; 7:31-44; 11:45, 56; 12:11, 17-19; Luca 14:25-35; 19:36-38; Mathio 21:8-11, 14-17; Mac 11:8-11.
7 Người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là nuhững nhà lãnh tụ nguyên tắc của dân Y-sơ-ra-ên, ngoài lực lượng thống trị La Mã ra, và sinh hoạt tôn giáo, xã hội,văn hóa cũng như đến một mức hữu hạn nào đó, cả khía cạnh chính trị của ngót 2.000.000 dân tại sứ Palestine đều được uốn nắn theo hành động của hai giới nói trên. Tuy nhiên, số người thuộc về đoàn thể Pha-si-ri, phần nhiều gồm những “ra-bi” và những nhà khá giả tín đồ Do Thái Giáo, mà theo sự ước lượng của sứ gia Joshepus, thì không quá 6.000; trong khi ấy tổng số người Sa-đu-sê, phần đồng là những thầy tế lễ và cả những người gia thế thuộc công hội Do Thái tại Giê-ru-sa-lem, không lên quá mấy trăm người. Khi chúng ta suy nghĩ về nhóm thiểu số được đặc ân không qúa 7.000 người nầy, tiểu biểu chỉ một phần ba của một phần trăm dân số Do Thái lại hướng dẫn vận mạng thuộc linh của cả một dân tộc, thiết tưởng không có gì khó khăn cho chúng ta thấy tại sao Đức Chúa Giê-xu cứ nói nhiều về những người ấy, trong khi Ngài cũng dạy cho các môn đồ mình các nhu cầu chiến lược phải có những nhà lãnh đạo ưu tú hơn.

SUU TAM