Ta ở trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. 2 Ti-mô-thê (Timothy) 4:1-5
I solemnly charge you in the presence of God and of Christ Jesus, who is to judge the living and the dead, and by His appearing and His kingdom: preach the word; be ready in season and out of season; reprove, rebuke, exhort, with great patience and instruction. For the time will come when they will not endure sound doctrine; but wanting to have their ears tickled, they will accumulate for themselves teachers in accordance to their own desires, and will turn away their ears from the truth and will turn aside to myths. But you, be sober in all things, endure hardship, do the work of an evangelist, fulfill your ministry.
Dưỡng linh:
Đây là những lời tâm huyết của một đầy tớ Đức Chúa Trời sau nhiều năm hầu việc Chúa, rao giảng Tin-lành của Chúa Jesus không hề mỏi mệt, nay chuẩn bị kết thúc cuộc đời của mình để về với Chúa. Phao-lô để lại những lời quý báu này cho người con thuộc linh, cũng là bạn đồng lao là Ti-mô-thê. Dẫu cho mẫu số chung của chức vụ Phao-lô là sự đau khổ, hoạn nạn, tù đày vì Tin-lành của Chúa Jesus nhiều hơn những ngày dẽ dàng thong dong, nhưng điều đó không làm cho ông thối chí, sờn lòng, và lui đi trong chức vụ. Ngược lại, những thử thách khó khăn làm cho ông kinh nghiệm được quyền phép của Tin-lành của Chúa Jesus hành động cách có quyền trong ông và khiến ông không thể ngừng nghỉ được trong việc rao giảng Tin-lành phước hạnh này. Chắc chắn rằng Chúa mà ông gặp gỡ ngày nào đó trên đường đi Đa-mách và sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho ông đã là sự ngọt ngào và đầy thú vị cho cuộc đời của ông trải qua nhiều năm đến nỗi không thể nào nói lời tạm biệt với lẽ thật này hay thay thế nó bằng một nỗi đam mê nào khác. Ông sẽ từ giã cõi đời này và những người thân yêu, bạn bè, tín hữu để ra đi với Chúa là Đấng ông hằng yêu mến và phục vụ trọn cả đời. Trước mắt sứ đồ Phao-lô là một viễn ảnh không có gì sáng sủa cho việc rao giảng Tin-lành của Chúa Jesus Christ trong những ngày sau cùng của lịch sử nhân loại.
Đứng trong thẩm quyền Đức Chúa Trời ban cho và dựa vào hai lẽ thật rất quan trọng, đó là Đức Chúa Trời là Đấng sẽ phán xét tất cả mọi người và sự trở lại của Chúa Jesus Christ và sự hiện ra của vương quốc là điều chắc chắn, sứ đồ Phao-lô khuyên giục Ti-mô-thê hãy chuyên tâm rao giảng Tin-lành của Chúa Jesus Christ. Tinh thần rao giảng Tin-lành mà sứ đồ muốn thấy nơi Ti-mô-thê là dẫu cho hoàn cảnh ra sao, sự đáp ứng của con người như thế nào, thì người hầu việc Đức Chúa Trời vẫn phải trung tín làm công việc của chức vụ mình. Bởi lẽ người hầu việc Chúa thi hành chức vụ không tùy thuộc vào sự đáp ứng của con người nhiều hay ít, ủng hộ hay không ủng hộ, nhưng tùy thuộc vào mối liên hệ giữa người đó với Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi mình. Nếu người hầu việc Chúa không sống trong mối tương giao kín nhiệm với Đức Chúa Trời thì không thể đứng vững trong chức vụ mình trong giây phút khó khăn và đen tối của lịch sử và chức vụ của mình. Nguồn cảm hứng của chức vụ và cớ tích của chức vụ của người rao giảng Tin-lành phải ra từ chính Đức Chúa Trời và truyền qua mối quan hệ sống động nhưng thâm sâu của người đó với Ngài. Nếu người phục vụ cho Tin-lành của Đức Chúa Trời mà chỉ dựa vào sự ủng hộ của con người để thi hành chức vụ mình thì đến một lúc nào đó người ấy sẽ rơi vào sự hụt hẫng và khủng hoảng của chức vụ. Tấm lòng và sự ủng hộ của con người đối với người giảng Tin-lành sẽ thay đổi theo hoàn cảnh nhưng tấm lòng và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với người đó sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Vì vậy, người hầu việc phải dựa trên chính Đức Chúa Trời hằng sống để phục vụ và thi hành chức vụ mình. Chắc chắn rằng người đó sẽ tìm được sự vững bền trong chức vụ và đời sống mình.
Sứ đồ Phao-lô cũng vẽ ra cho thấy viễn ảnh của một thời kỳ mà con người sẽ không còn ham thích nghe những gì từ Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời nhưng thích nghe những chuyện huyễn, bùi tai, tạo nên sự thỏa mãn giả tạo cho linh hồn. Chẳng có sự đánh lừa nào lớn hơn và kinh tởm hơn sự đánh lừa của sứ điệp Tin-lành giả tạo. Khi con người dùng những thủ thuật của tôn giáo để dẫn dụ người khác vào trong con đường dường như chánh đáng thì lúc ấy quả là một sự rủa sả thay vì chúc phước của Đức Chúa Trời. Chính vì thế, càng gần đến sự tái lâm của Chúa Jesus Christ, chúng ta sẽ thấy trong hội thánh và ngoài hội thánh dầy dẫy những loại tiên tri giả và người rao giảng Tin-lành giả hiệu. Tuy nhiên, sứ điệp của Tin-lành chân chính dẫu có trở nên lỗi thời đi chăng nữa thì sứ điệp đó luôn luôn là điều thế gian cần. Tất cả những sự đòi hỏi nào khác ngoài việc con người cần được tha thứ và cần đến sự cứu rỗi trong Chúa Jesus Christ đều là những khao khát bên ngoài và bề mặt của tấm lòng con người mà thôi. Người hầu việc Đức Chúa Trời và rao giảng Tin-lành của Chúa Jesus Christ phải tin quyết chắc chắn rằng sứ điệp mà chúng ta rao giảng là nhu cầu thiết yếu nhất của con người và không có gì có thể thay thế được. Vì không xác quyết được điều, có một số người đã thay đổi cách rao giảng và ngay cả sứ điệp mình rao giảng để cho phù hợp với thị hiếu và sở thích của con người. Khi chúng ta làm điều đó cho thấy rằng chúng ta bắt đầu rao giảng một sứ điệp của sự nhân nhượng và Tin-lành “pha loãng” của Chúa Jesus Christ.
Cuối cùng, sự đòi hỏi nơi chính con người là điều vẫn quan trọng hơn hết. Con người rao giảng quan trọng hơn sứ điệp người đó rao giảng. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê “phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.” Tiết độ là sự biểu lộ trong nếp sống của sự thức tỉnh tâm linh ở bên trong tâm trí. Chịu cực khổ phải là một phần trong đời sống của người theo Chúa và muốn trở thành ống dẫn ơn phước của Chúa đến cho người khác. Chính sự chịu khổ là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để thanh tẩy và súc sạch tất cả những cáu cặn và chất bã trong tấm lòng và đời sống của người giảng Tin-lành, để sự chúc phước của Đức Chúa Trời có thể tuôn chảy cách dễ dàng qua họ. Thêm vào đó, người rao giảng Tin-lành phải có một đời sống kỷ luật chính mình, làm điều mình cần phải làm và đáng làm. Ngày nay người hầu việc Chúa dễ dàng bị lôi cuốn vào trong con đường làm chính trị, làm công tác xã hội mà xem nhẹ chức vụ rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện. Vì thế, chính những công việc này đã cướp mất đi quyền phép trong đời sống và chức vụ của họ.
Dẫu là con cái Chúa hay tôi tớ Chúa, những lời này của sứ đồ Phao-lô đã ủy thác vào trong đời sống chúng ta trách nhệim rao giảng Tin-lành của Chúa Jesus Christ cho mọi người, trong mọi thời đại, trong mọi tình huống của xã hội và đời sống cá nhân của con người. Bắt đầu một ngày mới, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng dạn dĩ và can đảm để rao giảng vả chia sẻ tin mừng của Chúa Jesus Christ cho những người chúng ta gặp gỡ tại trong sở làm, nơi học đường, ở lối xóm và ngay cả trong gia đình của chúng ta dẫu cho có “gặp thời hay không gặp thời.” Nếu chúng ta trung tín trong đời sống cá nhân và chức vụ mình, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng ta và gia đình chúng ta.
Cầu nguyện:
Con cầu xin Chúa đói thương và làm việc cách mạnh mẽ trong tâm trí và tấm lòng của con mỗi ngày, để con có thể nói về Chúa cho mọi người, trong mọi cơ hội Chúa ban cho. Xin giúp cho trung tín trong mọi công việc truyền giảng tin mừng của Chúa Jesus Christ cho mọi người trước khi ngày Chúa Jesus từ trời trở lại. Amen!