Các Quan Xét 10:1-28
“Họ bèn cất khỏi giữa mình các tà thần, rồi trở lại phục sự Đức Giê-hô-va; lòng Ngài buồn rầu về sự khốn khổ của Ít-ra-ên” (câu 16)
Câu hỏi suy ngẫm: Trong chương Kinh Thánh này có những vị quan xét nào? Kinh Thánh cho biết gì về thời của họ? Sau đó dân Chúa lại rơi vào tình trạng nào? Đức Chúa Trời nhắc họ điều gì? Lần nầy có gì khác với những lần trước? Bạn nghĩ gì khi đọc câu 16?
Kinh Thánh nói rất ngắn đến hai quan xét Thô-la và Giai-rơ, thời kỳ làm quan xét trên hai mươi năm của họ, chúng ta thấy đây là thời kỳ dân Chúa sống bình yên, an hòa; chắc chắn họ làm trọn trách nhiệm mà Chúa giao cho họ. Sau đó, phân đoạn này mô tả tình trạng sa sút thuộc linh một cách chi tiết hơn so với phần khởi đầu. Điệp khúc “Người Ít-ra-ên lại làm điều ác” tiếp tục vang lên cùng với một bản liệt kê một loạt các tà thần mà người Ít-ra-ên thờ lạy (câu 6). Sự thờ phượng này đã dẫn người Ít-ra-ên vào thời kỳ đau khổ và bị quân ngoại xâm áp bức triền miên, nhưng câu chuyện lần này có một số điểm khác biệt so với trước. Thứ nhất, Đức Chúa Trời nhắc họ về những lần Ngài đã giang tay ra giải cứu họ trong quá khứ, nhưng họ làm ngơ trước sự nhắc nhở của Ngài, vì thế Ngài thách thức họ tìm kiếm sự giúp đỡ nơi các thần hư không mà họ thờ lạy. Sau đó, người Ít-ra-ên nhận biết sai lầm của họ và tỏ lòng ăn năn thật bằng cách dẹp bỏ các thần tượng, rồi trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời. Tác giả mô tả lòng Đức Chúa Trời buồn rầu khi thấy dân Ngài đau khổ. Họ đáng bị trách phạt, đáng chịu đau khổ, đáng bị giày đạp, đáng bị từ bỏ nhưng lòng thương xót khiến Đức Chúa Trời không thể tiếp tục nhìn thấy họ bị hà hiếp và bị chà nát. Đó là điều luôn cho chúng ta hy vọng. Tại nơi đau khổ và đầy thất vọng có tiềm năng cho giải cứu, sự phục hưng từ tấm lòng của Đức Chúa Trời. Đó là điều đem lại hy vọng tươi mới để chúng ta cứ kiên trì cầu nguyện cho Hội Thánh đang sống trong thế giới đầy hỗn loạn và đau khổ này.
Bạn cầu nguyện cho mình thế nào? Bạn cần làm gì để sự phục hưng mau đến với Hội Thánh mình?
Lạy Chúa, nhiều lần lòng Ngài cũng buồn rầu vì sự khốn khổ trong tội lỗi của con. Xin Ngài mở lòng, mở trí của con để con hiểu điều này và giúp con luôn biết quý trọng sự giải cứu của Ngài.
Hãy Nói Không Và Có
Đọc:
2 Ti-mô-thê 2:20-22
Ai không làm điều công chính thì không thuộc về Đức Chúa Trời, ai không yêu thương anh em mình cũng vậy. – 1 Giăng 3:10
Khi chúng ta rửa tay để tẩy sạch cáu bẩn cùng vi trùng, thực sự chúng ta có tẩy được không? Không và có. Nói chính xác, xà phòng và nước, làm công việc đó, chớ không phải chúng ta. Nhưng chúng ta tự chọn dùng xà phòng và nước để rửa tay. Trong 2 Ti-mô-thê 2, sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta, “Vì vậy, nếu ai thanh tẩy mình… thì sẽ trở nên chiếc bình sang trọng” (c.21). Không có nghĩa tự sức mình, chúng ta có năng lực tẩy sạch khỏi tội. Đúng hơn, chúng ta dùng sự tẩy sạch do Chúa Giê-xu Cơ Đốc cung ứng, là Đấng đã chết thế chúng ta trên thập giá. Phi-líp 3:9 cho chúng ta biết, chúng ta “được ở trong Ngài, không phải nhờ sự công chính [của chúng ta] dựa trên luật pháp, mà nhờ đức tin nơi Đấng Cơ Đốc, là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời dựa trên đức tin.” Khi chúng ta tiếp nhận Đấng Cơ Đốc, sự chết cùng sự sống lại của Ngài giải thoát chúng ta khỏi nợ tội cùng quyền lực của tội lỗi, nhờ đó giúp chúng ta nói không và có, trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể nói không với những ham muốn xác thịt, hoặc “dục vọng tuổi trẻ” Phao-lô đã đề cập (2 Ti-mô-thê 2:22). Và chúng ta có thể nói có, với “sự công chính” (cư xử đúng), “đức tin” (niềm tin đúng), “tình yêu” (đáp ứng đúng), và “bình an” (tập chú đúng). Trong khi được tẩy sạch mỗi ngày, chúng ta sẽ “hữu dụng cho Thầy chúng ta, sẵn sàng cho mọi việc lành” (c.21). – Albert Lee
Suy nghĩ đúng dẫn tới nếp sống đúng.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com