“Rốt lại, hết thảy anh chị em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh chị em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh chị em được gọi để hưởng phước lành” (1 Phi-e-rơ 3:8-9).
Câu hỏi suy ngẫm: So sánh cái nhìn của Chúa Giê-xu và ông Si-môn đối với “người đàn bà xấu nết”? Tại sao Chúa kể câu chuyện về hai người mắc nợ? Qua câu chuyện đó bạn học được điều gì? Bạn thường nghĩ đến và giúp đỡ thế nào đối với những mảnh đời bất hạnh hoặc những người gặp hoàn cảnh đáng thương? Hội Thánh của bạn có được biết đến như là một cộng đồng thương xót và hy vọng không?
Thế giới hôm nay đầy những tranh đua, giành giựt với nhau. Người ta tranh giành quyền lợi, tài nguyên, cơ hội, kiến thức, công việc, các quan hệ tình cảm và ngay cả những nhu cầu căn bản như là thức ăn, nước uống, nơi ở nữa. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy biết bao người, nhưng có nghĩ đến họ và có biết rằng họ đang gặp khó khăn, thử thách không? Nếu biết những hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ thông cảm và có thể tìm cách giúp đỡ phần nào không. Chúa Giê-xu luôn bày tỏ lòng thương xót với mọi người, từ người nghèo khổ, kỹ nữ, người thâu thuế, người ăn xin, phụ nữ bị coi thường, đến người bị quỷ ám, bệnh tật. Ngài thấy những người bị người khác khinh thường, làm lơ, và Ngài thương xót thay vì lên án họ, mặc dù có thể họ đáng bị lên án. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay ghi lại câu chuyện người đàn bà có tội được Chúa tha thứ. Bà này “khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho.” Khi thấy ông Si-môn không thích điều này, Chúa hỏi ông: “Ngươi thấy đàn bà này không?” Ông Si-môn thấy đấy là người đàn bà xấu xa, nhưng Chúa thấy đây là người đau khổ, cần được thương xót, chữa lành, và phục hồi. Vì vậy, Chúa kể câu chuyện về hai người mắc nợ để ông Si-môn, và cả chúng ta, có cái nhìn đúng đắn về mình và về những người quanh mình. Đối với Chúa, lòng thương xót là lời kêu gọi hành động giúp đỡ, phục vụ chứ không phải là sự cảm động nhất thời.
Trong những thế kỷ đầu tiên, khi trong xứ có bệnh dịch, chiến tranh hay đàn áp, các tín hữu của Chúa Giê-xu thường ở lại chăm sóc mặc dù những người khác nhanh chóng tìm cách rời các nơi này. Một số sử gia cho rằng đây là lý do Cơ Đốc giáo chinh phục đế quốc La Mã trong vòng 300 năm sau khi Hội Thánh được thành lập.
Khi Sứ đồ Phi-e-rơ viết thư cho con cái Chúa giữa lúc họ bị bức hại, ông khuyên họ hãy đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường với nhau, ngay cả với những người đang tàn hại họ nữa (1 Phi-e-rơ 3:8-9).
Hôm nay, bạn thử đến với một người trong cái nhìn quan tâm, thăm hỏi, thông cảm với khó khăn của họ và tìm cách giúp đỡ họ. Bạn cũng nên thương xót vợ hay chồng và con cái mình, gánh vác bớt công việc của họ nếu được. Nên có những lời nói yêu thương, thông cảm, khích lệ. Đây là một thói quen thuộc linh gần với trái tim của Chúa nhất, vì Ngài là Đấng thương xót loài người chúng ta.
Xin Chúa đặt tấm lòng thương xót mọi người của Ngài vào tâm của con, để con nhìn mọi người như Chúa nhìn, và có lòng thương xót đối với họ như Ngài đã làm. Trong danh thánh Cứu Chúa Jêsus Christ. Amen.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com