“…Hãy cẩn thận về chức vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận lãnh, để làm cho thật trọn vẹn” (Cô-lô-se 4:17).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết lý do nào khiến ông phải thực hiện công tác rao giảng Phúc Âm? Điều gì đã “buộc” Sứ đồ Phao-lô vào chức vụ này? Bài học này cho thấy điều gì đã “buộc” bạn vào công tác phục vụ Đức Chúa Trời?
I Cô-rinh-tô 9:16–18 là lời giải thích thêm về điều Sứ đồ đã nói trong câu 15 về “cớ khoe mình” của ông. Một lần nữa, ông khẳng định rằng trong khi rao truyền Phúc Âm, ông chẳng có điều gì để tự hào về chính bản thân cũng như về tài hùng biện hay khả năng thuyết phục người khác tin theo đạo, nhưng chính là quyền phép của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Phúc Âm để cứu những người bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu
(I Cô-rinh-tô 1:18). Sứ đồ Phao-lô cho biết thêm chính Đức Chúa Trời đã đặt để nhu cầu rao truyền Phúc Âm trong tấm lòng của ông, và chính nhu cầu đó đã ràng buộc ông trong chức vụ. Nếu ông không thực hiện nhiệm vụ buộc ông phải làm (câu 16) thì sẽ rất khốn khó cho chính ông (câu 16). Khi xác định đó là nhu cầu của chính đời sống ông thì ông không thể có thái độ lúc vui thì làm, không vui thì không làm, song Sứ đồ Phao-lô cho biết trách nhiệm của ông là phải thực hiện công tác rao truyền Phúc Âm, dù ông không vui lòng mà làm đi nữa “thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi” (câu 17).
Nói như thế không có nghĩa rằng Sứ đồ Phao-lô đang miễn cưỡng để thực hiện trọng trách rao truyền Phúc Âm mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông (Công Vụ 9:1–16), nhưng ông muốn bày tỏ với các tín hữu tại
Cô-rinh-tô rằng ông chẳng có điều gì để tự hào hay khoe khoang về chính mình. Đời sống của ông hiện nay chỉ có một nhu cầu là rao truyền Phúc Âm của Đấng Christ đến với mọi đối tượng. Ông vui lòng được gắn kết với Đấng Christ và với công tác Ngài giao phó cho. Ông xem trách nhiệm rao truyền Phúc Âm của Chúa cho người chưa tin như là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Với tấm lòng yêu mến Chúa, ông khát khao thể hiện đời sống phụ thuộc vào Ngài khi trọn lòng buộc mình vào chức vụ Ngài giao phó.
Đây mới thật sự là tinh thần mỗi chúng ta cần có khi thực hiện công tác phục vụ Đức Chúa Trời. Nếu những công tác thuộc linh chúng ta nhận lãnh nơi Đức Chúa Trời chưa thật sự trở thành nhu cầu của đời sống chúng ta, chưa được xem là “lẽ cần buộc chúng ta” thì chúng ta vẫn còn làm trong tinh thần miễn cưỡng, hoặc vui thì làm, buồn thì nghỉ. Chúng ta cần cẩn trọng để thấy rằng chúng ta đã được Chúa giao phó trách nhiệm cho mình để hết lòng buộc mình vào chức vụ.
Bạn có thực hiện trách nhiệm Chúa giao cách vui lòng không?
Kính lạy Đức Chúa Trời của con! Con biết ơn Ngài vô cùng khi nhận được quyền năng cứu rỗi từ Ngài và được Ngài cho dự phần vào công việc Nhà Chúa, xin giúp con phục vụ với tấm lòng biết ơn Ngài để luôn luôn trung tín, chuyên tâm phục vụ trong những công tác Ngài tin dùng con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 14.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien