“Trong ngày đó, Ha-man đi ra vui vẻ và lòng hớn hở. Nhưng khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê ở nơi cửa vua không đứng dậy, cũng không chuyển động vì mình, bèn đầy dẫy lòng giận dữ Mạc-đô-chê” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao niềm kiêu hãnh của ông
Ha-man không trọn vẹn sau khi dự yến tiệc của Hoàng hậu Ê-xơ-tê? Vợ và bạn hữu của ông đã hiến kế gì cho ông? Làm thế nào để kiềm chế cơn giận và sống tha thứ theo lời Chúa?
Ông Ha-man kiêu hãnh trong lòng khi được dự yến tiệc riêng với Vua A-suê-ru và Hoàng hậu Ê-xơ-tê. Nhưng niềm vui và sự kiêu hãnh ấy nhanh chóng vụt tắt khi ông Ha-man thấy ông Mạc-đô-chê nơi cửa vua. Ông Ha-man nghĩ sau khi chiếu chỉ tiêu diệt người Giu-đa được ban bố thì ông Mạc-đô-chê phải khiếp sợ và thay đổi thái độ khi gặp ông. Nhưng thái độ điềm tĩnh và thần thái cương nghị của ông Mạc-đô-chê khiến ông Ha-man vô cùng giận dữ. Điều nghịch lý là ngay cả khi ông Ha-man đang sở hữu nhiều điều mà người người mong ước, thì ông cũng chưa thỏa mãn mà còn cảm thấy vô nghĩa, vì kẻ thù Mạc-đô-chê vẫn chưa chết và đang ngồi tại cửa vua. Chính bởi lòng thù hằn đang sục sôi trong lòng ông
Ha-man, nên vợ ông và bạn bè đã hiến kế cho ông đóng một cây mộc hình, tức giá treo cổ, rồi sáng mai xin vua treo ông Mạc-đô-chê lên đó. Kế sách độc ác ấy làm thỏa mãn cơn giận trong lòng ông Ha-man, nên ông đã cho dựng cây mộc hình. Lòng thù hằn đã khiến ông Ha-man mất hết lý trí, bằng mọi cách tiêu diệt ông Mạc-đô-chê ngay lập tức để thỏa mãn cơn giận của mình, dù rằng ông Mạc-đô-chê cũng đã cận kề ngày bị tuyệt diệt.
Khi để cơn giận dữ, lòng thù hằn cai trị trong lòng, chúng ta không bao giờ có niềm vui thỏa hay sự bình an trong cuộc sống, kể cả khi mình đang sở hữu nhiều điều có giá trị. Bởi lúc nào chúng ta cũng muốn tìm cách hạ bệ đối phương, nhất cử nhất động của đối phương đều tác động đến tâm trạng của chúng ta. Điều đáng nói hơn nữa là sự giận dữ và lòng thù hằn ấy sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian. Đó là lý do tại sao Chúa dặn chúng ta không được giận ai cho đến khi mặt trời lặn (Ê-phê-sô 4:26). Vì Chúa biết nếu chúng ta cứ giữ trong lòng những cơn giận ấy, sẽ có lúc lòng giận gia tăng rồi biến thành những hành động nguy hại. Thế nên, chúng ta phải biết kiềm chế cơn giận của mình, nhờ ơn Chúa để có thể tha thứ cho những ai đã vô tình hay cố ý làm tổn hại đến mình. Đây là một hành động thách thức lòng vị tha trong chúng ta. Để làm được điều này, hãy nhớ Chúa đã tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta rồi, và Ngài cũng mong muốn chúng ta tha thứ cho người khác.
Có cơn giận dữ hay lòng thù hằn nào mà bạn cứ giữ trong lòng bấy lâu không? Hãy trình dâng lên cho Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để cơn giận dữ khiến con đánh mất lý trí, làm những điều sai trật cùng Chúa. Xin cho con biết thứ tha cho người khác như chính Chúa đã thứ tha cho con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 8.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien