“Vả, thì giờ về các cuộc đi đường của chúng ta, từ khi lìa khỏi Ca-đe-Ba-nê-a, tới lúc đi ngang qua khe Xê-rết, cộng là ba mươi tám năm, cho đến chừng các người chiến sĩ về đời ấy đã diệt mất khỏi trại quân, y như Đức Giê-hô-va đã thề cùng các người đó” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Tổ phụ người Ít-ra-ên phải mất bao nhiêu năm trong hoang mạc để đi từ Ca-đe-Ba-nê-a đến khe Xê-rết? Việc họ phải trải qua thời gian dài như vậy trong hoang mạc nói lên điều gì? Bạn học điều gì về Đức Chúa Trời qua bài học này?

Sau thất bại tại Ca-đe-Ba-nê-a của tổ phụ người Ít-ra-ên, Đức Chúa Trời vẫn dẫn dắt và đồng hành với họ trong suốt những năm tháng sống du mục nơi hoang mạc. Dân Chúa vẫn kinh nghiệm được tình yêu và sự chu cấp đầy đủ của Chúa, nhưng có một thực tế đáng buồn mà tổ phụ người Ít-ra-ên phải gánh chịu là họ không có phần được an hưởng nơi miền đất đượm sữa và mật mà Đức Chúa Trời hứa ban. Không phải vì Chúa tàn nhẫn với họ nhưng bởi vì chính họ là những người đã từ chối cơ hội được an hưởng ở miền đất hứa. Dù sự việc đã trôi qua rất lâu, nhưng hậu quả của tội bất tuân ấy vẫn còn đó. Bằng cớ là tổ phụ người Ít-ra-ên phải rày đây mai đó trong hoang mạc suốt ba mươi tám năm ròng. Có thể nói, trong suốt ba mươi tám năm ấy, từng người trong họ đã lần lượt ngã xuống, mỗi lễ an táng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tính nghiêm trọng của tội lỗi. Đó là lý do tại sao ông Môi-se cần phải kể lại câu chuyện lịch sử đau buồn này cho thế hệ mới của người Ít-ra-ên nghe. Mục đích của ông là nhằm cảnh tỉnh những người trẻ chớ xem thường tội lỗi, và cũng đừng rồ dại mà sống bội nghịch với Đức Chúa Trời của họ. Câu chuyện lịch sử này cũng giúp người Ít-ra-ên nhìn thấy Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng nhân từ, nhưng Ngài cũng là Đấng thánh khiết. Ngài yêu người Ít-ra-ên, nhưng không vì thế mà Ngài miễn trừ hậu quả của tội lỗi họ gây ra.

Bài học nhắc chúng ta hậu quả của tội lỗi nghiêm trọng hơn những gì chúng ta nhận thức về nó. Nếu hậu quả của tội lỗi không nghiêm trọng thì Đức Chúa Trời đã không sai Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu đến thế gian này để chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Thế nhưng, điều đáng buồn là nhiều người trong chúng ta không biết trân quý sự hy sinh của Chúa Giê-xu, nghĩ rằng Chúa luôn nhân từ nên vẫn sống vô kỷ luật, buông mình vào trong tội lỗi. Chúng ta cần nhớ, mọi tội lỗi đều để lại những hậu quả nghiêm trọng của nó, và chính chúng ta là người phải gánh chịu những hậu quả ấy. Thế nên, chúng ta cần nhận thức hậu quả khôn lường của tội lỗi để biết sống cách cẩn trọng theo tiêu chuẩn của Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải theo tiêu chuẩn của đạo đức đời này.

Bạn đã từng phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi như thế nào? Bạn được nhắc nhở gì qua bài học này?

Lạy Chúa, xin giúp con nhận thức tính chất nghiêm trọng của tội lỗi để con không sống buông tuồng theo tư dục của mình, nhưng một lòng sống theo tiêu chuẩn của Lời Chúa.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 9.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien